Angkor Thom: tượng Quan Thế Âm 4 mặt
Nằm cách Angkor Wat 3km về hướng bắc, thành Angkor Thom được xây cất vào giữa thế kỷ XIII, dưới triều vua Jayvanma VII. Thành này được thể hiện phỏng theo câu chuyện thần thoại của Ấn Độ Giáo “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh“.
Angkor Thom hình vuông vắn, mỗi chiều 3000m, có thành cao 8m bao bọc chung quanh, bên ngoài thành là hào rộng 100m; tương truyền ngày xưa có nuôi nhiều cá sấu để bảo vệ thành. Thành có 5 cổng, cổng cao 20m, dọc hai bên là những thân voi đá đầu là đức Phật Quan Thế Âm (Avalokitecvara) 4 mặt khổng lồ.
Trước mỗi cổng, một bên là tượng của 54 vị thần Deva; bên kia là tượng của 54 tượng quỷ Asura; tất cả đều đang ra sức ghì chặt thần của rắn thần Vasuki, như một cảnh thể hiện sự tích “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” trên vách đền Angkor Wat.
Một số những công trình bên trong gồm có: Đền Bayon do vua Jayarvarman II xây dựng lên ở chính giữa thành Angkor Thom, thờ Phật Quan thế Âm có 4 mặt.
Ngôi đền vốn bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ nay. Di tích còn lại là những bức tranh chạm nổi trên tường sa thạch dài tổng cộng 1200m, với hơn 11.000 hình vẽ, mô tả cảnh sinh hoạt của vua quan, sư sãi, lính tráng, dân chúng… Đặc biệt là 54 tháp cao trên 10m, trong đó có 43 tháp hình đầu đức Quan Thế Âm Bồ Tát. 172 khuôn mặt giống nhau chiều cao 2, 3m, cái ở trên cao, cái ở dưới thấp, cái sáng một nửa, cái sáng một góc, cái tối cả, hướng về khắp bốn phương trời; cái nào cũng có cặp mắt khoan hoà nhân hậu.
Đền Bapoun cao và đồ sộ hơn đền Bayon, cách đền Bayon khoảng 200m về hướng Tây Bắc. Đền này có hình Kim Tự Tháp, tượng tưng cho núi Meru (Tu Di). Đường vào đền dài 200m, rộng 10m làm bằng những phiến đá sa thạch bắc trên những cây cột cao chừng 1m, tựa như chiếc cầu.
Ngôi đền chính cao 43m, có 3 tầng, nhưng hiện nay nhiều chỗ đã hư sập. Phía tây của ngôi đền có một tượng đức Phật nằm, dài 40m, chạm trổ còn dở dang. Bệ voi đền Phimeanakas rộng 200m, dài 300m, được bao bọc bởi từng đá cao 4m, bệ có đục những hình voi lớn như voi thật. Bệ có hai bậc, ở giữa có ngôi đền kiến trúc hệt như đền Bapoun nhưng nhỏ hơn; đó là đền Phimeanakas.
Tương truyền ngôi đền này có cái tháp bằng vàng; noi đây là nơi nhà vua thường đến để di dưỡng tinh thần sau việc triều chính. Bệ Vua Hủi ở ngay bên cạnh bệ Voi. Ở đây không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ tượng của Vua Hủi ngồi trên bệ; đến nay vẫn chưa rõ là tượng của vị vua nào?
Trước mặt bệ Voi và bệ Vua Hủi là một khoảng trống có hình chữ nhật, rộng tới hàng trăm ngàn mét vuông. Trong tập Du Ký của Châu Đạt Quan thì “sân này có thể chứa hàng ngàn người, chăng đèn kết hoa, đêm đêm thường đốt pháo bông để cho vua ngắm”.
Cửa Khải Hoàn tương tự như của Angkor Thom, nhưng hai bên có thêm hai dãy 54 vị thần ôm hai con rắn Naga nhiều đầu. Theo truyền thuyết, rắn Naga chính là vị Thần Nước, lấy đầu che đức Phật khi Ngài thiền định. Những vị thần này kích thước lớn hơn người thật, ngồi cách nhau 2m, trông khá hùng vĩ. Angkor kỳ vĩ đến nổi người Khmer tin rằng kiến trúc này khuôn rập khuôn “cung điện thượng giới”, nơi ngự trị của Ngọc Hoàng Indra và chính các Thiên thần đã được phái xuống để xây dựng Angkor.
Di tích Angkor giúp chúng ta được hiểu nhiều thêm về những giá trị lịch sử, tôn giáo, nhân văn của Kampuchia. Tuy chịu ảnh hưởng của Ấn Giáo, nhưng kiến trúc Khmer cũng đã thoát khỏi phong cách Ấn, trở thành một loại hình có một không hai: kiến trúc đền núi.
Kiến trúc đền núi mang biểu tượng tôn giáo Á Châu chứ không phải là nơi tiến hành nghi lễ như Giáo đường Thiên Chúa Giáo; vì thế nội điện thường hẹp hơn, những hình điêu khắc cũng không được nhất thống.
Angkor được xây dựng bằng đá, tuy nhiên đã không dùng đá vữa, chỉ dùng mộng gỗ hay chất sắt để ghép những tảng đá lớn lại với nhau, khít khao và khéo léo đến nổi trải qua bao nhiêu thế kỷ đến nay những vẫn đứng vững với thời gian. Angkor Wat đã được công nhận là Di sản Văn Hoá Thế giới năm 1992. Ngày nay Angkor là một trong những điểm du lịch của Kampuchia vùng với Phnom Penh và Vịnh Thái Lan.
Bayon: Nụ cười đức Phật
Khu đền đài Bayon là trung tâm của quần thể kiến trúc kỳ vĩ Angkor Thom tại Kampuchia. Đây là biểu trưng cho hình ảnh nghệ thuật tuyệt vời của Khmer. Bình đồ chính của bố cục này trải ra theo hình chữ “Thập”. Rồi người ta chặn các góc ngoài bằng các hành lang thước thợ, để tạo thành một bình đồ hình chữ “Nhật” (80m X 57m).
Bố cục này lại được tạo bởi một hành lang bên ngoài rộng hơn. Ở trung tâm là một nền tròn khổng lồ (đường kính đo được 25m) đội ngôi tháp chính cao 23m. Từ tháp chính đó có 12 gian toả ra chung quanh và đan xen giữa hàng loạt ngôi tháp. Riêng ở chung quanh có 16 tháp. Tính tất cả thì ở Bayon có 54 tháp lô nhô trông giống như một rừng đá.
Trên mỗi mặt của các tháp đều có hình mặt người. Phía đông, nằm giữa hai hồi lang là các Thánh thư. Toàn bộ đền Bayon cao 43m. Trong điện thờ chính có một pho tượng Phật trầm tư, đồng thời chính là chân dung vua Jayavarman VII.
Các tháp bao quanh đều có tượng chân dung các quan đại thần của nhà vua. Các mặt người trên tháp đều vật chất hoá sự có mặt mọi nơi của vị vua thần linh phóng tầm mắt ra toàn cõi của mình qua đầu bộ tham mưu tập họp bên dưới. Một giả thuyết khá hấp dẫn và lý thú cho rằng: hàng nghìn “nụ cười Bayon” huyền bí là biểu trưng cho sự nhiệm mầu ở Sravasti.
Căn cứ theo Phật thoại, để chứng minh phép mầu vĩ đại của mình, đức Phật đã phóng lên không trung rồi hoá ra hàng nghìn đức Phật lấp lánh ánh lửa, xoay chung quanh như một vòng sao. Trừ phần xây dựng kiến trúc chung quanh trục, không thấy có cách nào hữu hiệu hơn để thể hiện hình ảnh trên. Bayon đã thành công trong việc mô tả bằng kiến trúc hình ảnh kỳ diệu của đức Phật.
Khác với Angkor Wat, Bayon không có tường bao bọc chung quanh. Các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều nghi vấn trong vấn đề này. Đa số cho rằng: tường thành là hào nước vây quanh Angkor Thom chính là tường bao vây Bayon. Cũng có ý kiến: hình tượng Bayon là một bộ phận trong tổng thể hình tượng lớn của Angkor Thom.
Cũng như Angkor Wat, mặt tường bên trong của các hồi lang Bayon được trang trí bằng nhiều loại phù điêu khác nhau. Phù điêu ở tầng hồi lang ngoài chủ yếu thể hiện những cảnh đời thường. Những cảnh gà chọi, lễ hội, diễn xướng, những cảnh vui chơi giải trí. Tất cả những cảnh đó đã được những nhà điêu khắc thể hiện sống động.
Bayon có thể xem là một bộ bách khoa bằng đá đồ sộ về cuộc sống thường ngày của cư dân Khmer trong những thời đại xa xưa thời hữu sử. Những phù điêu trên tường của hồi lang mô tả những hoạt cảnh trong chốn cung đình. Ở đây, các cảnh vũ nữ đang múa, các ca sĩ đang hát, cảnh vua đang thiết triều, cảnh vua cưỡi voi đi ra ngoài thành, cảng ngự giá thân chinh…
Nếu cứ lần vừa đi vừa xem kỹ các hình thù của phù điêu Bayon, từ ngoài vào trong, sẽ thấy được đời sống văn hoá của xã hội của người Khmer một cách khá đầy đủ và toàn diện. Chỉ ở tầng trên cùng, phù điêu Bayon mới mang đầy đủ tính chất tôn giáo. Dọc các hồi lang của tầng thứ ba là những phù điêu thể hiện các sự tích đức Phật, hay khắc chạm các hình Tiên nữ Apsara.
Cũng như Angkor Wat, Bayon ngày xưa lộng lẫy, rực rỡ vàng son, chứ không chỉ toàn bằng đá như hiện nay. Các vết tích còn lưu lại cho biết: các chi tiết kiến trúc đá, các hình điêu khắc đã được sơn thiếp hay dát vàng, mạ bạc hay đá quý. Một bia ký cho biết: Chỉ dùng để trang trí cho những hình vua, đã phải dùng đến 5 tấn vàng, 5 tấn bạc, 40.000 viên đá quý.
Không chỉ phù điêu, Bayon lại còn có nhiều loại tượng tròn. Đó là những tượng chân dung Jayavarman VII, tượng các quan đại thần, tượng Phật, tượng Bồ Tát. Tượng tròn và tượng chân dung tại Bayon đã góp phần quan trọng tạo ra phong cách độc đáo kiến trúc Bayon. Tiền của và tài trí đổ ra trong việc kiến tạo Bayon rất lớn lao.
Theo tài liệu của giáo sư Grossilet, phải cần đến 1.000 nhà điêu khắc lành nghề làm việc chuyên cần trong 21 năm trời ròng rã để hoàn thành các công trình này. Sau gần một thế kỷ nghiên cứu, các nhà mỹ thuật học mới tìm ra những câu trả lời tương đối khoa học cho Bayon. Ngôi đền kỳ lạ này đã gây bao nhiêu cuộc luận chiến và nhận định trái ngược nhau trong giới mỹ học thế giới.
Kể từ ngày phát hiện ra cho tới những năm 30 của thế kỷ XX, bức tranh này được vẽ ra đầy huyền bí. Người thì cho Bayon là một kiến trúc lạ lùng, kỳ dị nhất của người Khmer. Người thì cho Bayon là một công trình xây dựng mang tính thần tiên nhất. Một số khác nhận định: Bayon là ngôi đền không giống như bất cứ ngôi đền Ấn Độ nào.
Có ý kiến cho rằng: Các tháp Bayon là những Linga (sinh thực khí đàn ông) của thần Shiva. Chỉ sau những phát hiện của nhà khảo cổ học H. Parmentier ở mặt Tây của tháp số 47 vào năm 1925, các nhà khoa học mới nhận khuôn mặt của đức Quan Thế Âm Bồ Tát trên các tháp và hình tượng tôn giáo của Bayon.
Từ trước những năm 30, người ta đều công nhận Bayon là công trình xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ IX và X. Về sau, nhà nghiên cứu Pháp P. Sterk, qua nghiên cứu Phóng xạ Carbon C.14, niên đại là thế kỷ XIII. Chủ nhân đích thực của Bayon là vua Jayavarman VII.
Tuy cố chứng tỏ mình như một vị cứu tinh của dân tộc để cải thiện đời sống cho toàn dân, nhưng rồi nhà vua Jayavarman VII vẫn theo vết của những vị vua thời trước, bỏ nhiều công sức, tiền bạc, nhân công để xây đền đài.
Sự suy thoái quốc gia ngày càng sâu, nông nghiệp suy sụp, kinh tế khủng hoảng. Người dân Khmer không thể làm gì hơn là bỏ Angkor trở về vùng đồng bằng để kiếm sống. Angkor suy tàn từ đó.
Bangkok: 394 tượng Phật bằng vàng
Bangkok tiếng Thái Lan là Phra Nakhon có nghĩa là “Thành phố kinh đô”, là thủ đô của vương quốc Xiêm La (bây giờ là Thái Lan), bắt đầu từ năm 1772 cho đến ngày nay. Bangkok nằm ở vùng châu thổ con sông Ménam, bờ bên trái của con sông này. Diện tích là 1,560km2, dân số hiện nay khoảng 6 triệu người.
Ngày trước Bangkok có nhiều kênh rạch, cho nên được mệnh danh là “Venise của Phương Đông”, ngày nay phần lớn đều được lấp và trở thành những đường phố khang trang, rộng rãi. Sau hơn 200 năm xây dựng, Bangkok đã để lại nhiều công trình kiến trúc to lớn, như: “Cung điện lớn”, “Thánh đường Vạt Pho”, “Chùa Vạt Pra Keo” (chùa Phật Ngọc).
Cung Điện Lớn được bắt đầu xây dựng năm 1782, vào triều đại của vua Rama I (tức Chao Phya Chakri) (1782 – 1809), nhà vua sáng lập ra triều đại Chakri. Sau đó, hầu hết các vị vua Thái Lan đều xây dựng thêm nhiều công trình mới trong khu vực Cung Điện Lớn, vì thế Cung điện này trở thành một phức thể gồm nhiều công trình lớn nhỏ và cũng không được đồng nhất do sự pha trộn của những phong cách nghệ thuật khác nhau qua từng triều đại, từ phong cách Thái Lan cho đến phong cách Italy.
Sau vụ mưu sát vua Aranda Mahidon năm 1946, nhà vua Bumnibon Adundadet đã cho chuyển hoàng cung đến cung điện Chi Tralada. Cung Điện Lớn được dùng để trưng bày các đồ quý giá của hoàng gia, những bộ sưu tầm nghệ thuật và để tổ chức những yến tiệc quốc gia, nhận trình quốc thư của các đại sứ nước ngoài và những nghi thức hoàng gia khác.
Cả khu cung điện được bao bọc bằng vòng tường cao và mở lối ra bằng một cổng lớn. Công trình lớn nhất và cũng được xây dựng sau cùng trong Cung Điện Lớn là “Hoàng cung Chakri Maha Trasad”. Tòa hoàng cung này nằm trên một nền cao được xây dựng từ thời vua Rama V (Chulalongkrorn 1868 – 1910) để kỷ niệm 100 năm thành lập Vương triều Chakri. Về mặt kiến trúc, Chakri Prasad là sự hoà hợp khá tinh vi của kiến trúc Thái Lan với kiến trúc kiểu Tây Phương.
Phần lớn công trình do kiến trúc sư người Anh thiết kế; các đỉnh mái hình tháp lại là những hình tượng kiểu Thái Lan. Tầng thứ hai nằm dưới đỉnh tháp trung tâm là nơi cất giữ những bình hài cốt bằng vàng của các vua thuộc Vương triều Chakri.
Những phòng khánh tiết lớn được trang trí bàng những hình vẽ, những pho tượng bán thân của các vị vua đã quá cố. Phòng trung tâm là Phòng Ngai vàng, nơi nhà vua tiếp đại sứ các nước. Ở đây có chiếc ngai vàng được khảm men huyền nằm dưới chiếc ô chín lớp màu trắng.
Công trình nằm về phía tây của hoàng cung Chakri Prasad là Cung điện Dusit Maha Prasad, do vua Raman I xây dựng vào năm 1789 để thay thế cho cung điện bằng gỗ trước đó. Dusit Prasad, một mẫu hình kiến trúc truyền thống Thái Lan tuyệt đẹp, là một toà nhà với bộ mái bốn lớp và một đỉnh tháp nhọn chín bậc trang nhã.
Hiện nay Dusit Prasad dùng làm nơi quàng xác các vua và Hoàng hậu trước khi đem đi hoả táng ở Sanam Luang. Ngay đối diện với Dusit Prasad là một đình tạ thanh tú nhất của Thái Lan, được gọi là “Đình Tạ Thay Y Phục” (Arpom Phinok Prasad).
Tại đây, vua xuống voi, thay vương miện và áo hoàng để vào phòng khánh tiết. Ở bên trái của Chakri Prasad có một chiếc cổng mở vào khu cấm nơi ở của các hoàng hậu và phi tần của nhà vua. Trong khuôn viên Cung điện lớn còn có nhiều kiến trúc khác như: Thánh đường Vat Pho, thư viện chùa Vat Prakeo…
Thánh đường Vat Pho là một đền thờ rộng và cổ kính nhất tại Bangkok, dài 46m, trong đó có một pho tượng Phật cao 15m khoác áo bằng vàng lá và có tới 394 tượng Phật mạ vàng. Chung quanh toà nhà chính có những kiến trúc tôn giáo đẹp và trang trí lộng lẫy khác. Vạt Pho còn được coi là trường Đại Học đầu tiên của Thái Lan. Phía sau đền thờ là toà Thư Viện, được bao quanh bằng hình các con voi trắng, biểu hiện cho quyền uy quốc gia. Bên cạnh đó có một mô hình lớn đền Angkor Wat của Kampuchia do vua Rama IV (Mongkut 1851 – 1868) dựng lên.
Chiêng Mai: Thành phố chùa chiền
Chiêng Mai trước kia là kinh đô của Vương Quốc Lanna, nay là một thành phố lớn có nhiều di tích lịch sử ở miền bắc của Thái Lan. Vương quốc Lanna (có nghĩa là: một triệu thửa ruộng) do vua của xứ Chiêng Ray là Mang Ray tập họp các tiểu quốc Thái ở miền bắc Thái Lan, xâm chiếm vương quốc Haripungiaya của người Môn lập ra vào năm 1292.
Năm 1296, thành phố Chiêng Mai (có nghĩa là: đô thị mới) được thành lập, đặt làm kinh đô của Vương Quốc Lanna. Thành phố Chiêng Mai nằm trên vùng đồng bằng của con sông Peng, đã có một thời kỳ rất thịnh đạt. Nhưng vì Chiêng Mai nằm giữa những quốc gia lớn mạnh thời bấy giờ như Lianma, Lan Xang, Ayuthya cho nên đã trở thành vùng tranh chấp của những quốc gia này.
Năm 1767, Chiêng Mai bị quân xâm lược Mianma chiếm đóng. Từ năm 1775 cho đến nay, Chiêng Mai bị sát nhập vào Vương quốc Xiêm La (ngày nay là Thái Lan). Nhiều công trình nghệ thuật có giá trị đã được xây dựng ở Chiêng Mai.
Công trình đầu tiên gắn liền với lịch sử Chiêng Mai là Vat (chùa) Chiêng Mai, trong đó có Chedi Siliem do nhà vua Mang Ray xây dựng vào năm 1297. Hình dáng và cấu trúc của kiến trúc này rất gần với tháp Kukut của người Môn ở Lampun. Chedi Siliem cũng là một tháp vuông gồm 5 tầng, nhỏ gần khi lên trên đỉnh. Mỗi mặt của mỗi tầng có ba khám lớn, có những tượng Phật lớn. Hai hiện vật cổ nhất và có giá trị nhất ở Vat Chiêng Mai là hai pho tượng Phật, một pho bằng pha lê, một pho bằng đá.
Một ngôi chùa cổ khác ở Chiêng Mai là Vat Prathat Doi Suthet có ngọn tháp Chedi dát vàng cao 24m, ngự trên quả đồi Suthep – đỉnh cao nhất của thành phố này. Cách Vat Prathat chừng 5km là cung điện Phuning, dinh thự mùa hè của Hoàng gia Thái Lan. Một trong những ngôi chùa kỳ diệu khác ở Chiêng Mai là Vat (chùa) Chedi Luang, được xây vào năm 1401.
Ngôi tháp này lúc đầu cao 86m, nhưng một trận động đất mạnh xẩy ra năm 1545 đã làm đổ mất phần đỉnh tháp, cho nên hiện nay chỉ còn lại 42m. Ở đây trước kia có giữ pho tượng Phật Ngọc, sau đó Vương quốc Lan Xang đã đưa sang Vientane (Lào). Kiến trúc Viharn ở bên cạnh Chedi Luang cũng là một kiệt tác bằng gỗ của nghệ thuật Lanma, ô cửa của Viharn có hình con công tuyệt đẹp.
Bên ngoài tường thành Chiêng Mai có chùa Vat Chedi Cherlot (chùa bảy đỉnh) do vua Trailoka Ragia xây dựng lên vào năm 1455, nhân dịp lễ Phật Đản năm 2000. Ngôi chùa này còn được gọi là “chùa Maha Harama” được kiến tạo mô phỏng theo chùa ở Maha Bodhi (Bồ Đề Đạo Tràng) tại Ấn Độ, nơi Phật Thành đạo.
Truyền thuyết kể lại rằng: Những hình Thiên nhân tuyệt đẹp được đắp bằng vữa của ngôi chùa đều có nét mặt của các thành viên trong gia đình của vua Trailo Ragia. Ở ngôi chùa nhỏ Vat Koa Tao, nổi bật lên ngọn tháp Chedi kỳ lạ có hình thù trông giống như một loại quả bí ngô xếp chồng lên với nhau và được trang trí khảm sành sứ thành những hình hoa lá rực rỡ.
Một trong những tổng thể ấn tượng nhất ở Chiêng Mai là chùa Vay Suan Dok. Tại góc tây bắc của ngôi chùa này là những tháp Chedi trắng toát, chứa giữ các bình hài cốt của hoàng gia Chiêng Mai ngày trước. Người ta còn truyền tụng là trong ngôi tháp Chedi trung tâm khổng lồ có chứa 8 xá lỵ của đức Phật.
Sau cùng hết là Vat Chedovan, nơi này có 3 ngôi tháp Chedi lợp ngói và một dãy hình những con vật trong Huyền thoại và Sử thi Thái Lan. Ngôi chùa yên tĩnh nhất và đường đi vào khó khăn nhất nhưng nổi tiếng là linh thiêng nhất là chùa Vat Umong, do nhà vua Mang Ray xây lên trong rừng để làm nơi tu hành cho những vị sư vào tham thiền nhập định.
That Luông: chùa và tháp
That Luông là ngôi tháp lớn chứa dựng thánh tích Phật Giáo tại thủ đô Vạn Tượng (Lào). Theo những nguồn sử liệu ghi chép lại đến ngày nay thì vua Setthathilat của Vương quốc Lan Xang, sau khi dời đô từ Luang Prabang về Vạn Tượng năm 1566, đã cho xây dưng That Luông trên một ngôi chùa cũ cách Vạn Tượng vào hai cây số.
That Luông là một công trình đồ sộ gồm một tháp lớn hình qủa bầu, đặt trên một cái đế là một đài sen hình vuông với những cánh sen nở tung ra bốn phía, bên dưới là một cái bệ khổng lồ hình bán cầu, nhưng lại tạo thành bốn múi có đáy vuông. Trên miệng quả bầu đỡ một ngọn tháp, chóp nhọn của ngọn tháp được dát vàng và bốn mặt cong của tháp thì được quét sơn trắng xoá, trông ngọn tháp rất rực rỡ. Tất cả nằm trên một nền cao ba bậc, có tường bao chung quanh. Ngoài cùng là một đường hành lang có mái, giới hạn cho khuôn viên vuông vức và rộng lớn của That Luông với bốn cửa vào nằm chính giữa mỗi mặt.
Tháp chính hình quả bầu không phải đứng một mình, mà đứng giữa một khu có 30 tháp nhỏ bao chung quanh. Các tháp nhỏ này có hình dáng tương tự như ngọn tháp ở giữa, đỉnh các tháp nhỏ cũng được dát vàng và thân tháp quét sơn trắng.
Tuy kích thước của các tháp đều gần bằng nhau, nhưng bốn tháp ở bốn góc có bệ cao hơn nên nhô cao hơn một chút so với các tháp nhỏ bên cạnh. Ở mặt chính của các tháp nhỏ có ghi một câu kệ Phật Giáo, viết bằng tiếng Pali.
Chạy quanh các tháp nhỏ là hồi lang vuông rộng lộ thiên, có lan can cao ở phía ngoài. Trên dẫy lan can là 228 hình lá nhọn, giữa mỗi lá có một khám nhỏ, trong đặt tượng Phật đứng, nhỏ, bằng đất nung. Mỗi mặt lan can có trổ một ô cửa hình cánh cung và bên trên có trang trí hình tháp nhọn. Trong bốn cửa, cửa phía đông là cửa giả, còn ba cửa kia có tam cấp dẫn xuống khu hồi lang bên dưới. Ở bốn góc lan can cũng có bốn tháp nhọn, cao. Hồi lang tiếp theo ở phía dưới rộng hơn và có hai bậc. Lan can bao quanh cũng được trang trí ở trên các hình lá nhọn và tháp ở góc.
Trên bốn trục chính có bốn ngôi đền nhỏ lợp bằng bộ mái ngọn hai lớp làm cổng thông giữa hồi lang với khu sân rộng bên dưới. Mỗi đền cổng đề có dãy tam cấp trang trí bằng hình quái vật Makara hay hình rắn Naga. Ngôi tháp được ngăn cách với không gian bên ngoài bằng một dãy hồi lang vuông lớn lộ thiên như cái sân, có tường bao bọc chung quanh và có bốn cổng. Các tường hồi lang của That Luông đều được tô màu xám.
That Luông cũng như các tháp Phật Giáo ở các nơi khác, là hình ảnh tượng trưng cho hình núi vũ trụ Tu Di (Meru): đỉnh trung tâm là Núi Thần Meru; các tháp nhỏ bao quanh là các vòng núi; những bậc tam cấp hình thủy quái Makara và rắn Naga biểu trưng cho nước của Đại Dương.
Theo quan niệm của Phật Giáo Tiểu Thừa mà người Lào tôn thờ, thì chỉ có một đức Phật duy nhất trên cõi Niết Bàn (chứng quả ở tháp chính hay trên ngọn Núi Thần Meru; những nhà tu hành chứng quả cũng chỉ đạt đến A La Hán (Arahat) (chứng quả ở các tháp nhỏ có ghi câu kệ Ba La Mật).
Ba vòng hồi lang là hình ảnh tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) mà những người tu hành phải trải qua. Cấu trúc mô hình của Thát Luông tuy là một hình tháp Phật có nguồn gốc Ấn Độ, nhưng được kết hợp với tỉ lệ phân bố hài hoà giữa những đường nét và màu sắc đã tạo cho ngôi tháp này có một sắc thái riêng của nước Lào, không giống như những ngôi tháp Phật Giáo khác ở Ấn Độ hay tại vùng Đông Nam Á. Kiến trúc đồ sộ và độc đáo của That Luông đã thể hiện tài năng sáng tạo của người Lào sống cách đây 450 năm.
Borobudur: Mạn đà la vĩ đại
Borobudur tại Java (Indonesia) được xây dựng vào khoảng năm 800 trước Công Nguyên. Những nhà kiến trúc ngôi đền vĩ đại này muốn trên bán đảo Java một công trình kiến tạo mô phỏng theo hình núi Tu Di (Muri) trong thần thoại Ấn Độ Giáo; trên một ngọn núi mà vàng kim đặt toàn thể vũ trụ. Theo nhận định của nhiều tác giả thì Borobudur là một trong những kỳ quan nghệ thuật Á Đông gây ấn tuợng mạnh nhất do bàn tay của con người tạo dựng.
Tuy được kiến tạo năm 800 nhưng rồi đến năm 1000 trở về sau, đã bị lãng quên; mãi cho đến đầu thế kỷ XX (1904) thì mới được phục hồi từng phần cho đến khi có sự hưởng ứng của cơ quan UNESCO sau này.
Nhìn về tổng thể về cơ cấu thì Borobudur hiện nay hiện ra như một đài hình vuông khổng lồ (đường hành lễ), trên đó là 5 hồi lang vuông nhỏ dần, kiểu Mạn Đà La của Mật Tông. Bình đồ của các hành lang vuông nhô ra ba cấp, tính từ đầu cạnh đi vào điểm giữa. Trên hồi lang thứ sáu là một loạt gồm 3 dãy hồi lang hình tròn nhỏ dần với đỉnh chóp là một Stupa (tháp) tròn và lớn.
Từ điểm giữa của mỗi mặt, từ chân lên đến đỉnh công trình là một dãy tam cấp dài. Không tam cấp nào biểu lộ ra có vẻ như là lối đi chính cả. Cũng không tìm thấy ở đây những ngôi đền thờ có phòng ốc ở bên trong.
Về mặt tôn thờ, Borobudur được coi như là một tháp Phật Giáo nhưng lại theo tinh thần Ấn Độ. Mỗi hồi lang hình vuông đền có tương cao vây quanh. Dọc theo tưởng có nhiều các khám các buồng. Toàn bộ các hồi lang vuông được phủ kín bằng phù điêu; còn các khám các phòng thì có nhiều pho tượng Phật.
Ba hồi lang tròn trên cùng thò mở tung ra ngoài trời, chẳng có tường vây. Cũng không có một hình chạm khắc nào. Thay vào đó, chỉ có 72 Stupa nhỏ bằng đá có thờ những tượng Phật ở bên trong.
Những nhà Phật học khi nghiên cứu hình đồ Borobudur, đã giải thích như sau: Toàn bộ thể hiện quá trình đi đến giác ngộ theo kinh điển Phật Giáo, từ dục giới, đến sắc giới, rồi vô sắc giới. Những tín đồ đó khi đã lên tới đỉnh thì về mặt tâm linh là đã trở thành một con người khác hẳn, nếu đem so với khi còn ở dưới đáy.
Như vậy, hồi lang trên đỉnh với ngôi tháp tròn có chứa tượng Phật bên trong là biểu tượng cho Chân lý tối thượng. Còn 72 ngọn tháp mở ra ở trên những lộ đài trộn với những hình tượng Phật khó thấy ở bên trong là biểu trưng cho những giai đoạn của quá trình đại giác của một vị chân tu.
Ở bốn mặt của hồi lang vuông bên dưới có rất nhiều hình tượng của các Thiền Na Phật (theo Mật Tông Tây Tạng) trong các khám, được xem như là sự dẫn dắt tín đồ lên những bậc cấp giác ngộ cao hơn nữa. Việc biến chuyển từ hình vuông sang hình tròn cũng mang ý nghĩa tương tự như thế.
Hình vuông có nghĩa là giới hạn, không phép nhất định, ràng buộc theo phương hướng và quan hệ với không gian. Nhưng khi sang đến hình tròn, tức là bước sang cảnh trí vô biên, sang con đường tuyệt đối, tức là biểu tượng cho sự bất diệt.
Thông thường khi một tín đồ đến tháp Phật Giáo như tại Borobudur thì phải đi vòng, từ bên trái sang bên phái (không thể đi ngược). Toàn bộ các hành lang vuông đều được phủ kín bởi hệ thống của những bức phù điêu rất mỹ thuật, tinh xảo.
Theo những nhà nghiên cứu, đây chính là trọng điểm về nghệ thuật của Borobudur. Những cổng lên xuống các tầng đều theo kiểu vòm cổng “Kala Makara”. Hơn thế nữa, ở hai bên cánh gà còn có những hình tượng của các vị Thánh, với cử chỉ đưa tay lên vén màn ra, tưởng chừng như đón khách. Những bức phù điêu ở phần cuối cùng bị lấp kín bởi đường hành lễ. Những cảnh trí này thể hiện vòng sinh tử, luân hồi của kiếp người, theo quan điểm Phật Giáo.
Nhìn chung lại, phong cách kiến trúc và điêu khắc của Borobudur được xem là một trung tâm hành hương nhiều ý nghĩa nhất trong vùng. Đây là biểu trưng cho vũ trụ, đồng thời cũng là dạng kiến trúc kiểu Stupa. Về mật Tông thì đây là hình Mandala.
Những bia ký khai quật trong những năm gần lại đây cho biết thêm: Borobudur còn là di tích của Vương triều Sailendra. Chín hành lang là hình ảnh 9 vị tổ sáng lập ra triều đại này. Trong lịch sử kiến trúc, phong cách của Borobudur đã ảnh hưởng không nhỏ trong kiến trúc Angkor (Khmer) và kiến trúc Pagan (Miến).
Pagan: Vạn Phật tự
Trong lịch sử kiến trúc vùng Đông Nam Á, sau Borobudur và Angkor, thì phải kể đến khu vực những đền tháp Pagan (Vạn Phật Tự). Chính những công trình kiến trúc và điêu khắc này đã đem lại niềm tự hào của nền nghệ thuật kiến trúc Á Đông tiêu biểu. Không ở đâu trên đất Á Châu, kể cả đất Ấn Độ, chỉ tại một khu vực nhỏ thôi mà mật độ các di tích chùa tháp lại dày dặc như tại Pagan.
Thành phố có diện tích khoảng 40km2, quy hoạch bình đồ vuông, nằm trên bờ sông Iraouaddhi. Theo những truyền thuyết kể lại thì vua Anaoratha bắt đầu theo Phật Giáo, liền sai sứ thần sang nước láng giềng Thaton của người Môn vốn theo đạo Phật để cung thỉnh một số kinh sách về phiên dịch. Nhưng vua nước Thaton khước từ.
Vua Anaoratha đem binh sang chinh phạt Vương quốc Thaton, không những thu hồi được nhiều kinh sách và tượng Phật Giáo, mà còn bắt nhiều thợ thủ công của Thaton đưa về Pagan, để tham gia ngày đêm trong việc xây dựng chùa tháp Pagan. Lúc này có trên 5.000 chùa tháp, nhưng qua thời gian và chinh chiến hiện nay chỉ còn khoảng 2.300 ngôi chùa tháp.
Hầu hết những chùa tháp Pagan được kiến tạo vào khoảng thế kỷ XI- XII, dưới triều đại Pagan. Những nhà khảo cổ UNESCO cho rằng: “Pagan là cả một rừng kiến trúc Phật Giáo Tiểu Thừa”.
Cũng tại đây, đã chứng minh rõ nét nhất về tinh hoa và tài năng của dân tộc Miến Điện được thể hiện qua các đền tháp, biểu hiện phong cách kiến trúc truyền thống Miến Điện trong giai đoạn hình thành và phát triển.
Phật Giáo phát triển tại Miến Điện bởi những sắc dân người Môn và người Piuk, vốn từ Ấn Độ sang. Cho đến năm 1001, triều đình Miến Điện đã thừa nhận vị Tăng Thống của Phật Giáo là Đại Lão Hoà Thượng tại Pagan. Pagan một thời là kinh đô của triều đình vua Anoratha. Pagan được kiến tạo từ đó.
Pagan có tên cổ là Arimadda Napura có nghĩa là “Thành phố đạp chân lên kẻ thù”, ám chỉ sự chiến thắng những bộ tộc người Môn tại Thatôn. Đi từ cổng đền vào, có hai ngôi đền thờ, khắc chạm hình những Maha Girinat. Đây là vết tích của đạo Nak có từ trước của người dân Miến.
Đi vào trung tâm của khu vực này, tất cả những đền tháp đều có tên (phần đuôi) là “Cetiya” hay là “Gu” (tháp hay chùa). Theo danh từ Phật học, “Cetiya” biểu trưng cho Phật và Pháp. Cetiyagần với khái niệm “Stupa” (Tháp) của Ấn Độ.
Tất cả có đến 2.289 Cetiya. Những ngôi tháp ở Pagan được phân chia ra làm 4 loại khác nhau, tùy tầm cỡ và tùy phong cách: Loại thứ nhất là loại stupa (tháp) hình bầu, hơi giống như kiểu tháp Chorten của Tây Tạng, Boutan. Ngôi tháp có niên đại sớm nhất của loại này xuất hiện vào thế kỷ VIII có tên là Pupaya, do những thổ dân người Piuk xây lên.
Loại thứ nhì là một loại Stupa hình quả chuông, ở giữa có những đường gờnổi lên, trang trí bằng những hoa văn. Chóp của loại tháp này là đỉnh cao nhất của những đường gờ bao quanh. Không xác định được niên đại của loại tháp này, nhưng nhiều tư liệu cho biết là triều đình vua Aniruddha rất tán thưởng phong cách kiến trúc này. Những Stupa loại này có nền hình bát giác, có 1 hay nhiều tầng, với những hồi lang bao quanh. Thông thường thì Stupa và nền được xây dựng lên trên một hình Kim tự tháp khổng lồ.
Loại thứ ba cấu tạo theo kiểu hình chuông và cũng có những đường gờ ở giữa. Nền hình tròn hay hình bát giác. Trên đỉnh vòm chuông được kiến trúc theo hình bát giác. Tất cả được trang trí hài hoà và cân đối.
Loại thứ tư cũng cấu trúc hình chuông, có nền tròn, nhiều bậc, không có hành lang rộng, không có những đường gờ. Nhìn chung lại, cách loại Ceytiya kể trên không giống như kiểu kiến trúc châu Âu cùng thể loại này. Chức năng của những tháp này cũng hoàn toàn khác, vì toàn bộ dùng cho những hoạt động tôn giáo. Họ muốn nêu lên biểu trưng của Niết Bàn, mục đích cao nhất trên con đường tu hành. Nền Kim tự tháp gợi lên hình ảnh của vũ trụ, không gian hiện đang sống.
Nhìn chung lại những đền tháp ở đây đều dựa theo mô hình kiến trúc Tích Lan và Ấn Độ. Người Miến Điện thường xây đền tháp trên những đỉnh ồi, vì họ quan niệm càng lên cao chừng nào thì tâm hồn càng thanh thoát và xa trần tục bấy nhiêu.
Tại Pagan còn có một loại hình kiến trúc Phật Giáo khác nữa: loại đền Gru. Những loại đền này được thiết kế trong những hang động và những giả sơn (Gru có nghĩa là hang). Phần bên trong của những đền hang này là một hệ thống hang động và các phòng vòm. Kiểu vòm này rất phổ biến trong những kiến trúc Phật Giáo tại Miến. Đây không phải khuôn rập theo kiến trúc Ấn Độ, mà thực chất là của người Piuk thường xây. Đa số những ngôi đền tại Pagan được xây dựng trên những khu vực đất bằng phẳng và có nguồn gốc từ những Stupa. Quá trình hoàn thành các công trình này là do người Ấn, người Môn và người Piuk hợp tác.
Nóc nhà thế giới
Cao nguyên Thanh Tạng là cao nguyên trẻ nhất, cao nhất, lớn nhất trên thế giới, với diện tích vào khoảng 2,5 triệu km2, bình quân cao hơn mặt biển trên 4.500 mét; do đó, có tên là “nóc nhà của thế giới”. Cao nguyên nhấp nhô trùng trùng điệp điệp từ nam lên bắc, từng dãy núi dài liên miên tưởng chừng không bao giờ dứt.
Dãy núi Hymalaya nguy nga uốn lượn phía tây nam; ở giữa là dãy núi Gandice và Tancula; phía bắc là núi Côn Lôn, núi Ankin, núi Kỳ Liên rộng mênh mông bát ngát. Rất nhiều ngọn núi phủ đầy băng tuyết. Giữa các dãy núi là những sông băng màu bạc trượt dần theo dốc núi. Phía dưới cùng của sông băng Lubay có độ cao 5,029 mét so với mặt biển là con sông băng cao nhất thế giới.
Sông băng Incukaiti ở sườn bắc ngọn Chéquari thuộc dãy núi Kakaconlon dài 42 mét là con sông băng dài nhất của Trung Quốc. Sông băng đỉnh bằng Ikhasaha Lunquala thuộc núi Kỳ Liên có diện tích 55km2 là sông băng đỉnh bằng lớn nhất của Trung Quốc. Các con sông băng là “mẹ” của các dòng sông lớn, cung cấp nguồn nước phong phú. Các sông nổi tiếng thế giới như Trường Giang, Hoàng Hà, Hằng Hà, Ấn Hà đều bắt nguồn từ đây.
Lòng chảo Saitamu thuộc cao nguyên Thanh Tạng có địa thế thấp, chỉ cao khoảng 2,500 mét so với mặt biển. Thung lũng sông Yazangbu có thể coi là thấp nhất của ao nguyên này. Vậy mà thành phố Lhasa nằm trong thung lũng vẫn nằm ở độ cao gấp đôi độ cao Thái Sơn là núi đứng đầu trong Ngũ Nhạc.
Trên cao nguyên có những đồng cỏ rộng lớn, xen kẽ những đầm hồ trong xanh, quanh hồ có nhiều cây liễu đỏ, núi trắng tuyết in bóng xuống hồ đậm đà phong cảnh đặc thù của cao nguyên. Nhiều ngọn suối nước nóng phun ra từ các khe hở vách đá, hơi nóng ngùn ngụt tương phản với núi tuyết lạnh giá bên cạnh.
Trên cao nguyên này có hiện tượng đặc biệt: do không khí loãng, khí áp thấp, nên nước sôi ở 81 độ C, vấn đề hô hấp của con người cũng trở nên khó khăn hơn. Cao nguyên Thanh Tạng có đường bộ dẫn vào thành phố cao nhất thế giới.
Đường ô tô Thanh Tạng nằm ở đậ cao 4,500 mét đến 5,400 mét so với mặt biển; đó là điểm cao nhất của đường giao thông thế giới. Thị trấn Hắc Hà nằm trên con đường giao thông Thanh Tạng có độ cao 4.604 mét so với mặt biển, cao hơn 954 mét so với thành phố thủ đô cao nhất thế giới – thủ đô Lapaz (3,650 mét) của Bolivia.
Tuy cao nguyên Thanh Tạng có địa thế cao, khí hậu tương đối khô hạn rét mướt, những cũng chính do địa thế cao, diện tích lớn, cho nên nhiệt lượng của mặt trời nhận được tương đối phong phú. Như thế, đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động của con người và sự phát triển của những sinh vật tại đó.
Tại nơi đây, chỉ cần trời không mưa, phần lớn các khu vực đều có ánh nắng mặt trời chiếu tới khoảng 12 tiếng trong ngày. Thành phố Lhasa có số giờ nhận ánh sáng trong năm lên tới 3,000 giờ; vì thế có tên là “Thành phố ánh sáng”.
Câu hỏi thường được đặt ra: Tại sao cao nguyên Thanh Tạng lại cao đến như vậy? Căn cứ vào hàng loạt hoá thạch khủng long, hoá thạch ngựa 3 móng, hoá thạch sinh vật biển và hoá thạch thực vật trên cạn… từng khai quật được ở vùng cao nguyên Thanh Tạng, các nhà khảo cổ học chứng minh rằng: Khoảng 230 triệu năm về trước, cao nguyên này vẫn còn là một vùng biển dài nối liền với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Về sau, vỏ trái đất xẩy ra sự vận động mãnh liệt, hình thái núi non gấp lại; biển đã biến mất, xuất hiện núi Kỳ Liên cổ.
Lục địa Saitama cổ lún xuống biến thành lòng chảo hồ hội địa. Qua thời kỳ Trung Đại kéo dài 150 triệu năm, những núi cao đó đã bị phong hoá và san bằng dần. Đất cát bị bào mòn trầm tích lại trong hồ. Đến thời kỳ Tân Sinh, lại có thêm đột vận động của vỏ trái đất, các dãy núi già cổ lại vươn lên, trở thành những dãy núi Hymalaya có hơn 30 triệu năm lại đây. Cao nguyên này trở thành “nóc nhà của thế giới”.
Trần Kiêm Đạt