Chung quy, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng trằn trọc, khó ngủ:
Một là, tâm thần bất an, hoặc quá hưng phấn: vui mừng, hạnh phúc, hân hoan… hoặc quá ức chế: đau buồn, tức giận, lo nghĩ, ấm ức, toan tính…
Hai là, sinh lực không ổn: bức rức, mệt mỏi, khí huyết lưu thông không đều…
Ba là, điều kiện cần thiết cho một giấc ngủ ngon lành không tốt. Ví dụ: ăn quá no; uống trà, cà phê, hoặc những thứ có tác dụng tiêu cực đến thần kinh não bộ; du mình vào các cuộc tranh luận hay cãi vã căng thẳng; phòng ngủ, mùng màn, giường chiếu chật chội, bụi bặm, lộn xộn, ồn ào; lười tập thể dục…
Xác định nguyên nhân chính là tìm biện pháp khắc phục. Có hai biện pháp giúp bạn vượt qua tình trạng trằn trọc, khó ngủ, để dễ dàng đi vào giấc ngủ ngon lành. Cần nói thêm, đây là biện pháp đã được bản thân người viết trải nghiệm.
1. Biện pháp I: Chuẩn bị điều kiện khách quan cho một giấc ngủ ngon lành:
– Tắm trước khi ngủ, tốt nhất nên bằng nước nóng.
– Nên chọn những thức ăn mát, an toàn cao. Không để đầy bụng. Không dùng những thức uống gây mất ngủ.
– Phòng ngủ, giường chiếu, mùng màn, áo quần… phải thoát mát, sạch sẽ, ngăn nắp; đèn ngủ phải dịu êm, thích hợp.
– Chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng, sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, yêu thương. Tránh các cuộc tranh luận, cãi vã căng thẳng. Tránh đem công việc vào phòng ngủ.
– Thể dục cũng là yếu tố rất quan trọng. Chị bạn tôi, sáng nào cũng có một giờ đi bộ, thì y như rằng tối ấy chị ngủ dễ và ngủ ngon. Ngược lại, thì y như rằng khó ngủ và chỉ ngủ lơ mơ.
Những biện pháp trên tưởng không khó nhưng xem ra chẳng dễ chút nào. Là vì chúng ta đang sống trong môi trường mà cái riêng không được tôn trọng. Lúc nào cũng ầm ào xe cộ, loa đài; đã 12 giờ khuya mà hàng xóm còn đóng đinh cột mùng, hoặc anh bạn thân gọi điện quậy chơi… Chúng ta có thói quen mang theo về nhà cả không khí náo động của cuộc sống đời thường. Đời sống chúng ta gần như chỉ có một nhịp: căng thẳng, tất bật, ồn ào, chạy vạy từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya. Ở các nước tiên tiến, cuộc sống có nhiều cung bậc rõ ràng: buổi sáng thức dậy khẩn trương; vào công việc tập trung, căng thẳng; buổi chiều cởi bỏ tất cả trước khi về nhà; buổi tối là thời gian của thưởng thức, tĩnh lặng, nhẹ nhàng, chăm chút, đọc sách, nghe nhạc… và ngủ. Hai ngày cuối tuần, hoàn toàn tự do tự tại. Hoặc ẩn mình trong các “chốn riêng”, hoặc cùng bạn bè chan hoà với thiên nhiên: công viên, sông hồ, núi non, biển cả… Đấy không chỉ là điều kiện cần thiết cho một giấc ngủ ngon lành mà còn là biểu hiện của một cuộc sống có chất lượng cao, có văn hoá.
2. Biện pháp II: Thở.
Phàm sinh ra ai cũng thở, nhưng thở cho đúng thì không phải ai cũng biết. Thở đúng là thở sâu, thở bụng: Khi thở ra, bụng từ từ thóp lại, thở ra một hơi thật dài. Khi thở vào, bụng từ từ phình ra, hít vào một hơi thật sâu. Lá phổi ta như cái bong bóng. Hít vào là lúc bong bóng phồng lên để nạp tối đa dưỡng khí. Thở ra là lúc bong bóng xẹp xuống để tống hết tử khí ra ngoài. Thở đúng, thở sâu, thở bụng, sẽ tác động đến hệ thần kinh và hệ tuần hoàn, giúp khí huyết lưu thông, tinh thần thanh lãng.
Hãy thử thực hiện hai bài tập này:
– Đã bao giờ bạn làm một việc gì mệt đến tai ù, mắt mờ chưa? Vậy hãy đến bên cửa sổ, thả lỏng toàn thân, tập trung tinh thần, mắt lim dim, bụng từ từ thóp lại, thở ra một hơi thật dài – rồi bụng từ từ phình ra, hít vào một hơi thật sâu – dừng lại vài dây. Cứ thế mà tiếp tục. Tôi cam đoan, chỉ cần đến 5 hơi thở thôi, bạn sẽ thấy tai hết ù và mắt sáng rỡ.
– Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái hồi hộp, lo âu, tim đập, chân run chưa? Vậy hãy ngồi thẳng người, thả lỏng cơ bắp, tập trung tinh thần, mắt lim dim, bắt đầu bằng bụng từ từ thóp lại, thở ra một hơi thật dài – rồi bụng từ từ phình ra, hít vào một hơi thật sâu – dừng lại vài dây. Cứ thế tiếp tục. Không lâu sau, bạn sẽ nhận ra tim bạn đập điều hoà hơn, và thần thái rỡ ràng.
Bây giờ bạn hãy vận dụng cách thở đúng để đi vào giấc ngủ ngon lành nhé:
a. Bước I: Lên giường, chọn tư thế nằm thích hợp, thả lỏng cơ bắp, tinh thần thoải mái, và bắt đầu thở sâu, thở bụng. Cách thở ấy sẽ giúp bạn máu huyết lưu thông, sinh khí nhẹ nhàng.
b. Bước II: Tư tưởng con người, khi bị khuấy động bởi thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, lạc…), cũng như con ngựa chạy hoang trên cánh đồng. Muốn không mất ngựa phải e nó về chuồng. Muốn chấm dứt bất an, vọng tưởng thì phải “nhất tâm” hướng về con đường của hơi thở – Hãy dõi theo hơi thở từ khi nó từ từ thở ra, rồi từ từ hít vào, dừng lại; rồi từ từ thở ra, từ từ hít vào… Hãy tập trung quan sát nó, và chỉ nó thôi. Kiên trì làm được thế, bạn sẽ dần dần tách khỏi những khuấy động của thất tình, tâm thần an tĩnh, rồi lịm vào giấc ngủ ngon lành.
Tôi thừa nhận rằng biện pháp này không dễ. Bởi thường khi, ta vừa e được con ngựa vào luồng thì nó lại vùng vằng chạy hoang. Cũng như vừa khi ta “nhất tâm” dõi theo đường hơi thở thì bỗng ý thức xáo động, tiếp tục vọng tưởng, tiếp tục bất an. Đó thật sự là cuộc chiến dùng dằng giữa ta và nó. Và đã có nhiều người bỏ cuộc, chịu thua – chấp nhận mất ngủ!
Vậy làm thế nào để tiếp tục “nhất tâm” dõi theo đường hơi thở? Làm thế nào để an được cái tâm? Thì xin bạn hãy thực hiện 2 yếu quyết sau:
Yếu quyết I: Không hốt hoảng, không thất vọng, không bỏ cuộc (dù chuông đồng hồ điểm một giờ sáng), mà phải thoải mái, bình tĩnh, kiên trì.
Với chàng chăn ngựa: Tao e mày vào luồng, mày vùng chạy, tao đuổi theo, e tiếp; mày chạy tiếp, tao e tiếp… cứ thế, cho đến khi tao e được mày về chuồng mới thôi. Mày chạy là việc của mày, tao e là việc của tao, không mắc chi tao tức tối, hung hăng, nóng nảy với mày.
Với bạn, hãy thoải mái, bình tĩnh, kiên trì như chàng chăn ngựa vậy: “nhất tâm” dõi theo đường hơi thở. Bỗng ý thức xáo động, vọng tưởng. Thì kệ nó. Bạn cứ việc “nhất tâm” dõi theo đường hơi thở. Lại xáo động, vọng tưởng. Lại “nhất tâm” dõi theo đường hơi thở. Cứ thế, quyết không ngã lòng. Rồi sáng hôm sau, bạn sẽ nhận ra là đêm qua, bạn đã lịm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Yếu quyết II: Thi thoảng tôi bị nhà tôi trách: “Người chi mà dễ ngủ quá, mới nằm, mới thở vài hơi đã ngáy o o”. Tôi cười cười: “Thì tui có âm mưu, thủ đoạn, toan tính, tơ tưởng như ai đâu mà khó ngủ chứ!”. Thế là lại bị nhà tôi nguýt cho một cái. Rõ ràng cô ấy hiểu “tơ tưởng” theo nghĩa khác, trong lúc tôi thì muốn nói: cuộc đời, nói cho cùng, có gì ghê gớm đâu – tiền tài, danh vọng, có có, không không… Sống, tất nhiên phải phấn đấu đến cùng đạt cho được cứu cánh mới thôi, nhưng sống cũng còn phải làm sao không để cái cứu cánh ấy nó trói buộc mình… Thế đấy, nếu biết nhìn cuộc đời với một chút nụ cười Di Lặc, một chút cái tâm thiền, thì bạn chẳng khi nào trằn trọc, khó ngủ cả.
N.V.D