Ở đây, sự mong muốn được xếp theo tiến trình cấp độ từ thấp đến cao. Những gì được thỏa mãn ở đời sống vật chất là tầng bậc cơ bản (basis needs), lại được số đông quan tâm; ngược lại, tầng bậc cao (metal needs) là sự thể hiện thành công trong lãnh vực tinh thần mà cụ thể là sự biểu hiện của trí tuệ chỉ chiếm thiểu số ở chóp tháp. Một nghịch lý rằng đời sống càng văn minh, con người hưởng thụ vật chất càng nhiều thì những khúc mắc trong cuộc sống gia tăng. Điệp khúc “khổ khổ”, cụ thể hơn “thật khổ tâm!" cứ được người đời buộc miệng, thậm chí có người tự kết liễu đời mình khi không tìm ra lối thoát.
Các tôn giáo lần lượt xuất hiện bao gồm những quan điểm mang tính siêu nhiên, huyền bí nhằm xoa dịu những bất an của con người và lý giải phần nào về vũ trụ và nhân sinh. Phật giáo, một tôn giáo duy nhất trong lịch sử nhân loại phủ nhận sự hiện hữu của một đấng giáo chủ mang tính siêu nhiên, mặc khải. Quan điểm của đạo Phật về thế giới quan và nhân sinh quan không nằm trong quy trình của “Đấng sáng thế”. Có thể nói Phật giáo là tôn giáo giúp nhân loại vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau. Có quá tự tin khi khẳng định như vậy chăng? Giá trị của một học thuyết được đánh giá bằng sự thể nghiệm thực chứng mà hiệu quả của nó có đáp ứng với mong muốn của con người hay không. Bài viết không tham vọng luận bàn chân giá trị siêu việt của triết lý tư tưởng Phật giáo mà chỉ giúp cho những ai đang trên đường tìm hiểu Phật giáo có niềm tin tuyệt đối về Tam Bảo, nơi nương tựa tinh thần vững chắc có năng lực đưa hành giả về bến đổ bình an.
Lời khẳng định của đức Phật 2600 năm trước không ngoài tâm nguyện “Đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” (2). Thế nên, vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, lúc xã hội Ấn Độ cổ đại có nhiều chuyển động mạnh mẽ về mặt tư tưởng triết học, nền văn hóa triết học Vệ-đà của Bà-la-môn giáo được xem là nền tảng thâm sâu của dân tộc Ấn bấy giờ đã trở nên chao đảo, hàng loạt tư tưởng của các tôn giáo đương thời theo trào lưu này đua nhau nở rộ. Mỗi tôn giáo có một quan điểm khác nhau, triết thuyết khác nhau và đều lấy con người làm trung tâm để xiển dương giáo thuyết của mình. Tuy nhiên, tất cả chỉ là một chiến trường hỗn loạn mà không thể đáp ứng vấn đề tâm linh, khiến lòng người hoang mang không có nơi quy hướng. Sự ra đời của Phật giáo như ngọn đuốc soi sáng con đường thoát khỏi khổ đau, đáp ứng nhu cầu bức thiết của thời đại. Ánh sáng đó được Sakyamuni giác ngộ dưới cội bồ đề qua suốt 49 ngày đêm tư duy thiền định. Quả vị chánh giác Ngài đã đạt, pháp vi diệu Ngài đã chứng. Sanh tử chấm dứt! Tuy nhiên, đức Thế Tôn không tự hưởng lạc mà bản nguyện độ sanh thôi thúc Ngài cất bước vào nhân thế để những ai đáng được độ Ngài sẽ độ. Những người đầu tiên hữu duyên được tiếp cận chánh pháp của Thế Tôn là năm anh em Kiều Trần Như. Tam Bảo hình thành!
Người học Phật, tu Phật không thể không biết về Tam Bảo, càng không thể gọi là Phật tử nếu không muốn nói là sẽ lạc bước giữa rừng sâu. Vậy Tam Bảo là gì? Tại sao chúng ta phải quy y Tam Bảo?
Tam Bảo nghĩa là ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng. Ở thế gian vàng, bạc, kim cương, san hô, mã não… được cho là những vật quý vì có công năng giúp người thỏa mãn thú vui vật chất, về phương diện tâm lý thì đôi lúc chính các thứ này đưa con người vào con đường khổ đau cùng cực. Năng lực của Tam Bảo không những giúp con người hóa giải những vấn đề trong cuộc sống hiện tại mà còn là chiếc phao cứu kẻ sắp chết đuối giữa dòng sông sanh tử. Quy y Tam Bảo tức hành giả quay về nương tựa vào Phật Pháp Tăng, đi trên con đường mà đức Đạo Sư đã đi, con đường liễu sanh thoát tử.
Nếu giáo chủ nhất thần hay đa thần giáo là những bậc có quyền năng tuyệt đối, là người duy nhất sáng tạo ra vũ trụ vạn hữu, là “đấng” tối ưu có thể ban thưởng hay giáng họa, đức Phật Sakyamuni Ngài là một con người bình thường đã “tự giác” quả vị tối thượng, một lòng mong muốn chúng sanh “khai tri kiến phật”, muốn “chỉ tri kiến Phật” cho chúng sanh, muốn chúng sanh “tỏ ngộ tri kiến Phật”, “vào đạo tri kiến Phật” hay nói cách khác chứng ngộ Phật quả như Ngài (“Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”) (3). Dưới con mắt của bậc chứng đạo, Phật và chúng sanh không khác, bình đẳng tánh, chúng sanh là những vị Phật chưa thành vậy. Một giáo chủ vĩ đại!
Có lần Đức Thế Tôn nói lý do xuất hiện của Ngài như sau: “Này các Tỳ kheo! Xưa cũng như nay, ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ…” (4).
Hay: “Thế gian có ba điều không vui, không ưa thích, không muốn nghĩ nhớ, đó là: già, bịnh và chết… Thế gian nếu không có ba điều này, Như Lai không xuất hiện ở thế gian, thế gian cũng không có Như Lai nói pháp, giáo giới…” (5). Nghĩa là đức Phật đã chỉ ra cái khổ trước mắt mà con người không thấy, trình bày phương pháp thoát ly khỏi sự ràng buộc mà nhân loại đang gánh chịu. Ngài cũng đã trầm tư về chân lý khổ này nên đã tự mình lội ngược dòng đời tìm ra chân lý, đem những gì đạt được chỉ dạy cho chúng sanh và chân lý có giá trị chỉ khi chính con người tự thân hành trì. Ở đây không có sự cứu rỗi, không có một sự ban thưởng nào từ “Người sáng đạo”.
Quy y Phật tức nương tựa bậc đã hoàn toàn chứng ngộ, là bậc “Nhất thiết trí”. Tuy nhiên, Ngài không cho rằng mình là “đấng toàn năng” mà chỉ là một Đạo sư (6) dẫn đường, là vị Lương y (7) tài tình có thể chữa khỏi mọi bệnh tật. Khỏi bệnh hay không, bệnh nhân là người quyết định vì nếu bệnh mà không uống thuốc thì dù thầy thuốc tài tình cũng đành chịu. Qua sự hướng dẫn của đức Phật, trầm luân hay giải thoát tùy thuộc vào hành giả, Ngài không thể “cứu rỗi” cho bất cứ ai. Thế mới biết đối với Phật giáo, bổn phận trách nhiệm với tự thân của mỗi người rất quan trọng.
Pháp chính là những gì đức Phật chứng ngộ. Với Phật nhãn, Ngài “thấy” rõ thực tánh của vạn pháp “duyên sanh”, “vô ngã”, “vô thường”, không thật mà chúng sanh lầm chấp cho đó là hằng hữu nên mới vướng mắc. Phật thương chúng sanh, chỉ đường cho chúng sanh ra khỏi. Tùy theo căn tánh của mỗi người mà dùng phương tiện khác nhau như nước trăm sông đổ biển cả, không còn giữ tên riêng của mỗi dòng sông mà tất cả đều có một vị là vị mặn của biển. Cũng vậy, giáo pháp của Thế Tôn tuy có nhiều pháp môn nhưng duy chỉ mang một vị là vị giải thoát. Nói cách khác pháp Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, là thuyền bè đưa hành giả qua sông, nương vào ngón tay để thấy trăng cũng như muốn sang sông phải cậy đến thuyền bè vậy. Nhờ giáo pháp Phật mà ta biết phát huy những đức tính từ bi, hỷ xả, trí tuệ, nhẫn nhục… để chuyển hóa vô minh phiền não hướng đến đạo quả bồ đề. Như vậy trở về nương tựa pháp, Phật tử tôn trọng tam tạng kinh điển, học hỏi thực hành lời dạy của Phật trong cuộc sống hằng ngày để có được niềm vui. Tư tưởng giáo lý Phật giáo là yếu tố khách quan, là con thuyền đưa lữ khách cập bến, lèo lái như thế nào để đến bến đổ an toàn là việc của hành giả. Quả vị giải thoát hội đủ yếu tố khách quan và chủ quan cho những ai không đủ nội lực để “vô Sư tự ngộ”.
Lại nữa, Pháp của Phật không có giáo điều, không buộc tín đồ tin một cách mù quáng mà niềm tin có được sau khi đã trãi nghiệm, thực chứng. Trong kinh ghi lại điển tích người dân Kàlàmà xứ Kesaputta hoang mang khi nhiều tu sĩ cũng như nhiều vị Bà-la-môn đến giảng đạo, ai cũng cho rằng giáo lý môn phái mình là cao cả và bài xích phái khác để khuyến dụ người dân Kàlama tin theo. Họ đã đến thỉnh ý Thế Tôn nên tin như thế nào. Đức Phật dạy “Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!” (8). Trí tuệ được đề cao.
Tăng là đệ tử Phật, những người tu hành sống hòa hợp, thanh tịnh, thay Phật hướng dẫn chúng sanh tu học đúng với chân lý. Tăng còn là người truyền trì mạng mạch Phật pháp làm lợi lạc quần sanh. Nương tựa Tăng bảo, Phật tử được gần gủi bậc thiện tri thức, các yếu tố bất thiện có cơ hội được chuyển hóa ngày một thiện lành đồng nghĩa làm phát triển đức tính hòa hợp trong tự thân, làm hành trang trên con đường về bến giác. Nếu tu học mà không có người chỉ dạy thì dễ gây lầm lỗi trong lúc hành trì, nên Tăng bảo đóng vai trò rất quan trọng trong ngôi nhà Phật giáo.
Sau khi Phật diệt độ Tam Bảo không vì thế mà bị khiếm khuyết mà chánh pháp trở thành bậc thầy của chúng sanh. Nương vào lời dạy của Thế Tôn để hành trì cũng không khác Ngài còn tại thế vậy. Một lần Thế Tôn đã ân cần nhắc đi nhắc lại công năng của chánh pháp và cách tu tập với hàng đệ tử như sau:
“Này A Nan! Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, và tự nương tựa chính mình. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa, làm hòn đảo, đừng nương tựa nơi nào khác” (9). Hoặc Ngài dạy lấy giới làm thầy nên sau này trong lễ quy y Tam Bảo còn truyền trao 5 giới, nhằm ngăn ngừa những điều bất thiện, phát triển đạo đức cá nhân.
Như vậy nếu Phật tử đã quy y Phật, nguyện trọn đời tôn thờ Phật, sống cuộc sống tỉnh thức như những gì Ngài đã sống thì không thể quy y bất cứ một thần linh, quỷ thần giáo chủ tôn giáo khác; nương tựa giáo lý của Phật, tức phát nguyện trọn đời không học bất cứ tà thuyết của ngoại đạo; quy y Tăng, nguyện sống trọn đời theo những gì thầy đã dạy, nương theo đức chư tăng, học hỏi giáo pháp để hướng thiện nhân cách, trau dồi đạo đức để mỗi ngày một thăng tiến hơn. Đoàn thể Tăng già là những vị thầy sẵn sàng chỉ dạy, cố vấn tinh thần hướng thượng cho Phât tử nên không thể gần gủi bạn ác, kết bè lập phái, gây tạo ác nghiệp trầm luân sanh tử.
Trong Kinh có dạy “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, chúng Tăng khó gặp” (10), khó như con rùa mù sống ở biển khơi, sau100 năm mới có thể nổi lên một lần, khi ngoi lên mặt biển nếu có ai quăng một khúc gỗ có lỗ hổng để có thể chui cổ vào mới thoát khỏi cuộc sống chìm đắm ở đại dương. Đức Phật kết luận rằng rùa chui được vào khúc gỗ còn nhanh hơn kẻ rơi vào đọa xứ được sanh làm người (11). Khó thay! Được làm người rồi không phải ai cũng có duyên gần gủi chánh pháp để tu học. Do đó, nếu đã tin Tam Bảo (tín) thì một lòng nỗ lực tu học (tấn); luôn tưởng nhớ đến Phật hoặc các pháp lành để an trụ tâm ý (niệm), định lực phát sinh (định); một khi có sự nhất tâm thì ánh sáng trí tuệ chiếu soi (tuệ) cũng có nghĩa là con đường sanh tử đã chấm dứt.
Như đã đề cập ở trên, Phật giáo là tôn giáo tự chứng tự ngộ nên không có giáo điều. Ngày nay, một vài tôn giáo muốn thu nhiếp thêm tín đồ, mở rộng lãnh thổ truyền giáo, nên đã sử dụng phương pháp thu phục nhân tâm mà đặc biệt các nước ở châu Á. Bằng nhiều hoạt động sử dụng những hình ảnh, ngôn từ tương tự với quan điểm truyền thống Phật giáo, mục đích đồng hóa dần dần khiến người ta dễ nhầm lẫn và chấp nhận (dĩ nhiên nội hàm hoàn toàn khác nhau). Lại nữa, khi nhu cầu căn bản nhất được đáp ứng, người ta sẵn sàng chấp nhận cải đổi tôn giáo mình đang theo. Do đó, Phật tử đừng bao giờ đánh mất truyền thống tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp mà lịch sử cha ông để lại, phải có chánh kiến, dùng trí tuệ quán chiếu phá tan những tham muốn hào nhoáng bên ngoài để giữ gìn bảo ngọc của mình. Hãy nương tựa vào Tam Bảo, một điểm tựa bình an. Mong thay!
H.K
Chú thích:
1 Tháp nhu cầu của Maslow (tiếng Anh: Maslow’s hierarchy of needs) được nhà tâm lý học Abraham Maslow đưa ra vào năm 1943 trong bài viết A Theory of Human Motivation. Ông cho rằng nhu cầu của con người chia thành 5 tầng theo hình tháp. Những nhu cầu cơ bản dưới đáy phải được thỏa mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn. Tầng thứ nhất: Các nhu cầu về căn bản nhất thuộc "thể lý" (physiological) – thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi; Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) – cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo; Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) – muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy; Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) – cần có cảm giác được tôn trọng, kinh mến, được tin tưởng; Tẩng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt
2ĐTKVN, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 1, tr. 46
3Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch, “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Tri Âm” , quyển 4. [No. 608, p. 364 b
4 HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, ‘Kinh Vị Dụ Con Rắn’ (Trường CCPHVN ấn hành, 1986).
5 “Kinh Tạp A Hàm” kinh số 760, (ĐCT2, tờ 199b-200a).
6 Xem Kinh “Tạp A Hàm”, kinh số 271, (ĐCT2, tr.71)
7 Xem kinh “Tạp A Hàm”, kinh số 389, (ĐCT2, tr. 105)
8ĐTKVN, “Tăng Chi 1”, trang 347
9 Xem kinh “Tạp A Hàm”, kinh số 638 và 639, (ĐCT2, tr. 176-177)
10 Trí Quang dịch, “Kinh Thủy Sám”, in 1994, tr.194
11 ĐTKVN, “Tương Ưng Bộ V”, chương 12, phẩm Vực thẳm, phần Lỗ khóa, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 659