Trang chủ Phật giáo khắp nơi Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam

Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam

129
0

Hiện tượng văn hóa quan trọng nhất

Thuyết trình của dịch giả Trần Trọng Dương đề cập đến một hiện tượng văn hóa có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam trong suốt 1.000 năm, từ đời Lý Trần cho đến năm 1945. Đó là việc dịch thuật kinh tạng Phật giáo sang chữ Nôm (tiếng Việt).

Kết quả của nó là hàng trăm dịch phẩm cũng như áng văn chương của các nhà sư, quan lại cũng như các hoàng đế còn lại cho đến nay, góp phần tạo nên sự phong phú cho văn hiến của dân tộc. Buổi thuyết trình sẽ chú trọng đề cập đến một số tác phẩm sớm nhất trong lịch sử Việt Nam xuất hiện vào đời Trần. Từ đó, sẽ đề cập đến một số ngôi chùa cổ với tư cách là những trung tâm giáo dục, dịch thuật cũng như xuất bản của Việt Nam trong lịch sử.

 
Nhà nghiên cứu, dịch giả Trần Trọng Dương

Dịch thuật nói chung và dịch thuật các kinh điển tôn giáo nói riêng có thể nói là một trong những phương thức truyền tải văn hóa quan trọng hàng đầu của mọi quốc gia ở mọi thời điểm trong lịch sử.

Ở Việt Nam, dịch thuật kinh điển Phật giáo có thể nói là hiện tượng sớm nhất, có truyền thống cả ngàn năm, và nó đã có những tác động sâu đậm đến rất nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa, trong tâm lý dân tộc, ít nhất  khoảng 1.000 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi tạm thời chỉ dừng lại ở khía cạnh sự ảnh hưởng của thuật kinh Phật đối với văn hiến Việt Nam qua các tài liệu thư tịch Hán Nôm.

Lịch sử dịch thuật kinh Phật ở Việt Nam trước thế kỷ X

Sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp đời Trần còn ghi lại câu chuyện họ Việt Thường thời Hùng Vương, đã đến đặt quan hệ ngoại giao với Nhà Chu (Trung Quốc). Trong đó, khi giao tiếp, phải chuyển ngữ đến vài lần (cửu dịch). Chuyện huyền sử ấy chưa xác minh được thực hư, nhưng có thể mường tượng được rằng, nhu cầu thông ngôn, hơn nữa là dịch thuật ít nhiều đã là một sự thực. Có người còn đẩy xa hơn, coi cuộc tiếp xúc lịch sử này ắt hẳn không thể thiếu " tiếng Văn Lang "- ngôn ngữ của thời đại Hùng Vương.

Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục (1752) có ghi, Già Ca Đồ Lê (Ksudra) và Ma Ha Kỳ vực (Marajivaca) người Ấn Độ đã từng đến một trung tâm dịch thuật kinh điển ở Giao Châu (Việt Nam thời Bắc Thuộc) vào thế kỷ thứ II.

Hai sách Cao tăng truyện (Huệ Hạo (497-554) ở thời nhà Lương biên soạn) và Khai nguyên thích giáo lục (đời Đường, Trí Thăng soạn) còn ghi Khương Tăng Hội đã đến Giao Châu tu hành và dịch sách Phật. Sách này cũng ghi Chi Cường Lương Tiếp (người Trung Á) từng dịch kinh Pháp hoa tam muội tại Giao Châu vào năm 225.

PGS Trần Nghĩa cho rằng « công việc dịch thuật của những người nước ngoài trên đây khó lòng thành tựu, nếu không có sự tiếp tay của các dịch giả bản xứ».

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những thông tin trên chỉ cho phép chúng ta đi đến nhận định rằng, vào thời thuộc Bắc, ở Giao Châu đã có hiện tượng chuyển dịch kinh Phật. Nhưng, khó có thể xác quyết rằng đó là dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Việt, hoặc dễ hiểu hơn ngôn ngữ đích có lẽ là tiếng Hán. Vì thời đó, ngôn ngữ bản địa đang tồn tại ở một trạng thái rất khác so với tiếng Việt sau này.

Lê Mạnh Thát trong cuốn “Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta”  đã giành hẳn chương IV để viết về “Vấn đề tiếng Việt thời Hùng Vương”. Trong đó, ông trực tiếp đề cập đến vấn đề dịch thuật cuốn Lục độ tập kinh. Cụ thể là, các học giả đã tiến hành  dịch thuật cuốn sách này từ tiếng Phạn sang tiếng Việt vào thời Hùng  Vương, và quan trọng hơn nữa là sau đó lại dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hán.

Nhưng, từ những giả thuyết theo kiểu “chồng trứng” , TS Lê Mạnh Thát đã thực hiện một thao tác trước nay chưa từng biết đến: ĐI TÌM DIỆN MẠO TIẾNG VIỆT THỜI HÙNG VƯƠNG QUA “LỤC ĐỘ TẬP KINH” – MỘT BẢN HÁN VĂN.

Mặt khác, giới khảo cổ học, thư tịch học đến nay cũng không thể tìm thấy một chút di văn nào, hay một tác phẩm dịch thuật nào từ thế kỷ X đổ về trước.

Hai tác phẩm dịch thuật kinh Phật cổ nhất

Dịch phẩm được coi là cổ nhất còn lại cho đến nay là bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Theo GS.TS Nguyễn Quang Hồng, đây là tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt (dưới hình thức chữ Nôm) vào quãng thế kỷ XII. 


 
 Một trang sách Phật thuyết

Dịch phẩm được coi là cổ thứ hai  là cuốn Thiền tông khóa hư ngữ lục. Như ta biết, Khóa hư lục là tác phẩm của hoàng đế Trần Thái Tông. Tác phẩm này đã được thiền sư, y sư Tuệ Tĩnh dịch Nôm vào cuối thế kỷ XIV.

Hai dịch phẩm này có ý nghĩa như sau:

– Khóa hư lục giải nghĩa, cùng với Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có thể coi là một trong hai bản dịch văn xuôi đầu tiên trong lịch sử dịch thuật của dân tộc.

– Đây cũng có thể coi là một trong hai áng văn xuôi bằng tiếng Việt còn lại của thời Lý – Trần.

– Dịch phẩm này, cùng với phú Nôm của Phật hoàng Trần Nhân Tông và bản dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, là 3 tư liệu văn hiến sớm nhất mang bản sắc Việt còn lại cho đến nay.

– Với bản giải nghĩa sách Khóa hư lục,  Tuệ Tĩnh là dịch giả có danh tính sớm nhất trong lịch sử.

Dịch thuật kinh tạng Phật giáo đối với tiếng Việt

Việc dịch thuật kinh Phật có thể coi là một điều kiện để hoàn thiện tiếng Việt. Chính trong môi trường dịch thuật này, các từ Hán Việt cũng như các thuật ngữ tôn giáo (nhất là của Phật giáo, Nho giáo…) đã được du nhập vào hệ thống từ vựng của tiếng Việt. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng nhất để ngôn ngữ bản địa tách khỏi tiếng Việt Mường, để định hình hóa như là một thứ tiếng dân tộc Việt như ngày nay.

Ví dụ : có những từ đã gia nhập vào tiếng Việt sâu đến mức người Việt cũng ít khi nhận ra như kiếp, nhân duyên, hằng hà sa số. Đó là trường hợp từ « chùa chiền » vốn được dịch từ chữ « Thiền tự ». Theo ngữ âm học lịch sử, chùa âm đọc của chữ Tự, và chiền là âm đọc cổ của chữ Thiền vào quãng thế kỷ thứ VI.

Một ví dụ khác, từ BỤT vốn là âm cổ của từ Phật trước đời Đường. Nhưng khi vào văn hóa Việt Nam, BỤT đã được Việt hóa hoàn toàn trở thành một ông Tiên chuyên cứu giúp người lành. Người Việt có những câu như : lành như Bụt (chữ lành ở đây là một từ Việt cổ dùng để dịch từ TỪ của Phật giáo), ngoài ra tiếng Việt còn có nhiều tên gọi khác như Bụt Ốc, Bụt ướt áo. Dân gian có nhiều câu tục ngữ ca dao có nói đến Bụt, như : Bụt chùa nhà không thiêng, Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.

Hay một từ khác như từ « bến mê » được dịch từ thuật ngữ « mê tân », từ « bể khổ » được dich từ thuật ngữ « khổ hải » của nhà Phật. Trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (tk XVIII) có viết:

"Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê"

Đến nay, các từ ngữ thuật ngữ Phật giáo tối thiều (qua từ điển Phật Học Hán Việt, 1998) đã lên đến khoảng 20.000 từ, và đã gia nhập vào tiếng Việt với số lượng chưa thống kê được hết. Cuốn Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý , 1998) mới chỉ tiếp thu khoảng 390 từ, đây là một trong những bất cập của từ điển này.

Có thể nói, việc dịch kinh Phật từ chữ Hán sang chữ Nôm là một đóng góp không nhỏ cho tiếng Việt, trong suốt lịch sử. Nó làm cho tiếng Việt giàu có thêm, phong phú thêm, khiến cho tiếng Việt được tôi luyện để trở thành một thứ ngôn ngữ của triết học và tôn giáo.

Nhà chùa với việc dịch thuật, tổ chức in ấn, xuất bản

Thiền tự, trước nay, chúng ta thường biết là nơi tu hành của các thiền sư. Nhưng, chức năng của các thiền tự trong xã hội Đại Việt trong suốt lịch sử lại khá đa dạng. Chùa là một đơn vị lao động sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Chùa là một kiểu trường học « đặc biệt » để dạy chữ Hán, dạy kinh điển Nho- Phật- Đạo. Chùa là vườn thuốc (dược viên), nơi nghiên cứu y học và chữa bệnh… Và còn nhiều chức năng khác nữa.

Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến chức năng dịch thuật và in ấn kinh sách của nhà chùa. Các nơi chùa tổ, là nơi đào tạo trí thức, và cũng là nơi tổ chức dịch thuật, in ấn các kinh sách với số lượng lớn. Kinh sách dịch xong liền được đem khắc ván ngay tại trong chùa. Các bản dịch được in ra phát cho các chùa khác và cho tín chủ.

Ở miền Bắc hiện nay còn rất nhiều chùa còn trữ các ván in này. Có thể coi, chùa là « một kiểu nhà xuất bản » thời xưa.

Chữ Nôm sản phầm của các thiền sư khi dịch thuật kinh Phật

Chữ Nôm là loại văn tự duy nhất trong lịch sử do chính người Việt tạo ra để ghi lại tiếng mẹ đẻ của mình. Chữ Nôm có vai trò quan trọng trong hình thành, phát triển và bảo lưu văn hoá và diễn dịch văn học Việt Nam. Quá trình đó, chữ Nôm có vai trò không nhỏ với việc truyền bá, bảo lưu văn hoá Phật giáo.

Thực tế cho thấy, văn học Việt Nam thời phong kiến, những tác phẩm còn đến ngày nay nhiều phần là tác phẩm Phật giáo, trong đó các dịch phẩm chữ Nôm chiếm địa vị không nhỏ, và có ý nghĩa đặc biệt trong nghiên cứu văn hoá, ngôn ngữ người Việt. Ở một khía cạnh, có thể nói, chữ Nôm là một sản phẩm của giới tăng lữ nhà Chùa, cũng như nhiều văn tự khác trên thế giới là sản phẩm của những người truyền giáo.

Việc phát minh ra chữ viết có thể coi là một bước trưởng thành lớn của bất kỳ một dân tộc nào. Bởi chữ viết là một loại vật chất có thể lưu giữ âm thanh, hơn thế hình thức của nó khi đã được cố định hóa (định bản) trên đá, gỗ, gốm, giấy… thì khả năng truyền dẫn của nó đã được kéo dài hơn rất nhiều so với tiếng nói.

Chữ Nôm đã trở thành công cụ dịch thuật kinh Phật từ tiếng Hán sang tiếng Việt trong suốt 1000 năm qua. Và quá trình dịch thuật ấy đã nảy sinh nhiều yếu tố ngôn ngữ văn tự ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam.

Theo Tamnhin.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here