Trang chủ Phật học Đạo Phật – Kho tàng trí tuệ Minh triết vi diệu

Đạo Phật – Kho tàng trí tuệ Minh triết vi diệu

252
0

Ai cũng biết, khi nói đến Đạo Phật là nói đến tâm thức, bởi đối tượng của đạo Phật là tìm hiểu và nghiên cứu “cái tâm”. Theo cố giáo sư Vật lý Nguyễn Hoàng Phương giảng viên Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường  Đại học Khoa học xã hội Nhân văn Quốc gia, trong buổi nói chuyện nhân dịp Giáo sư hoàn thành Công trình nghiên cứu khoa học: “Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai” Nhà xuất bản giáo dục ấn hành năm 1996, khi đề cập về vấn đề triết cổ Phương Đông và giáo lý Đạo Phật ông cho rằng: Phương Đông là ” mờ “, Tâm linh là mờ. Vậy giáo lý của đạo Phật coi tâm là căn cốt khởi sự của mọi việc cũng nằm trong phạm trù mờ. Bởi đạo Phật- kho tàng trí tuệ Minh triết thuộc Duy thức học.

      Mặc nhiên tồn tại, đạo Phật ra đời cách chúng ta trên 2500 năm, trộn lẫn với văn hoá bản địa của các nước, đặc biệt là các nước Châu Á. Trải qua quá trình tiếp biến văn hoá có một thời ai cũng nghĩ đạo Phật là  “yếm ly”, là xa rời thực tế và là tôn giáo thuần tuý như những tôn giáo khải thị thần quyền khác. Nhưng qua giáo lý thâm hậu và mầu nhiệm của đạo Phật, đến nay đã có không ít các nhà Khoa học hàng đầu thế giới đánh giá: Giáo lý của đạo Phật là Minh triết-Khoa học giải quyết hiệu quả nhiều phạm trù: Vật lý, Sinh học, Tâm lý học, Đạo đức học, Xã hội học và nhiều ngành khoa học khác. Chính vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên Albert Einstein nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 (1879-1995) nói rằng: ” Nếu có một tôn giáo nào tương thích với những nhu cầu khoa học tiên tiến thì đó chính là Phật giáo”.

Giáo lý Đạo Phật từ góc nhìn khoa học  

        Như chúng ta đã biết, thế kỷ 20 từng chứng kiến sự ra đời của những lý thuyết vật lý và toán học nền móng cho khoa học hiện đại như: Lý thuyết tương đối của A.Einstein; lý thuyết lượng tử của trường phái Vật lý lượng tử Copenhage; Định lý bất toàn của nhà toán học người Áo- Kurt  Gödel. Cùng với những nhà khoa học kể trên, những kiến giải của Đức Phật về vũ trụ và thế giới qua Duy thức tông cũng đã được các nhà khoa học nổi tiếng thế giới hiện nay thừa nhận đó là: Nhà vật lý người Đan Mạch -Niels Bohr- giải Nobel vật lý 1922 cho rằng🙁 Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng-tức không phải là vật thật); Nhà toán học người Mỹ gốc Hungary -VonNeumann (1903-1957) có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính cũng phát biểu: ( Không có gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức, điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật); Nhà vật lý và toán học người Hung, giải thưởng Nobel vật lý năm 1963 cũng cho rằng : ( Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại)

       Phật (Buddhaya) không phải là môt vị thần linh, mà chỉ là một Người giác ngộ, tự mình chứng đắc bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển Phật giáo nói rằng, khi Đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây Bồ đề, thì các thần thông là các thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ hiện ra đầy đủ, do vậy: về mặt không gian Ngài nhìn thấy suốt cả tam thiên. Tam thiên còn gọi là tam giới tức ba cõi thế giới đó là: Dục giới (thế giới của chúng ta đang sống); Sắc giới (thế giới cõi trời nơi đó chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian chúng ta) và cõi Vô sắc giới (thế giới chúng sinh không có vật chất mà chỉ có tinh thần, ý thức). Về mặt thời gian, Đức Phật cũng nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không có kết thúc (vô thuỷ vô chung). Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô của những vật thể cực nhỏ mà xưa chưa có danh từ diễn tả, nên gọi là vi trần. Theo các nhà khoa học, thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử, thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. Cái thấy đó vô cùng siêu việt, và Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực kỳ ngắn gọi là sát-na (tức thời gian cực nhỏ so với giây đồng hồ). Đó gọi là Chánh biến tri, biết cùng khắp không gian thời gian. Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy? Bởi Đức Thế Tôn đạt giác ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhờ tâm bất nhị này, mà khai mở nhìn thấu Tam thiên Đại thiên thế giới. Tổng kết về điều trên, Bộ Kinh Thành Duy Thức Luận nói ” Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan cũng chỉ là biến hiện của tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có, đó là tánh giác, tánh Phật, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, nên không “ngộ” được tánh giác ấy. Vì không giác ngộ nên chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi khổ đau. Đức Phật thấu hiểu tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, nhưng điều này phải đến cuối thế kỷ 20. Có nghĩa là phải sau 25 thế kỷ, các nhà bác học hàng đầu của thế giới nhân loại mới hiểu và khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng, thì ta mới hiểu được tánh không của Duy thức tông Phật giáo.

      Những lý thuyết khoa học ra đời đã làm đảo lộn thế giới quan cổ điển của con người. Khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận những vấn đề cơ bản của thế giới như: không gian, thời gian, vật chất chẳng khác gì nhãn quan của những thiền sư bậc thầy trong đạo Phật xưa kia, từng nói về những vấn đề huyền bí của bản thể luận. Thực tế chứng minh ta có thể thấy sự tương đồng giữa khoa học và giáo lý của đạo Phật qua sự so sánh về lý thuyết Big Bang (vụ nổ lớn) nói về sự hình thành nên vũ trụ của chúng ta với vũ trụ quan của Kinh Hoa Nghiêm. Mọi Phật tử chúng ta đều rõ, Hoa Nghiêm là bộ kinh đồ sộ, tiêu biểu cho thế giới quan đạo Phật, bởi nội dung vô cùng phong phú được biểu hiện qua các góc độ Triết học- Tôn giáo-Khoa học.

      Qua phát kiến khoa học về vấn đề huyền bí của bản thể luận. Chúng ta càng kinh ngạc hơn khi mà cách đây 25 thế kỷ, Đức Phật đã đề cập đến những vấn đề khoa học cực kỳ hiện đại. Mặc dù mục đích của kinh không phải là một thông điệp khoa học, tất nhiên lại càng không phải là một giải trình về khoa học hoặc thí nghiệm khoa học cụ thể. Tuy nhiên khi nghiên cứu thế giới quan của kinh điển, đặc biệt là những mặt có liên quan đến vấn đề khoa học của thế giới ngày nay, hiển nhiên chúng ta phải xem đó là phạm trù khoa học của bộ kinh, và không những chỉ có kinh Hoa Nghiêm mà các bộ kinh khác đều hàm chứa tính khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau.

       Là một người không am hiểu sâu sắc lắm về khoa học tự nhiên. Nhưng được tin, giáo lý của Đạo Phật đã gây bất ngờ lớn cho các Nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, bởi tính khoa học sâu sắc của Duy thức luận Phật giáo đã được các nhà khoa học công bố rộng rãi trong thế kỷ 20, và những năm đầu thập niên của thế kỷ này. Không tự hào sao được, khi một Dân tộc đã có hàng nghìn năm coi đạo Phật là Quốc giáo. Thời Lý, Trần nhờ cố kết lòng dân nhất tâm chống giặc mà cha ông ta đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông hung hãn xâm phạm bờ cõi giữ gìn giang sơn gấm vóc Đại Việt. Thời kỳ này, không chỉ xuất hiện những ông vua đánh giặc giữ nước tài giỏi, mà còn là những triết gia, thiền sư viên dung cả đời và đạo. Đó là Lý Thánh tông, Lý Thái tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Và cũng không vui sao được, khi mà một thời đạo Phật bị hiểu lầm là “yếm thế” thì nay đạo Phật đã có tính ảnh hưởng Khoa học toàn cầu. Thực tế hiện nay chúng ta thấy, số người tu theo đạo Phật ngày càng gia tăng ở các nước châu Âu và phương Tây. Sự gia tăng này đã làm thay đổi suy nghĩ của không ít người châu Á vẫn cho rằng, cộng đồng những người phương Tây và châu Âu bản chất của họ là duy lý hành động. Nên việc tiếp cận giáo lý đạo Phật là không thể, bởi lẽ đạo Phật là tư duy”mềm” hệ Duy thức luận. Chính từ sự nhìn nhận thiên lệch này, mà nhiều người đặt câu hỏi tại sao cộng đồng các nước Tây Phương hiện nay lại có xu hướng đến với đạo Phật nhiều như vậy? Ở đây xin đươc nêu một trích đoạn trong bài viết:“Hoàn thiện cuộc sống nhờ pháp Phật” đăng trên tạp chí Văn hoá Phật giáo số127, của tác giả  Sunil JVimalavansa, Giáo sư Y khoa chuyên về sinh lý học và sinh học người Mỹ, ông nói về đạo Phật như thế này:” Phật giáo không chỉ là tín ngưỡng hay một niềm tin đơn thuần. Đó là giáo pháp cho toàn thể loài người thuộc mọi thời đại. Mục tiêu của Phật giáo là sự phục vụ vô ngã, là thiện chí là hoà bình, là sự cứu giúp trước mọi khổ đau. Việc thực hành giáo pháp của đức Phật sẽ làm phát triển sự thức tỉnh tự nội về lòng từ bi và tuệ giác. Một trong những lý do khiến Phật giáo có sức cuốn hút đối với trí thức và những người có trình độ học vấn cao nằm ở chỗ chính đức Phật đã thực sự khuyên mọi người đừng tin vào những gì được nghe mà không kiểm chứng giá trị của chúng”. Đó là tư duy của những người Phương Tây khi nói về giáo lý đạo Phật.

                             Đạo Phật với  tuổi trẻ hiện nay ?

       Trước xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, văn hoá xã hội. Phật giáo ở nước ta được tuổi trẻ tiếp cận và đánh giá như thế nào?  Sự ảnh hưởng của giáo lý đạo Phật đối với thế hệ trẻ hiện nay ra sao? Người viết bài này không có chức năng thẩm quyền để đưa ra những vấn đề to tát. Với tư cách là người  bước đầu học Phật và khai thị giáo pháp vi diệu của Đức Thế Tôn. Ở đây  chỉ xin nêu ra một vài cảm nhận suy nghĩ xung quanh vấn đề tiếp cận giáo lý Minh triết của đạo Phật vào đời sống thế hệ trẻ hiện nay, và cũng khuyến cáo các bạn trẻ nên nhìn nhận giáo lý của đạo Phật như một minh định khoa học để từng bước tìm hiểu, học tập, nghiên cứu đưa giáo lý của đức Phật vào nếp sống sinh hoạt hàng ngày. Từ học tập tìm hiểu giáo lý nhiệm mầu ấy, sẽ dần dần giúp chúng ta phát triển trí tuệ, thoát khỏi những mê lầm tín ngưỡng thần quyền u ám đầy ưu tư lo lắng. Bởi theo các Tổ, Thầy dạy: Đạo Phật là đạo giác ngộ, giải phóng con người thoát khỏi thần linh. Người tu theo đạo Phật là người chuyển hoá cái tâm phàm phu đầy “vọng tưởng đảo điên” suốt ngày bị thất tình lục dục dẫn lối, và tu là buông bỏ mọi vọng niệm đưa tâm về trạng thái an tịnh thường biết rõ ràng. Tâm đó là tâm Phật. Vậy tu (nghĩa là sửa đổi) mà không chịu buông bỏ vọng niệm, chuyển hoá nội tâm chỉ lo cúng “kiếng” cầu xin Phật, Bồ-tát…tu như thế thì đến bao giờ giác ngộ giải thoát. Tổ Trúc Lâm (cách ta trên 700 năm) trong bài Phú Cư Trần lạc đạo, Tổ nói như thế này:

                       Vậy mới hay ! Bụt”cong”nhà,

                        Chẳng phải tìm xa,

                        Nhân khây bản nên ta tìm Bụt

                        Đến”cốc”mới hay chỉ Bụt là ta.

      Ngài khuyến cáo mọi người hãy nhận chân lấy con người thật của chính mình, bộ mặt thật của chính mình, không phải tìm đâu xa nữa, “Bụt ở trong nhà”, chẳng phải tìm xa, vì tâm động, nên không biết Bụtchính là ta.(Phật tức tâm).

       Theo các học giả, chính từ mấy câu trong bài phú trên, ta nhận thấy cốt lõi và tinh tuý tư tưởng của Phái thiền Trúc Lâm, của Phật giáo đời Trần, và cũng có thể nói là của Phật giáo Việt Nam. Một tư tưởng “Phật tại tâm” thật sự lạc quan nhập thế, đề cao tánh tự do của con người. Nhân đây xin được nói thêm, thời Trần có ba cuộc chống giặc Nguyên Mông ( đây là đội quân bách chiến bách thắng; đã từng giày xéo dẫm đạp hầu hết các vương quốc hùng mạnh từ Á sang Âu thời bấy giờ) thì Trần Nhân Tông vị vua anh hùng của dân tộc đã lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến Nguyên Mông đại thắng, chắc chắn được trang bị với một tư tưởng thiền như thế, cho nên Người luôn luôn sống hồn nhiên tự tại, sống giữa trần mà vẫn an vui với đạo, làm vua tới đỉnh vinh quang nhất, nhưng vẫn nhẹ nhàng từ bỏ ngôi vua, xuất gia tu đạo. Với công lao sự nghiệp to lớn ấy đối với dân tộc. Sau này các sử gia đều đánh giá: Trần Nhân Tông là một vị vua tài giỏi mưu lựợc, và là một thiền sư Minh triết. Ở con người Ngài hành xử viên dung cả đời và đạo.

      Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi ngộ đạo Ngài đi khắp nơi trong nước dẹp bỏ những “dâm từ” và dạy dân tu Thập thiện, nhưng các Ngài vẫn giảng dạy kinh, luật, luận cho Tăng ni, Phật tử. Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) xưa là Trung tâm hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm, là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Đại Việt, là nơi Tam Tổ Trúc Lâm về đây giảng dạy. Số Tăng ni tham dự đã  có tới trên 1500 người. Hiện nay còn lưu giữ 3050 mộc bản kinh. Những mộc bản này vừa qua tại Kỳ họp thứ 5 của Uỷ Ban Ký Ức Thế Giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã công nhận:” Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản Ký Ức Thế Giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2012″

      ” Theo tài liệu còn sót lại cho biết, đời Trần phát hành kinh sách Phật giáo rất nhiều, đặc biệt là bằng bản chữ Nôm. Nhưng rất tiếc tất cả kinh sách đó, và sử liệu về Phật giáo Việt Nam đã bị nhà Minh khi sang cai trị nước ta (thế kỷ XV ) gom góp, vét sạch đem về  Kim lăng, áp dụng chính sách huỷ diệt văn hoá đốt sạch để đồng hoá dân tộc ta.”

        Qua sử liệu được biết, Phật giáo thời Trần đã đem lại sự thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân đân. Đất nước được cường thịnh, tinh thần tự lực, tự cường mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. “Rất tiếc các nhà nho thời bấy giờ chỉ biết cái học Tống Nho là độc tôn. Chưa thấy được giá trị Minh triết sâu xa trong giáo lý đạo Phật và nền Văn hoá truyền thống của dân tộc, đã đưa đất nước trở lại nô dịch nền văn hoá Trung Hoa, không nghĩ đến vấn đề ” Văn hoá còn đất nước còn, văn hoá mất thì mất nước.”

        Qua tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Trong đó có sự gắn kết của lịch sử Phật giáoViệt Nam được biết, Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ I, khi ấy Việt Nam là hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc sự đô hộ của Trung Quốc. Không lâu sau đó, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Kế đến, Phật giáo Trung Quốc lại du nhập Việt Nam. Như vậy, Phật giáo du nhập vào nước ta theo hai con đường chính. Đường biển Ấn Độ sang và đường bộ từ Trung Quốc tới. Trong bối cảnh lịch sử vào lúc đất nước bị phương Bắc cai trị bóc lột, với nghìn năm văn hoá Hán. Chính điều này, Phật giáo đã bị ảnh hưởng lớn tư duy Nho, Lão nên trí tuệ Minh triết khoa học của Phật giáo đã bị che lấp bởi kiến chấp thần quyền. Phải chăng từ ảnh hưởng trên mà đến nay, không ít người đi chùa, trong đó có một bộ phận không nhỏ đó là thanh niên, sinh viên hiện nay đi chùa, nhưng thực sự chưa hiểu đựơc giáo lý sâu sắc của đạo Phật. Phản ánh về điều này, trong bài viết với tiêu đề: “Ảnh hưởng của Phật giáo đối với việc hình thành nhân cách đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam và những thách thức đặt ra.” của tác giả: Hà Văn Nút (Nguyên phó chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam) đăng trên tạp chí nghiên cứu và phổ biến tri thức Phật học Khuông Việt số 30 mới đây cho rằng:” Mục tiêu giáo dục của đạo Phật là con người giác ngộ, con người có năng lực tự giải thoát để đạt tới hạnh phúc. Như vây, Phật giáo trong suốt quá trình lịch sử đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với vấn đề giáo dục đạo đức xã hội…Tuy nhiên trong đại bộ phận thanh niên, sinh viên đang dồn hết sức mình để học tập, cống hiến cho đất nước thì vẫn còn một bộ phận thanh niên chỉ biết chạy theo vật chất, bởi những cám dỗ tầm thường, lao vào ăn chơi sa đoạ, làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống…Ngày nay trong số những người đi chùa, nhiều người không có đủ tri thức về Phật giáo cho nên việc tiếp thu chuyển hoá và phổ biến những giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo trong gia đình và xã hội còn nhiều hạn chế.”

        Đạo Phật là cả một hệ thống giáo lý minh triết cao thâm. Có khi cả đời theo đuổi nếu không đủ duyên cũng chưa nhận ra đường linh căn bản. Theo chủ quan của người viết bài này, lỗi không hẳn là do tuổi trẻ bản chất vốn ưa thích tư duy hành động (phóng dật). Bởi nếu đổ lỗi cho tư duy hành động thì người Tây Phương, người châu Âu họ hành động dữ dội hơn người châu Á chúng ta rất nhiều, nhưng sao họ tiếp cận giáo lý đạo Phật rất nhanh và có hệ thống tư duy phân tính khoa học đáng khâm phục. Thậm chí hiện nay, không còn là ít ỏi số người châu Âu và người Tây phương xuất gia tu học đạo Phật. Về điều này, có thể ví dụ thế này được chăng: Họ đến với giáo lý đạo Phật như tờ giấy trắng trong veo, khi họ thao thức và tư duy với một tâm trạng vô ưu hồn nhiên đối với giáo lý Phật, nên sự tiếp cận không có rào cản của định kiến. Nhờ vậy họ học tập tiếp thu giáo lý rất nhanh và hiệu quả. Còn ở ta thì sao? Tam giáo đồng nguyên trộn lẫn từ bao đời, cộng với sự khai thị thần quyền “cúng kiếng” là cả một tập khí dầy hàng nghìn năm với văn hoá phương Bắc. Nên mỗi khi nói đến Phật, đến lễ chùa là người ta nghĩ ngay đến thỉnh cầu van xin Phật, Thánh phù hộ. Đến với Phật, Bồ-tát mà lòng ưu tư, sợ hãi không hiểu được lý vô thường thì làm sao lòng thư thái tự tại để nhận ra sự minh triết của giáo lý đạo Phật, nói gì đến sự giải thoát. Song ở đây cũng phải thành thật nhận thấy rằng, trong những thập niên gần đây, kinh sách giáo lý nhà Phật được ấn tống tương đối rộng rãi hơn, chứ trước kia nói đến kinh Phật, giáo lý không chỉ riêng lớp trẻ, mà ngay cả người lớn tuổi muốn đọc một cuốn kinh sách nhà Phật cũng khó khăn như chạm vào vùng “cấm kỵ”. Chính vì vậy, việc tiếp cận giáo lý đạo Phật tưởng như rất xa vời. Nhân đây, người viết bài này cũng xin phép các Tôn Túc, quý Thầy được bộc bạch đôi điều với các bạn trẻ khi đến với đạo Phật. Đó là trước đây, khi còn ở độ tuổi như các bạn bây giờ, tình cờ đến một hiệu sách ven đô vùng du lịch,  nhìn lên giá sách bỗng gặp cuốn “Tám quyển sách quý”. Phải chăng do hấp dẫn của hai từ “sách quý” in ngoài bìa mà bản thân không do dự quyết định mua ngay cuốn sách đó. Về nhà đọc mới biết, cuốn sách ấy là của HT Thích Thiện Hoa, sách dầy khoảng 500 trang, hướng dẫn các pháp môn tu của đạo Phật. Vì tò mò càng đọc càng thấy lạ, thấy hay ( lúc ấy chưa hiểu gì về đạo). Và khi đọc đến mục Quán tưởng, tức”Quán thân bất tịnh”mà sách hướng dẫn người tu phải tưởng tượng thân người là bộ xương trắng, hoặc thân thể người chết thối rữa sình ròi…đọc đến đây, trong đêm toàn thân sởn da gà! Đấy là lần đầu tiên đến với sách nói về đạo Phật, và sau này nhờ duyên lành tiếp tục say sưa tìm hiểu, mới biết đấy là một trong nhiều pháp môn tu của đạo Phật, đó là pháp môn “Quán tưởng”. Qua đó mới biết, các pháp môn tu phải có thầy hướng dẫn mới hợp với khế lý khê cơ đối với từng người. Để đi đúng lộ trình tu hành, người bước đầu tập tu phải đọc cuốn sách Bước đầu học Phật để nắm được khái lược căn bản, sau đó mới tiến dần dần từng bước thì mới hiểu được giáo lý đạo Phật nhiệm mầu. Qua tìm hiểu kinh sách và Tổ thầy dạy được biết: Ngay từ thời Đức Phật Thích Ca tại thế. A Nan là đệ tử lớn của Ngài, khi dạy pháp tu cho hai Sa di còn bị lầm lẫn nên bị Phật phê phán, xin dẫn câu chuyện dưới đây:

      Xưa Tôn giả A Nan, hướng dẫn tu hành cho hai Sa di (người mới tu). Một người dạy pháp tu “Quán sổ tức”. Còn người kia thì dạy pháp tu “Quán bất tịnh”. Cả hai tu một thời gian, khi gặp A Nan Tôn giả, họ đều trình bày là tu không kết quả. A Nan nghĩ, mình dạy tu đúng với pháp Phật sao lại không kết quả? A Nan thắc mắc bèn đến trình bày Đức Phật.

                         Đức Phật hỏi:

                       “Hai vị đó làm nghề gì?

                        Và hướng dẫn pháp tu.?”

      A Nan bạch đức Phật: – Một người làm thợ rèn và một người coi nghĩa địa. Nghe xong đức Phật nói với Tôn giả A Nan:” Con dạy pháp tu không hợp với căn cơ của họ. Với người thợ rèn nên dạy tu sổ tức. Bởi thợ rèn hay dùng hơi thở để thổi lò! Dạy pháp Quán sổ tức (đếm hơi thở) họ sẽ dễ thực hành hơn. Còn người coi nghĩa địa, họ thường gặp thây người chết, nên day pháp tu “Quán thân bất tịnh.” Như vậy sẽ hợp với khế lý khế cơ của họ. Theo lời Phật, Tôn giả chuyển pháp tu cho hai đệ tử. Thời gian sau họ tu tiến bộ và thu được kết quả rõ ràng. Qua đó ta thấy, việc truyền dạy, giáo lý đạo Phật, cũng như phương pháp dạy học ở thế gian, khi chúng ta chưa có tha tâm trí, tức chưa hiểu con người một cách sâu sắc thì việc truyền dạy, giáo hoá không có kết quả tốt đẹp như mong muốn.. Từ thực tế này, trong những bài viết đề cập về vấn đề nêu trên, Thượng Toạ, Tiến sĩ Phật học, Thích Thanh Quyết cho rằng:” Để có được pháp tu đúng đắn, ta phải suy nghĩ và ý thức được rằng, Tám mươi tư nghìn pháp môn Phật chỉ bày, đây là con đường giúp chúng ta đang sống trong thế gian phiền não, mà tâm hướng về Bồ-đề, dẫu ta chọn tu cách nào cũng được. Nhưng phải được giải thoát. Dù là Phật tử xuất gia hay tại gia, trên bước đường tu hành, khi thấy tâm mình không an lành, thân không giải thoát, là đã biết mình lạc vào trần lao phiền não. Vậy là càng tu càng khổ, nhất là Phật tử tại gia, điều này cần phải xem xét lại. Còn HT Thích Trí Quảng, khi đề cập về nội dung này cũng cho rằng: Giáo lý Phật thì có nhiều pháp môn, nhưng chỉ có một vị giải thoát mà thôi. Đấy là người tu có quyết tâm hạ thủ nỗ lực để đoạn được sinh tử luân hồi ngay trong kiếp này. Còn với người nhân duyên chưa đủ, sức tu còn yếu. Ta cần hiểu, trong tám mươi tư nghìn pháp môn, nếu thu hẹp lại chỉ còn hai thừa. Đó là Nhân thừa và Thiên thừa. Tức Phật dạy cho người còn chịu luân hồi sinh tử trong lục đạo tứ sinh, hay còn phải sống trong nhà lửa tam giới theo (Kinh Pháp Hoa). Nhưng Nhân thừa và Thiên thừa theo đức Phật, đây cũng là cảnh giới lành. Giúp chúng ta từng bước đi vào đường lành!

         Giáo lý Nhân thừa đức Phật dạy, đó là Tam quy, Ngũ giới, nhưng quan trọng nhất là pháp Tam quy. Bởi nếu có giữ ngũ giới,nhưng không thọ Tam quy, thì cũng không vào cửa Phật được. Vì đạo nho cũng có Tam cương, ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí ,tín. Như vậy, theo giáo lý Nhân thừa cũng trở thành người tốt. Và trong kiếp tái sinh sau cũng được sống trong hoàn cảnh tốt. Theo dấu chân Phật, ta nên Quy y, nương vào Phật để ra khỏi sinh tử. Đó là việc chính căn bản. Bởi theo kinh Pháp Hoa, đây là ta đã trồng căn lành ở các Đức Phật. Có trồng căn lành như vậy, giữa chúng ta và Phật mới có tương quan (tự lực- tha lực). Khi tạo được tương quan như thế, chúng ta mới tiếp nhận được lực gia trì của Phật, để hoá giải được phiền não trần lao của thế gian này. Nhân nội dung đề cập về giáo lý đạo Phật với lớp trẻ, tiếp theo cũng xin nêu một trường hợp nữa để chúng ta cùng suy ngẫm: Đó là Bồ-tát Duy Ma quở trách hai vị đệ tử của Phật là Mục Kiền Liên và Phú Lâu Na, bởi hai vị này cũng hướng dẫn người tu không đúng pháp làm cho người tu hành chán nản không tu theo đạo Phật. Chỉ ra điều sai của Phú Lâu Na khi dạy pháp tu cho những thanh niên, Bồ-tát Duy Ma bảo Phú Lâu Na rằng: ” Tất cả những thanh niên theo học đạo với ông, họ có ước vọng của tuổi trẻ rất lớn, họ thích học hỏi, thích hiểu biết, và thích làm giàu, trong khi đó, ông lại dùng pháp Viễn ly (tức pháp xa lánh cuộc đời tìm sự tĩnh lặng xả bỏ danh lợi) để dạy họ. Họ không cần, và cũng không thích pháp xa lánh cuộc đời. Trái lại họ thích dấn thân vào đời, với tư tưởng phục vụ quần chúng xã hội. Như vậy, áp dụng pháp không đúng đối tượng sẽ làm cho pháp trở thành phi pháp”. Cũng đề cập về lớp thanh niên trẻ, mới đây trên báo Điện tử (Đạo Phật ngày nay), tôi tình cờ gặp bài viết:“Nghệ thuật thương yêu” của thiền sư Thích Nhất Hạnh (người đã từng được đề cử giải Nobel hoà bình). Mở đầu bài viết, hay nói đúng hơn đây là bài pháp, tác giả viết:” Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy, chúng ta phải thực tập”yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá”.

       Để dẫn chứng những bức xúc, ưu tư dẫn đến các ác nghiệp, trong bài viết thiền sư còn cho biết:” Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba chục thanh niên, thiếu nữ tự tử. Bên Anh , bên Nhật số người tự tử còn nhiều hơn nữa. có người nhảy từ toà cao ốc hai ba tầng xuống để chết, rất thương tâm. Bên Mỹ cũng nhiều. Xót xa lắm. Đó là vì những người này không có khả năng xử lý những cảm xúc mạnh trong lòng. Vì vậy, mình là người có thực tập ( tức thiền sư muốn nói người tu Phật) mình phải học cách xử lý những nỗi khổ, niềm đau của mình. Đó là những thọ cảm khó chịu, đau thương bức xúc, những cảm xúc mạnh của giận hờn tuyệt vọng”. Muốn dẫn dắt tuổi trẻ dần dần hiểu giáo lý của đạo Phật, thiền sư viết tiếp: ” Con người của mình được làm bằng nhiều yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (tức hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức). Đó là năm yếu tố làm thành con người. Cảm xúc chỉ là một phần tý tẹo của mình thôi, tại sao mình phải tự tử vì một phần nhỏ bé như vậy”. Bài viết tác giả không chỉ nói với các bạn trẻ mà nói với cả với những bậc phụ huynh, giúp họ hiểu đạo và phải học cách làm thế nào để xử lý được những cảm xúc tiêu cực và trao truyền cho lớp trẻ khả năng hoá giải tiêu cực. Trước hết mình phải cho họ biết rằng, cảm xúc là một cái gì tới, ở lại một thời gian, rồi cuối cùng nó cũng đi (tức tánh không), nhưng thiền sư dẫn dụ một cách dễ hiểu để họ nhận ra giáo lý thâm hậu của đạo Phật. Cảm xúc tiêu cực đến nó giống như trời sắp có cơn giông, khi mình thấy dấu hiệu đó, thì mình phải ngưng lại mọi chuyện để đối phó cơn giông và lo chống bão. Mình ngồi xuống, hay nằm xuống theo dõi hơi thở, để ý hơi thở vào, hơi thở ra (thiền xả Streest) dần dần bão sẽ tan..

       Đạo Phật rất mầu nhiệm bởi có nhiều pháp môn ứng dụng hiệu quả vi diệu giúp đời, cứu đời nhằm ngăn ngừa và đoạn trừ những ác nghiệp. Đạo Phật là cả một kho tàng trí tuệ Minh triết, nếu chúng ta biết vận dụng, biết đưa pháp vào đúng trường hợp, đúng đối tượng như Phật dạy, thì tuổi trẻ vốn sẵn có trí tuệ trong sáng sẽ tiếp thu được giáo lý Đạo Phật. Từ đó mà thay đổi được nhận thức của họ trước tín ngưỡng thần quyền si ám, và có được đạo lực đích thực.

       Trở lại vấn đề tuổi trẻ với việc tìm hiểu kho tàng trí tuệ Minh triết của đạo Phật. Với tư cách là người bước đầu học Phật, rất vui mừng khi mà các học giả và các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao về tầm tư tưởng và tính tương tác mầu nhiệm của giáo lý đạo Phật đối với lôgic khoa học hiện đại. Đây là con đường soi sáng mở  ra chân trời nghiên cứu, học tập đối với tuổi trẻ về nhiều lĩnh vực. Song hơn hết và trước hết đối tượng nghiên cứu của đạo Phật là con người. Tư tưởng, tư duy và hành động của Phật giáo không phải chỉ lo cho mục đích ngắn hạn trước mắt mà lo cho mục đích dài hạn của kiếp nhân sinh. Đó là giải thoát sinh tử luân hồi. Phật giáo không xiển dương sự lễ bái, cúng”kiếng”cầu xin, để rồi thất vọng, lo lắng, sợ hãi và ưu tư trước vô thường, mà từ lâu thói quen này tồn tại làm cho tuổi trẻ chúng ta vẫn hiểu lầm về đạo Phật. Xin được nhắc lại một lần nữa, Đạo Phật là cả một kho tàng trí tuệ Minh triết cần đến trí tuệ tự lực của tuổi trẻ để khám phá kho tàng ấy. Có tự lực mới có tha lực diệu hữu của Phật pháp…Do khuôn khổ của bài viết, xin được trở lại vấn đề này cùng các bạn trẻ trên con đường tìm hiểu học tập, nghiên cứu giáo lý vi diệu của Đức Phật.         

Nguồn: daophatngaynay.com                                                                                                           

Tài liệu tham khảo:

– Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai (công trình nghiên cứu Khoa học Triết cổ Phương Đông- giải mã bằng toán tập mờ) Giáo sư vật lý Nguyễn Hoàng Phương- Nhà xuất bản giáo dục-1996.)

-“Hoàn thiện cuộc sống nhờ Phật pháp”  Sunil J.Vimalavansa Giáo sư Y khoa chuyên về sinh lý học và sinh học hệ thống. Đại học Nev Brunsvick- Hoa Kỳ. (Tạp chí Văn hoá Phật giáo số 127

 – Tạp chí nghiên cứu Phật học Khuông Việt, số 19, số 30

– Đạo Phật nhập thế và phát triển (2tập). HT Thích Trí Quảng-Nhà xuất bản tôn giáo- Hà nội.2006.s

– Đức Phật A Di Đà. Bài viết tác giả: Truyền Bình ( Báo Điện tử: Đạo Phật Ngày Nay)

– ” Nghệ thuật yêu thương” Bài viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Báo Điện tử- Đạo Phật Ngày Nay)

Albert Einstein viết về Phật giáo – 22/09/2014 Xem hình lớn “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion)… Bao gồm cả thiên nhiên vật lý và tinh thần… Phật giáo bao gồm các thứ đó… Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật giáo”. (The religion of the future will be cosmic religion… cover both the natural and spiritual… Buddhism answers this description… if there is any religion that would cope with the modern scientific needs, it would be Buddhism)


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here