Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2551

DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2551

132
0

DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2551

CỦA HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN


—000—


Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni


Kính thưa toàn thể Quý Phật tử,


Giữa lúc những người con Phật trên khắp thế giới đón mừng ngày lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam vô cùng hân hoan hòa mình vào niềm vui lớn lao ấy. Chúng ta nhiếp tâm thật tĩnh lặng, sâu lắng để rồi hướng về thời điểm thiêng liêng của 2631 năm trước đây, khi Đức Phật ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ. Với tâm tĩnh lặng, sâu lắng, chúng ta như cảm nhận được sự hội tụ của nhân duyên hy hữu: Ánh sáng chan hòa ngập tràn vũ trụ, mặt đất rung chuyển, nhạc trời lừng vang, hoa trời tuôn rải, chư Thiên thành kính đảnh lễ Đức Bồ tát Hộ Minh từ trời Đâu Suất giáng trần, để rồi 36 năm sau trở thành Đấng Toàn Giác, Đại hùng, Đại lực, Đại bi, chuyển bánh xe pháp, tung rải ánh sáng giải thoát cho đời. Đất nước ta may mắn được đón nhận ánh sáng Đạo Phật từ hơn 20 thế kỷ qua. Ánh sáng ấy sớm đi vào lòng dân tộc, hòa nhập với các nguồn tín ngưỡng, tư tưởng, phong tục, tập quán của dân tộc để trở thành cái Hồn Việt tinh tuý, trở thành sức mạnh trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ánh sáng ấy phát xuất từ kim thân của Đức Phật khi Ngài xuất hiện trên đời dưới cội cây Vô Ưu.


Cũng như mọi ngày Rằm tháng Tư, ngày Đản sanh của Đấng Từ Phụ, chúng ta nhớ đến những lời kinh nói về sự xuất hiện ở đời của Ngài:


“Vui thay Phật ra đời, vui thay Pháp được giảng”


“Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang minh; là sự xuất hiện của thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải; là sự chứng ngộ của quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la Hán. Người ấy là ai? Chính là NHư Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng Chánh giác”.


“Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện là xuất hiện một người vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng Chánh giác. Chính người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu”.


“Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp ở đời. Người ấy là ai? Là Như lai, bậc A la hán, Chánh đẳng Chánh giác. Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp ở đời”.


Mừng ngày Phật đản, người con Phật trước hết là nhớ đến Phật, Chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tức là niệm Tam Bảo, mà Tam Bảo có thể tính là Phật. Nhớ đến Phật thì quyết tâm tu thân, làm theo lời Phật dạy. Đây cũng là ý nghĩa mọi Phật sự mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong suốt 26 năm qua kể từ ngày được thành lập. Cùng với sự phát triển của đất nước, Giáo hội cũng đã vững mạnh, phát triển và đã đạt được những thành quả tốt đẹp mà báo cáo tổng kết Phật sự nhân kỷ niệm 25 thành lập Giáo hội vừa qua đã nêu rõ. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đến một Phật sự quan trọng là việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội Phật giáo tại các Tỉnh – Thành đã và đang được thực hiện và sau đó là Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VI sẽ được tổ chức cuối năm nay tại Thủ đô hà Nội. Qua đó, vấn đề nhân sự và kế hoạch hoạt động trong 5 năm của nhiệm kỳ sắp tới là rất quan trọng, là nhân tố quyết định những thành tựu mới của Giáo hội . Ngay trong tháng 1/2007, tỉnh hội Bình Phước đã đi đầu trong việc tổ chức đại hội Phật giáo, sau đó là các Tỉnh hội An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Daklak, Quảng Ninh v.v… và đến nay đã có khoảng trên 20 trong số 53 Tỉnh – Thành hội đã tổ chức Đại hội, trong đó phải kể đến thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức Đại hội thành công viên mãn. Tôi mong mõi các Tỉnh – Thành hội Phật giáo vượt qua những khó khăn, thực hiện tốt sự đoàn kết hòa hợp, lấy trí huệ tập thể và tinh thần dân chủ để tiến hành tổng kết Phật sự, đề xuất kế hoạch hoạt động và nhất là thành lập được các Ban Trị sự vững mạnh, hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức, nội dung và nhân sự có tính kế thừa. Tôi hy vọng mỗi kỳ Đại hội tại các Tỉnh – Thành và Phật giáo toàn quốc vẫn luôn luôn là những cột mốc đánh dấu những chặng đường phát triển mới của Phật giáo Việt Nam.


Kính thưa Quý vị,


Đức Phật từng dạy: “Ta thương các vị hơn cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian để đối trị với cái xấu ác, loại trừ cái khổ sanh tử, khiến mọi người được năm đức, đạt đến cõi an ổn vô vi.” Lòng thương tưởng của Ngài đối với hết thảy chúng sanh thật vô hạn, vô biên. Lời kinh đã nêu lên ý nghĩa sự xuất hiện của Ngài trên đời, đó là lấy từ bi làm điểm xuất phát, lấy cứu khổ làm mục đích. Làm Phật sự tức là nhớ ơn Phật, biết ơn Phật, học hiểu và thực hiện lời Phật dạy, truyền bá Phật pháp cho đời. Nội dung này không thể thực hiện, cho nên Đức Phật đã ân cần nhắc nhở, khích lệ: “Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A la Hán, Chánh đẳng giác khó tìm được ở đời. hạng người thuyết giảng Pháp và Luật do Như lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người thực hành các Pháp và tuỳ pháp được hiểu từ lời thuyết giảng của Như lai khó tìm được ở đời. Người biết ơn và nhớ ơn khó tìm được ở đời.”


Nhân ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, tôi chân thành kính chúc Chư Tôn Giáo phẩm, Chư Hòa thường, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Quý Phật tử được thân tâm an lạc, Phật sự viên thành. Mong sao đất nước được phồn vinh và Giáo hội được xương minh. Nguyện cầu Tam Bảo phù hộ cho tất cả chúng ta và cho tất cả chúng sanh được bình an, hạnh lạc.


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here