Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Để mỗi người có thể vì mọi người

Để mỗi người có thể vì mọi người

181
0

Trong cảnh xô bồ hiện nay của đời sống theo kinh tế thị trường với nhiều tệ nạn xã hội đang diễn ra hằng ngày, nhiều người không khỏi lo âu khi thấy đạo lý đang suy đồi tầm trọng; một người có bằng Tiến sĩ vẫn thuê người tạt a xít vào người quen; làm con cũng hành hung cha mẹ vì vòi tiền không được; mẹ lại đổ nước sôi pha dầu vào mặt con gái để huỷ hoại sắc đẹp của con. Mới đây thôi, chỉ trong một tuần mà Huế đã xảy ra hai vụ giết người, nguyên do nền tảng vẫn là thiếu tinh thần gia tộc và không biết tôn trọng sự sống.

Lắm vị thức giả ngồi tiếc gia phong truyền thống tốt đẹp trong nếp gia đình Việt Nam ngày xưa. Ngôi nhà rường đã được thay thế bằng nhà có vách ngăn chia phòng riêng rẽ làm mất đi cảnh sống chung trong gia đình nhiều thế hệ; trong đa số gia đình hiện nay thì cha con không cùng làm một việc nên ít có dịp tâm tình với nhau; giờ đi giờ về thường khi sai lệch làm cho những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên không còn là lệ thường như trước.

Bốn tao nôi nay đã vắng bóng làm cho giọng hò ru con đã phải sát nhập với những giai điệu dân ca cổ truyền để làm thành một di sản văn hóa phi vật thể, dành để phục vụ du khách, không có tác dụng tạo nếp dịu hiền cho tâm hồn trẻ thơ nữa. Thanh thiếu niên bây giờ chỉ thích loại nhạc ồn ào náo nhiệt mà âm thanh rộn rã thường làm nhức óc người phải nghe. Thanh thiếu niên bây giờ cũng ít đi dự lễ giỗ kỵ tổ tiên ông bà. Sự vắng mặt lại còn nhiều hơn đối với các ngày lễ lớn tại Từ đường của Họ hay tại ngôi Đình của làng. Có thể lý do là ngày nay các cuộc lễ không còn có sẵn kinh phí như trước đây nhờ có ruộng hương hỏa nhưng có lẽ lý do dễ được chấp nhận hơn cả là thanh thiếu niên thời nay bận phí nhớ ngày sinh, mỗi năm đợi đến ngày là lo tổ chức gặp mặt bạn bè mừng sinh nhật, một lề thói ngoài văn hóa Việt Nam.

Nếp sống thụ hưởng đang đà lên cao để trở thành “Cơn say tiền”, dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội còn hơn cả say rượu hay say ma tuý, đẩy lùi dần một số nguyên tắc đạo lý trong sinh hoạt gia đình. Rõ ràng khung cảnh ảm đạm đó của đời sống gia đình đang gây khó khăn không ít cho ý hướng thành lập lại một gia huấn như có lần cụ Nguyễn Trãi đã làm trước đây. Ý hướng đó được khẳng định bởi nhiều cụm từ trong các văn bản đã phổ biến khắp nơi trong nhiều năm nay như “tình làng nghĩa xóm”, như “trở về cội nguồn”, như “bản sắc văn hóa dân tộc”.

Chính bản sắc văn hóa dân tộc đúng cội nguồn với kiến trúc nhà ở, với cảnh quây quần hằng ngày giữa cha mẹ con cái, với tập tục sinh hoạt của dân trong thôn xóm, làng xã đã khiến một cựu chiến binh Mỹ thú nhận với một hướng dẫn viên du lịch Huế:

 “Tôi hiện là một giáo sư Xã hội học. Tuy biết anh không chuyên môn nhưng nghe anh giới thiệu những nét đại cương về văn hoá Việt Nam như vậy, tôi mới thấy được nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, tôi mới hiểu ra rằng tại sao Việt Nam chiến thắng giặc Tàu sau 1000 năm và giặc Tây sau 100 năm. Tôi nghĩ rằng giá như từ đầu người Mỹ được hiểu rõ văn hóa dân tộc Việt Nam như tôi hiểu bây giờ, chắc chắn người Mỹ không đặt chân lên Việt Nam làm gì vì đằng nào rồi cũng phải ra đi như hai đợt Tàu và Tây thuở trước”.

Tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc chừng nào, chúng ta lại hối hả chừng nấy, mong sao cho dân ta trở lại cội nguồn. Cốt lõi của vấn đề vẫn là con người mà đạo lý cổ truyền Việt Nam đã để lại nhiều lời dạy có giá trị muôn đời. Tiếp theo các kỳ sau tôi xin mạo muội được trình bày một số cảm nghĩ thô thiển về hai nộị dung: "Sống không vướng nợ"  "thiểu dục tri túc" mà tôi đã cảm nhận rằng đã có thể là những điều kiện căn bản để tái tạo nếp sống Việt Nam an lành, mong quý độc giả bỏ chút thì giờ vàng ngọc để theo dõi. 

Châu Trọng Ngô

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here