Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ: Bài I: Phật giáo...

Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ: Bài I: Phật giáo nuôi dưỡng Lý Công Uẩn(*)

143
0

Chúng tôi tìm đến Tiêu Sơn tự (còn có tên chùa Lục Tổ), tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sử cũ ghi: "Chùa là một thiền viện, đào tạo các bậc cao tăng và cung cấp kinh sách cho nhiều chùa trong nước". Có thể nói không ngoa rằng: đây là nơi đã khai sinh ra triều đại nhà Lý, bởi Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng và hun đúc tài năng tại đây, nhờ trí tuệ và tâm huyết của Thiền sư Vạn Hạnh. Trên cột nhà bia còn lưu câu đối chữ Hán: "Lý gia linh tích tồn bi kỷ/Tiêu lĩnh danh kha đắc sử truyền" (Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc/Danh thắng non tiên có sử truyền).

Ngôi chùa trên đỉnh Tiêu Sơn đóng vai trò "vọng sơn đài", từ đây nhìn bao quát một vùng đất rộng lớn của miền quan họ, từng được nhà Hán đặt làm thủ phủ Long Biên. Thiền sư Vạn Hạnh sinh ra trong một đại thế tộc ở làng Đình Bảng, cách núi Tiêu 3km. Từ nhỏ Ngài đã thông minh xuất chúng, thông hiểu "bách gia chư tử", "tam giáo" (đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho). Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia, trở thành học trò xuất sắc nhất của dòng thiền Vinitaruchi (Tỳ Ni Đa Lưu Chi), được vua Lê Đại Hành vô cùng tôn kính, sử dụng làm cố vấn chính trị của vương triều Tiền Lê. Với kiến thức sâu rộng, đặc biệt thông hiểu kinh Bảo Vương Tam Muội (Tổng tri Tam ma địa), nên mỗi lời Ngài nói ra đều được nhân dân coi là sấm truyền, luôn được vua Lê Đại Hành nghe theo.

chieudoi do.jpg

Chiếu dời đô 

Lý Công Uẩn được sư Lý Khánh Văn ở chùa Dận (nay thuộc Đình Bảng) nhận làm con nuôi từ năm lên 3 tuổi. Sau đó, ông được gửi vào chùa Lục Tổ (tức chùa Tiêu) theo học Thiền sư Vạn Hạnh. Lý Công Uẩn thông minh, nhưng ít lo việc kinh sử mà chỉ thích làm những việc lớn. Thiền sư Vạn Hạnh khen: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ". Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vạn Hạnh bảo Lý Công Uẩn rằng: Mới rồi tôi trông thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà nắm binh quyền trong tay, người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa!". Vạn Hạnh đã giới thiệu Lý Công Uẩn lên vua Lê, được Lê Đại Hành tin dùng, đưa lên những chức vụ quan trọng trong triều đình Hoa Lư. Năm 1005, Công Uẩn được giữ chức Điện tiền quân thời Lê Trung Tông và sau được thăng lên Tứ Sương quân Phó chỉ huy sứ, rồi lên chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005-1009). Ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (21-11-1009) tại kinh đô Hoa Lư, Lý Công Uẩn được triều thần suy tôn lên ngôi vua, lập nên vương triều Lý, mở ra thời kỳ phục hưng toàn diện đất nước.

Không chỉ là người có công kiến tạo triều Lý, Thiền sư Vạn Hạnh còn là người đã khai sinh ra nền văn học viết của nước ta, với 3 thể loại văn học đầu tiên: sấm ký, khuyến, kệ. Ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào năm 1010, đã tôn vinh Vạn Hạnh làm Quốc sư.

Mặc dù công nghiệp của Lý Công Uẩn rất vĩ đại, nhưng sử sách lại chép không rõ ràng về lai lịch của ông. Tất cả các bộ sử cũ của nước ta, thường không chép, hoặc không xác định được ai là cha của Lý Thái Tổ. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua họ Lý, húy là người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là họ Phạm, đi chơi ở chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình nhà Đinh năm thứ 5 (8-3-974)". Có tài liệu cho rằng Lý Thái Tổ là con của Thần Khỉ, con của Lão Sa Môn, Thánh Tổ Hiển Tông, thậm chí có tài liệu nói rằng ông là con của Thiền sư Vạn Hạnh. Sở dĩ ông mang họ Lý là vì Vạn Hạnh đã "bố trí" cho em ruột của mình là sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi để hợp thức hóa tên người họ Lý cho người con trai đích thực của mình. Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên chỉ là truyền thuyết, do sự suy diễn hoặc sáng tác của dân gian, chứ chưa có chứng lý rõ ràng. Cách đây 200 năm, các sử gia biên soạn Quốc sử quán triều Nguyễn cũng phải ghi rằng: "Gốc tích họ Lý lờ mờ không khảo được…" và đành khuất phục "xin hãy chép lại để khảo về sau".

chuatieu.jpg

Lối lên Chùa Tiêu

Tất cả các bộ sử sách cũ đều chép thống nhất rằng Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp. Tuy nhiên, châu Cổ Pháp xưa rất rộng, bao gồm các huyện Tiên Du, Từ Sơn (Bắc Ninh); Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) ngày nay. Đã có một thời, mỗi khi nói đến quê hương nhà Lý là người ta nghĩ ngay đến làng Đình Bảng ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), chỉ vì tại đây có đền Đô (đền Lý Bát Đế) thờ 8 vị vua triều Lý, mặc dù ai cũng biết châu Cổ Pháp xưa không phải chỉ có một làng Đình Bảng. Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cho đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đã thừa nhận trong cuốn sách Làng Dương Lôi với vương triều Lý: "Sai lầm lớn nhất của tôi trước năm 1994 là khi bàn về quê hương nhà Lý đã quá chú trọng đến làng Đình Bảng-và cũng ngây thơ khi chuyển Dịch Bảng thành Đình Bảng". Thực ra, những quan niệm sơ suất có phần chủ quan này đâu phải chỉ có ở riêng vị GS trong nhóm Tứ trụ của nền khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại, mà là của cả thế hệ ông. Vào những năm cuối đời, GS. Trần Quốc Vượng đã khẳng định một bước tiến rất xa trong quá trình nghiên cứu, nhận diện quê hương nhà Lý. Những công trình nghiên cứu của GS đã phát hiện ra rằng, Dương Lôi mới là nơi hội tụ nhiều nhất những di tích liên quan đến Lý Công Uẩn, cùng với truyền thuyết dân gian về bà Phạm Thị và Lý Công Uẩn lúc chào đời. GS phát hiện ra rằng, tại làng Đình Bảng, mặc dù đã được nghiên cứu nhiều, khảo sát nhiều nhưng hầu như không thấy di tích đáng kể nào về gia đình (cha, mẹ), dòng họ hay tuổi thơ của Lý Công Uẩn. Đình Bảng cũng chưa bao giờ thờ các vị vua nhà Lý làm thành hoàng. Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý là di tích quốc gia, lấy người địa phương phụng sự theo quy định Nhà nước, do triều đình các thời đại trước xây dựng chứ nguyên ủy không phải là đền hay miếu của làng Đình Bảng. Nhưng Dương Lôi là làng thờ Minh Đức Thái Hậu và thờ 8 vị vua nhà Lý làm thành hoàng làng. Đền Lý triều Thánh Mẫu ở Dương Lôi tuy mới chỉ được dựng lại từ năm 1997, nhưng được dựng trên nền ngôi đền cổ bị đổ nát từ thời kháng chiến chống Pháp. Trong đền ngày nay vẫn còn giữ được bức đại tự "Cổ Pháp triệu cơ" và trước cửa đền có "Thiên đài thạch trụ" dựng năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705) xác nhận: "…Cổ tích Lý triều Thiên thánh là Dương Lôi đất báu tối thiêng…".

Ngày nay, đền thờ Lý triều Thánh Mẫu vẫn còn giữ được 9 đạo sắc phong của các triều vua xưa "giao cho dân Dương Lôi tòng tiền phụng sự Lý triều Hoàng đế bát vị". Trong các cuốn sách Làng Dương Lôi với vương triều Lý xuất bản năm 2000 và sách Lý Công Uẩn với vương triều Lý xuất bản năm 2001, GS Trần Quốc Vượng đã đưa ra kết luận rằng Đình Bảng là quê cha, còn Dương Lôi là quê mẹ của Lý Công Uẩn.

Theo GNO

(*) Mặc dù công nghiệp của Lý Thái Tổ vĩ đại, nhưng sử sách lại chép không rõ ràng về lai lịch và quê hương của ông. Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học lịch sử đã khai quật nghiên cứu tại làng Mai Lâm (xưa tên Hoa Lâm) và đã tìm thấy nhiều chứng tích cho thấy đây chính là quê ngoại của vua Lý Công Uẩn. Vào năm 2005, ngay sau khi một số di vật quý được phát hiện tại nền chùa Phúc Lâm, tôi đã đến tìm hiểu và viết bài đăng trên báo Giác Ngộ. Mới đây, trở lại thăm chùa Phúc Lâm, cũng như xã Mai Lâm, tôi được Đại đức Thích Thanh Trung cung cấp cho rất nhiều tư liệu mới, bao gồm tư liệu do các nhà khảo cổ, lịch sử để lại cho nhà chùa, tư liệu của các hậu duệ nhà Lý. Thời gian gần đây, nhiều người hậu duệ nhà Lý từ khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài đã tìm về chùa Phúc Lâm, thăm lại quê cha đất tổ. Trao cho tôi mượn một cuốn sách dày hơn 1.000 trang để tham khảo, ĐĐ.Thanh Trung chia sẻ: "Tôi vừa mới nhận được cuốn sách này do những người họ Nguyễn gốc Lý viết, tác giả Vân Lộc Foundation là con cháu cụ Nguyễn Tư Giản hiện đang định cư tại Mỹ. Cuốn sách với rất nhiều thông tin quý giá về nguồn gốc nhà Lý, và phả hệ của con cháu thuộc gia tộc nhà Lý, mới chỉ được in và phát hành tại Mỹ, đây là tư liệu rất quý vì lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Cách đây vài tháng, tác giả về nước thăm chùa Phúc Lâm, và giờ đây gửi tặng sách cho tôi qua đường bưu điện. Tôi vừa nhận được sách 2 ngày, thì anh đến. Cứ như cơ duyên xui anh đến đây vậy, nên tôi cho anh mượn để đọc trước". Qua đây, tôi xin cảm ơn ĐĐ.Thanh Trung đã giúp tôi có được tư liệu nhận diện rõ hơn về quê hương nhà Lý.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here