Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đi chạp

Đi chạp

188
0

Với gia đình tôi, trong muôn vàn công việc của những ngày cuối năm, công việc quan trọng nhất và phải làm trước tiên là về quê đi chạp.

Những đợt gió mùa đông bắc tăng cường đã đưa cái lạnh từ ngoài Trung vào tới mảnh đất phương Nam vốn xưa nay chỉ có hai mùa mưa nắng. Cái se lạnh sáng nay  làm lòng tôi nhớ về quê hương, nhớ về những ngày cuối đông và cũng là cuối cùng của một năm cũ, những ngày tháng chạp với bao bộn bề lo toan. Với gia đình tôi, trong muôn vàn công việc của những ngày cuối năm, công việc quan trọng nhất và phải làm trước tiên là về quê đi chạp.

Đi chạp là thuật ngữ địa phương, có nghĩa là đi tảo mộ cho ông bà, vì công việc này được người dân quê tôi thực hiện vào tháng chạp nên bà con thường gọi là đi chạp. Ngay từ còn nhỏ tôi đã được ba mẹ cho về quê trong những lần cả nhà đi chạp. Vì gia đình tôi sống ở thành phố, cách quê ngoại gần 30 cây số nên cả nhà phải khăn gói về quê từ chiều hôm trước. Qua một đoạn đường lộ được đi bằng xe lam, cả nhà đi bộ băng đồng đến chiều tối mới về đến làng của ngoại. Sau bữa cơm chiều trước hiên nhà thờ họ thì người lớn ai vào việc nấy.

Ngày ấy, dưới ánh đèn măng xông đặt trước sân nhà, các dì thì lo xay nếp lặt rau, những hạt lúa nếp chắc mập gieo trồng trên phần ruộng hương hỏa được các dì phơi khô cất giữ cẩn thận từ vụ mùa đến hôm nay mới đem ra dùng, đây là loại nếp quê rất dẻo và thơm chỉ dùng cho những ngày giỗ chạp. Dưới bến sông thì các cậu mổ heo, heo mọi đen thui được nuôi chỉ bằng cám và rau chuối. Riêng tôi và mấy đứa em con cậu con dì không có việc chi cứ chạy lăng xăng, hết chạy lên nhà lại xuống bến sông xem người lớn làm việc, đứa nào được người lớn sai vặt thì cái mặt cứ vênh lên vì hãnh diện, làm ra vẻ ta đây đã lớn lắm rồi.

Trời vừa mờ sáng, ba cùng các cậu đã tập trung để lên nghĩa trang, vì quê tôi đất chật người đông nên mồ mã thường chôn trên núi khá xa với làng. Là con trai, tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng được đi theo với nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thắp nhang cho ông bà.

Cả năm mới dọn một lần nên phần mộ nào cũng khá nhiều cây dại, sau khi cuốc hết cây dại là phải đắp thêm đất cho từng nắm mộ, những nấm mộ tàn tạ sau một năm chịu đựng mưa gió nay được chỉnh trang trông đẹp lên như ngôi nhà vừa được sơn mới. Những nấm mộ của tổ tiên ông bà nằm rải rác khắp nơi trên các sườn đồi, không có hướng dẫn của các cậu thì tôi không thể biết mà thắp nhang cho hết các mộ phần trong tộc họ.

Quỳ bên phần mộ của tổ tiên, đặt tay lên nắm mộ vừa đắp, cái ẩm và lạnh của đất mới truyền cho tôi một cảm giác dễ chịu, cũng là đất nhưng sao nắm đất trên phần mộ của tổ tiên ông bà tôi thấy mịn hơn, bịn rịn và gần gũi hơn. Bên dưới những nắm đất này là xương thịt của ông bà tổ tiên đã hòa tan vào đất, biến đất thành người và đưa hồn người quay trở về với đất. Trong cái tĩnh lặng của núi đồi buổi sáng, mùi nhang trầm phảng phất hòa quyện vào hơi sương lạnh và mùi đất mới đắp trên các nấm mồ tạo nên một mùi hương là lạ, thật  linh thiên. Người đang sống và người đã khuất như được gần nhau hơn, không còn khoảng cách giữa hai thế giới, lúc này tất cả đang hòa quyện làm một trong  mùi hương huyền ảo, có lẽ đó chính là hương vị của quê hương.

Xong việc chạp mộ về tới nhà thờ họ thì trời cũng đã gần trưa, mọi người quây quần bên ấm chè xanh nóng hôi hổi, những câu chuyện xưa cũ được ôn lại râm ran trong lúc chờ tàn nhang. Chuyện mùa màng, chuyện dựng vợ gả chồng của đám con cháu, và một chủ đề  không thể thiếu trong lúc này là những mẫu chuyện của Ôn Mệ  trong lúc sinh thời. Gánh hàng rong của Mệ trong một chiều mưa vắng khách, con cá gáy to ú ụ của Ôn câu tại bến sông quê nhà trong những ngày mưa lụt, hay trọng đại hơn như việc Ôn đội sớ ở đình làng cầu bình an trong những đêm giao thừa âm vang tiếng súng …. Bọn trẻ chúng tôi cứ ngồi há hốc miệng để nghe một cách chăm chú, mai này về lại thành phố, sau khi thêm một ít mắm muối thì những câu chuyện làng quê nghe được hôm nay sẽ trở thành chuyện cổ tích làm tròn xoe mắt biết bao bạn bè.

Giây phút háo hức nhất của đám trẻ con chúng tôi trong ngày giỗ chạp rồi cũng tới. Khi bụng đã đói cồn cào thì những đỉa xôi nếp ruộng thơm lựng cũng được dọn ra, đám trẻ tôi xà ngay vào mâm xôi, bốc một nắm xôi kèm miếng thịt ba chỉ heo mọi chắm nước mắm ruốt dằm ớt vừa thơm, vừa béo lại vừa cay, ôi thôi có hương vị của món ăn nào ngon hơn ở trên đời này. Vị ớt cay xè làm nước mắt tôi chảy ròng ròng, cay thì cay nhưng cũng không cản trở tôi cùng mấy đứa em con cậu con dì chiến đấu bất phân thắng bại cho đến miếng xôi cháy cuối cùng.

Sau khi ăn xong cũng là lúc cả nhà tôi phải lên đường về lại thành phố. Vì là con cháu ngoại và lại ở xa nên hành trang trở về của tôi luôn có một gói xôi thịt heo đùm trong lá chuối. Nhìn mấy đứa em nhà quê mặt méo xệch vì ghen tức với tôi mà tôi thấy hả dạ vô cùng.

Trên đường về, chân bước đi trên đường làng mà cứ như bị níu lại, lũy tre làng đang lùi lại phí sau nhưng tôi cứ vừa đi vừa ngoảnh lại để nhìn. Một thoáng buồn và những giọt nước mắt trên gò má của mẹ, cái nhìn đăm chiêu của ba, mọi người âm thầm rảo bước ra về nhưng tâm hồn thì đang còn ở lại, như đang thơ thẩn dạo chơi nơi nào đó để thưởng thức mùi hương quê bên bến nước bờ tre quê nhà.

Theo TuanVietNamNet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here