Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dấu ấn Thiền sư Vạn Hạnh với kinh thành Thăng Long

Dấu ấn Thiền sư Vạn Hạnh với kinh thành Thăng Long

226
0

Các Ngài sống tùy duyên, xuất hiện dưới mọi hình thức: có khi là một vị quốc sư trí tuệ với chức cao vọng trọng, cố vấn cho vua những chiến lược quốc sách toàn bích, đôi lúc lại làm ông Bụt từ bi, đi khắp nơi giáo hóa muôn dân, hoặc làm người chèo đò đưa khách sang sông, hay ẩn mình nơi sơn lâm cùng cốc,… Với nhiều vai trò khác nhau, nhưng các Ngài không bao giờ kẹt vào công danh, địa vị, mà những việc làm ấy duy chỉ nhằm mục đích “vì nước, vì dân”.

Nước ta vào năm 1009, Lê Long Đĩnh tự hủy hoại thanh danh và uy thế của vương triều mình, làm cho dân chúng mất niềm tin nơi triều đình. Đây là giao điểm hết sức quan trọng. Cũng chính lúc này, Thiền sư Vạn Hạnh, người đã tận tâm tận lực cho sự nghiệp dân tộc qua các triều đại Đinh, Lê với uy tín và lòng yêu nước, Ngài cùng Đào Cam Mộc khéo léo làm cuộc đảo chính “đổi triều thay vị” từ Lê sang Lý trên tinh thần từ bi, bất bạo động của Phật giáo, giúp đất nước khỏi rơi vào vực thẳm và xây dựng nên một triều đại thạnh trị, hào hùng, và dài nhất trong lịch sử Việt Nam: “Năm Cảnh Thụy thứ 2 Ngọa Triều mất, con còn nhỏ, Chi Hầu Đào Cam Mộc cùng với các quan trong triều nghe theo lời sư Vạn Hạnh, đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng triều nhà Lý nước ta, một triều đại ở ngôi lâu nhất trong lịch sử”. (1)

Với tầm nhìn sâu rộng và chân xác, Vạn Hạnh nhanh chóng đưa Lý Công Uẩn, một nhân vật tài đức vẹn toàn qua sự rèn luyện của Thiền sư từ nhỏ  đã lên ngôi kịp thời. Từ đây, đất nước bắt  đầu một giai đoạn tự chủ dân tộc thực sự, mà Vạn Hạnh chính là người xây dựng nên ý thức hệ cho dân tộc, đặt nền móng tâm linh cho quốc dân, thể hiện sự ưu việt của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Chính chủ trương đó đã gắn chặt tư tưởng Phật giáo vào hệ chính trị xã hội nước ta, để rồi Phật giáo trở thành một tôn giáo của dân tộc, đi đôi với vận mệnh lịch sử đất nước qua bao thăng trầm, như lời nhận định của giáo sư Vũ Khiêu: “… Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành hỏi ý kiến mỗi khi xuất quân đánh Tống. Bước sang thời Lý, tầng lớp trí thức là sư tăng còn giữ vị trí quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Sư Vạn Hạnh là người có vai trò lớn trong việc thành lập cương triều Lý”. (2)

Không những thế, Ngài còn khéo vận dụng phương tiện bằng những lời tiên đoán qua các bài Sấm, làm cho công cuộc vận động thay ngôi đổi vị trở nên rất tự nhiên, không cần gươm đao, mà thông qua đó nhân dân tự động chấp nhận, xem đây là việc làm phù hợp, thuận theo ý trời. Điều này cũng được Thiền sư Định Không chỉ rõ trước 200 năm, khẳng định đất Cổ Pháp là nơi địa linh nhân kiệt, sản sinh ra bậc kỳ tài Lý Công Uẩn đủ khả năng làm hưng thịnh đất nước. Đồng thời, bài sấm Cây Gạo bị sét đánh, để lại thành văn đã tạo sức mạnh cộng hưởng cho nhà Lý thành lập:

Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa  đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao náu hình
Khoảng sáu bảy năm
Thiên hạ  thái bình. (3)

Và một bài sấm khác:

Núi lớn nổi đầu rồng
Đuôi rồng giấu đại công
Nhà  Lý lập nên nghiệp
Cây gạo hiện hình long
Trong tháng thỏ gà chuột
Mặt trời mọc sáng trong. (4)

Cách vận  động để ổn định lòng dân hết sức khéo léo của Vạn Hạnh đã tạo nên cho người dân một niềm tin vững chắc vào công cuộc xây dựng triều Lý:

Tật Lê  chìm bể Bắc 
Hạt Lý  mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo lặng
Tám cõi mừng bình an. (5)

Qua bài sấm, ta thấy Vạn Hạnh đã nhìn thấu và hiểu rõ tình hình đất nước thời bấy giờ. Ngài đã dấn thân vào những hoạt động chính trị để đem lại thành công tốt đẹp cho nhà Lý nói riêng, cho nước nhà và cho sự vàng son của Phật giáo nói chung. Cho nên, việc sử dụng lời Sấm là phương tiện vận động tuyên truyền chính trị có sự sắp xếp rõ ràng. Những điều trên làm nổi bật vai trò của Vạn Hạnh trong công cuộc vận động đổi triều từ Lê sang Lý. Về mặt xã hội, nó tác động mạnh mẽ vào việc “an dân”. Về mặt đạo lý, nó chứng tỏ khả năng tu chứng của Ngài về Mật tông. Về mặt tâm lý Ngài đã khuyến khích tạo một lực đẩy giúp cho vua Lý Công Uẩn hết lòng chăm lo đất nước và Phật giáo. Trong sức mạnh tinh thần ấy, tư tưởng chủ đạo của Phật giáo được khẳng định, các vị vua kế tiếp đều là Phật tử thuần thành, thậm chí là Thiền sư sống và làm việc với tinh thần vô ngã, vị tha của Phật giáo. Không những thế, triều đại nhà Lý còn hội tụ được nhiều tướng sĩ tài ba thao lược, quân dân một lòng yêu nước thương nhà, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.

Để củng cố vương quyền, phát triển quốc gia, Lý Thái Tổ còn thi hành nhiều chính sách ích nước lợi dân, áp dụng phương châm trị quốc của Thiền sư Vạn Hạnh, lấy dân làm gốc, nên việc đầu tiên sau khi lên ngôi là dời đô từ Hoa Lư về Đại La:

“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chon ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp, Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huông chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” (6)

Việc thành Đại La được trở thành kinh đô Thăng Long đã khẳng định sức mạnh tiềm ẩn của cả dân tộc  đã và đang vươn lên không gì ngăn cản được. Sự kiện vua Lý Thái Tổ vừa tới kinh đô mới đã thấy rồng hiện, chính tỏ vua khéo léo khơi gợi đến ý thức nguồn gốc dân tộc con rồng cháu tiên “để vững niềm tin xây dựng đất nước. Trong ý nghĩa “Rồng” bay hiện trong sự phồn thịnh an lạc từ xưa cho đến nay. Tại đây, vua Lý Thái Tổ muốn xây dựng một trung tâm đầu não về văn hóa, chính trị, giáo dục, tôn giáo cho cả nước” (7). Với nguyên nhân sâu xa ấy, việc xây dựng kinh đô Thăng Long vào năm 1010 với chu vi tổng cộng 25km, gồm nhiều lâu đài, cung điện, chùa tháp nổi tiếng… đã được tiến hành, để rồi hôm nay con dân nước Việt Nam hãnh diện với thế giới Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nơi chuyên chở những tiềm lực văn hóa, đang hội nhập với thế giới trên khắp năm châu bốn biển.

Bên cạnh đó, vua Lý còn ráo riết tổ chức và tăng cường sức mạnh quân đội, nhằm đối phó với tình hình chính trị thời bấy giờ đang diễn ra hết sức phức tạp giữa Đại Việt và Trung Quốc. Trong đường lối này, các vua Lý đã thể hiện rõ tài năng lãnh đạo đầy trí tuệ, nhân từ của Phật giáo và sự lợi ích chung cho đất nước.

Điểm sơ vài nét, chúng ta thấy các thành tựu trên đều mang dấu ấn ít nhiều của Thiền sư Vạn Hạnh, để những năm sau này Phật giáo phát triển mạnh mẽ: từ ông vua đầu tiên Lý Thái Tổ cho đến vị vua cuối cùng đều là những Phật tử thuần thành. Không chỉ vua, quan lại hoàng tộc, mà cả dân chúng đều theo Phật giáo như Đào Duy Anh viết: “Con em nhà quý tộc rất nhiều người xuất gia tu hành. Trong số các tăng nhân có tiếng ở thời Lý rất nhiều người thuộc giòng dõi quý tộc. Các tăng quan cao cấp thường được vua và Thái hậu dùng làm cố vấn. Các nhà quyền quý cũng rất trọng đãi tăng nhân và tôn làm bậc Thầy” (8).

Phật giáo Việt Nam đã hòa nhập vào cộng đồng dân tộc để xây dựng đất nước giàu mạnh. Điều đó không chỉ  đem lại sự thịnh vượng cho một triều đại nhà Lý, mà còn đặt nềntảng cho đời Trần và mãi đến ngày nay.

Phật giáo  đời Lý tỏa sáng thông qua tư tưởng nhập thế  của các Thiền sư. Với Vạn Hạnh thì mọi việc làm, Ngài đều dựa trên tinh thần nhập thế tùy duyên của Phật giáo, đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, nó trở thành một hợp thể linh động sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh.

Trong bất kỳ sự kiện lịch sử dựng nước và  giữ nước nào, bao giờ cũng gắn liền với một số nhân vật lịch sử. Những anh hùng muôn đời nằm xuống vì dân tộc, các vị vua lãnh đạo kỳ tài hết lòng vì dân vì nước, những Thiền sư âm thầm cống hiến trí tuệ, đạo lực cho dân tộc ngày càng vinh quang.

Quả  thật: “Giá trị lịch sử của một con người không chỉ ảnh hưởng đến tự thân, mà dư  âm giá trị lịch sử của con ngưòi đó  ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác” (9). Vạn Hạnh Thiền sư quả là một con người như thế! Ngài đã triển khai triệt để tinh thần tích cực “lợi quốc an dân” với tầm nhìn xuyên thế kỷ.

Các vị  đã phụng sự hết mình để vun đắp cho mảnh đất Việt Nam thân thương những trang sử hào hùng, góp thêm cho Phật giáo Việt Nam những danh tăng bất diệt với thời gian. Tất cả những cống hiến ấy đã trở thành một điểm son quá khứ mà dân tộc ta, Phật giáo ta muôn đời còn hãnh diện.

T.N.V.G

Chú  thích:

1. Minh Chi, Tài liệu Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, bản Ronéo, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, tr.38.
2. Vũ Khiêu, Người Trí Thức Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử, Nxb.TP. HCM, 1978, tr.14.
3. Ngô Đức Thọ dịch, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2004, tr.244.
4. Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, tập 1, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1977, tr.220.
5. Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập II, Nxb. TP.HCM, 2001, tr.572.
6. Ngô Đức Thọ dịch, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sđd, tr.249.
7. Thích Phước Đạt, Luận văn tốt nghiệp khóa II: Vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong sự thành lập và xây dựng triều Lý, 1992, tr.32.
8. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ Nguồn Gốc đến Thế kỷ XIX, Nxb, Văn Hóa Thông Tin, 2002, tr.188.
9. Thích Phước Đạt, Lý Công Uẩn – Vị Vua “Hộ Pháp” Đầu Tiên Của Triều Đại Nhà Lý.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here