Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đi chầm chậm – Huế…

Đi chầm chậm – Huế…

191
0

Không định đi Huế vào dịp hè này vì đã nhiều lần đến chơi, ghé qua. Nhưng sư thầy Thiện Quang gọi nhờ chụp ảnh để thầy làm lịch năm mới khiến bạn cùng nhà rậm rịch rủ rê. Lại gác việc lên đường…

Khoan thai từng bước vào chốn kinh kì
 
Tháng 7 nắng rát mặt. Cái nắng khoan da thịt làm nước trong người như bốc hơi hết. Chạy ôtô từ Hà Nội, dọc đường quốc lộ 1 chả khác gì ngồi trong nhà tắm hơi dù máy lạnh mở hết cỡ. Đến tối thì tới đèo Lý Hòa. Ấn tượng về cái đèo này còn nguyên vào những năm 80, giống một cô gái đẹp khỏa thân ở nơi hoang sơ cho trời đất ngắm. Một bên là rừng thông xanh mướt, còn dưới kia là biển xanh ngắt vút tầm nhìn. Gió thổi vừa đủ để làm tóc bay mà không rối mặt. Giờ người ta xây dựng nhiều rồi. Hết hoang sơ nhưng chưa đến nỗi lồ lộ những tòa nhà hiện đại hóa no đủ, nghênh ngang.
 
Chọn cái tên khách sạn nhỏ ven đường lấy tên rất đặc trưng của eo biển nơi này: đèo Đá Nhảy. Bên kia đường, đối diện với khách sạn có một nhà hàng rất nổi tiếng với những ai hay qua lại con đèo. Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì khó tưởng tượng sự nổi tiếng của nó vì chủ nhân để quán xá mộc mạc như chính con người nơi đây. Món cháo cá ăn với rau cải cắt nhỏ không lẫn nơi nào, thêm nấm rơm ngọt lịm, thơm dịu. Tưởng chỉ cư dân quanh vùng mới biết nhưng khi nói chuyện với mấy người bạn thì ở Hà Nội cũng còn nhớ món cháo cá ngang đèo.
 
Hay thật. Chẳng cần PR và nghệ thuật xây dựng thương hiệu mà chủ nhân vẫn làm nên tên tuổi cho một món ăn nức tiếng. Nhìn lượng khách ra vào ăn uống thì bất cứ nhà hàng nào ở Hà Nội cũng phải thèm muốn. Trên đèo không có nhiều nhà hàng nên ít sự lựa chọn, nhưng chủ nhân vẫn không lợi dụng tình thế đó mà làm điêu, nấu dở, nấu bớt. Thương hiệu của món cháo được giữ nguyên giá trị lâu nay để khách mới tới hay khách quen đều phải ghé qua nếu có dịp vượt đèo Đá Nhảy. Ai mà có tâm hồn ăn uống thì dễ phải lòng lắm. Quyến rũ còn hơn tắm biển và ngắm đá nhảy ngay dưới chân họ.
 
Sáng hôm sau ung dung đổ đèo đi tiếp vào Huế. Bỏ lại nuối tiếc là Lý Hòa không còn đủ lãng mạn cho bay bổng, nhưng vẫn đủ trầm tư để níu chân mỗi khi qua đây.     
 
Ở Huế bạn bè tuy không nhiều những cũng đủ vài cữ café, cơm bữa cho mấy ngày ở đó để vui cười. Nhưng kể cả không đủ bạn thì cũng túc tắc đến nhiều nơi để ngắm nghía, nhiều nơi để nếm náp món lạ. 
 
Chùa Châu Lâm ở gần đàn Nam Giao, vốn tiếng tăm và nằm gần thành phố. Từ Nam Giao, rẽ tay phải mặt, cách chưa đầy cây số là tới chùa Châu Lâm. Ngôi chùa nhỏ giữa hàng trăm ngôi chùa lớn bé tọa lạc ở Huế. Nghe kể là chùa mới được xây dựng cách nay gần thế kỷ. Trước đây chùa nằm ở vùng đồi hoang vu, có cả thú hoang, cọp beo. Giờ thì thành làng đông vui vây quanh chùa.
 
 
Người đặt viên đá đầu tiên dựng lên ngôi thảo am Pháp Uyển Châu Lâm, vào đầu thập kỷ 40 (1933) của thế kỷ 20 là hòa thượng thượng Tâm hạ Ấn, tự Vĩnh Thừa, hiệu Viên Quang. Hòa thượng họ Nguyễn, người thôn Đa Nghi, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, sinh năm Ất Mùi (1895) niên hiệu Thành Thái thứ mười, thuộc đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán. Trên đường hoằng hóa, cố hòa thượng Vĩnh Thừa, hiệu Viên Quang đã từng đảm trách ngôi vị trụ trì các chùa như: Từ Đàm, Thánh Duyên (tức chùa Túy Vân ngày nay), Báo Quốc, Tường Vân, Tăng Cang chùa Sắc Tứ Quốc Tự Diệu Đế, và đảm nhiệm nhiều Phật sự quan trọng sơn môn giáo hội Thuận Hóa xưa. Sau nhiều năm tháng vân du hóa đạo, hòa thượng đã trở về xây dựng kiến tạo ngôi thảo am Pháp Uyển Châu Lâm nhỏ bé thành ngôi bảo điện khang trang. Và vào năm 1940 được vua Bảo Đại sắc phong tấm biển “Sắc Tứ Châu Lâm Tự”.
 
Chùa Châu Lâm xây lên khi đất nước li tan, chiến tranh loạn lạc, súng đạn rền trời… Năm 1968 ngôi chánh điện bị hư hỏng hoàn toàn bởi nhiều đợt pháo kích. Trước cảnh tan thương ấy hòa thượng vẫn cười tươi bằng giọng thơ trào phúng nhẹ nhàng: “Trận giặc Mậu Thân quá lạ kỳ/ Chùa chiền tan nát chẳng còn chi/ Ông sư ôm bát đi đường tắt/ Bà vãi ôm chuông chạy ngã rì/ Súng nổ dập dồn chân thúc bước/ Tàu bay ồ ạt gọi người đi/ Gặp nhau chào hỏi nam mô phật/ Sắc diện bi ai hạt lệ thùy” (vịnh cảnh sư Hộ Nhẫn đi khất thực và sa di Diệu Nghĩa ôm chuông chạy giặc).
 
Vào ngày Giổ tổ khai sơn tháng giêng năm Mậu Tý (2008), cố hòa thượng Thích Phước Thành – vị đệ tử kế thế trụ trì đời thứ 2 của chùa đã cùng tăng chúng quyết định trùng tu lại. Chùa Châu Lâm ngày trước mình tới nhỏ, giản dị, giờ to đẹp lắm. Phật tử ngày càng đông thì chùa lớn hơn cũng là hợp lẽ. Chốn thiền môn rực dàn hoa lan đủ màu làm dịu đi cái nắng tháng 7 đang trút lửa.  
 
Mình thích ngắm các chú điệu (chú tiểu) lên 9, 10 tuổi, có chòm tóc phía trước dài như đuôi chim công vắt ngang trán, mảnh mai, hay e thẹn chạy ngang qua sân, tránh cái nhìn của khách, giấu một nụ cười hé. Đêm buông, tiếng tụng kinh của các chú nghe nao lòng như tiếng trẻ học bài. Một chú ra gác chuông, ngồi im lặng trong bóng tối, thỉnh vào thinh không những tiếng chuông nhẹ, trầm mặc, u buồn. Mình luẩn quẩn bên chú mãi không muốn rời… Rồi được giục về kẻo phiền sư thầy, cứ nhớ mãi bóng chú điệu ngồi thỉnh chuông bên vườn cây. Dường như trong bóng tối đó, chú nhìn cuộc đời sáng hơn mình chăng?
 
Đường về thấy nhà nhà bày bàn thờ hương khói ngoài đường. Chợt nhớ ra vào Huế đúng ngày 23 tháng 5 âm lịch. Ngày thất thủ kinh thành Huế. 
 
Năm 1884, Pháp đã chiếm trọn hai miền Nam – Bắc. Huế khi ấy vẫn còn là kinh đô mà người dân trông về. Tổng Tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Roussel De Courcy tuyên bố: “Cái gút thắt của vấn đề Việt Nam là ở Huế”.
 
Ngày 2/7/1885, De Courcy đưa quân vào cửa Thuận An, đòi hỏi triều đình Huế: “Nếu muốn được yên ổn thì phải nộp cho chúng tôi hai vạn thoi vàng, hai vạn thoi bạc và hai vạn quan tiền…”. De Courcy tiến vào Hoàng thành và đòi vua Hàm Nghi phải bước xuống ngai vàng, đích thân ra đón. Roussel còn đòi tất cả phái đoàn của Pháp từ quan đến lính quèn phải được đi vào Đại Nội bằng cửa chính Ngọ Môn, trong khi cửa này chỉ để dành riêng cho Đại Nam Hoàng Đế. Sự ngạo mạn và lăng nhục của quân xâm lăng thiêu đốt hết mọi thiện chí ngoại giao cuối cùng.
 
Tối 22 rạng 23/5 âm lịch Ất Dậu (tức đêm mồng 4 rạng 5/7/1885), Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết và Đề Đốc Trần Xuân Soạn đã chỉ huy 20.000 binh lính mở cuộc tổng tấn công vào thành lũy của quân Pháp ở Toà Khâm và Mang Cá, sào huyệt giặc bên sông Hương. Quân ta chiến đấu rất gan dạ. Tôn Thất Thuyết bố trí cuộc tấn công rất chu đáo nhưng vũ khí giới kém nên bị thua trận.
 
Rạng sáng, quân Pháp bắt đầu phản công dưới sự chỉ huy của Pernot. Từng đợt xung phong chiếm lĩnh các vị trí then chốt để tràn vào các cửa Đông Ba, Thượng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa. Toán từ Cửa Trài, phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà, tiến vào Lục Bộ, cố tấn công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Hoàng Cung. Toán quân thứ hai vượt Cầu Kho tấn công quân triều đình đang tử thủ vườn Ngự Uyển để tiếp ứng toán quân đang cố phá đổ một cách vô hiệu quả cửa Hiển Nhơn vẫn đứng trơ gan trong khói lửa. Quân triều đình không giữ nổi thành phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba đã bị toán quân Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên chiếm ngự. Cuộc chém giết trời sầu đất thảm đã xảy ra nơi mà trăm năm sau vẫn còn ghi dấu: Miếu Âm Hồn.
 
Ðịch chiếm thành và đốt phá, hãm hiếp, giết chóc cướp bóc không từ một ai. Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm xảy ra. Hầu như không có gia đình nào lại không có người bỏ mạng trong cuộc binh biến này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là số dân chúng ở trong thành. Vua Hàm Nghi ở ngôi chưa ấm chỗ đã phải ba năm rày đây mai đó trong vùng rừng núi Quảng Bình-Hà Tĩnh, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần Vương nhưng thất bại.
 
Ngày 23 tháng 5 âm lịch từ đó về sau đã trở thành ngày giỗ lớn, ngày "quầy cơm chung" hằng năm của cả thành phố Huế. Họ cúng cho tất cả những người tử nạn: quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy, do nhiều nguyên do giày đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn Pháp, hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sẩy chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm… trong khoảng từ 2h đến 4h sáng 23/5 năm Ất Dậu. Có phải nhờ máu xương của chúng sinh đổ xuống mà sen hồ Tịnh Tâm nổi tiếng thơm, hạt sen Tịnh Tâm nổi tiếng ngọt, béo bùi khiến chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi?
 
Chính lễ thường cử hành vào ngày 23/5 âm lịch. Nhưng với các tư gia thì tùy nghi mà cúng giỗ từ 23 đến 30/5. Người ta thường dựng rạp hoặc bày bàn cúng ngoài trời. Lễ cúng ít nhiều tùy điều kiện của từng gia đình, nhưng tối thiểu phải có chè, cháo, gạo, muối, hoa quả, nhang, trầm, trà, giấy tiền vàng bạc, hột nổ, áo binh, giấy ngũ sắc, cau trầu, rượu. Ðặc biệt, trong lễ cúng 23/5 này, từ gia đình cho đến tập thể phải nhớ có một bình nước lớn và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người ta tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông, suối trong rạng ngày 23-5. Bởi thế vào ngày này ở Huế luôn phảng phất mùi hương khắp thành phố. Khói hương quẩn gốc cây, lượn trên vòm cây và nhẹ vút bay lên trời. Có mang theo nhưng vong hồn đau khổ và lưu luyến đất này?
 
Lấp lánh những giai thoại
 
Trong kí ức của những người Huế lớn tuổi có kể về người đàn bà mù tên là Mụ Mì, sống cô đơn trong túp lều tranh phía sau lầu ông Hoàng Tùng Đệ, ngày ngày chân đất áo dài vá chằng vá đụp, lang thang khắp chốn kinh thành, nói vè Thất thủ kinh đô… để kiếm vài xu sống qua ngày. Những người Huế còn thuộc lòng nhiều đoạn của bài vè:
 
Từ ngày thất thủ kinh đô, 
Bốn phương xiêu vẹo hán Hồ khổ thay. 
Nước ta quan tướng anh hùng 
Bách quan văn võ cũng không ai tày. 
Người có ngọc vẹt cầm tay, 
Ðạn vàng Tây bắn ba ngày không nao. 
Tài hay văn võ lược thao, 
Khí khái nhân địa ra vào rất thông. 
Bốn bề cự chiến giao công, 
Tây phiên nói: thực anh hùng nước Nam 
 
                                         (Vè Thất thủ kinh đô)
 
Người ta vẫn hỏi: phải chăng ngày thất thủ kinh đô và lễ cúng tế âm hồn có liên quan đến “cơm âm phủ” sau này rất nổi tiếng ở Huế? Lục tìm tư liệu về nguồn gốc món ăn nghe rờn rợn, ma quái này thì được biết, quán cơm Âm Phủ là một huyền sử chấm phá trớ trêu trên trang sử của xứ Huế, lồng ghép vào những uy nghi của cung điện lăng tẩm đế vương. Nguyên thủy là quán nghèo, nghe nói có gia phả hẳn hoi, ra đời đâu đó vào năm cuối của đệ nhị Thế chiến 1914-1918 do ông Tống Phước Kỷ lập nên. Cái tên “Âm Phủ” do khách bình dân lam lũ thời đó đặt ra. Tên này đã dấu mình vào câu vè trong “Thất thủ kinh đô”: "Kể từ ngày thất thủ kinh đô, Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam Lên Dinh, ở tớ Tòa Khâm Chén Cơm Âm Phủ, áo đầm mồ hôi…" rồi sống đến bây giờ.
 
Buổi đầu, quán cơm dựng trên vùng đất hoang vu, tiếp giáp với cánh đồng An Cựu nên gọi nôm na là Đất Mới. Thời đó, Đất Mới là vùng ngoại biên hẻo lánh về phía Đông của Tòa Khâm được bảo vệ kỹ bởi những đồn lính Tây, lính Khố Đỏ, Khố Xanh, lính tập, lính kèn, Sở Mật thám… Do đó, Đất Mới cũng là nơi ở của đám gái điếm. Quán cơm Âm Phủ chính là nơi mà người ta đến ăn vào những đêm khuya khoắt đói lòng sau khi lần mò ăn chơi, hát xướng, cờ bạc… như cò vạc. Một quán nhỏ đìu hiu, đèn mờ không soi tỏ gương mặt mệt mỏi, xanh xao của đám cò vạc này, giữa một vùng đất mới hoang lạnh mà nên tên “Cơm Âm Phủ”…
 
Quán Âm Phủ thuở đầu bán một thứ “cơm dĩa” gọi là món “Cơm Âm Phủ”. Đó là một loại cơm thập cẩm trộn đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt, nướng, tôm chấy, thịt heo, dưa gang, dưa chuột bóp… với chén nước mắm pha loãng để chan vào mà ăn. Đây là một cách làm tiện lợi vừa nhanh, rẻ để đáp ứng nhu cầu của những khách ăn vội vã về khuya đang bị cơn đói dày vò và cơn buồn ngủ sầm sập kéo đến. Giờ món ăn dân dã này trở thành món ăn nổi tiếng và bôn ba ở nhiều nơi có người Việt sinh sống.
 
Khất lần mãi với non cao Bạch Mã mà chưa một lần được tới. Lần này quyết chí đi thì lại không thành vì đường đang làm, ô tô không vào được. Rẽ qua ngả đập Truồi đến với Trúc Lâm Bạch Mã vậy…
 
Anh bạn cùng nhà khoái cảm viết:
 
Mưa sùi sụt
Nắng chang chang
Nói khan khan
Đi chầm chậm
 
Huế tháng bảy. Cây xanh chả lại với cái nắng miền Trung. Nắng rát, đền đài, lăng tẩm vẫn nườm nượp khách, hầu hết là khách Tây.
 
Hồ Truồi
 
Không khí này làm ta muốn đi chùa. Lên Trúc Lâm Bạch Mã. Ngược gần 40km vào nam, rẽ phải cầu Truồi ra đập Truồi là tới. Hồ Truồi như tấm gương giữa trưa nắng lèn đầy trời xanh mây trắng. Đáy hồ óng mượt mây vàng tơ ngâm.
 
Nắng chói. Ngắm ngọn cờ te tua trên mui thuyền khoảng 10 phút (500k nếu bạn thuê riêng thuyền) là tới thác ông Viên. Đá to đá nhỏ bỏng rẫy vì nắng. Chú hướng dẫn viên đổ nước xèo xèo lên đá trước mỗi bước chân cho đỡ rát chân. Mùa này nước cạn nhưng vẫn tí tách luồn khe đá mà chắt ra dòng nước trong vắt. Ngâm người xuống sẽ lạnh cho mà coi. Nước quanh năm đủ để làm rêu bám chặt trên mặt đá, bẫy ngã những ai vô tình dẫm lên đó. Chịu khó leo trèo tận đỉnh mới thấy cái thác nước con con xõa dòng trắng xóa như tóc của nàng Bạch Mao Nữ.
 
Không thấy chim kêu, cứ ngỡ tại trời đem giấu hết. Chợt thấy mấy cu con xách lồng bẫy chạy trốn kiểm lâm mới biết chim tan đàn vắng bóng là tại ai? Chim về phố hót cho các đại gia hết rồi. Để rừng im ắng ngẩn ngơ…
 
Cập bến Thiền viện Trúc Lầm Bạch Mã mới thấm thía cửa thiền môn trong mây. Mây trắng luồn từ bậc tam cấp, sà vào cổng tam quan rồi nhẹ lướt, nhẹ bay về phía vịnh Chân Mây.
 
Giờ là buổi trưa, chỉ kịp ghé Chánh điện, xem tháp chuông. Kịp nghe tiếng nhà sư mời khách vãng lai thiếu ý tứ rời Chánh điện về nghỉ ngơi phía nhà chờ. Kịp thấy ở Tam quan có người cha tập tễnh che nắng cho con. Mô Phật!
 
Nhìn về phía bờ kia yên ả lắm. Mây vẫn trắng trời vẫn xanh, chiếc thuyền như vạch mũi tên trên mặt hồ, hướng về cõi Phật.
 
Có nên lên đây mà ở lại không nhỉ? Đẹp dường này. Tịch mịch dường này. Thiên thai dường này. Ai muốn tu thiền đây chính là nơi để Vô tâm khơi nguồn.
 
Về lại Huế để thưởng mùi hương khói vẫn đang nghi ngút trong tưởng nhớ nỗi đau của cả trăm năm trước:
 
“Tránh thân cho khỏi súng Tây
Mẹ con chạy vạy trời rày còn khuya
Lao xao như cá trong đìa
Tránh sao cho khỏi súng lia vào mình…”.
 
Mình vẫn đang cõi Ta bà mà, tránh sao được? Nhưng đến Huế có nhiều nơi để lắng đọng tâm hồn cho những bình yên mà ai cũng mong ước…
 
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here