Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Để Trường Tiền mãi mãi tuổi hai mươi

Để Trường Tiền mãi mãi tuổi hai mươi

158
0

Giả sử một buổi sáng nào đó thức dậy, dòng sông Hương và chiếc cầu Trường Tiền  thân thuộc bỗng dưng biến mất. Tôi không hình  dung được điều gì sẽ xảy ra, nhưng có một điều chắc chắn rằng: tôi sẽ “cực sốc”, nói theo ngôn ngữ hiện đại .

Làm sao không “sốc” được , khi mỗi ngày  tôi đều  đi qua, về trên chiếc cầu kia  và chiêm ngưỡng con sông đó, ít  nhất là một lần, kể cả trong những  ngày mưa  bão tơi bời nhất. Tôi cảm nhận được từng độ trong xanh của con sông ngày hôm nay so với ngày hôm qua, phát hiện từng mức nước lên, xuống mỗi ngày của  dòng sông thân yêu, không khác một người mẹ chăm bẳm đứa con đầu lòng. Chỉ một chút  thiếu trong xanh của dòng sông  đã đủ làm tôi ray rứt muộn phiền. Tôi tự cho phép mình là người sở hữu báu vật kia, nâng niu, sợ  viên ngọc quý ấy bị  tì vết. Những hôm mưa lụt, nhìn mặt nước đục lờ, cuồn cuộn chảy, tôi lại thấy lòng mình  nhói đau, để từng ngày, dõi mắt ngóng trông con sông biếc xanh trở lại. Tôi có thể nói mà không ngại ngần rằng độ trong xanh tuyệt vời của dòng Hương là duy nhất. Điều này rất nhiều người đã đồng tình với tôi , những  người từng đi nhiều nơi trên thế giới. Một người bạn, từng sống ở Pháp nhiều năm, nói với tôi: Dẫu sông Seine đã từng được ca ngợi như một con sông đẹp nhất của nước Pháp nhưng chắc rằng cũng không có được một màu sắc đặc biệt trong lành như con sông mà anh đang chiêm ngưỡng cùng tôi.

Sông Hương đối với tôi  hơn cả  một người bạn thiết. Sông đã chia với tôi biết bao kỷ niệm, đã chứng kiến và cất giữ dùm  tôi bao nhiêu buồn vui của cuộc sống, trong gần một đời người.. Và thật là hụt hẫng biết bao khi đi qua một thành phố khác, tôi không hề tìm thấy một con sông trong lòng thành phố như cố đô này. Đã có những tháng năm, tôi sống ở Đà Nẵng, mỗi lần “home sick”, tôi lại lang thang ra sông Hàn để tìm cảm giác mình đang trở về cùng sông,  nhưng đã không bao giờ tôi tìm được cảm giác êm ả, vì trước mắt tôi, con sông Hàn thật khác xa với dòng Hương, nó cứ làm tôi liên tưởng đến mùa mưa lũ ở Huế, bởi con nước bạc cứ cuồn cuộn chảy. Và tôi hiểu vì sao nhà thơ đất Quảng, Thu Bồn, khi đi qua  dòng sông thơ mộng của đất Thần kinh đã cảm xúc:
                             Nhịp cầu cong và con đường thẳng
                             Một đời Anh tìm mãi Huế nơi đâu
                             Con sông dùng dằng, con sông không chảy
                             Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

                                                                        (Tạm biệt, Thu Bồn)

Những dòng thơ đã làm tôi thấy vô cùng hãnh diện và yêu mến thêm con sông “báu vật” của mình.

Vậy mà có lúc con sông đã bạo bệnh, đó là một sáng mùa hè năm 2002 , khi đi ngang qua con sông tôi bỗng giật mình vì vẻ trong trẻo của sông đã biến mất, lúc đầu tôi cũng tưởng chỉ một vài ngày sau, sông lại an lành, trở lại, như quy luật. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi  hăm hở đi về phía dòng sông với một niềm hi vọng. Nhưng không, càng lúc, sông càng đục hơn, nhìn màu vàng lì lợm kia bám riết con sông xanh thân thuộc tôi vô cùng  hoang mang và bất ổn. Con sông đã lâm trọng bệnh. Đó cũng là những ngày tâm tư tôi trĩu nặng. Nhìn sự hấp hối của dòng sông tôi chỉ muốn khóc, chỉ muốn bệnh cùng sông. Lúc đó trong đầu tôi luôn vang vọng câu hát buồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Có một dòng sông đã qua đời”. Cũng may sông đã được kịp thời cứu chữa trước lúc “Sông Hương biến thành sông Hồng” bởi nguyên nhân là vì một lượng đất đá lớn đã đổ xuống dòng sông khi làm con đường Trường Sơn. Sông đã được “chạy chữa”, bằng mọi cách để  trả lại vẻ đẹp nguyên sơ và thanh khiết, như nó vốn có.

Lung linh, ảo huyền là những đêm trăng trên sông, khi tiếng hát lưu thuỷ, hành vân ngân dài trên sóng nước, lan mãi, lan mãi tưởng chừng không dứt, đặc biệt là với bản Tương tư khúc, nỗi cô đơn quyện hoà vào trăng nước mênh mông, như tiếng thở dài của người người cô phụ. Ánh sáng từ những chiếc đèn hoa thả xuống dòng sông, chở theo những lời cầu nguyện âm thầm. Tôi không biết đã có bao nhiêu ước vọng thì thầm cùng sông, và bao nhiêu điều ước đã viên mãn, trong một thời điểm mà niềm tin đối với Tâm Linh hình như khó lòng ngự trị.

Thế nhưng  dòng sông cũng  đã thực sự biến  thành dòng sông Tâm Linh. Đó là lúc bảy đoá Sen khổng lồ, tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật toả sáng một ngày tháng 4 âm lịch, mừng đại lễ Vesak,  kỉ niệm ngày Đức Phật đản sinh, Phật lịch 2552. Khi bài ca Sen trắng được cất lên từ bến Nghinh Lương Đình với một dàn hợp xướng chuyên nghiệp cùng với khói hương trầm ngào ngạt toả dọc bờ sông, thì những đoá Sen từ từ nở ra, như thể từng bước chân Đức Phật đang ngự trị. Những đoá Sen cũng đang bừng sáng cả trong mỗi tâm thức người. Đó là đoá Sen của lòng Từ, của Phật Tánh đang  rạng ngời, chói sáng.

Đêm Sông Hương cũng đã có một lần rộn ràng những giai nhân trong những tà áo dài quý phái và sang trọng, dập dìu trên những chiếc đò chở đầy hoa sen, rực rỡ hoa giấy làng Thanh Tiên, cũng như ánh sáng hoa được bắn từ nghệ sĩ  pháo hoa chuyên nghiệp người Pháp. Một sự kết hợp kỳ ảo, và lãng mạn đầy nghệ thuật giữa hiện đại và truyền thống, giữa thiên nhiên và con người. Đêm hội áo dài trên sông Hương của Festival 2006 là một đêm đầy cảm xúc với tôi. Và năm nay, trong Festival làng Nghề 2009 của Huế,  bên cạnh Đập Đá, góc nhìn Cầu Trường Tiền đẹp và trọn vẹn nhất, một buổi tiệc Sinh Nhật 110 năm Cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba đã được tổ chức đồng thời với đêm chào đời của Hội Áo Dài. Đó là một buổi sinh nhật dễ thương nhất mà tôi từng tham dự. Một sự hoà quyện thanh thoát và nhẹ nhàng bay bổng  nhưng không kém phần sâu lắng của thơ, nhạc, vũ điệu và những tà áo dài, một “di sản sống” của văn hoá Việt. Tôi như bềnh bồng trong một cõi hoang đường nào khác. Chỉ những giọt nước mắt là thực. Những giọt nước mắt từ một cảm xúc không thể gọi tên, trong những  đêm sông Hương đầy ấn tượng.

Dĩ nhiên mỗi người có một cảm nhận về dòng sông theo cách của mình. Sông Hương, với đại thi hào Nguyễn Du  là vầng trăng diễm ảo “kim cổ hứa đa sầu” đó cũng là “thanh kiếm dựng trời xanh” trong mắt nhà thơ Cao Bá Quát. Vua Thiệu Trị, trong bi kí  thì lại nhìn Sông Hương như một dãi lụa lấp lánh dưới ánh dương, Ở đó, người dân hai bên bờ, vì yêu mến dòng sông của mình nên đã trồng loài cây Thạch Xương Bồ và  nấu nước của nhiều loài hoa đổ xuống dòng sông để dòng sông mãi mãi thơm hương (Huế – di tích và con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Nhưng dù cảm nhận như thế nào thì cũng không ai phủ nhận rằng Sông Hương là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp  mà tạo hoá đã ưu ái ban cho mảnh đất Thần kinh, bức tranh kia càng toàn bích hơn với bàn tay con người khi kiến tạo trên dòng sông diễm lệ  một chiếc cầu duyên dáng: cầu Trường Tiền. Đó là một trong những cuộc hôn phối lãng mạn nhất của trần gian. Màu nhủ bạc sang trọng và quý phái lấp lánh trong nắng sớm, cũng như lúc hoàng hôn rải những sắc tím biếc xuống mười hai nhịp cong, soi bên dòng sông xanh nước. Những lúc trời trong, bóng dãy núi Kim Phụng in trên nền trời rõ mồn một. Hướng ngược lại là Cồn Hến ẩn mình bên trong những rặng tre xanh. Hai bên bờ lung linh bóng thành quách, cung điện. Những ngày chìm trong mưa, cầu Trường Tiền vẫn có những nét sầu mộng kỳ ảo, như nét đẹp vương giả, sầu muộn của một cung tần. Huế đã thực sự là một “bài thơ đô thị”. Chiếc cầu, con sông kia càng thêm sống động với hình ảnh người con gái Huế, những cô gái “qua cầu vướng áo nàng Tôn nữ. Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ” (Trong đôi mắt Huế, Đông Hồ), những cô nữ sinh Đồng Khánh một thời đã làm xao lòng không ít thi nhân:

                        Sông Hương ạ, đến đây rồi dừng lại
                        Bờ Bắc, bờ Nam, áo trắng phiêu bồng
                        Làm gì Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
                        Tôi bước hoài
                        Đếm không xiết mênh mông.

                                 (Lãng mạn với sông Hương – Nguyễn Nhã Tiên)

Tôi không biết phải dùng cơ số nào mới có thể đếm hết những cảm xúc khi gõ bước chân mình trên những nhịp cầu kia. Hay nói như nhà thơ Lê Quốc Hán:

                      .  Trường Tiền nhịp thấp nhịp cao
                         Nhịp ra thả nhớ, nhịp vào thả thương
                         Chiều tà nghe thỉnh hồi chuông
                        Linh hồn rụng xuống dòng Hương – ướt chìm.
                                                      (Trường Tiền – Lê Quốc Hán)

Số phận của chiềc cầu Trường Tiền cũng từng thay đổi theo với lịch sử đất nước. Khởi đầu cầu chỉ là một chiếc cầu gỗ mang tên một vị vua Triều Nguyễn: Vua Thành Thái, người Pháp đã xây dựng lại chiếc cầu  này  năm 1897 và hoàn thành năm 1899. Ông Eiffel là người đã thiết kế. Ông cũng là người tạo nên chiếc tháp  nổi tiếng của nước Pháp, mang chính tên ông: tháp Eiffel, một trong những kỳ quan thế giới, niềm hãnh diện của người dân Pháp. Ngoài ra, cùng với ông Bartholdi, ông cũng là người đồng thiết kế nên tượng nữ thần Tự Do, đây là chiếc tượng mà nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ nhân kỷ niêm100 năm ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập. Ông Eiffel cũng đã vẽ bản vẽ cho cầu Long Biên Hà Nội, nhà Bưu Điện Saigon.

Trước khi có tên gọi Trường Tiền (vì cầu nằm cạnh xưởng đúc tiền), cầu còn có tên Clemenceau (tên của Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ), cầu Nguyễn Hoàng. Năm 1968, cầu Trường Tiền đã bị sập một vài cầu và một thời gian dài, vẫn không thể phục hồi được. Chiếc cầu như một vết thương của chiến tranh đã làm đau lòng những người từng yêu mến Huế. Sau bốn năm thi công năm 1995 cầu đã được phục hồi nhưng rất tiếc không còn nguyên bản cũ. Cầu Trường Tiền tìm lại được một phần thân thể của mình, đã bị thương tích và lưu lạc bao nhiêu năm, nhưng lại đánh mất dáng dấp thanh mảnh duyên dáng, một vẻ đẹp rất đặc trưng của chiếc cầu Trường Tiền mà không chiếc cầu nào có được .Đây cũng là một nỗi ngậm ngùi cho những  ai từng yêu mến và ngưỡng mộ cặp hôn phối lãng mạn Trường Tiền, sông Hương.

Không ai biết dòng Sông Hương đã bao nhiêu tuổi. Cầu Trường Tiền vừa tròn tuổi 110, nhưng với tôi Sông Hương và cầu Trường Tiền vẫn mãi mãi tuổi hai mươi.

Tháng 6/2009

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here