Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dấu tích đầu tiên của Phật giáo truyền vào Việt Nam

Dấu tích đầu tiên của Phật giáo truyền vào Việt Nam

193
0


Đột khởi giữa chốn ruộng đất bằng phẳng kề bên sông nước, núi Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tỏ rõ là một nơi tụ khí linh địa. Không hẳn cao song Phật Tích có cảnh trí u nhã, bề thế. Hậu chẩm Phật Tích về phía Bắc là núi Bát Vạn cao rộng, dãy Nguyệt Hằng (tục gọi núi Chè) hùng vĩ.


Phía Nam là dòng Ngưu giang lượn quanh chân núi, rồi vòng vèo trong cánh đồng sâu, xa hơn chút nữa là dòng sông Đuống (Thiên Đức). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng núi Tiên Du là một trong những núi thiêng của xứ An Nam và đã được tế tại Giao đàn cùng với núi sông của Trung Quốc. Cảnh trí này thật xứng đáng là “duyên kỳ ngộ” – Nơi đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ truyền vào Việt Nam, góp phần cùng với tín ngưỡng Việt cổ vốn có hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam ngày nay.


Tích cũ


Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, Phật Tích đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu – Luy Lâu). Trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước cả hai trung tâm phật giáo lớn của Trung Quốc là Lạc Dương và Bành Thành. Theo Hòa thượng Thích Thanh Sam – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam – Chủ tịch Hội Phật giáo Bắc Ninh: “Ngay từ đầu thế kỷ thứ II, nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La (Kalacarya) đã về Phật Tích lập am truyền đạo. Vào thời điểm này, có thể vùng đất Phật Tích là nơi giao thông dễ dàng của mảnh đất Giao Châu với Ấn Độ và nhiều nước qua đường biển”. Đại Đức Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích cho biết thêm: “Sự giao lưu giữa văn hóa tín ngưỡng bản địa Việt cổ với phật giáo được ghi lại qua câu chuyện dân gian về nhà sư Khâu Đà La và nàng Man Nương mà sau này chúng ta còn tìm thấy cốt chuyện ở bản khắc gỗ Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục được phát hiện ở chùa Dâu do nhà sư Tính Mộ cho khắc vào năm Lê Cảnh Hưng 13 (1752)”.


Sách Lĩnh Nam chích quái cũng ghi chép chuyện này. Câu chuyện lý giải việc thờ tứ pháp ở Việt Nam. Chuyện rằng: Một lần, nhà sư Khâu Đà La vô tình bước qua người bà Man Nương để vào phòng đã khiến bà mang thai. Khi Man Nương sinh ra một người con gái, sư Khâu Đà La đã gửi con vào cây phù dung. Sau đó, cây phù dung đổ, trôi theo dòng sông tới trước cửa chùa. Chỉ có Man Nương là người kéo được cây phù dung lên bờ. Những người thợ đã xẻ gỗ tạc thành bốn pho tượng Phật. Bốn pho tượng này được sư Khâu Đà La đặt tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Phong.








Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích

Không những là trung tâm Phật giáo, Phật Tích còn là nơi thấm đẫm nhiều truyền thuyết thơ mộng. Địa danh Tiên Du được đặt từ câu chuyện chàng Từ Thức gặp Tiên ở đây. Núi Phật Tích còn có một tên khác là Lạn Kha. Lạn Kha theo nghĩa tiếng Việt là cán búa nát. Địa danh này được đặt tên dựa vào câu chuyện chàng tiều phu Vương Chất mải xem hai tiên ông đánh cờ, đến khi sực nhớ ra quay trở về thì cán rìu đã mục nát, thời gian trôi được bảy đời người.


Phật Tích – Trung tâm giáo dục Phật giáo lớn


Đại Đức Thích Đức Thiện nói: “Phật Tích là nơi hội tụ của nhiều dòng thiền Phật giáo như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường… Đời Tùy (589-617) đã có chùa dựng trên núi Tiên Du. Đây cũng chính là nơi Pháp Hiền thiền sư thuộc dòng Tì Ni Đa Lưu Chi tu tập thiền định. Theo sách Đại Nam Thiền uyển truyền đăng thì đệ tử của Vô ngôn Thông là Cảm Thành thiền sư trụ trì trên núi Tiên Du đã hỏa thiêu xá lợi thày và dựng tháp trên núi ngày 12 tháng giêng năm Bảo lịch thứ 2 nhà Đường (826).


Chùa Phật Tích bắt đầu được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 và hoàn chỉnh vào triều Lý, khi Phật giáo được coi là quốc giáo.


Vào thời nhà Lý, năm 1041 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng ở Phật Tích Viện Từ Thị Thiên Phúc và xuất kho hàng chục tấn đồng để đúc chuông, tạc tượng. Đến năm 1057, vua cho xây một ngôi tháp cao 42m, bên trong đặt pho tượng A Di Đà. Cũng trong năm này, Vua cho xây chùa và lấy tên là Vạn Phúc Tự.


Hòa thượng Thích Thanh Sam nói: “Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông. Năm 1057, Vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, người cảm khái tự tay viết chữ “Phật” dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá”. Văn bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự” chép: “Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý ngàn trượng, xây một trăm tòa thờ Phật, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 xích”.


Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau này, khi tháp đổ, dân chúng mới phát hiện ra ở trong đó là bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đã đổi tên thành thôn Phật Tích.


Chùa Phật Tích không những là một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn mà sang thời Trần, Phật Tích còn là một trung tâm chính tro văn hóa của Đại Việt. Trên núi Phật Tích, thư viện lớn với tên gọi Viện Lạn Kha được xây dựng. Năm Quý Hợi niên hiệu Xương Phù (1383), thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tập hợp và sáng tác tác phẩm “Bảo Hòa Dư Bút” tại cung Baao Hòa ở chùa, năm sau, vua cho tổ chức thi Thái học sinh (thi Tiến sỹ) trên quy mô toàn quốc tại chùa.


Bảo vật tượng A Di Đà








Linh thú trước cửa chùa

GS. Đỗ Văn Ninh, chuyên gia khảo cổ cho biết: “Mỹ thuật thời Lý thể hiện sự tinh hoa ở điêu khắc đá. Pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm chính là bằng chứng”. Pho tượng Phật A Di Đà có kích thước tương đối lớn, cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,8m. Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Vẻ mặt thể hiện nội tâm cân bằng giữa động và tĩnh. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, tuổi thọ vô lượng. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Hai tai dài rộng, dái tai tròn mọng chảy sệ xuống. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng. Thân tượng mặc áo pháp rộng rãi, cách điệu kiểu lá sen, những nếp áo mảnh đồng thời cũng là gân lá sen, bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải, nương nhẹ vào đan điền làm nên nét uyển chuyển. Hai chân xếp bằng theo lối kiết già vững chãi.


Ngoài tượng Phật A Di Đà, Phật Tích còn nổi tiếng bởi hai hàng tượng linh thú trước cửa chùa. Giếng rồng, vườn tháp đá (32 tháp) cùng di hài thiền sư Chuyết Chuyết (từ năm 1644) mới phát hiện càng tăng thêm sự linh thiêng của ngôi chùa cổ.


Phật Tích với dự án tương lai


Đại Đức Thích Đức Thiện nói: “Mấy năm gần đây tỉnh Bắc Ninh đã có hướng quy hoạch 4 xã: Phật Tích, Hoàn Sơn, Hiên Vân, Việt Đoàn làm khu du lịch tâm linh – sinh thái với quy mô 1.500 ha, trong đó lấy Phật Tích làm trung tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng. Hình thức đầu tư huy động 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc trong nước. Bước đầu để thu hút khách và tạo điều kiện cho các nhà vào đầu tư… tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai dự án (giai đoạn 1) gồm 7 tuyến đường nhánh vòng quanh khu du lịch Phật Tích có chiều dài 5 km với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.


Đến nay, 3 tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng với chiều dài 3 km, các tuyến còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ. Song song với đó, nhà chùa đã chủ động xây dựng và hoàn thiện, đưa vào sử dụng một số công trình như: Trung tâm tu tập Phật Tích (Quán âm viện); khu nhà khách, khu thư viện, hội trường, đường lên đỉnh núi Phật Tích và một số hạng mục khác với tổng kinh phí hơn chục tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay nhà chùa tiếp tục đầu tư làm pho tượng phật A Di Đà (phỏng theo tượng đá cổ) bằng đá xanh cao 27m dự kiến đặt trên đỉnh núi Phật Tích. Kinh phí chủ yếu do khách thập phương, sự hảo tâm công đức của các doanh nghiệp và Trung tâm Phật giáo Việt Nam trợ giúp.


Với bề dày lịch sử, với sự quan tâm đầu tư, Phật Tích ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Hiện tại hằng năm Phật Tích đón chừng 28-30 nghìn lượt/người.




  • Từ Khôi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here