– Thành Thuận châu ở huyện Hải Lăng, có thể là một tòa thành của Chămpa xưa.
– Tháp Dương Lệ ở xã Dương Lệ, huyện Hải Lăng.
– Tháp Trung Đan ở xã Trung Đan, nay là huyện Vũ Xương , phía Tây có hang núi khuất khúc, phía Nam có chằm nước mênh mông, phía Bắc chênh Đông có dòng sông bao bọc. Ngọn tháp cao ước 100 xích . Tục truyền ngọn tháp do người Chiêm xây.
– Tại làng Văn Quỷ, phía Nam Quảng Trị giáp Thừa Thiên, hiện còn dấu tích tín ngưỡng Siva của Chămpa.
– Thành Hóa châu ở làng Thành Trung hiện nay, đã có trước khi giao đất, và nhà Hồ đã sai Đỗ Tử Bình vào sửa sang thì đây rõ ràng là thành Ô châu của người Chămpa.
Tại Ô châu ngày cũ, tức là đất Thừa Thiên ngày nay, còn nhiều dấu vết của người Chămpa để lại. Ở phía Bắc, tại làng Liễu Cốc Thượng, còn phế tích một tháp đôi, xung quanh có một hồ nước mà dân gian thường gọi là “Bàu Tháp” . Ở phía Nam tại núi Qui Sơn, mãi cho đến đời vua Minh Mạng (1820-1840) triều Nguyễn vẫn còn dấu tích của người Chămpa.
Sách Đại Nam nhất thống chí còn ghi “…Trước chùa có tháp cổ, tương truyền là của chúa Chiêm Thành xây, nhưng đổ nát; trụ biểu ở trước tháp có khắc chữ Man, hỏi người Thuận Thành cũn không hiểu” . Đời xưa địa vực này thuộc Hoài Vang, huyện Tư Vang, lộ Thuận Hóa; ở mạn Bắc cửa Tư Dung là cửa biển chính để đi vào các phá và sông thuộc châu Ô; lúc đó cửa Thuận An chưa có. Lại còn núi Linh Thái, ngày trước có tên là Hãn Môn; nay thuộc xã Vinh Hòa, huyện Phú Lộc; trên đó có rất nhiều phế tích Chămpa. Đầu thế kỷ thứ XX. Trường Viễn Đông Bác Cổ đã khảo sát và lấy được một số tượng Chăm, tượng chim thần Garuda, tượng bò Nandin đem về Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng; và họ cũng có khảo sát một số bia chữ Sanskrit ở vùng núi này.
Đi dọc theo sông Hương mà lên, phía tay trái, còn cả dấu tích của một đoạn thành đất gọi là thành Lồi, nằm ở địa giới Thủy Xuân, Thủy Biều và Phường Đúc. Các bộ sử cũ của ta như Khâm định Việt sử thông giám cương mục (q. 3 tờ 8a-9a), và Đại Việt sử ký toàn thư (q. 2 tờ 34a-b) đều nói rằng: vào tháng giêng năm Giáp Thân (1044), niên hiệu Minh Đạo năm thứ ba, vua Lý Thái Tôn (1028-1053) ban “hịch” và hạ Chiếu thân chinh Chiêm Thành. Quân Chiêm Thành dàn trận ở phía Nam sông Ngũ Bồ (phải chăng là sông Hương ?) ; quân Đại Việt vào cửa Ô Long (Tư Hiền hiện nay) tiến lên theo đường thủy. Hai bên đánh nhau nhiều trận, vua Chiêm Thành là Sạ Đẩu tử trận, quân Chiêm tan vỡ. Tháng bảy năm ấy (1044) vua Lý cho quân tiến chiếm thành Phật Thệ, bắt sống hết thê thiếp của vua Sạ Đẩu, trong đó có cả vương phi Mỵ Ê, và toàn bộ cung nữ biết múa hát “Tây Thiên khúc điệu”. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển Thừa Thiên phủ cho rằng: thành Phật Thệ ở xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên, thường gọi là thành Lồi.
Vào thời gian mới gần đây, Viện khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát di chỉ thành Lồi , và thấy được thành này có hình thang, bốn mặt lũy thành đều dựa theo hình thế thiên nhiên của núi đồi và dòng sông. Đại loại mặt Bắc giáp với sông Hương, dài khoảng 750m.; mặt Nam theo những đoạn thành Lồi bằng đất hiện còn, nối lại với nhau, dài được 550m. Hai mặt Đông, Tây có độ dài chênh lệch nhau trong khoảng từ 15m. đến 20m.; lũy thành hướng Đông đo được 370m., trong khi đoạn ở hướng Tây chỉ được 350m.. Như vậy di chỉ thành Lồi là thành Phật Thệ đã có thật từ xưa.
Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì "Phật Thệ là tên Chiêm Thành, Hoàn Vương là tên Chiêm Thành mà người đời Đường đặt ra khoảng năm 756-757” (Tân Đường Thư và Lĩnh Ngoại Đại Đáp). Các tên chỉ nước này là: Lâm Ấp, Phật Thệ, Hoàn Vương, Chiêm Thành, ở nước ta còn có tên Lồi (như nói thành Lồi, chùa Lồi) và tên Chàm. Như thế, thành Phật thệ có nghĩa là Kinh thành của nước Phật Thệ, tức là nước Chiêm Thành. Ở Huế người dân còn gọi là "Hời" là do chữ Lồi của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nghiên cứu, nhưng dân đọc trại ra. Tại làng Ưu Điềm xưa, nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, có một ngôi chùa gọi là chùa Phật Lồi, chùa này được xây trên một phế tích tháp Chămpa đã đổ nát tiêu hoại. Chùa còn thờ 13 hiện vật toàn thuộc về tín ngưỡng Siva.
Như thế, di tích thành Lồi rõ ràng là dấu vết của một tòa thành do người Chămpa xây dựng, mà các nhà khảo cổ học cho là xưa đến thế kỷ thứ V hoặc thứ VI. Mặc dầu trong cung đình vua Sạ Đẩu đã có ban nữ nhạc đông đảo biết múa hát “Tây Thiên khúc điệu”; nhưng cơ hồ tôn giáo của họ không phải là Phật giáo, và khúc múa hát đó cũng không phải là thuộc nhạc lễ Phật giáo. Bởi vì sử cũ của ta không hề nói đã đành, mà vào đầu thế kỷ thứ XX các nhà cổ học trong Đô Thành Hiếu Cổ Hội ở Huế đã tận tình, tận lực đi sưu tầm ở vùng thành Lồi mà cũng không gặp được một tượng Phật nào cả. Họ chỉ gặp được một ngôi miễu thờ gọi là “Miễu Bà Dàng” và vài ba pho tượng đá thuộc tín ngưỡng Sivaisme.
Như thế, “Tây Thiên khúc điệu” có thể là khúc múa hát của Ấn Độ theo tín ngưỡng thờ thần Siva và vợ thần là Uma mà dân Huế thường đọc là Ngu Ma, tức là Ina, mà dân Đại Việt hiện thờ ở Điện Hòn Chén, và gọi là Mẫu Thiên Y A Na. Ngoài ra, gò Ô Xá, thôn Đồng Bào xã Quảng Phú; làng Phước Tích, làng Ưu Điềm đều thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; làng Thanh Phước, làng Tiên Nộn, làng Xuân Hòa, làng Nham Biều v.v… đều có di chỉ tháp Chăm đã sụp nát điêu tàn, khảo cổ học đã thu được nhiều hiện vật tại những di chỉ ở các làng ấy, như bệ đá Yoni, hình chạm hay tượng bò Nandin, chim thần Garuda, hình thần Siva nhiều tay đang múa, nhất là hình Linga, đối tượng của một tín ngưỡng rất phổ biến ở Chămpa ngày xưa; không nơi nào có dấu vết Phật giáo.
– Vào năm 1991, người ta khám phá ra một di chỉ của người Champa ở thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đế chóp tháp có 8 hình tượng gọi là “Hộ thế bát phương thiên”; chưa xác định được tám vị này thuộc Ấn độ giáo hay thuộc Phật giáo. Năm 2001, đầu thế kỷ thứ XXI, người ta tình cờ khám phá được ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang một tháp Chăm còn khá nguyên vẹn bị vùi sâu dưới đất cát từ 5 đến 7m; thấp hơn mực nước biển từ 3 đến 4m, và cách bờ biển 120m. Đặc biệt là ở làng Vân Thê, xã Thủy Thành, huyện Hương Thủy hiện nay đang có nhiều dấu ấn của Chămpa; nhất là có họ Chế rất đông do ông Chế Công Lượng làm trưởng họ, hiện ông có giữ một bản phổ hệ các dòng vua Chămpa, trong đó có nhiều vị vua theo Phật giáo. Ngoài ra ở đây cũng có một số bia chữ Chăm hoặc chữ Sanskrit.
(Trích Lịch sử Phật giáo xứ Huế)