Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đạo đức Phật giáo trong hệ thống giá trị văn hóa tinh...

Đạo đức Phật giáo trong hệ thống giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam

142
0

Bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào cũng là một hệ thống phức hợp, đa diện mà ý thức của người ta khi phản ảnh về nó, tùy theo góc độ tiếp cận và phát hiện ra được thuộc tính này hay thuộc tính kia, đặc trưng này hay đặc trưng nọ của sự vật, hiện tượng đó.

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội hình thành từ rất sớm và suốt chiều dài lịch sử, tồn tại luôn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần nhân loại, vì thế ý kiến bàn luận, đánh giá về tôn giáo rất phong phú, có cả những quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, âu cũng là điều bình thường.

Một thời gian dài phổ biến trong quan điểm triết học Mác-xít là tiếp cận tôn giáo từ góc độ bản thể luận (sự nhân đôi thế giới một cách ảo tưởng), góc độ nhận thức luận (do bất lực không giải thích được các hiện tượng tự nhiên, xã hội), góc độ chính trị-xã hội (là công cụ của giai cấp thống trị để nô dịch quần chúng về tinh thần, là thuốc phiện của nhân dân), v.v… Những cách tiếp cận đó có tác dụng phát hiện ra khía cạnh này hay khía cạnh khác, song theo tôi, chưa phải là cách tiếp cận cơ bản có thể giúp chúng ta có cái nhìn bao quát để nắm bắt được thực chất của tôn giáo.

Trong cuộc sống và hoạt động của mình, con người có hai chổ dựa về tinh thần, đó là tri thức và giá trị. Tri thức và giá trị có liên quan chặt chẽ với nhau, song thực chất lại khác nhau. Tri thức hướng tới hiểu biết tường tận về các sự vật, hiện tượng trong hiện thực, còn giá trị là biểu hiện lý tưởng tất cả những gì quý giá đối với con người. Nhận thức hướng ngoại cố gắng làm cho nội dung tri thức phản ảnh chân xác khách thể, còn giá trị lại hướng nội nhằm vươn tới sự hoàn thiện nhân cách và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống trong sự hòa hợp với những khởi nguyên trong sáng muôn đời. Cần tiếp cận tôn giáo như một thành tựu văn hóa lớn thuộc lĩnh vực giá trị học ta mới hiểu được thực chất, mới thấy được vai trò không thể thiếu vắng, mới lý giải được tính phổ biến và lâu bền của tôn giáo.
Từ khi xã hội phân chia giai cấp, cộng đồng con người phân hóa ra kẻ bóc lột và người bị bóc lột, kẻ áp bức và người bị áp bức, kẻ giàu, người nghèo. Khi bất công xã hội ngự trị, khi lối sống, tâm lý, ý thức xuất hiện cái tham lam, giả dối, độc ác, thấp hèn, thì đồng thời, từ trong quần chúng thống khổ đông đảo cũng nảy sinh ước nguyện về một xã hội công bằng, về sự vươn đến lý tưởng, về sự bình đẳng cho mọi người, về một cuộc sống hạnh phúc hợp với bản tính người, nảy nở hy vọng và niềm tin về thắng lợi cuối cùng của cái chân, cái thiện, cái mỹ.

Những ước nguyện, hy vọng và niềm tin đó, được phản ảnh trong tôn giáo, là sự phản kháng chối bỏ hiện trạng xã hội phi nhân tính nhưng điều quan trọng hơn, thiết yếu hơn là sự khẳng định những giá trị phổ biến mang tính nhân văn sâu sắc, những giá trị ấy đưa lại cho con người một chỗ dựa vững vàng khi thời thế ngã nghiêng, nơi sâu lắng yên tịnh dầu bề mặt cuộc đời nổi sóng, nơi ý nghĩa nhân sinh kết tụ, thăng hoa, quý giá và vô tận hơn so với mọi của cải phù du, nơi mỗi người tìm lại được chính bản thân mình trong hòa đồng với loài người và vũ trụ, cái chuẩn đích để mỗi người tự siêu vượt nâng mình lên, tự hoàn thiện mãi.

Cái tốt đẹp không phải hễ hình thành là được nhanh chóng trân trọng đón nhận mà thường phải trải qua bao gian truân mới tự khẳng định được mình. Phật giáo ra đời tại Ấn Độ từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước qua nhiều thăng trầm nhưng ta đã không được phổ biến rộng rãi ở xứ này. Ấy là vì xứ Ấn Độ xưa, để bảo vệ lợi ích kinh tế, muốn duy trì hệ thống đẳng cấp nghiệt ngã, thế quyền liên kết chặt chẽ với thần quyền với vô số thần linh dựng lên cả một hệ thống cố kết nặng nề không dễ gì thay đổi. Nhưng Phật giáo lan truyền đến Đông Nam Á, đến Việt Nam lại nhanh chóng được tiếp thụ, hòa với tâm lý, ý thứ dân tộc, tạo nên cái gốc của đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam.

Nho giáo có thể du nhập vào Việt nam từ thế kỷ II trước Công nguyên, nhưng suốt cả ngàn năm vẫn không phát triển mà chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Ngược lại Phật giáo truyền đến Việt Nam vào khoảng đầu Công nguyên đã nhanh chóng lan rộng, thấm sâu trong nhân dân. Giải thích thế nào về hiện tượng này? Hai trào lưu này đều tạo nên ảnh hưởng to lớn đến nền văn hóa và hệ tư tưởng ở Việt Nam nhưng Phật Giáo có ưu thế hơn Nho giáo rất nhiều. Ấy là hàn cảnh du nhập khác nhau: Nho giáo vào theo chân những kẻ xâm lược và trí thức Nho giáo thường gia nhập và hợp tác với bộ máy thống trị. Phật giáo đi thẳng vào dân gian, những người truyền bá đạo phật sống gần gũi, hòa đồng với nhân dân, thuyết giáo những điều phù hợp với cảm nghĩ, ước mong của dân chúng. Cơ sở của Nho giáo là tầng lớp quan lại sĩ phu, cơ sở xã hội của Phật giáo rộng lớn, vững chãi hơn nhiều, đó là quãng đại quần chúng nhân dân lao động. Phổ biến luận điểm cho rằng đặc trưng độc đáo trong tư tưởng Việt Nam thời phong kiến là hiện tượng Tam giáo đồng nguyên. Đó là hiện tượng có thật, nỗi bật đưới thời Lý-Trần. Song cũng cần lưu ý rằng vai trò, vị trí, tính chất của các khuynh hướng tư tưởng đó khác nhau. Nho giáo là học thuyết chính trị-xã hội, là chuẩn mực đạo lý làm người của bậc quân tử. Các thế lực phong kiến có lúc thịnh, lúc suy, khi hưng khi vong, người quân tử cũng có lúc thành lúc bại, khi gặp thời, khi thất thế, gặp vận hội cơ may được đặc dụng, cả trăm ngàn lý do mà bị gạt bỏ ra rìa. Đạo giáo là cái bổ sung cho Nho giáo, là mặt đối lập nằm trong sự thống nhất tạo thành triết lý nhân sinh của tầng lớp thượng lưu trong xã hội xưa. Sự khác biệt giữa Nho giáo và Đạo giáo chỉ là sự khác biệt về hai mặt của một đồng tiền. Phật giáo lại khác, đó là hệ thống giá trị đạo đức, nhân sinh, là văn hóa kết tinh thành tư tưởng nên khi tư tưởng được truyền bá nó lại hòa cùng văn hóa, và nếu theo luận điểm của V.I Lênin về sự tồn tại trong các xã hội có giai cấp hai nền văn hóa thì Phật giáo có chỗ đứng vững chắc trong nền văn hóa thứ hai, nền văn hóa của quần chúng nhân dân.

Phật giáo nếu gọi là tôn giáo thì đó là tôn giáo đặc biệt vì vũ trụ quan của Phật giáo không dựa trên những lực lượng siêu nhiên huyền bí, không nói đến Thượng đế sáng thế toàn năng, không thừa nhận linh hồn bất tử. Trong kinh điển Phật giáo có đề cập sâu sắc đến những vấn đề triết học về bản thể luận, nhận thức luận và phương pháp luận. Song đó không phải tri thức tự thân. Triết lý Phật giáo từ con người, vì con người mà vươn đến tầm cao vũ trụ chứ không từ vũ trụ áp đặt xuống con người.

Điểm xuất phát làm nền tảng trong học thuyết Phật giáo về con người là khẳng định tư tưởng mỗi người sinh ra là một giá trị, mọi người đều bình đẳng. Mỗi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, và vì mỗi người đều có quyền nên tất yếu đều có nghĩa vụ tôn trọng cái quyền đó của những kẻ khác, tôn trọng ngay cả quyền sống của các sinh vật, đều có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Tư tưởng về quyền bình đẳng cũng là cơ sở xuất phát của mọi khuynh hướng của chủ nghĩa nhân văn chân chính.

Triết lý đạo đức Phật giáo thể hiện sâu sắc lòng tin tưởng vào con người. Xã hội xáo động, con người bị tha hóa, bao nhiêu người bị tước đoạt hoặc tự đánh mất một phần bản chất người của mình và do đó bị hạ thấp phẩm giá, nhân cách. Nhưng đức Phật tin tưởng rằng cái phần bản chất tốt đẹp nơi mỗi con người mà Ngài gọi là Phật tánh, cho dù bị tha hóa vẫn không mất hẳn. “Tất cả chúng sanh đều có tánh của Phật” (Diệu Pháp Liên Hoa kinh). “Ngươi là kẻ đang thành Phật còn Ta là kẻ đã thành Phật”. Và do tin tưởng bản chất tốt đẹp có trong mỗi con người nên đức Phật đề ra mục đích học thuyết của Ngài là “giải thoát” hay diễn đạt theo ngôn ngữ triết học hiện đại là khắc phục hiện tượng tha hóa để trả bản chất người về cho mỗi con người.

Sau khi xác định mục đích, điều cần thiết là tìm ra lực lượng, con đường, cách thức thực hiện mục đích đó.

Khác với các tôn giáo khác, thường dựa vào những thế lực siêu nhiên huyền bí mà con người yếu đuối bất lực phải khuất phục, cầu xin sự đoái thương, che chở, cứu vớt, triết lý Phật giáo-vẫn là thể hiện lòng tin tưởng ở con người, nhấn mạnh để giải thoát, hãy dựa vào sức mình là chính. Mỗi con người có trách nhiệm trước hết đối với bản thân. Nghiệp báo là cái do mình đã gây ra và do đó tự mình có thể thay đổi nếu muốn. “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi!”. Lời căn dặn của đức Phật vang lên như câu châm ngôn tin tưởng ở con người, khích lệ con người hãy tự thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi đường, mạnh dạn kiên trì bước đi trên con đường tự hoàn thiện đạo đức, nhân cách đén với những giá trị, nơi chứa đựng ý nghĩa đích thực cuộc đời. Bản thân đức Phật nêu tấm gương sáng tự tu tự ngộ. Ngài đã từng đi nhiều nơi tầm sư học đạo song không thấy chân lý từ nơi khác cho mục đích của mình, cuối cùng Phật tìm chốn tu một mình, ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc Bồ-đề và đắc đạo. Ngay sau khi đã giác ngộ, đức Phật vẫn không xem học thuyết của mình là chân lý có sẵn chỉ cần ban phát cho mọi người. Phật thường căn dặn các vị Tỳ-kheo không nên tin tất cả những lời Ngài nói mà phải tự mình suy gẫm lại.

“Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi, cũng đừng để cái hào nhoáng bên ngoài tưởng như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc thầy của mình. Chỉ khi nào tự mình các người biết rằng việc gì thuận với mình, tốt đối với mình thì hãy nhận và theo”. Bài học không giáo điều, không tiếp thu và áp dụng một cách máy móc mà phải biết sáng tạo, nâng cao năng lực trí tuệ xây dựng lý luận phù hợp với hoàn cảnh của mình phải chăng vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với chúng ta?. Trong kinh Phật, chữ “Kiến” (thấy) nhiều hơn chữ “Tín” (tin) và tin theo gốc tiếng Phạn (Saddhà) có nghĩa là tin vì đã thấy rõ. Đức Phật dạy: “Sự phá trừ kiến chấp là việc của kẻ đã hiểu và đã thấy, chứ không phải của kẻ không hiểu và không thấy mà làm được”.

Về con đường, cách thức nhằm đạt đến giải thoát, Phật giáo chặt chẽ, nhất quán về nguyên tắc, song linh hoạt, đa dạng về biện pháp thực hiện cụ thể.

Phật giáo bao gồm nhiều pháp môn từ dễ đến khó: Giữ giới, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, quán tưởng, tọa thiền, lục độ…tùy theo hoàn cảnh điều kiện, năng lực mỗi người, ai cũng có thể thực hiện. Hình thức đến với Phật giáo khác nhau, song nội dung là thống nhất: ngăn ngừa dục vọng, rèn luyện phẩm hạnh, khai thông tâm thức để đến với chân-thiện-mỹ.

Khác với các Tôn giáo khác, thường nhân đôi thế giới, ngoài thế giới trần gian còn có thế giới tưởng tượng khác và xu hướng chung là chối bỏ hiện hữu mà hướng vào cái hoang đường, Phật giáo là tôn giáo từ thế gian sinh ra và gắn bó với thế gian. Mục đích của Phật giáo là diệt khổ. Quay lưng lại với cái khổ, lẫn tránh cái khổ, cái khổ vẫn tồn tại. Hãy nhìn thẳng vào nó, tìm ra nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân nội tại của nó mới có thể có phương cách hữu hiệu trừ bỏ nó. Chấp nhận hiện hữu để vượt ra khuôn khổ hiện hữu.

Chấp nhận hiện sinh để siêu vượt hiện sinh. Phật giáo giúp chúng ta nhận ra, nắm bắt được cái tĩnh trong cái động, cái thần trong cái tưởng, sống trong luân hồi mà không mắc trong cái lưới luân hồi, sống trong huyễn hóa mà coi như không có huyễn hóa, hay nói theo ngôn ngữ triết học hiện đại, sống trong thế giới hiện tượng nhưng phải nắm bắt được cái bản chất – chân như. Tinh thần nhập thế, khuynh hướng “Phật pháp hóa” nhân gian là yếu tố thực tiển – tích cực và do đó, có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Phật giáo là một triết lý sống, ở Phật giáo tri và hành thống nhất. Nắm được lý thuyết qua nghe thuyết giảng hoặc nghiên cứu kinh sách (Văn huệ) là bước đầu, qua sự nghiền ngẫm để chuyển hóa thành cái hiểu và tin của bản thân (Tư huệ) và cuối cùng, quan trọng hơn cả là phải đem áp dụng vào thực tế cuộc sống (Tu huệ).

Văn hóa là những giá trị còn sót lại sau sự sàng lọc công bằng của thời gian. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, nhanh chóng hòa với tâm lý, tư tưởng, văn hoa tinh thần độc lập, và suốt chiều dài lịch sử đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, và hiện tại vẫn giữu vị trí quan trọng trong đời sống, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Việt Nam. Chúng ta tin rằng, Phật giáo sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị đạo đức, nhân sinh, xây dựng một xã hội văn minh trong tình nhân ái. “Tất cả vì hạnh phúc của con người” – Phật giáo và chủ nghĩa Xã hội gặp nhau ở mục đích tối thượng đó.

N.Q.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here