(LQ) BBT: Như tin đã đưa, sáng ngày 22- (11-2-Quý Tỵ) Tăng chúng chùa Giác Lâm đã trang nghiêm tổ chức lễ đặt đá đại trùng tu ngôi chánh điện; TT. Thích Phước Đạt đã đọc bài diễn văn nói lên quá trình hình thành ngôi chùa Giác Lâm. BBT lieuquanhue.vn giới thiệu toàn văn bài diễn văn đến toàn thể quý độc giả như một lời tri ân của Thượng tọa đến với chư tôn đức và quý Phật tử hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Trưởng Lão Hòa thượng Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chứng minh Đại Lễ,
Kính bạch Chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN,
chư Tôn đức Giáo phẩm Ban Ngành Viện Trung ương GHPGVN,
Kính bạch Chư Tôn đức Giáo phẩm Ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế và các Tỉnh thành lân cận.
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa Quý vị Quan khách,
Kính thưa quý vị Phật tử,
Thưa toàn thể quý liệt vị.
Kể từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ thứ nhất đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình dựng nước, giữ nước, mở nước. Trong tinh thần hộ quốc an dân, trụ tích trấn vương kỳ, tiếp nối dòng chảy của lịch sử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong vai trò là vị Vua – Thiền sư – Thái Thượng Hoàng, với sự kiện Huyền Trân Công chúa gắn liền với hai châu Ô và Rí (Lý), thực thi công cuộc hành trình mở nước, rồi đến Triều Nguyễn, Huế đã trở thành kinh đô Phật giáo cả nước với hệ thống các ngôi chùa chiền cổ kính, được nhìn nhận như là trung văn hóa tâm linh, văn hóa cả nước.
Ngôi cổ tự khiêm tốn ngày nay |
Chính nơi xứ sở thần kinh này, chư vị Tổ sư – những vị thầy tâm linh, khai sơn ra những Tùng lâm Pháp vũ, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn quần chúng Phật tử thực tập đời sống tâm linh hướng thiện, xây dựng một đời sống hạnh phúc và an lạc.
Tổ đình Giác Lâm, tọa lạc số 2/56 Đường Duy Tân, phường An Cựu Huế xưa kia vốn là một thảo am do Tổ Giác Hải, người làng Trung Kiên, Tổng Bích La, tỉnh Quảng Trị, sáng lập vào thời Nguyễn, năm Giáp Thìn, 1897. Ngài là một trong chín đệ tử xuất sắc “Cửu Giác” của Tổ Tâm Tịnh, khai sáng Tổ đình Tây Thiên – Huế. Ngài đến đây và lập thảo am, đặt tên là Duy Tôn tự. Chùa được đại trùng tu lần thứ nhất vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Bảo Đại thứ 4 (1929) lấy tên là Giác Lâm Tự cho đến ngày nay. Thời bấy giờ, Chùa Giác Lâm trở thành một nơi các quan lại và triều đình nhà Nguyễn đến để quy y nhập tự, tham vấn Phật pháp, đúng như lời ghi của một vị Quan Đại Thần thời Nguyễn:
“Giác ngạn triền sám trần từ phong vĩnh phiến
Lâm gian đăng diệu tướng huệ nhựt quang minh”
Tạm dịch là:
“Nơi bến Giác gột rửa bụi trần, những cơn gió lành luôn quạt thổi;
Bên triền đồi đốt đèn tướng tốt, mặt trời trí tuệ mãi sáng soi”.
Kế thừa là Hòa thượng Thích Khả Tấn (Ôn Giác Lâm), đệ tử cùng quê với Tổ Khai sơn; thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trú trì Tổ đình Giác Lâm là Tôn sư chúng con, đã đại trùng tu chùa lần thứ hai vào năm 1956, để giáo dưỡng đồ chúng xuất gia và tại gia.
Hơn một thế kỷ qua, theo quy luật của vô thường, chùa đã xuống cấp nhiều, cột kèo cũ kỹ, tường vách rạn nứt, mưa thì thấm dột, nắng thì mặt trời soi. Chánh điện lại chật hẹp, không đáp ứng hết nhu cầu tụng kinh bái sám của Tăng Ni Phật tử khi có đại lễ, và rất khó khăn trong việc tu tập.
Trong bối cảnh đất nước thái bình, xã hội phồn vinh, chưa bao giờ nhu cầu tu tập tâm linh của mọi người dân lại phát triển như hiện nay, các cơ sở tự viện khắp cả nước đã có thiện duyên đại trùng tu, mở rộng để đáp ứng việc tu học, hành pháp của chư Tăng Ni và Phật tử, xây dựng một đời sống hướng thiện, hạnh phúc an lạc.
Gần đây, các ngôi Danh lam, Tổ đình Huế đã và đang được trùng tu như Tổ đình Thuyền Tôn, Từ Đàm và nhiều Tự viện, Ni viện khác, … đã góp phần cho sự phát triển Đạo pháp hưng long, xã hội an hòa. Những năm tháng cuối đời, Hòa thượng Trú Trì Tôn sư của chúng con đã có ý nguyện đại trùng tu Tổ đình, nhưng do tuổi già sức yếu, Ngài đã viên tịch.
Nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, báo đáp ân đức Thầy Tổ, được sự chỉ dạy của chư Tôn đức GHPGVN, chư Tôn đức GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế và Môn phái Tổ đình Tây Thiên, chư Tăng Bổn tự phát nguyện Đại Trùng tu Tổ đình Giác Lâm để ngôi Tam Bảo được trang nghiêm, việc tu học của chư Tăng và Phật tử được thuận lợi và chư Hương linh bá tánh được thờ tự ấm cúng.
Sau ngày Tiểu tường cố Trưởng Lão Hòa thượng Tôn sư, chúng con đã tiến hành các thủ tục và lập dự án tái thiết trùng tu để xin phép Giáo hội và Môn phái, cũng như các cơ quan chức năng của Nhà nước. Chúng con đã mời Công ty Kiến trúc Đông A, thành phố Hồ Chí Minh, do Kiến trúc sư trưởng – Giám đốc Trần Anh Đoàn phát tâm cúng dường, chịu trách nhiệm thiết kế, sau đó đệ trình Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự và chư Tôn đức trong Ban Thường Trực Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét, có ý kiến chỉ đạo và thông qua, được Ủy Ban và Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp giấy phép xây dựng vào ngày 25/6/ 2012.
Và sẽ đại trùng tu quy mô theo mô hình nầy |
Công trình đại trùng tu xây dựng gồm 14 hạng mục, bao gồm Chánh điện, Điện Quan Âm Thế, cổng tam quan, cổng phụ 1, nhà Đông Lang, nhà Tây Lang, nhà Hậu, nhà Trai đường – Tăng xá, Khu gởi xe, nhà vệ sinh khách, sân trong, sân vườn, hồ sen, cổng phụ 2. Đơn vị thi công là Công ty Xây dựng 68 – Thành phố Huế.
Để hoàn thành Phật sự trọng đại này, chúng con là hàng hậu học, đức mỏng tài hèn, tài chánh thì hết sức eo hẹp, thiết nghĩ trên nhờ hồng ân Tam bảo chứng minh, gia hộ và ngưỡng mong Chư Tôn đức từ bi quang lâm chấn tích chứng minh, gia trì oai lực cho tâm nguyện của chúng con được thành tựu viên mãn. Và kính mong toàn thể đạo hữu, thiện nam tín nữ, các nhà hảo tâm và Phật tử các giới gần xa tuỳ hỷ trợ duyên cúng dường để cho Phật sự đại trùng tu Tổ đình Giác Lâm được sớm thành tựu.
Cuối cùng, chúng con thành tâm đảnh lễ và tri ân chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Ngành, Viện GHPGVN, Chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni lãnh đạo GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chư Tôn đức Tăng Ni tỉnh Thừa Thiên – Huế và các tỉnh thành lân cận đã quang lâm chứng minh tham dự, gia trì cầu nguyện, cúng dường.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quý vị khách, quý Lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trùng tu, xin tán thán và ghi nhận công đức quý vị quang lâm tham dự lễ đặt đá sáng hôm nay, và sự hoan hỷ phát tâm cúng dường của toàn thể đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.
Nguyện cầu Tam bảo gia hộ toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni thân tâm thường an lạc. Kính chúc tất cả quý Quan khách, quý Phật tử xa gần luôn được mạnh khỏe bình an, vạn sự kiết tường như ý. Xin thành tâm tri ân tất cả mọi nhân duyên tốt đẹp để thành tựu cho ngày Lễ đặt đá hôm nay.
Chúng con thành kính đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức và trân trọng kính chào quý liệt vị.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma ha tát .