LGT: Năm 1988, Hồ Anh Thái sang học tập và làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại ấn Độ, sống tại đất nước này sáu năm. Đây là một bước quan trọng trên đường đời nhà văn. ấn Độ là xứ sở của những tư tưởng rất minh triết và cũng hết sức siêu hình, là quê hương của những trí tuệ hiền minh bậc nhất nhân loại từ cổ đại đến cận, hiện đại, như Phật Thích Ca… Hồ Anh Thái dành nhiều thời gian đi tới rất nhiều vùng quê trên đất nước này, đến những đền chùa danh tiếng, rong ruổi khắp miền Bắc và Trung ấn, những nơi thuộc Vương quốc Phật thời cổ đại. Đây là cuộc khám phá văn hóa ấn Độ trong đời sống xứ sở này, khám phá kiến trúc của tôn giáo này cùng những kinh điển Phật học… (ANH CHI).
Trong bốn vùng đất quan trọng nhất liên quan đến cuộc đời của Đức Phật, chỉ có Lumbini là thuộc Nepal, còn ba nơi khác ngày nay đều nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. Lumbini là nơi hoàng tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) cất tiếng chào đời. Kushinagar là nơi Đức Phật lui về nghỉ lại những ngày cuối cùng, và nhập Niết Bàn ở tuổi tám mươi. Hai nơi này là chứng nhân để nói lại cho nhân loại biết rằng Đức Phật cũng là một con người như mọi người trần, cũng có sinh và có tử. Hai nơi khác đặc biệt quan trọng: Boddhgaya, nơi hoàng tử Siddhartha, sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiếm chân lý, đã ngồi nhập định dưới gốc cây bồ đề và được khai minh. Sau đó người đã vượt hai trăm rưởi cây số đường rừng để tới Sarnath, giảng bài kinh đầu tiên cho năm tín đồ đầu tiên của Phật giáo. Cả bốn nơi này tôi đều đã đến thăm, mà không phải chỉ đến một lần.
Mùa hè năm 1990, con tàu lao đi trong cái nóng tháng năm tới trên 40°C, từ Sarnath đến Boddhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng). Đang vượt qua chiếc cầu sắt lớn trên sông Hằng thì một cơn mưa đá bất ngờ ập xuống. Khúc sông Hằng ở nơi thánh địa Benares bé nhỏ và hiền hòa là thế mà đến đây bỗng phình to ra, sóng trào cuồn cuộn trong cơn mưa sầm sập làm cho trời đất xám xịt. Những hạt mưa đá to bằng đầu ngón tay, tung tóe trong các bụi cây bên đường, trên những cánh đồng lúa mì đã thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ, nhảy lâng tâng trên thềm một ga xép. Có mấy hành khách che ô, chạy ra từ phòng đợi nhà ga, dùng tay và chân vun nhanh những hạt mưa đá lại, trong thoáng chốc đã được một đống khá to, rồi vốc từng vốc chạy vào phòng đợi để ném nhau, nhảy nhót reo hò trong một vũ điệu hồn nhiên. Ấn Độ là thế, thiên tai, dịch bệnh và nỗi bất hạnh vẫn thường chầu chực trước cửa mọi nhà, vậy mà vẫn không thể làm cho người Ấn Độ thôi hát, thôi cười, thôi nhảy múa. Sức sống dai bền của dân Ấn Độ có thể là đây chăng, là cứ bình thản sống, bình thản trước mọi bất hạnh, chấp nhận nó như một điều tất yếu, và bớt nghĩ ngợi nhiều về nó?
Ấy thế mà có một con người không sống như vậy. Người ấy đã vạch thêm một nét nhăn ưu tư lên vầng trán Ấn Độ, ở tuổi hai mươi chín, đã từ bỏ cả gia đình và quyền thừa kế một vương quốc, lên đường tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc đời. Hơn 2.500 trước, người ấy đã đi ngược chiều với con tàu mà tôi đang đi từ Boddhgaya về Sarnath, trong một ngày mưa đá hoành hành trên những cánh rừng và những đồng đất cằn khô như thế này. Khi ấy, Người vừa bừng ngộ dưới gốc cây bồ đề, đã thấu hiểu những quy luật và ý nghĩa cuộc đời. Vầng hào quang trí tuệ tỏa sáng xung quanh Người, mong muốn giảng lại cho các đệ tử của mình chân lý, Người đã băng rừng rẽ lối tìm về Sarnath (Lộc Uyển). Vừa đến nơi, Người gặp năm đệ tử cũ, những kẻ đã rời bỏ Người khi Người thôi hành hạ thân xác, vì biết rằng không thể đạt tới chân lý bằng cách hành xác và nhịn đói. Họ mừng mừng tủi tủi khi gặp lại cố nhân và bàng hoàng khi nghe Người hỏi: “Các người có còn nhớ ta chăng?” Một người đáp vội: “Dạ thưa, Người là Siddhartha, chúng tôi còn nhớ”. Đấy là tên từ thuở chào đời của hoàng tử xứ Lumbini. “Không phải”, Đức Phật tiếp lời, “Ta là Buddha (Người tỉnh thức) và đạo của ta là đạo của những người tỉnh thức”, tức là Đạo Phật.
Ở Sarnath có một quần tượng, trong đó hai bàn tay Đức Phật đặt phía trước ngực trong thế bắt ấn: ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải gặp ngón trỏ của bàn tay trái, còn năm tín đồ đầu tiên của Đạo Phật ngồi quây tròn phía trước, đầu hơi cúi, đôi bàn tay cung kính chắp trước ngực, nghe giảng bài kinh đầu tiên. Đức Phật dạy rằng có hai lối sống đều dẫn đến sự đau khổ: đó là lối sống hoàn toàn chạy theo lạc thú, hoặc hoàn toàn chối bỏ lạc thú. Vốn được vua cha tạo cho mọi điều kiện sống một cuộc đời chỉ biết vô tư hưởng lạc thú, hoàng tử xứ Lumbini bị rơi vào một cơn khủng hoảng tinh thần khi bất chợt hay rằng ai ai rồi cũng phải chịu phận ốm đau, già lão, và chết. Vậy ra cuộc đời là một chuỗi triền miên những đau khổ hay sao? Làm thế nào để chấm dứt mọi đọa đày đau khổ?… Kiến thức kinh viện hoàng gia không sao lý giải được điều này. Hoàng tử xứ Lumbini đã lặng lẽ rời bỏ kinh thành, rời vua cha, rời vợ con để đến với cuộc đời, chắt lọc từ kiến thức bình dân những gì có thể giúp chàng tìm ra chân lý. Chàng đã sống sáu năm ròng khổ sở nhất trong một cái hang nhỏ, tự hành hạ thân xác cho đến khi suýt chết. Khi đó chàng mới hiểu mình đã lầm đường, làm sao tìm được chân lý nếu như thân xác mình không tồn tại nữa.
Rốt cuộc vị hoàng tử xứ Lumbini là người đã nếm trải đủ mùi sung sướng nhất và đau khổ nhất, kết hợp được trong mình cả tri thức bác học và bình dân, rồi mới trở thành Đấng Giác Ngộ. Đấng Giác Ngộ không chủ trương lối sống cực đoan, mà chỉ ra một con đường dung hòa (trung đạo), trong đó có con đường chân chính tám chặng (ngôn ngữ nhà Phật gọi là Bát chính đạo) và bốn chân lý diệu kỳ (Tứ diệu đế)…
Từ dưới thời Hoàng đế Ashoka (thế kỷ III trước Công nguyên) Sarnath đã là một thiền viện đông đúc và tôn nghiêm. Bẵng đi nhiều thế kỷ, Sarnath khôi phục thời đại hoàng kim vào thế kỷ V đến VII sau công nguyên. Sarnath, Boddhgaya và nhiều thánh địa khác của đạo Phật được biết đến một phần là nhờ sự miêu tả tỉ mỉ và sinh động của hai vị hành hương người Trung Hoa là Pháp Hiển (đầu thế kỷ V) và Huyền Trang, còn gọi là Đường Tăng (giữa thế kỷ VII). Huyền Trang nhìn thấy ở đây chiếc cột đá do Hoàng đế Ashoka xây dựng, cao 21,5m, sáng bóng như gương. Còn khi tôi đến thăm, cột đá chỉ còn là cái chân cột cao hơn một mét, nó đã bị đập phá tan tành, chịu chung số phận với cả thiền viện, khi bọn xâm lược đến cướp phá trong khoảng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.
Đỉnh cột đá Ashoka có hình bốn con sư tử chụm lưng vào nhau, được tìm thấy và được trưng bày trong bảo tàng cạnh đó. Mô hình này ngày nay là quốc huy của nước Cộng hòa Ấn Độ.
Hoàng hôn. Chút ánh sáng cuối chiều trên đống đổ nát hoang tàn của Sarnath, đổ nát mà vẫn còn rộng lớn và gây ấn tượng, tự nó đã nói lên tất cả về sự suy vong của một thánh địa từng có thời hoàng kim. Hàng nghìn Phật tử từng quây quần nơi đây, nghe giảng kinh trong giảng đường, có trai phòng dành riêng cho từng người khi cần nghỉ ngơi. Thiền viện đã bị đập phá tan hoang, nhưng những bức tường cao thấp vẫn còn, chỉ rõ ranh giới giữa các phòng, thậm chí cả chỗ ngồi của từng môn sinh trong giảng đường. Trên đống đổ nát đó, vẫn còn sừng sững một cái đài tưởng niệm, cao hơn 30 mét và chu vi chân đài khoảng 40 mét. Những đài tưởng niệm Đức Phật như thế được gọi là stupa (bảo tháp), có thể là hình trụ, hoặc bán cầu, cái nhỏ cao khoảng 10 mét, cái lớn có thể tới 40 mét, hoàn toàn là một khối đặc, không có lối đi vào bên trong. Nhưng trong lòng những stupa này thường có những chiếc tiểu đá cẩm thạch, có một chút tro cốt của Đức Phật. Ngay tại Sarnath, cho đến năm 1794 vẫn còn một đài tưởng niệm cao hơn 30 mét và lớn hơn chiếc hiện hành rất nhiều, do Hoàng đế Ashoka xây dựng. Vào những năm cuối thế kỷ XVIII, vị thủ hiến của Benaras quyết định xây dựng một cái chợ cho thành phố bên bờ sông Hằng tấp nập người hành hương, nhưng lại thiếu nguyên vật liệu. Ông đại thần Jagat Singh vắt tay lên trán nghĩ ngợi nhiều ngày, rốt cuộc bỗng nhớ đến thiền viện Phật giáo bị bỏ hoang đã lâu. Ông ta cho người đến đập phá cái stupa cao hơn 30 mét để lấy gạch đá. Trong lòng đài tưởng niệm này, người ta phát hiện ra một chiếc tiểu bằng đá cẩm thạch, bên trong có một chiếc bình đựng tro xương. Đó là một phần xá lợi của Đức Phật. Chẳng biết phải làm gì với di vật tìm được, vị thủ hiến đã tuân theo phong tục của đạo Hindu, đem rải tro cốt của Đức Phật xuống sông Hằng, dòng sông thiêng liêng nhất của người theo đạo Hindu.
Tháng tư năm 1991, tôi lại đi qua Sarnath để tới đất thánh Boddhgaya, sau khi đã dừng chân nửa ngày ở Nalanda, nơi còn dấu tích của trường đại học Phật giáo đầu tiên. Đầu thế kỷ VII, khi Đường Tăng đến đây và lưu lại mười sáu năm trời, Nalanda đang ở vào thời điểm hưng thịnh nhất. Cùng một lúc có 10.000 môn sinh theo học, với sự hướng dẫn của 1.500 giáo sư. Những cuộc thảo luận sôi nổi về các bản kinh của phái Tiểu Thừa và Đại Thừa, về môn ngữ pháp tiếng Sanskrit, môn logic học và y học… không chấm dứt cùng với giờ đóng cửa giảng đường, mà còn theo họ về trong các trai phòng thâu đêm suốt sáng. Tôi bước vào một căn phòng rộng khoảng mười mét vuông, thử nằm lên chiếc giường mấp mô xây bằng gạch. Phía trên đầu không phải là mái che hay trần nhà, mà là cả một bầu trời xanh đầu mùa hạ. Trường đại học sáu tầng này đã bị cướp bóc và đốt phá lần cuối cùng vào năm 1253, bị quên lãng nhiều thế kỷ và chỉ được khai quật lên vào đầu thế kỷ XX.
Lúc đứng chờ xe buýt bên đường Nalanda, chúng tôi gặp một nhà sư người Ấn Độ, mang tên con trai của Đức Phật là Rahul. Ông khẳng định điều chúng tôi chưa dám chắc, rằng ở Boddhgaya cũng có một ngôi chùa Việt Nam, và chủ động đưa chúng tôi lên xe, sợ rằng người nước ngoài sẽ đi lạc hoặc bị lừa. Đi chưa được bao xa, chuyện trò chưa được nhiều, lúc xe dừng ở một bến nhỏ, nhà sư nhìn thấy một đệ tử bên đường, liền vẫy anh ta đến. Chàng trai kính cận, dáng dấp như một sinh viên, vội dừng xe máy, chạy đến chắp tay cung kính chào thầy, rồi cũng theo ý thầy, bắt tay và chuyện trò đôi câu cùng hai người khách Việt Nam. Nhà sư xuống theo cùng đệ tử, nhưng không quên dặn dò phải đi theo tuyến nào, và nhớ là không phải trả tiền xe nữa, vì ông đã trả hết cho chúng tôi rồi.
Ngày hôm sau, gặp lại ở Boddhgayda, sư Rahul đưa chúng tôi vào một làng nhỏ và nghèo, ở ngay đằng sau ngôi chùa Trung Hoa. Sư Rahul mở một trường học từ thiện cho lũ trẻ làng, tuổi từ năm đến mười. Không biết lũ trẻ tiếp thụ được những gì trong ngôi trường nhỏ đơn sơ thiếu thốn phương tiện ấy, nhưng ít nhất trường của sư Rahul cũng làm được công việc của một nhà trẻ, tập hợp trẻ em lại và dạy chúng những bài học hiếu lễ làm người.
Cây Bồ đề ở Boddhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) – Ảnh: H.A.T |
Trường của sư Rahul chỉ cách cây bồ đề của Đức Phật chưa đến một cây số. Nhờ có cây này và ngôi chùa Đại Giác Ngộ, Boddhgaya trở thành một địa danh nổi tiếng thế giới. Người ta không chỉ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan… mà còn từ Canada, Mỹ, Anh, Pháp… Khách du lịch và người hành hương vừa bước xuống tàu đã gặp ngay những dòng chữ Hindi kẻ rất đẹp trên những cột lớn của nhà ga Gaya. Khi đến, tôi không để ý, vì cho đó chỉ là nội quy, hoặc lời chỉ dẫn của nhà ga đối với hành khách. Chỉ đến khi trở về, phải ngồi chờ chuyến tàu đêm đến chậm, tôi mới đọc kỹ và giật mình nhận ra đó là lời dạy của Đức Phật. Tôi lần lượt đi qua tất cả các cột, đọc và chép lại tất cả. Tình thương là tên gọi thứ hai của lòng tin, nghe tưởng như giáo huấn của một thời xưa cũ, mà hóa ra vẫn còn mới mẻ.
Ở nơi Đức Phật được khai minh dưới gốc cây bồ đề, hoàng đế Ashoka cho xây dựng một ngôi chùa lớn, nhưng nó đã bị những bàn tay cướp bóc và hận thù tôn giáo phá hoại. Ngôi chùa hiện tại được xây dựng lại cách đây khoảng bốn thế kỷ, hình chóp, vươn cao 60 mét lên nền trời như một ngọn bút, ở bốn góc lại có bốn tháp nhỏ, hình dáng giống hệt như thế, tạo nên sự hài hòa cân xứng cho cả ngôi chùa. Trong điện thờ chính, có một pho tượng Đức Phật khá lớn, ngồi trong tư thế nhập định, hướng về phía Đông, đúng hệt tư thế Đức Phật đã ngồi bên gốc cây và thành đạo.
Men theo bên trái ngôi chùa đi ra đằng sau là đến với cây bồ đề của Đức Phật. Đầu tháng tư, cây đã trút sạch lá để sửa soạn cho đợt thay lá mới, kịp đến ngày Phật đản tháng sau. Năm trước, tôi đến vào tháng năm, trước Phật đản năm ngày, thấy cây cao bóng cả, đợt lá mới non tươi, du khách phải dừng chân khá lâu dưới gốc cây để hưởng trọn cái không khí mát rượi và an lạc giữa ngày hè nắng như xối lửa. Ngay dưới gốc cây có một phiến đá lớn, gọi là tòa kim cương, là nơi Đức Phật tọa thiền. Còn ngay trước lối vào là hai phiến đá đen hình tròn, chạm khắc đôi bàn chân của Đức Phật. Một nhánh của cây này đã được Mahinda, con trai của hoàng đế Ashoka, mang sang Sri Lanka vào thế kỷ III trước công nguyên, trong cuộc hành trình dằng dặc với sứ mệnh truyền bá đạo Phật về phương nam. Cây bồ đề ấy, với rất nhiều đời cháu con tiếp nối, vẫn bình yên tỏa bóng ở Sri Lanka cho đến tận bây giờ, trong khi cây ở Boddhgaya đã trải qua bao thăng trầm, biến động. Pháp Hiển kể rằng việc hoàng đế Ashoka ngày nào cũng đến bên gốc cây để sám hối đã làm cho hoàng hậu ghen tuông và tức giận. Bà bí mật sai chặt phá cây. Ashoka phủ phục bên cái cây chỉ còn trơ lại gốc, thề sẽ không đứng dậy, nếu như cây không phục sinh. Người ta phải xây hàng rào quanh gốc cây, dùng sữa bò là sữa thiêng để tưới hàng ngày, cho đến khi một cây non mới đâm chồi. Nhiều thế kỷ sau, cái cây lại bị một tiểu vương Hindu của vùng Bengal đốn ngã… Chỉ đến cuối thế kỷ XIX, khi việc bảo tồn được chính thức đặt ra, người ta mới lấy một cây con từ cái cây ở Sri Lanka đem về, trồng lại vào chỗ cũ.
Xung quanh cây bồ đề của Đức Phật còn có một chuyện xảy ra vào cuối năm 1990. Vị lãnh đạo một nước láng giềng của ta tới thăm chùa, xin một cây con để mang về trồng ở nước mình. Về đến nơi, một số người nhìn thấy, đều lắc đầu cho rằng đó không đúng là cây của Đức Phật. Cây lấy từ đất Phật về, mà người ta không tin?
Trong tiếng Anh và tiếng Hindi, người ta gọi đó là cây bo (bo tree), chắc hẳn xuất phát từ chữ boddha (hoặc buddha) của tiếng Sanskrit, có nghĩa là tỉnh thức, là giác ngộ? Cây bô, hay cây tỉnh thức, ở đất Phật là cây pipal, hoặc banian, thuộc họ đa đề, lá to bằng bàn tay, hình trái tim.
Cách cây bồ đề không xa, phía nam khu vực chùa, là hồ sen, nơi Đức Phật xuống tắm vào tuần thứ sáu, sau khi thành đạo. Bất ngờ, dông bão nổi lên, sấm chớp đùng đùng. Xung quanh không một mái lều, không một tán cây che, nhưng cũng rất đột ngột, muông thú từ trong rừng kéo ra, tạo thành mái che cho Đức Phật nương náu.
Tháng năm, sen phủ kín mặt hồ, pho tượng Đức Phật dựng giữa hồ, có một vòm che vươn từ sau lưng lên đến đầu Đức Phật. Cái vòm che bành ra như đầu con rắn hổ mang bành, nhưng ở phía trên lại có hình cách điệu đầu một con vật giống như hổ báo. Đấy là đài tưởng niệm dã thú, được lượng từ bi của Đức Phật cảm hóa đã tự ý mang thân mình che chở cho Người.
Thị trấn Boddhgaya chỉ cách trung tâm huyện lỵ Gaya khoảng 12 km, nhưng sạch sẽ và thanh bình hơn hẳn. Những nơi thánh địa của đạo Phật trên đất Ấn Độ đều sạch sẽ và bình yên so với nhiều nơi khác, liệu có phải vì chất hiền lành toát ra từ chính tôn giáo này và từ chính các tín đồ Phật giáo? Trên những con đường nhỏ của thị trấn, thường gặp nhất là những gương mặt Á Đông: người Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Miến Điện… Đây là nơi mời gọi và quy tụ người hành hương của những đất nước coi đạo Phật là quốc giáo hoặc là tôn giáo chính. Người Nhật dựng ở đây một ngôi chùa bề thế, với một pho tượng Phật bằng đá trắng, chỉ riêng chi phí cho pho tượng cao khoảng 50 mét này đã là một triệu đô la Mỹ. Phật tử Thái Lan xây một ngôi chùa Vàng. Chen vai thích cánh bên cạnh với quy mô lớn là chùa Bhutan, Nepal, chùa Tây Tạng, Miến Điện… Chúng tôi đi giữa dòng người, cho dù có bị nhầm là người Nhật, người Hoa, trong thâm tâm vẫn không thôi nghĩ rằng mình đang góp thêm vào đoàn du khách bốn phương những gương mặt Việt Nam.
Trong cuốn sách du lịch không thấy nói về chùa Việt Nam, cũng không có cả sự chỉ dẫn trên bản đồ thị trấn, về sau tôi mới hiểu chỉ đơn giản là vì năm 1991 chùa đang trong thời kỳ xây dựng, mới được khởi công khoảng năm năm trước đó. Ở khách sạn du lịch, khi nghe tôi hỏi, các nhân viên tiếp tân sốt sắng dẫn ra trước thềm, chỉ một tòa nhà màu vàng ở giữa cánh đồng mà nói: “Chùa Việt Nam đấy”. Nhưng ở trên đường thì không phải ai cũng biết, có người lại bảo tòa nhà màu vàng ấy là một khách sạn. Mà giống khách sạn thật, một tòa nhà bốn tầng bề thế nổi lên giữa đồng lúa mì vừa thu hoạch, xung quanh tòa nhà là một bức tường cao quá đầu người chưa kịp quét vôi, còn nguyên màu xám của vôi vữa. Có một điều làm cho tôi ngờ đây không phải là khách sạn, vì trên nóc nhà có một cái chòi, mái cong cong trông rất thân thuộc. Chỉ khi đến trước cửa, phân vân gõ vào cánh cửa sắt mấy lần, tôi mới bất chợt nhận thấy bên sườn nhà có hình bản đồ Việt Nam nho nhỏ, những cái hình đắp nổi vừa mới làm, cũng chưa kịp tô màu hoặc quét vôi lên, vẫn còn nguyên màu xám của vữa.
Việt Nam Phật quốc tự giữa bạt ngàn cây lá – Ảnh: H.A.T |
Buổi tối hôm đó, thầy Huyền Diệu trụ trì chùa dẫn chúng tôi đi xem hết thảy các tầng nhà, qua hết các phòng. Thầy không đánh số các căn phòng, thay vào những con số là tên những người có công lao với đất nước và Phật giáo trong lịch sử Việt Nam. Sau này các phật tử Việt Nam đến chùa theo một khóa học, sẽ không được phân về phòng số 1 hoặc số 2, mà là nhận phòng “Thánh tử vì đạo Quách Thị Trang” chẳng hạn, ít ra thì họ cũng được ngay một bài học nhập môn về những tên tuổi đáng ghi nhớ và sẽ để tâm tìm hiểu các nhân vật ấy. Chúng tôi dừng lại trước căn phòng có tấm biển đá trắng, khắc tên người phụ nữ đi đầu trong đoàn biểu tình của Phật tử chống kỳ thị đàn áp tôn giáo và bị sát hại năm 1963. Thầy Huyền Diệu đọc được tin này trên sách báo, nhớ mãi, rồi lấy tên cô đặt cho một căn phòng ở đây.
Đến Ấn Độ đã được hơn hai mươi năm, ban đầu làm thuê cơ cực, thầy chỉ kiếm được vài ba rupi mỗi ngày. Lần đầu viếng thăm cây bồ đề của Đức Phật, thầy khấn Phật phù hộ cho ước nguyện xây một ngôi chùa Việt Nam trên đất này trở thành hiện thực. Hơn hai mươi năm, thầy làm việc nhọc nhằn, đi giảng bài ở các nước, gom góp và quyên góp thêm, được một số tiền để xây chùa. Có tiền rồi, khởi đầu thầy mua bốn hecta đất, việc đầu tiên là xây dựng ngay một tòa nhà bốn tầng, sẽ là nơi ở cho các Phật tử đến học tập. Theo thiết kế của thầy Huyền Diệu, chùa Việt Nam sẽ không xây bề thế như chùa Nhật chùa Thái mà độc đáo là sẽ xây một quả núi lớn tượng trưng cho dãy Hoàng Liên Sơn, có suối reo thác đổ, ở chân núi có một ngôi chùa nhỏ ẩn mình trong bóng râm của tre trúc và các loại cây của làng quê Việt Nam. Thầy nhờ một số kiến trúc sư vẽ hộ cái mái cong của chùa, nhưng không quên hỏi họ xem mái chùa Việt Nam khác mái chùa Trung Quốc ở chỗ nào. “Ôi chà, nó cũng nhang nhác như nhau mà thôi”, họ trả lời. Trời ơi, khác nhau nhiều chứ, “nhang nhác” làm sao được. Mái chùa Tàu lượn từ trên xuống, rồi hất cong lên một cách mạnh bạo. Còn mái chùa Việt Nam bao giờ cũng mềm mại hơn, lượn xuống, từ tốn và điềm đạm, rồi sau mới hất cong lên, như bản tính người Việt khi cần cũng có thể quyết liệt. Thế là ngôi chùa nhỏ lại phải do chính tay thầy vẽ mẫu và trực tiếp chỉ đạo xây dựng.
Nhân nói chuyện thiết kế, thầy Huyền Diệu dẫn chúng tôi đến bên một cái hồ nhỏ vừa xây xong, ở giữa hồ đang xây trụ cho một ngôi chùa Một Cột. Một kiến trúc sư đã thiết kế ngôi chùa theo ý thầy, để khi du khách bước lên hết bậc cầu thang, phải thật ôn hòa, thật tĩnh tâm mới có thể khéo léo lách mình vào được bên trong. Người hấp tấp và nôn nóng thì sẽ va đầu vào cửa, bàng hoàng lùi ra, thay cho việc bước tiếp vào trong chùa.
Người phục vụ bê ra một ấm trà và mấy cái chén. Chúng tôi ngồi uống trà cùng thầy Huyền Diệu ngay trên bãi cỏ trước tòa nhà, bên những cây đu đủ trĩu quả. Chỉ có một người giúp việc, thầy tự xây lấy hệ thống thủy nông dẫn nước vào ruộng trồng lúa nước theo lối canh tác của Việt Nam, trong khi trên những cánh đồng xung quanh chùa, dân địa phương chỉ quen trồng lúa mì trên ruộng cạn. Rồi thầy trồng cà chua, trồng các loại rau, kể cả rau muống. Một nhà sư mảnh khảnh, nho nhã, lại cũng lao động như một người nông dân cần cù.
Khoảng mười giờ đêm, chúng tôi từ giã thầy. Thầy Huyền Diệu mời chúng tôi trưa hôm sau đến ăn cơm chùa, thầy sẽ cho ăn cơm Việt Nam, có tương do thầy làm, nếu muốn ăn sẽ có cả rau muống. Trước lúc chúng tôi ra đi, thầy nói: “Ấn Độ là đất nước có nền văn minh lớn và lâu đời. Nhưng ở đâu có nhiều thần thánh thì ở đó cũng có nhiều cái xấu cái ác. Hãy học lấy cái hay, cái thánh thiện để về xây dựng nước nhà, chứ không phải là nhầm lẫn mà học lấy cái dở, cái ma quỷ”. Tôi chia tay thầy, bước ngay vào màn đêm mênh mang trên cánh đồng, không ngoái đầu nhìn lại, không muốn phải tận mắt thấy sau phút chia ly, mình để lại đằng sau một con người đơn độc.
Tôi đã trải qua nhiều cuộc chia ly như vậy. Mới năm trước đó, và cũng ở đất này thôi, ngay bên gốc cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo. Sau khi loay hoay chụp ảnh cây và những dấu chân Phật, tôi định bước đi, thì nghe có tiếng gọi nhỏ. Người đàn bà tuổi ngoại sáu mươi, dáng vẻ như người Nhật hoặc Triều Tiên, nãy giờ nhắm mắt nhập định bên gốc cây khiến tôi phải nhẹ chân mỗi khi lui tới tìm một góc độ. Bà chợt mở mắt và vẫy tay tôi đến, hỏi xem người nước nào. “Việt Nam? Ở Toronto, tôi cũng có mấy học sinh người Việt Nam, thông minh và ngoan ngoãn lắm”. Bà có cái tên thân mật là Shichan, một họa sĩ gốc Nhật, nhưng sinh ra và lớn lên ở Canada. Bà Shichan hỏi tôi về Việt Nam ngày nay, cả một Việt Nam thời chiến mà bà biết đã chịu rất nhiều bom đạn, nào là B52, nào là bom napan. Nhắc đến bom napan bà rùng mình, thu người lại. Chuyện trò một lát, bà bảo tôi ngồi bên hàng rào bằng đá, chạm khắc hình những bông sen cách điệu, rồi bà đứng lên lựa thế để chụp ảnh. Chỉ đến lúc này tôi mới biết chân trái của bà bị tật, mỗi bước tập tễnh xô lệch người về bên trái. Ra khỏi chùa, tôi nắm chặt tay bà để dẫn đi, giữa một đám ăn mày, lành lặn và khỏe khoắn hơn bà nhiều, đang nhao nhao bám theo. Bà mời tôi một cốc lasi, món sữa chua đánh sủi bọt theo kiểu Ấn Độ, trong một quán giải khát bên đường. Theo bà thì Ấn Độ là một đất nước kỳ lạ, người ta có thể đến những nơi như thị trấn này để tìm kiếm sự thư thái cho tâm hồn. “Cách đây mười tám năm, tôi đến Ấn Độ lần đầu tiên, có được bạn bè ở Bombay, Calcutta và nhiều thành phố khác. Nay trở lại thì bạn bè cũ đều đã thành ông thành bà cả rồi. Từ Canada sang đây xa xôi lắm, nhưng tôi sẽ còn trở lại”. Tôi ái ngại nhìn bà, một bà già trong tình cảnh như thế này, nếu có chồng có con thì chắc họ không nỡ để bà đi một mình trên một quãng đường dài như thế. Bà là một trong muôn vàn những người bất hạnh, đau khổ, tàn tật về thể xác hoặc tâm hồn, muốn tìm đến nương nhờ cửa Phật hay chăng?
Lúc chia tay, tôi tặng bà Shichan cuốn sách hướng dẫn tìm đường cho du khách trên đất Ấn Độ, vì bà sẽ còn đi nhiều nơi nữa. Cuốn sách như một người bạn, người dẫn đường chu đáo và chân thành, hướng dẫn người ta nên thăm viếng những đâu, nghỉ lại ở khách sạn nào với số tiền bao nhiêu, mua những vật kỷ niệm gì, và phòng tránh những gì… Có cuốn sách, bà sẽ không cô độc nữa, bà sẽ có một người bạn đường đáng tin cậy.
Có lẽ tôi đã phạm sai lầm khi nhìn theo mãi người đàn bà tàn tật, giờ lại ôm thêm một cuốn sách nặng trĩu hơn 800 trang, khó nhọc lê từng bước xa dần trên con đường vắng trong bóng chiều chập choạng. Biết là lòng mình sẽ không còn được yên tĩnh, sẽ băn khoăn và nhiều day dứt, thế mà vẫn cứ nhìn theo.
H.A.T
(Tạp chí Sông Hương)