Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Diễn văn khai mạc Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập...

Diễn văn khai mạc Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN

142
0

 

  

 
 
 
 
 
 
ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP GHPGVN
—————————– 
 DIỄN VĂN KHAI MẠC
của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

 

 
Kính bạch chư tôn Giáo phẩm trong Hội đồng chứng minh; chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và quý vị Cư sĩ trong Hội đồng Trị sự.
 
Kính thưa quý vị Đại biểu thuộc Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo Việt Nam, thuộc Ban ngành Trung ương Giáo hội.
 
Kính thưa Chư vị khách quý đại diện Chính quyền, Tổ chức, Đoàn thể, Cơ quan thân hữu
 
Kính thưa chư liệt vị.
 
Hôm nay, 7/11/2011, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội. Cũng trong ngày này 30 năm trước, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội gồm 165 đại biểu của 9 tổ chức và các hệ phái Phật giáo trên toàn đất nước Việt Nam.
 
Trong ngày trọng đại đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Giáo hội đã hoạt động trong hoàn cảnh đặc biệt vừa thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là nước nhà vừa được độc lập thống nhất, Tăng Ni Phật tử trên toàn quốc có nguyện vọng tha thiết là Phật giáo được thồng nhất và phát triển vững mạnh và chính sách ủng hộ tôn giáo tích cực tham gia xây dựng đất nước của Đảng và nhà nước.
 
Hoàn cảnh mới cũng đầy những khó khăn cho mọi hoạt động củng cố và phát triển của Giáo hội: Đất nước đang phải hàn gắn vết thương chiến tranh, đối mặt với những thế lực thù nghịch, phản động từ bên ngoài qua sự cấm vận, xuyên tạc, gây hoang mang, gây khó khăn cho việc ổn định và phát triển đất nước. Cùng với sự vượt khó và vươn lên mạnh mẽ của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phát triển không ngừng để có được như ngày nay.
 
Nhân đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập này, Giáo hội chân thành kính cẩn tưởng nhớ đến chư vị cố Đại lão Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội: cố Pháp chủ Hòa thượng Đức Nhuận, Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Mahasarây, Hòa thượng Thạch Xom; cố Chủ tịch Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Trí Thủ; cố Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử; cố Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Tâm Thông, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Từ Hạnh…và chư cố Đại lão Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, , quý vị cư sĩ trong cơ cấu nhân sự từ Trung ương đến Địa phương của Giáo hội. Đấy là những vị đã có công lao lớn trong việc củng cố và phát triển Giáo hội.
 
Những thành tựu của Giáo hội suốt 30 năm qua là liên tục, đều đặn và rất khả quan. Lát nữa đây, Ban Thư ký Hội đồng Trị sự sẽ tuyên đọc báo cáo tổng kết 30 năm hoạt động của Giáo hội qua nhiều lãnh vực, đủ các ban, ngành, viện Trung ương và Địa phương. Những minh họa rõ rệt trong từng cơ cấu của Giáo hội; ví dụ, nhiệm kỳ I có 50 thành viên Hội đồng Trị sự, đến nay, theo Hiến chương được sửa đổi và bổ sung, con số ấy là 147, tỷ số tăng trưởng ấy cũng là chung cho nhân sự ban ngành các cấp thuộc Giáo hội.
 
Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Tăng Sự, Hoằng Pháp, Giáo dục Tăng Ni, sự tham gia vào các công tác an sinh, từ thiện xã hội của Ban Từ thiện Xã hội; các cơ sở chùa chiền được trùng tu, xây dựng; sự nở rộ các ấn phẩm, kinh sách, nghiên cứu dịch thuật, báo chí, sự phong phú hợp tác thân hữu với các tổ chức Phật giáo thế giới…
 
Ngày nay, đất nước ta đã vươn lên từ những khó khăn của một quốc gia mới được độc lập, thống nhất, phải chịu nhiều mất mát đau thương, chịu nghèo khổ và chiến tranh, chịu sự thiếu ổn định về nhiều mặt hoạt động. Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và Phật giáo Việt Nam cũng liên tục đạt những thành tựu khả quan.
 
Lịch sử đã cho thấy hễ chính quyền ủng hộ Phật giáo thì đất nước mạnh và Phật giáo hưng thịnh; đất nước bị suy yếu thì Phật giáo cũng suy yếu. Ngược lại, có thể đánh giá sự thịnh suy của đất nước qua sự thịnh suy của Phật giáo. Văn hóa dân tộc có sự đóng góp lớn lao của Phật giáo về văn học, triết học, giáo dục, mỹ học, kiến trúc, nghệ thuật…Các nhà sư từng tham gia việc nước; chùa chiền từng là cơ sở giáo dục, từ thiện, là nơi an ủi, vỗ về, hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người. Do đó, có thể nói Phật giáo luôn ở trong lòng dân tộc, gần gũi, thân thiết với dân tộc; hay nói cách khác, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.
 
Giáo hội mong chờ qua cuộc hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam 30 năm phát triển và đồng hành cùng dân tộc”, các tham luận, phát biểu sẽ dựa vào báo cáo tổng kết 30 năm hoạt động của Giáo hội mà ban Thư ký sẽ tuyên đọc, dựa vào thực tế và nêu những suy nghĩ, lập luận về chất lượng của những thành tựu, nguyên nhân của các ưu khuyết điểm, cùng những ý kiến cụ thể về phương hướng hoạt động sắp tới của Giáo hội…
 
Đâu là sức mạnh để Giáo hội có thể phát triển bền vững lâu dài? Sức mạnh sẽ được tăng thêm nhờ phẩm chất tốt đẹp, sự tận tụy vì lý tưởng Phật giáo của chư Tăng Ni và Phật tử, sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân. Sức mạnh ấy căn bản vốn ở những người con Phật, gồm 5 gọi là 5 lực (ngũ lực) trong 37 phẩm trợ đạo. Đó là Tín lực, sức mạnh của niềm tin vào Tam bảo; Tấn lực, sức mạnh của niềm tin vào bốn chánh cần là những nỗ lực chân chính; Niệm lực, sức mạnh của niềm tin vào bốn niệm xứ để có được chánh niệm; Định lực, sức mạnh của niềm tin vào Thiền định để tẩy trừ phiền não, thanh tịnh tâm; và Huệ lực, sức mạnh của niềm tin vào việc quán niệm để có trí tuệ giải thoát.
 
Chỉ riêng với Tín lực, Kinh cũng đã phân biệt mười loại tín tâm; năm tâm đầu là tính chất và sự vận hành của năm lực trên; kế đến là Bất thoái tâm, cái tâm kiên định; Hồi hướng tâm, tâm chuyển công đức vào chúng sanh; Hộ pháp tâm, tâm một lòng vì đạo pháp; và Giới nguyện tâm, tâm giới hạnh.
 
Ngũ lực và thập tín vừa nêu chính là phẩm chất mà một vị Tỳ-kheo, thậm chí của một Phật tử, quyết tâm giữ vững, sở hữu trong tu tập và thực hiện các Phật sự.
 
Có được sức mạnh và niềm tin như thế, trong lúc hành pháp, làm Phật sự để đưa ánh sáng Phật giáo vào đời, chúng ta cần sử dụng những phương tiện thiện xảo, ví dụ sáu phương tiện mà Kinh Bồ-tát Địa Trì đã nêu: Tùy thuận thiện xảo tức là tùy theo căn cơ chúng sanh mà giảng pháp; Tập yếu thiện xảo là theo nhu cầu vật chất của chúng sanh mà ban bố cho họ; Dị tướng thiện xảo, đối với kẻ ngạo mạn hay kẻ ác thì phải hăm dọa khiến họ sợ hãi mà bỏ ác hành thiện; Bức bách xảo, không cung cấp vật dụng, trách phạt những người phạm giới khiến họ từ bỏ ác pháp; Báo ân thiện xảo, bố thí tài vật để chúng sanh khởi tâm báo ân, hồi hướng công đức cho cha mẹ và tin giữ giới hạnh; và Thanh tịnh thiện xảo, hòa nhập vào chúng sanh để khuyến tu khuyến thiện.
 
Kính thưa chư liệt vị
 
30 năm hoạt động với những thành tựu khả quan, Giáo hội xin hồi hướng công đức này đến Tam Bảo, đến hết thảy mọi chúng sanh, đến đất nước và nhân dân Việt Nam. Nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh và tất cả chúng sinh đều đạt niềm vui tự nội.
 
Kính chúc chư liệt vị thân tâm an lạc, thành tựu viên mãn mọi hoạt động vì đạo vì đời, ích nước lợi dân.
 
Xin cảm ơn chư liệt vị.
 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here