Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Dấu ấn Mật giáo trong bối cảnh Phật giáo thời Lý (1010...

Dấu ấn Mật giáo trong bối cảnh Phật giáo thời Lý (1010 – 1225)

136
0

Đạo Phật truyền đến nước ta từ đầu Công Nguyên , đến nay đã trải qua hơn 2000 năm tồn tại , phát triển mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử mà Phật Giáo để lại nhiều dấu ấn khác nhau .

Khoảng thế kỷ  thứ VI , thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu  Chi sau khi đắc pháp với đệ tam tổ Tăng Xán (Trung Quốc) liền sang Giao Châu ở tại chùa Pháp Vân , làng Cổ Châu , Long Biên hoằng pháp . Sư có dịch bản kinh “ Tinh xá đầu voi" (Tượng Đầu tinh xá kinh – ĐTK.466) và kinh “Đại thừa phương quảng tổng trì (Đại phương  quảng tổng trì kinh – ĐTK 275) , để phổ biến giáo hóa đồ chúng . Từ căn bản đó dòng thiền Pháp Vân mang đậm yếu tố Mật Giáo , tạo thành truyền thống “Thiền – Mật song tu" rất đặc sắc . Pháp môn này phù hợp với tín ngưỡng bản địa và đáp ứng ước vọng của dân tộc Việt trong giai đoạn bị phong kiến phương Bắc đô hộ .

Các cao tăng đạt đạo đã đóng góp công đức to lớn trong việc giành lại chủ quyền , xây dựng đất nước dưới các triều  đại chính thống đầu tiên Đinh (968 – 979) , tiền Lê (980 – 1009) ,  đặc biệt là  triều Lý (1010 – 1225) , cường thịnh lâu dài.                                               .

Tiêu biểu như :

Thiền sư Ma Ha Ma Da , đời thứ X thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chỉ (Pháp Vân) , chùa Quan Ái , làng Đào Gia , xã Cổ Miệt (Hải Dương) , tổ tiên là người dân tộc Chăm pa . Sư học thông ngôn ngữ Phạn và Hán . Năm 24 tuổi sư nối nghiệp cha tiếp tục trụ trì ngôi chùa cũ , thường diễn tập kinh bối . Sau đó sư bị mù mắt , hối hận định gieo mình xuống vực sâu. Duyên may Sư gặp thiền sư Viễn Biệt chùa Đông Lâm khai thị nên tỉnh ngộ , bèn tìm đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với đại sư Pháp Thuận . Từ đó sư chuyên tâm lễ bái sám hối và trì tụng Đại Bi Tâm Chú (tức Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni) trải qua 3 năm chí thành , sư được cảm ứng nên mắt sáng lại và lòng càng thanh tịnh .

Năm Thuận Thiên V (1014) sư dời về ở núi Đại Vân tại Trường An nỗ lực tu tập đạt được tổng trì tam muội và các pháp thần thông . Sư  thường trì chú chữa bệnh cho nhân dân để  đưa họ quy y Phật Pháp .

Năm Thiên Thành II (1029) triều vua Lý Thái Tông , quan Đô  Úy Nguyễn Quang Lị thỉnh sư về trú trì chùa Khai Thiên phủ Thái Bình . Được 6 năm , sư xin từ chức trở về Hoan Châu (Nghệ An) sau đó không rõ sư tịch năm nào .

Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1025) , đời thứ XII thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi ( Pháp Vân ) , người thôn Cổ Pháp , họ Nguyễn , gia đình nhiều đời tín ngưỡng Phật Pháp . Năm 21 tuổi xuất gia , sư thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ làm thầy , chuyên cần hành thiền và tu tập Pháp môn tổng trì tam ma địa (tức Đà La Ni tam muội . Theo luận Đại trí độ giải thích : Đà La Ni tam muội là vì được sức của tam muội đó thì các Đà La Ni văn và trì đều tự nhiên mà được . Chứng được tam muội ngôn ngữ thì có thể phân biệt hết thảy ngôn ngữ văn tự của tất cả các pháp , giảng thuyêt cho chúng sinh không vướng mắc trở ngại).

Thời  đó sư nói ra lời nào thiên hạ đều cho là  phù sấm . Vua Lê Đại Hành hết lòng tôn kính sư  . Ngày Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi, sư  ở tại chùa Lục Tổ đã biết trước nên cho yết bảng bố cáo ngoài đường lớn ghi rằng :

Tật lê chìm bể Bắc

Hạt lý mọc trời Nam

Bốn phương gươm giáo dẹp

Tám cõi mừng bình an

Sư  viên tịch vào ngày 15 tháng 5 Ất Sửu (1025 – Thuận Thiên năm XVI) . Vua Lý Nhân Tông nhớ đến công đức sư có làm kệ truy tán :

Vạn Hạnh dung ba cõi

Thật hiệp lời sấm xưa

Quê  hương tên Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh đô .

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? – 1117) đời thứ XII thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Pháp Vân) chùa Thiên Phúc , núi Phật Tích . Họ Từ tên Lộ , con của Tăng quan Đô án Từ Vinh và bà Tăng thị Loan ở làng An Lãng .

Do muốn trả thù cha bị pháp sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết nên Từ Lộ quyết tâm xuất gia tìm đường sang Ấn Độ học pháp thuật . Đi đến xứ Kim Xỉ Man , núi non quá hiểm trở nên không thể vượt qua được , sư trở  về lập am Hương Hải thờ đức bồ tát Quán Thế Âm tại núi Sài Sơn , hàng ngày trì tụng thần chú Đại Bi đủ mười vạn tám ngàn biến .

Sau khi đạt được thần thông , trả mối thù nhà xong sư  đi khắp các tùng lâm lễ bái tham cứu thiền học . Duyên may gặp được thiền sư Sùng Phạm , chùa Pháp Vân khai thị sư  liền giác ngộ chân tâm . Từ đó pháp lực tăng trưởng có thể thuần phục ác thú , thi thố thần thông cầu mưa thuận gió hòa , chữa bệnh cho nhân dân không việc gì là không ứng nghiệm . Cuối đời sư  có huyền kí : "Túc nhân ta chưa hết , còn phải tái sinh làm thân quốc vương. Sau khi mệnh chung lại sinh lên làm thiên tử ở cõi trời thứ 33 (tức cõi trời Đao Lợi hay Đâu Suất Đà , nơi ngự trị của Đế Thích) . Đến lúc nào thấy nhục thân ta hư nát thì lúc ấy ta mới nhập niết bàn , không ở cõi sinh diệt nữa . “ Sư thác hóa vào ngày 7 tháng 3 triều vua Lý Nhân Tông (1117) . Nhục thân để thờ tại chùa cho đến thời quân Minh xâm lược thì bị đốt bỏ . Đến triều Lê nhân dân mới cho tạc tượng thờ lại như cũ . Tương truyền vua Lý Thần Tông (1128 – 1137) là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Quốc sư Minh Không (1066 – 1141) đời thứ XIII thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Pháp Vân) , chùa Quốc Thanh , Trường An , người họ Nguyễn tên là Chí Thành , làng Đàm Xá huyện Đại Hoàng . Lúc còn trẻ sư thích vân du cầu học thiền lí , về sau gặp Đạo Hạnh , sư quyết chí theo thầy tu tập suốt 17 năm . Trước khi hóa thân , thiền sư Đạo Hạnh ân cần dặn dò Minh Không :” Ta nay còn phải tái sinh làm vua , sau đó do quả báo mắc bệnh hóa hổ . Ta đối với ngươi có nhân duyên , nhớ đến cứu giúp . “ Đạo Hạnh viên tịch , sư trở về làng cũ ẩn tu . Đến lúc vua Lý Thần Tông mắc bệnh nan y , tâm thần rối loạn , kêu rống khiếp đảm , ngự y không chữa được . Nghe danh sư triều đình cho sứ giả đi tìm rước về kinh đô , sư liền dùng thần thông giải trừ oan trái ác nghiệt khiến vua lành bệnh hồi phục như cũ . Nhà vua ban thưởng trọng hậu tôn làm Quốc sư , sư viên tịch ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1141) .

Thiền sư Nguyện Học (1106 – 1175) đời thứ X thiền phái Vô Ngôn Thông ( Kiến Sơ ) , chùa Quảng Báo làng Chân Hộ , Như Nguyệt . Sư họ Nguyễn , ở làng Phù Cẩm , từ nhỏ thọ giáo với thiền sư Viên Trí chùa Mật Nghiêm , lãnh hội yếu chỉ thiền tông . Sư đến núi Vệ Linh ẩn cư chuyên tu phạm hạnh suốt 12 năm . Hằng ngày sư trì tụng “Hương Hải Đại Bi Đà La Ni" . Đạt được thần thông sư vận dụng chữa bệnh , cầu mưa , rất ứng nghiệm . Vua Lý Anh Tông nghe danh sư ban chiếu rước vào cung trị bệnh . Về sau sư xin cáo lão đến trú trì chùa Quảng Báo , lo việc giáo hóa đồ chúng . Ngày 11 tháng 6 năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ II (1175) sư để lại bài kệ trước khi an nhiên thị tịch  :

Thân tâm liễu ngộ mắt huệ mở

Biến hóa linh thông bày tướng báu

Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng

Hóa thân ứng hiện đâu tính được

Mặc dầu đầy rẫy cả hư không

Xem ra nào thấy có tướng gì

Thế  gian không có vật để sánh

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn

Không có một lời cho thỏa đáng

                                         (Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch)

Thiền sư Đại Xã (1120 – 1180) đời thứ X thiền phái Vô Ngôn Thông (Kiến Sơ) , chùa Báo Đức núi Vũ Ninh , sư họ Hứa quê ở làng Đông Tác  (Hà Đông) từ nhỏ theo học với thiền sư Đạo Huệ , núi Tiên Du , đạt được yếu chỉ thiền tông . Sư chuyên tâm trì tụng kinh Hoa Nghiêm và chú Diệu Môn Phổ Hiền (tức Tốc tật mãn Phổ Hiền hạnh nguyện đà la ni) nên đắc thần thông diệu dụng được người đương thời ngưỡng mộ đông đảo . Vua Lý Anh Tông thường triệu sư vào cung tham vấn học đạo . Sư thị tịch vào ngày 5 tháng 2 năm Trinh Phù thứ V (1180).

Nhận xét :

Theo kinh sách Phật giáo giải thích:

Thần thông còn gọi là thần thông lực, thần lực, thông lực hay thông. Có sáu thứ  thần thông:

Thần túc thông: có thể đến bất cứ nơi nào theo ý muốn – thay đổi tướng trạng theo ý muốn- chuyển biến các đối cảnh của thế giới bên ngoài theo ý muốn (chỉ Phật mới đạt được).

Thiên nhãn thông: thấy suốt được tất cả các việc xa gần, khố vui, thô tế ở thế gian.

Thiên nhĩ thông: có thể nghe được tất cả âm thanh ở thế gian.

Tha tâm thông: biết rõ việc thiện ác mà người khác nghĩ tưởng trong tâm.

Túc mệnh thông: biết rõ suốt tất cả trạng thái sinh tồn của mình và người khác trong đời quá khứ.

Lậu tận thông: dứt sạch các phiền não, vĩnh viễn không còn tái sinh trong cõi mê.

Theo luận Câu Xá  thì sáu thần thông này đều lấy tuệ giác làm bản chất. Trong đó năm thần thông đầu là nhờ  tu thiền mà được không phải chỉ riêng bâc thánh mới có mà phàm phu cũng có thể có. Nhưng lậu tận thông thì chỉ bậc A La Hán trở lên mới đạt được. Theo luận Đại Trí Độ thì Bồ Tát chỉ có năm thần thông, Phật mới có đủ sáu loại thần thông. Những vị thần tiên tu luyện cũng có thể đạt được năm thần thông gọi là ngũ thông tiên nhân. Sức thân thông của chư thiên, quỷ súc có hai loại ; do sinh ra đã có (sinh đắc) hoặc do tu luyện mà có (luyện đắc). Theo sách Đại Thừa Nghĩa Chương có bốn phương pháp chứng được thần thông:

Báo thông: do phước báo sanh về cõi trời tứ thiền mà tự nhiên có thần thông.
Nghiệp thông: do nghiệp mà có. Như các vị thần tiên nhờ năng lực của tiên dược mà bay được (ngoại đạo).
Chú thông: do luyện tập bùa chú mà có được (ngoại đạo).
Tu thông: do tu tập thiền định đạt được tuệ giác, tự tại vô ngại, thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn (thần thông của chư Phật, và các vị A La Hán).

Tìm hiểu lịch sử Phật Giáo Việt Nam, chúng ta thấy từ thế kỷ thứ  6 đến thế kỷ thứ 12 có hai dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ phát triển rực rỡ. Các vị  thiền sư truyền thừa đắc đạo, do yêu cầu thời đại đã phải phương tiện phát huy khả năng thần lực để phục vụ lý tưởng Bồ Tát cứu độ chúng sinh giành lại chủ quyền đất nước, xây dựng triều đại tự chủ làm cho Phật Giáo hưng thịnh. Rất tiếc về sau Mật Giáo lan rộng một số người tu tập chỉ cầu mong được nghiệp thông hoặc chú thông, lạc dần vào tà pháp, hướng dẫn quần chúng tín ngưỡng tâm linh thần bí nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng, danh lợi cá nhân. Từ đó triều Lý suy đồi dần dần mất quyền trị nước.

May thay nhà Trần thay thế  nhờ đó vận nước phục hưng, xuất hiện các vị minh quân như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông (tức Điều Ngự Giác Hoàng) mà chánh pháp lại được tỏ rạng trời Nam. Các vị thiền sư thời Trần phát huy pháp môn “ Cư trần lạc đạo “hình thành thiền phái Trúc lâm Yên Tử để lại dấu ấn rực rỡ trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam .

T.Đ.S

Tham khảo :

    Nghiên cứu về thiền uyển tập anh – Lê Mạnh Thát , NXB HCM 1999
    Lịch sử Phật Giáo Việt Nam – Lê Mạnh Thát , NXB HCM 2002
    Thiền sư Việt Nam – Thích Thanh Từ , 1992
    Việt Nam Phật Giáo sử lược – Thích Mật Thể , NXB Minh Đức , 1960
    Việt Nam Phật Giáo sử luận – Nguyễn Lang , NXB Văn Học HN , 1992

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here