Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Đến Luang Prabang sống chậm

Đến Luang Prabang sống chậm

195
0

Ngồi cạnh chúng tôi là một giáo sư Australia – người sở hữu một ngôi nhà có vườn và hai phòng khách tại Sydney, thu nhập nuôi đủ vợ và bộ sưu tập 30 con mèo của bà. Ông nhận lời đến Luang Prabang dạy triết và tiếng Anh chỉ vì “muốn nhìn thấy thời gian chạy chậm lại giữa mùi thơm của bánh mới ra lò và của càphê mới pha… ”.

Buổi sáng khất thực

5 giờ sáng, cố đô của Lào hiện ra trước mắt chúng tôi từ những đỉnh núi xanh mờ ở chỗ gặp nhau của sông Mêkông và sông Nậm Khan. Trong ánh bình minh ló rạng, thành phố thanh bình như làn sương mai ẩn khuất trong các bụi cây mọc theo những con đường dốc thoai thoải và những ngôi nhà vẫn còn ngái ngủ xây từ thời Pháp đô hộ hoặc mô phỏng theo phong cách thuộc địa, rất ít cái quá 2 tầng, có hàng rào bằng gỗ thấp, sơn trắng và các cửa sổ không có chấn song đặt những bình hoa. Giữa sự yên tĩnh nghe rõ cả tiếng sột soạt của một con chó đứng gãi mài lưng vào hàng rào của phố vắng, bỗng rộn tiếng trống, chuông chùa gọi các nhà sư đến giờ khất thực.

Lát sau, trên đường xuất hiện hàng trăm nhà sư mặc cà sa vàng tía, đeo âu khất thực, mà người nhà chùa gọi “bình bát”. Chân trần, hàng một, chậm rãi, dòng áo vàng lặng lẽ qua từng con phố. Người dân đã nấu sẵn cơm (xôi) từ khi trăng chỉ còn là một chiếc sừng màu vàng tan biến dần trong mây mờ. Hai bên đường, trước cửa nhà, đàn ông được ngồi trên những ghế thấp, đàn bà phải quỳ, không ai được đứng cao hơn nhà sư, không ai được nhìn vào mắt nhà sư, kính cẩn nâng “coóng” xôi lên ngang trán, rồi bốc xôi bỏ vào âu của mỗi nhà sư đi tới. Không chỉ có xôi, họ cúng sư cả hoa quả, bánh kẹo, nước uống…

Đoàn sư khất thực buổi sáng.
Đoàn sư khất thực buổi sáng.

Tất cả diễn ra trong niềm im lặng thành kính. Đến cuối con đường khất thực về chùa, các nhà sư quay đầu hướng về người dân cất lời đọc kinh chúc phúc cho những người nuôi sống họ. Giọng kinh trong trẻo bay lên không gian trong lành khiến cho lòng người trong sáng. Chuyến khất thực kết thúc, để lại đường phố lũ trẻ con lấm lem, hớn hở ôm những hộp nhựa đựng xôi, bánh trái mà các nhà sư vừa chia sẻ cho chúng. Bằng thứ tiếng Anh giả cầy “Hello, money!”, vài đứa láu lỉnh nhất bọn nhân tiện giở trò “khất thực” với du khách bên đường. Một đám đông du khách đủ các màu da lục tục trở lại khách sạn ngủ tiếp. Họ đã dậy sớm vì không chịu lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng một trong những cảnh tượng thi vị ở đất nước mà Phật giáo là quốc đạo.

Luang Prabang là thành phố của du lịch. Trên nhiều đường phố, du khách còn đông hơn người địa phương. Họ đến đây để chiêm bái những ngôi chùa cổ, tu viện Wat Mai, Wat Xieng Thoong… được xây dựng từ thế kỷ 18. Dù không nổi tiếng và hoành tráng như Shwedagon ở Rangoon, Myanmar hay chùa Vàng ở Bangkok, Thái Lan, song cửa Phật thì ở đâu cũng thế, những pho tượng phật uy nghi, những bức tranh tường đồ sộ đều như nhắc nhở chúng sinh: Rồi ai cũng phải đến lúc từ giã cõi đời sống tạm. Cái chết chẳng làm cho những cây xoài mọc trước cổng chùa rơi lệ. Điều này ảnh hưởng quan trọng đến tính cách rất thuần hậu, hiền hoà, lương thiện của người dân Lào.

Song rõ ràng rằng du khách đến cố đô Lào vì cái gì đó sâu sắc, khác hơn những cuộc hành hương. Phải chăng họ muốn đi tìm một nơi thời gian như chảy chậm lại giữa một thế giới phẳng đầy sôi động bởi các cuộc đua tốc độ đã khiến họ quá mệt mỏi, căng thẳng ở quê nhà.

Xin đừng có vội!

Người Pháp đã gọi buổi sáng ở Luang Prabang là “buổi sáng héo”, tức là buổi sáng cho phép người ta thả mình hoàn toàn biếng nhác, trễ nải. Buổi sáng cảm nhận được làn gió thổi rất nhẹ. Không khí thơm mùi xôi mới và mùi hương thảo, gia vị toả ra từ một quán ăn đầu phố. Dưới những hàng cây rợp lá là các nhà sư bước đi thong thả. Du khách thoải mái ngồi duỗi chân trước cửa nhà bởi họ không bị quấy rầy bởi một đám trẻ ăn mày, đánh giày, bán báo, bán đồ lưu niệm. Luang Prabang không có các thành phần dân cư này. Một vài chiếc xe đạp phóng vụt qua (rất hiếm ôtô chạy trên những con đường nhỏ hẹp của Luang Prabang). Thành phố chỉ có vài chục con phố, xe đạp chính là phương tiện xê dịch lý tưởng nhất của du khách. Người cho thuê xe ở cạnh Muang Lao Guest House chẳng cần hỏi tôi là ai, ở đâu, phải đặt cọc bao nhiêu kíp (tiền Lào), với một nụ cười thân thiện giao xe cho tôi, đi chán chê về trả tiền.

Bằng xe đạp, chúng tôi đi đến các bản của người Mông nằm dọc theo sông Mêkông chưa bị văn minh vật chất thuần hoá, ngồi dưới chân các thác nước Tat Kuang Si và Tat Sae – nằm trong những thắng cảnh đẹp nhất của nước Lào – mặc dù đã gần cạn vào mùa khô. Khi vào chợ Sáng mua rau chưa bị dính thuốc trừ sâu, chúng tôi tưởng đã phạm phải sai lầm vì dựng xe vào hàng thịt lại đi vào mua hàng rau. Nào ngờ chúng tôi đã không bị… chửi, mà còn được một nụ cười từ cô bán thịt.

Mới 10 giờ sáng, du khách rỗi rãi lục tục ghé những nhà hàng bằng gỗ dọc sông Nậm Khan. Người ngồi trầm ngâm trong các khu vườn sum sê tuyệt đẹp của Bar Utopia nổi tiếng. Người ngồi dưới gốc cây cọ thảnh thơi ngắm chiếc cầu tre và các con thuyền dài như những con rắn nước chậm chạp bơi theo dòng sông lười nhác, với cuốn sách mở trước mặt, kiên nhẫn chờ bữa cơm trưa. Bạn đừng bao giờ hy vọng những người phục vụ quán ăn sẽ lập kỷ lục SEA Games khi chạy đến bàn của bạn. Ai biết được gã du khách vui tính nào đã chơi chữ: Nước CHDCND Lào – Lao PDR thành Please Don’t Rush! “Xin đừng có vội! Đây là nước Lào!”. Quả thật, bạn sẽ phải chờ rất lâu để được thưởng thức món lạp nổi tiếng của Lào từ một cô bé hầu bàn chân ngắn và lúc nào cũng bình thản như các ngọn núi nơi cô sinh ra. Khi có cảm giác phiêu diêu uể oải của buổi trưa hè, du khách cũng chẳng ngại ngùng ngủ thiếp như một gốc cây trong quán, mặc cho lũ chó đang nằm dưới chân sưởi nắng gắt nhặng lên vì có đám mây xốp, béo tròn và trắng như một cục bông bay qua che mất mặt trời.

Một đôi uyên ương Lào trong trang phục truyền thống chụp ảnh cưới trong chùa.
Một đôi uyên ương Lào trong trang phục truyền thống chụp ảnh cưới trong chùa.

Các điểm du lịch của cố đô Lào đóng cửa lúc 16 giờ. Hãy đến Bảo tàng Cung điện Hoàng gia, bạn sẽ thấy các vua Lào sống thế nào. Đặc biệt là bộ sưu tập hai chiếc ôtô hảo hạng Lincoln Continental 1960 quà tặng của Hãng Ford (Mỹ), một chiếc Citation 1958. Không thì bạn có thể đi lang thang vào các cửa hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo (tôi đã mang về Việt Nam 3 con kiến gỗ ngộ nghĩnh, ở đuôi có lắp chong chóng làm bằng lông gà quay tít khi gặp cơn gió; chúng đã làm 2 con mèo nhà tôi phấn khích phát cuồng), mua đồ của người thợ bạc ngày xưa chế tác cho Hoàng gia Lào.

Khi nắng chỉ còn đọng lại rất nhạt trên những bụi cây xương rồng làm rào quanh nhà, chúng tôi thuê một chiếc thuyền đi dọc sông Mêkông. Con sông hùng vĩ về mùa nước cạn vẫn rộng mênh mông, để lộ ra dưới lòng sông những bãi đá ngầm sắc lẻm. Rất lâu rồi tôi mới lại được nhìn thấy sợi khói lam chiều bay lên từ những ngôi chùa nằm rải rác bên kia sông. Người lái đò dừng thuyền lại giữa dòng cho chúng tôi chụp ảnh mặt trời lặn, ngắm vẻ đẹp của hoàng hôn trùm lên mặt sông, bờ cát, làng bản và những con thuyền.

Buổi tối chúng tôi chia đôi, những người phụ nữ tìm đến chợ đêm để hưởng niềm vui mua được những thứ chẳng bao giờ dùng, còn chúng tôi đến quán bar để uống bia Lào. Chúng tôi gặp lại vị giáo sư Australia. Ông không nhận ra chúng tôi, chắc chắn vì ông đã kịp “đầu tư” quá nhiều vào hai chai vang trước mặt. Nhạc Debusy bay lên nhè nhẹ. Nhìn vẻ thư thái của ông, tôi đoán ông chưa nghĩ đến ngày mai trở về Sydney cùng bà vợ với 30 con mèo.

Sau 8 ngày ở nước Lào, chúng tôi trở về Việt Nam để gặp lại với điện thoại di động, với Internet và ông thư ký toà soạn luôn miệng giục: “Bài đâu?”. Nước Lào không nhiều những cảnh tượng thật hùng vỹ, những thứ được ghi vào sách kỷ lục Guinness, nhưng tràn ngập tâm hồn tôi là một cảm giác thư thái, dễ chịu. Sau hơn một tiếng, máy bay từ Luang Prabang hạ cánh xuống sân bay Nội Bài – bằng khoảng thời gian chúng tôi chờ đợi để được trả tiền một cốc càphê ở quán Utopia bên dòng Nậm Khan. Bạn hãy nhớ nhé: Nếu có đến Lào thì đừng có vội!  

H.L.Q

(Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here