Thuở còn niên thiếu, những đêm giao thừa xa xưa ở đất Sài Gòn, tôi luôn lăng xăng phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa ở sân trước nhà. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bác hàng xóm đi Lăng Ông ở gần chợ Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng. Ngoài đường đông vui hết sức! Đến gần Lăng Ông là phải xuống xe xích lô, chen vào đám người lũ lượt đi bộ đang tràn ngập con đường Lê Văn Duyệt (cũ). Chưa lọt vào cổng lăng đã thấy khói hương nghi ngút như sương mù. Cúng kiếng, xin xâm và hái lộc – không dễ gì làm cho đầy đủ, nhanh gọn cả ba nghi thức này nên bà con ai nấy đều vội vàng, còn do phải quay về trước 12 giờ để cúng giao thừa tại nhà mình. Trong đám đông náo nhiệt, nếu ai không chen lên được tới trước bàn thờ Ông (đức Tả quân Lê Văn Duyệt) thì đành chấp nhận cúi đầu lạy vào lưng, vào… mông người đứng trước mình thôi. Trên đường về, mẹ tôi còn ghé thắp nhang ở tịnh xá sư nữ Ngọc Hương, cái chùa nhỏ hẹp, nghèo nàn ở ngõ hẻm gần nhà, mà mùa Tết năm nào bà cũng tặng một, hai chục ký gạo tùy năm già đình có làm ăn hanh thông, khấm khá hay không. Rồi sáng mùng một, trên đường đi chúc Tết, mừng tuổi ông bà nội tôi, mẹ tôi không quên ghé chùaVĩnh Nghiêm nguy nga, tráng lệ…
Đã bao năm trôi qua với bao thăng trầm lịch sử, cứ đến ngày đầu năm mới, như Tết Quí Tỵ năm nay, nhiều Phật tử và khách thập phương vẫn giữ nguyên tập tục đến các chùa chiền, miếu mạo, lăng phủ… vùng Sài Gòn để dâng hương, cầu tài lộc, xin xâm, xem quẻ bói đầu năm…
Bao đời nay, ý nghĩa của Tết Nguyên đán vốn rất đậm chất tâm linh, tín ngưỡng đối với người mình, dù đang sống trong nước hay ở hải ngoại. Ngày xuân đi lễ chùa là một hình ảnh rất tươi sáng, trang trọng – chan hòa tình tự quê hương, ấm áp tình dân tộc. Do đó chuyện kẹt xe ba ngày Tết luôn luôn xảy ra trước cổng những ngôi chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Kỳ Viên,Việt Nam Quốc tự…, cả trước những ngôi chùa nhỏ, đầy phong sương, như chùa Ngọc Hoàng ở khu Đa Kao, Quận 1 hay miếu Thất Phủ ở ngã tư chợ Gò Vấp. Chùa cổ Ngọc Hoàng đã có gần 100 năm và nay đã được phong là “Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia – Điện Ngọc Hoàng”. Nguyên thủy nơi này là một đền (điện) thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế của người Hoa, sau mới có thêm bệ thờ Phật xây ở phía trước bệ thờ Ngọc Đế. Sau ngày 30/4, chùa có tên mới là “chùa Phước Hải” do giáo hội Phật giáo trong nước đặt cho, nhưng đối với hầu hết bá tánh Việt – Hoa, kể cả những anh xe ôm rành đường xá, phải nói “chùa Ngọc Hoàng” thì người ta mới biết.
Hỏi mượn tập tài liệu hướng dẫn của Saigon Tourist trên tay một du khách người Anh, tôi thấy chữ “Jad pagoda” được in rành rành. Bước sâu vào chánh điện, mấy ông tây bà đầm rất thích chụp ảnh tượng Tam vị Phật tổ, tượng Ngọc Hoàng cùng những tượng chư tiên (Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên Lôi, Văn Xương, Văn Khúc, Thái Thượng Lão Quân.v.v…, gần như đủ mặt các “chức sắc” Thiên đình như trong truyện/phim Tây Du Ký!). Riêng bọn trẻ nhỏ thì khoái cái hồ nuôi rùa trong sân chùa hơn hết. Lũ trẻ cứ tìm cách ném bắp rang, bánh mì – kể cả hoa, lá hái trộm trong sân chùa – cho lũ rùa lúc nào cũng đói ăn. Lũ bồ câu trong sân chùa cũng được dịp no nê bởi lúc nào cũng có người yêu chim chóc ném cho từng nắm gạo, đậu các thứ.
Thường là đến mùng 4 Tết – hạ nêu, cúng tất, tiễn ông bà về Trời – nhiều người bắt đầu thực hiện ước nguyện đi lễ cho đủ mười cảnh chùa nội trong tháng giêng âm lịch. Tiện thể, có người cùng gia đình và bạn bè tổ chức chuyến hành hương trang trọng này như một chuyến du Xuân đầu Năm Mới, ghé chơi ở những thắng cảnh, địa điểm du lịch trên đường đi và về. Tôi thì luôn đi cùng một nhóm bạn thân toàn dân Sài Gòn và miền Nam cố cựu, năm nào chúng tôi cũng nhắc trước nhau từ tháng chạp năm cũ, hẹn nhau thực hiện cho được tâm nguyện đi cúng cho đủ 10 kiểng chùa, đền, miếu…. Mở đầu chuyến hành hương bằng xe gắn máy này là những ngôi chùa ở Gò Vấp và Bình Thạnh. Vùng tỉnh Gia Định (cũ) tiếp giáp với đô thành Sài Gòn này vốn có rất nhiều chùa chiền, như các chùa: Dược Sư, Pháp Hoa, Già Lam, Kỳ Quang, Linh Quang, Chưỡng Đức, Từ Quang, tịnh thất Trung Tâm, Ngọc Phương tịnh xá.v.v… Riêng ở khu vực bên phải đường rầy xe lửa xuyên Việt, có chùa Từ Quang mới được trùng tu cách đây 2 – 3 năm, biến thành gần như một ngôi chùa mới hoàn toàn và rất khang trang. Kết hợp hình nét của cả hai tông Phật giáo, chùa trang trí theo lối chùa Thái Lan (Nam tông) nhưng đồng thời có chạm phù điêu hình rồng bay kiểu chùa Trung Hoa (Bắc tông).
Kế đó, theo lộ trình ít thay đổi, chúng tôi ra ngoại thành, trước hết là ghé đình Phong Phú ở Thủ Đức. Tôi thắc mắc tại sao cứ năm nào cũng là đình Phong Phú? Một anh bạn đã cười: “Bộ đầu năm ông không muốn giàu, tiền vô như nước hay sao? Chữ Phú trong tên Phong Phú đó!”. Thì ra là vậy. Hèn chi mấy ngày Tết, dân chúng nội ngoại thành cứ lũ lượt kéo đến cúng Ông (hẳn Ông là thần làng, thành hoàng của xã Tăng Nhơn Phú?) trong ngôi đình hơi xa trung tâm Sài Gòn này, do tin tưởng vị nhân thần ở đây có thể phò hộ cho phú quí, giàu sang. Nhân tiện, nhiều Phật tử còn đi tiếp đến một ngôi chùa cổ, kiến trúc rất đẹp, tên là Phước Thạnh tự ở bên kia cầu Tân Long, tức chỉ cách đình Phong Phú khoảng 3 cây số.
Rồi chúng tôi tiếp tục ra miền Trung, tương tự chương trình đi “tua” cúng kiến ngắn ngày của những cơ sở cho thuê xe du lịch, hành hương. Sau những ngôi chùa trên núi Gia Lào (vùng Long Khánh cũ) và ra dinh Thầy Thiếm và Cổ Thạch tự ở mé biển, bọn tôi lên núi Tà Cú ở vùng Bình Thuận Nam để vào Linh Sơn cổ tự. Nguyện ước “Mười kiểng chùa” đã viên mãn!
Sau một đêm ngon giấc lạ thường ở mái hiên chùa Linh Sơn, các bạn tôi hớn hở ra chánh điện lạy Phật, cúng vào thùng công đức. Và đây mới là điều được mong chờ nhiều nhất, kết thúc chuyến hành hương mấy đêm ngày rong rủi, nhọc nhằn : lá bùa cầu an đã xin năm ngoái ở chùa này được trao lại cho một nhà sư trẻ, viết chữ Hán rất đẹp, để nhà sư đốt bỏ và viết cho anh em lá bùa mới. Lá bùa cầu an, cầu tài cho năm mới.
Đã thấy, khi đi cúng kiếng, xin xâm, hái lộc để cầu an, cầu tài, cầu duyên – kể cả cầu… giãn nợ, thoát nợ – vào những ngày đầu năm, người mình đã rất phóng khoáng trong việc chọn lựa đối tượng thiêng liêng mà gởi gắm ước nguyện đầu Xuân. Bá tánh ngụ ở Sài Gòn, cả người Việt lẫn người Hoa, không phân biệt đâu là lễ Phật ở các chùa Nam tông hay Bắc Tông, đâu là cúng Ngọc Đế – vị nam thần cai quản vũ trụ – trong chùa Ngọc Hoàng, đâu là cúng nữ thần là Bà Thiên Hậu trong chùa gốc Trung Hoa ở quận 5 (thường là người ta đi cúng luôn cả Ông Phước An trong chùa Ông, cùng ở trên đường Nguyễn Trãi gần chùa Bà). Cũng là Bà – nữ thần được bá tánh rất tin tưởng, sùng mộ nhưng có nguồn gốc xa gần với đạo Bà La Môn thì có Bà Chúa Xứ ở tận Châu Đốc (chính lễ là ngày mùng 4 tháng giêng ÂL). Nhiều người còn đi cúng danh nhân, anh hùng lịch sử, như đức Tả quân Lê Văn Duyệt ở Lăng Ông Bà Chiểu, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tại đền đức Thánh Trần ở Tân Định, lễ luôn cả ông bá hộ hiển linh ở dinh Thầy Thiếm vùng Bình Thuận, hay xuống miền Tây, ra Kiên Giang cúng miếu Thành Hoàng Mạc Cữu…
Từ ngày rằm đến ngày 28 tháng giêng, còn phảng phất không khí xuân, dân Sài Gòn lại tấp nập đi Bình Dương để cúng chùa Bà, riêng giới tiểu thương ở các chợ thì do đã khai trương buôn bán đầu năm nên thường rũ nhau đi cả nhóm xe gắn máy thật vui vào ban đêm. Còn đối với người dân ở các vùng khác, như ở Nha Trang chẳng hạn, thì nếu đám thanh niên thích rủ nhau lên viếng đức Bà Thiên Y trên tháp Bà thì người lớn tuổi lại cung kính đi viếng mộ bác sĩ Yersin ở Suối Dầu. Ở nhiều vùng quê miền Tây, nông dân thường xuyên đi thắp nhang ở những cái miếu nhỏ thờ ông Tà trong tín ngưỡng dân gian, vị thần chỉ cai quản vỏn vẹn một vạt ruộng, một cánh đồng…
Do đâu mà người mình lại có kiểu tin tưởng đa thần, không phân biệt như thế?
Với truyền thống tín ngưỡng “Tam giáo đồng lưu” đã có từ thời quân chủ xa xưa, cả ba đạo Phật – Khổng – Lão đã đề huề cùng tồn tại trong tâm hồn dân Việt suốt bao thế kỷ. Người qui y thì nhận mình là Phật tử, tức theo đạo Phật với đạo lý Từ Bi Hỉ Xả. Người không qui y thì nhận mình theo đạo “thờ cúng ông bà” – một phiên bản tín ngưỡng dân gian đặc biệt Việt Nam hòa quyện với luân lý Khổng Nho chủ trương Ngũ Thường,Tam Cương, Tứ Đức, Tam Tòng… và đề cao Phước Lộc Thọ… Người tin tưởng bói Dịch, bùa Lỗ Ban, kính ngưỡng giới thầy pháp, thầy cúng, đã vô hình trung là đệ tử của đạo Lão với các thuyết Thái Cực, Lưỡng Nghi… Rốt cuộc, trong nhà của hầu hết người Việt thường có rất nhiều bàn thờ, trang thờ khác nhau, ngoài phần thờ phượng tổ tiên, ông bà. Trong nhà Phật tử và người theo đạo thờ cúng ông bà, ngoài bàn thờ Thích Ca và Quan Âm (thuộc đạo Phật), còn có khám thờ Thần Tài, Thổ Công ở phòng khách và Táo Quân ở nhà bếp (ba vị này thuộc đạo Khổng) cùng trang thờ lộ thiên ngoài sân để cúng Trời (Thiên/Thái Cực, thuộc đạo Lão), hay một số nhà giàu còn lập miếu thờ Ngũ Hành (cũng thuộc đạo Lão) trong sân vườn. Trong nhà người theo đạo Hòa Hảo hay đạo Cao Đài thì trước tiên là thờ đức Phật Thầy Tây An (sáng lập đạo Hòa Hảo) hay thờ Con Mắt, biểu tượng đạo Cao Đài.
Thú vị nhất là về Quan Nhị Ca mà trong các phim hình sự, xã hội đen của Hồng Công, các anh chị police hoàng gia thường thắp nhang cho ngài trước khi đi phá án. Có thể đây là nguyên Tổ của nghề bộ đầu/công an/cảnh sát bên Trung quốc từ thời xưa truyền lại nhưng không biết từ lúc nào, Quan Công (hay Quan Thánh, biểu tượng cho đức trung liệt Khổng Nho) hùng dũng với mặt đỏ, râu dài của người Hoa đã được người Việt cùng thờ kính vì cảm phục đức độ anh hùng.
Riêng về Thần Tài, phải thờ vị này cho đúng cách: trang thờ đặt dưới đất và quay mặt ra đường, không có đồ vật gì che phía trước, và phải thường xuyên sáng đèn. Có khi còn kèm theo các pho tượng nhỏ nữa cho đủ bộ ba vị Phúc Lộc Thọ. Lại có nhiều người theo Thiên Chúa giáo (ngoài tượng Chúa ba ngôi và các thiên sứ, đạo này không cho phép thờ ngẫu tượng nào khác) vẫn thờ Thần Tài. Có lẽ các nhà thờ địa phương đã châm chước cho kiểu thờ “phụ trội” của con chiên. Ngoài ra, một số nhà thờ ở vùng Á châu (những quốc gia dùng cả hai loại lịch tây và ta) như tại VN, còn tổ chức các lễ đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Vào ngày mùng một Tết, trong lúc các chùa hành lễ cầu quốc thái dân an thì bên nhà thờ làm lễ “cầu bình an”. Mùng hai Tết, con chiên đi lễ “cầu ông bà tổ tiên”. Mùng ba Tết, trong lễ “thánh hóa công ăn việc làm”, con chiên mang một dụng cụ biểu trưng cho nghề nghiệp của mình đến đặt trên một cái bàn sát bên bàn thờ Chúa. Ví dụ thợ hớt tóc thì mang đến cái tông-đơ, thợ may thì cái kéo, còn nhà văn/nhà báo (thợ viết?) có thể bày ra cây bút ghép vào một cuốn vở… Lễ chấm dứt, mọi người hoan hỉ mang về nhà món đồ nghề đã được ban phép lành với niềm hy vọng sẽ được hành nghề, kiếm sống thuận lợi trong năm mới.
Thờ phượng, đảnh lễ trước bàn thờ Phật, Chúa, các thần linh muôn phương tại gia đình hay tại chùa, nhà thờ, đền, miếu… vốn là sinh hoạt thường xuyên, quanh năm suốt tháng của bất cứ ai có tín ngưỡng, có lòng tin vào thần thánh thiêng liêng, nhất là vào các kỳ Phật đản, Giáng sinh, Thánh đản, mùa vía Kỳ yên v.v… Nhưng riêng vào mùa Tết nguyên đán truyền thống – ngay giờ giao thừa năm cũ/năm mới hay trong chuyến hành hương “mười kiểng chùa” tháng giêng – thì việc hành lễ, cúng Phật, cúng thần… của mọi người lại mang một ý nghĩa đặc biệt sống động, hoan hỷ.
P.N