Trang chủ Phật học Đâu là tình yêu chân thật?

Đâu là tình yêu chân thật?

153
0

Trải qua bao lần trực nhận được đau khổ của quần sinh đức Phật đã chứng ngộ nhất thiết trí, thấy rõ nguồn gốc của luân hồi sinh tử chính là ái dục (ái nhiễm). Tất cả những sự nổi trôi nối tiếp nhau đều bắt nguồn từ dòng sông ái nhiễm, từ những tình yêu ích kỉ hẹp hòi. Vì thế Ngài đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh cho quần sinh: “Ai có một trăm tình yêu, có một trăm đau khổ”.

Vì sao đức Phật dạy như vậy? Trước hết ta cũng nên đi vào tìm hiểu tình yêu xuất phát từ đâu.

Tình yêu bắt nguồn từ sự ưa thích của chúng sinh như kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Chúng sinh là một loài hữu tình, loài hữu tình này có tính ái tâm (tình yêu); không có tính ái tâm thì không phải là chúng sinh”.

Vậy chúng sinh ở đây là gì? Là chỉ chung cho các loài hữu tình và vô tình, gần hơn hết là con người. Và không ai không công nhận rằng con người là một loài hữu tình có nhiều tình cảm nhất. Con người có nhiều tham lam, nhiều dục vọng để từ đó họ phải gặp nhiều đau khổ. Những đau khổ này không do ai đem đến, mà chính mỗi người là chủ nhân.

Trong thế gian này có biết bao đau khổ, nhưng đau khổ nhất chính là vì tình yêu nhục dục vị kỷ, như người ta thường nói: “Tình yêu là một liều thuốc mê cực mạnh. Nó là một dạng đặc biệt của tình cảm, luôn quyến rũ lòng người”. Thay vì phát bảy thứ rung động (hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục) đối với mọi người, nó lại cố hướng vào một đối tượng duy nhất và tôn làm thần tượng. Dù đối tượng đó có làm nhiều điều sai quấy, tình yêu vẫn làm cho người ta thấy nó hoàn toàn tốt đẹp. Từ đó nó làm cho người ta luôn nơm nớp lo sợ; đi, đứng, nằm, ngồi không an ổn và tìm mọi cách để bảo vệ, nếu không được thoả mãn thì sinh đau khổ. Bởi vậy, tình yêu vốn mang ý nghĩa tốt đẹp, nhưng vì con người chấp thủ nó nên sinh ra đau khổ.

Bằng chứng trong thực tế, nhiều người vì chấp thủ vào tình yêu nên khi có ngoại duyên cản trở thì họ vô cùng đau khổ. Tình yêu lúc này mang nghĩa như một sợi dây trói buộc, làm cho con người không giải thoát được. Vì sống với tình yêu vị kỷ đó mà Lữ Bố đã bỏ mất giang sơn; Ngô Phù Sai phải mất nước và Từ Hải phải chết đứng giữa trận tiền.

Và tình yêu như thế đã trở thành ý nghĩa vị ngọt hấp dẫn con người. Không có vị ngọt thì người ta không đắm say, không chạy theo nó. Nhưng vị ngọt ấy chỉ như chút mật dính trên lưỡi dao như trong kinh Trung Bộ I, đức Phật dạy: “Các dục vui ít khổ nhiều, sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Ta đã thuyết các dục được ví như khúc xương, bó đuốc, cỏ khô, hố than hừng, giấc mộng mị…”. Khúc xương không còn thịt, một chú khuyển thấy vậy đến gặm. Trong khi gặm, nó lại lo sợ con vật khác cướp đi, vì bụng đang đói, nước miếng đang chảy nên nó không bỏ được. Tình yêu cũng như vậy, nó làm cho con người không bao giờ thấy thoả mãn, nên Kinh Pháp Cú đã diễn tả:

“Dù mưa bằng tiền vàng,
Dục tình khó thoả mãn”.

Thật vậy, trong các thứ tình, tình yêu vị kỷ là một loại tình khó thoả mãn, nó mỏng mảnh như chỉ mành treo chuông, như sương buổi sớm chợt có liền không, là một thứ tình giả dối. Tình yêu này nếu còn duyên thì không có gì ngăn cách được, thậm chí để bảo vệ nó người ta có thể quên cả việc hi sinh đến tính mạng. Nhưng hết duyên thì thân sơ hoá thành thù. Bởi thế, muốn có hạnh phúc chơn thật thì tình yêu đó phải không còn đóng khung trong vị kỷ, tức phải dứt hết thân sơ, như người xưa nói:

“Ai người thân thuở trước,
Ai người thân thuở sau.
Thân thân cùng thân thiết,
Sơ sơ ai buồn đau.
Thân sơ là tình hận,
Xin xoá tận thân sơ.
Thân sơ giờ vô bận,
Cõi vô tận thấy bờ”.

Trái với tình yêu vị kỷ là tình yêu vị tha. Chính tình yêu này đã biến nhân cách của một con người tầm thường thành một nhân cách cao thượng, như giúp đỡ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, không nghĩ đến tình cảm riêng tư, luôn luôn chung sức cùng nhau làm những việc từ thiện có ích chung cho tất cả. Như xưa Thái tử Tất-đạt-đa vì thương yêu tất cả chúng sinh mà Ngài đã hi sinh vợ đẹp, con thơ, cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lí. Ngài đã nói với người vợ yêu quý của mình những lời nói thật là dễ mến: “Này Da-du-đà-la em ơi! Em hãy hi sinh đi một chút tình yêu nhỏ hẹp để nhận lấy tình yêu cả vũ trụ bao la. Bao giờ Ta thành đạo, em sẽ nhận một phần công đức”. Đó là một thứ tình yêu quá cao thượng đáng tôn, đáng kính.

Từ ý nghĩa này, đi sâu vào Phật giáo, ta sẽ thấy rõ hơn tình yêu trong Phật giáo đã tiến rất xa: chư vị Bồ-tát yêu thương chúng sinh như con đỏ. Vì nếu không thương chúng sinh thì các Ngài đã không nhập thế. Các vị Bồ-tát như Quán Thế Âm, Địa Tạng… vì lòng vị tha vô ngã mà đem lòng từ bi vô điều kiện, không hệ luỵ, vướng mắc mà hoá độ chúng sinh, ban phúc lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt sang hèn nam nữ, vật hữu tình cũng như vô giác. Các Ngài còn phát nguyện “nếu như còn có chúng sinh nào chưa thành Phật, thì tôi nguyện không bao giờ thành Phật”. Độ sinh mà không khởi niệm phân biệt. Hễ có duyên thì các Ngài độ không biết mỏi mệt, vào địa ngục như dạo chơi ở hoa viên, cư trần bất nhiễm!

Lại cũng có những vị Bồ-tát thị hiện làm cư sĩ như Ngài Duy-ma-cật vì thấy chúng sinh đau khổ nên thị hiện làm thân trưởng giả để hoá độ. Ngài còn khẳng định với Ngài Văn-thù: “Bồ-tát vì thương yêu chúng sinh mà có thân này, thế nên chỉ khi nào chúng sinh không còn đau khổ thì tôi mới hết bệnh”. Điều đó chứng minh, chỉ có tình yêu của những người có trí tuệ mới không đau khổ. Vì thế mà một nhà thơ đã nói:

Tôi có tình yêu rất mặn nồng,
Thương đời, thương đạo, thương non sông,
Tình yêu chan chứa khắp hoàn vũ,
Chẳng phải yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm trí phải xoay chiều,
Hướng về phụng sự cho muôn loại,
Sẽ thấy tình tôi trong khối yêu”.

Cũng như một nhà văn đã nói: “Hãy mở lòng ra cho sông yêu thương tràn ngập qua vạn hồn đơn côi, cho suối tình chảy mãi ra biển đại dương”. Đó là lời kêu gọi chân thành nhất cho những ai có tình yêu ích kỉ và cũng là lời khích lệ cho những ai có tâm hồn vị tha bình đẳng.

Tóm lại, người nào có nhiều tình yêu ích kỉ của thế gian thì có nhiều đau khổ, cho nên Kinh Pháp Cú dạy: “Những ai tham đắm theo ái dục, tự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ. Ai dứt được sự ràng buộc, không còn dính mắc nữa thì sẽ xa mọi thống khổ để ngao du tự tại”.

Nếu ai với chí nguyện “xuất trần thượng sĩ”, mang trong mình hoài bão độ sinh, nếu còn cố giữ tình yêu hẹp hòi thì vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi luân hồi sinh tử. Bởi “Ái không nặng không đoạ Ta-bà; niệm không nhất không sinh Tịnh độ”. Thế thì, chúng ta mau mau bỏ đi tình yêu ích kỉ, trở về với tình yêu đại đồng, thương tất cả chúng sinh như thương chính bản thân mình; lấy cái khổ và cái vui của chúng sinh làm cái khổ cái vui của mình.

Vậy muốn có tình yêu xuất trần ấy, không gì hơn chúng ta phải nuôi dưỡng tâm bi và tự nỗ lực đào thải những cặn bã, những tập khí nhỏ nhoi, hẹp hòi; diệt những mầm tưởng tham, sân, si ác độc hầu xoá tan những hận thù, biến tình yêu thế gian trở thành tình yêu xuất thế. Có như vậy ta mới vững tiến trên con đường đạo, sống đời “an bần lạc đạo” trong ý nghĩa của tình yêu rộng lớn vô ngã vị tha. Nếu làm được như thế thì đây mới là tình yêu chơn thật. 

L.H 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here