Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Đạo đức Phật giáo đối với thiên nhiên và môi trường

Đạo đức Phật giáo đối với thiên nhiên và môi trường

214
0

nơi đây ít nhất các tài nguyên thiên nhiên như nước sạch, không khí trong, đất lành, mạng lưới sinh thái cân bằng và sự phong phú của giới thực và động vật được duy trì, bảo tồn từ đời này đến đời khác.

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về vấn đề “môi trường và phát triển” đã được tổ chức tại RIO DE JANEIRO tháng 6-1992. Tham dự hội nghị gồm 178 quốc gia, có thể nói đó là một hội nghị lớn nhất xưa nay đã nhấn mạnh tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay. Hội nghị cũng cho thấy sự bức thiết của sự hợp tác quốc tế trong nhiệm vụ vừa giải quyết cơn khủng hoảng này vừa xây dựng sự phát triển lâu dài trong hòa bình nhân loại. Đây là một hội nghị tiếp nối những hội nghị quốc tế về môi trường nhằm vạch rõ và gây ý thức rộng rãi rằng cuộc khủng hoảng về sinh thái không còn giới hạn riêng trong biên giới của một quốc gia nào. Đó là sự khủng hoảng toàn cầu có khả năng đe dọa sự sinh tồn của trái đất và đem đến cho nhân loại một thách thức lớn lao chưa từng có.

Hội nghị RIO đúc kết một lần nữa những kết quả tìm tòi và nghiên cứu khoa học trên nhiều điểm trong mạng lưới thế giới từ những thập niên qua và minh xác lại một lần nữa rằng:

1) Sự khủng hoảng sinh thái là hệ quả của sự phá hoại môi trường thông qua sự khai thác cạn kiệt dần các tài nguyên thiên nhiên, thông qua sự phá hủy đất màu và sự sự gây ô nhiễm đất, nước và không khí, cũng như sự diệt chủng nhiều loại động thực vật. Những  tổn thất này không những chỉ làm cho mạng lưới sinh thái toàn cầu bị mất cân bằng mà còn đe dọa trực tiếp đời sống con người cũng như những điều kiện thiên nhiên làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

2) Sự bảo vệ thiên nhiên và môi trường rõ ràng là một nhiệm vụ chung của thế giới trong mọi lãnh vực như kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, xã hội, luật pháp. Nhưng biện pháp bảo vệ thiên nhiên và môi trường từ trước theo phương hướng sử dụng hợp lý và tối ưu tài nguyên thiên nhiên, qua những kỹ thuật mới “nhẹ nhàng” đối với môi trường, qua những luật pháp bảo vệ thiên nhiên và môi trường … không thể nào đạt được mục tiêu, bởi vì thế giới chưa có cơ sở luật pháp thống nhất cũng như chưa có chương trình phát triển chung đồng bộ được pháp luật của từng quốc gia chấp nhận và được mỗi dân tộc chấp hành, thực thi nghiêm chỉnh.

Trải qua hai thế kỷ phát triển công nghiệp, thực tế minh chứng rằng con người đã trở thành một sức mạnh vô địch trong sự biến cải bộ mặt trái đất. Những phương tiện cơ giới và kỷ thuật luôn luôn được cải thiện và hiện đại hóa giúp cho con người mở rộng và tăng thêm gia tốc tiến công vào thiên nhiên. Những cố gắng nhằm phát triển kinh tế và nâng cao mức sống luôn luôn được phát huy khiến cho con người không ngừng nghỉ trong sự khai thác thiên nhiên để chế tạo ra ngày càng nhanh và ngày càng nhiều những mặt hàng nâng cao lợi nhuận và tích lũy của cải. Thiên nhiên là nguyên liệu, là hàng hóa. Nhiều cảnh quan bị hủy diệt vĩnh viễn. bao nhiêu khu rừng nguyên sinh vĩ đại đã bị tàn phá. Bao nhiêu loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng. Hàng triệu tấn đất màu mở trôi vào lòng biển mỗi năm. Những khu vực bón chua, hóa mặn, hoang hóa, sa mạc hóa mở rộng. Cường độ bảo vệ tăng lên. Lỗ trống ozone trên khí quyển bành trướng gây hại cho sức khỏe va làm tăng bệnh ung thư da. Hiệu ứng lồng kính làm tan tuyết ở Bắc và Nam cực khiến mặt nước biển từ từ dâng cao… Đó là những hệ quả của thời đại kỷ thuật và công nghiệp. Đó là những đe dọa trầm trọng. Có khả năng trở thành tai họa khủng khiếp, một tai họa do chính con người gây ra. Như vậy, để ngăn chặn tai họa này, chính con người phải tìm ra những giải pháp và những giải pháp này lại nằm ngay ở trong con người. Những bộ mặt lớn có tên tuổi đó đây trên các lĩnh vực khoa hoc, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, triết học…đã khẳng định như vậy. Họ không ngớt kêu gọi: “con người cần phải thay đổi ý thức của mình đối với thiên nhiên và môi trường”, “con người phải thay đổi tư duy và sự đánh giá về thiên nhiên”, “con người phải thay đổi quan niệm về hạnh phúc”, “con người phải thay đổi thái độ và cách hành xử đối với thiên nhiên va môi trường”, “phá hoại thiên nhiên là ta tự  tay chặt đi nhánh cây mà ta đang ngồi trên đó” v.v…

Phản ứng của tôn giáo ra sao trước hiểm họa sinh thái? Từ nhiều năm qua vài tôn giáo đã tích cực giải thích, triển khai một số ý và lời trong kinh điển hàm chứa quan điểm bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Họ đã tìm các chứng minh và đề cao vai trò bảo vệ thiên nhiên và môi trường của tôn giáo họ trong khúc quanh của thế giới hiện nay chuyển hướng về “thời đại sinh thái”. Việc giải thích và triển khai những quan điểm bảo vệ thiên nhiên và môi trường của tôn giáo được xem như là những đóng góp tích cực. Bởi vì kinh nghiệm xưa nay cho thấy rằng đức tin vào tôn giáo, vào con đường đạo đức nào cũng là một nhân tố quan trọng có giá trị giúp con người biến cải đượ ý thức, được thái đọ và thói quen của họ trong sự đối đãi xử lý đối với tạo vật và đối với những quan hệ xã hội xa gần.
Và đạo Phật thì sao? Từ lâu nhiều Phật tử phương Đông cũng như phương Tây đã ý thức rằng họ bị cuốn phăng vào dòng thác lũ của lối sống Tây phương, nhất là lối sống của một xã hội công nghiệp. Lối sống này hiện nay, hầu như có một giá trị phổ quát khắp thế giới và hầu như một chuẩn mực toàn cầu để đo phẩm chất của đời sống và tiến bộ xã hội. Những Phật tử này nhận thức rằng dù thường xuyên đọc sách và tụng kinh, niệm Phật nhưng trong đời sống hiện thực, họ lại suy nghĩ tách xa cách suy nghĩ tổng thể của đức Phật. Đồng thời phong cách của họ là phong cách của một con người bị gói gọn trong những giá trị “tiến bộ” của xã hội công nghiệp. Đứng trước khúc quanh chuyển hướng về “thời đại sinh thái”, Phật tử đã tỉnh ngộ rằng, họ có thể đi vào tương lai và xây dựng tương lai của mình trong sự thành tâm “quay về” quá khứ, quay về với đức Phật và những lời dạy của Ngài đã hơn 25 thế kỷ trôi qua.

Rõ ràng đức Phật đã tuyên giảng con đường thoát khổ, một con đường hành động có liên quan đến hiện thể (Sein=Être) đại đồng bao gồm cả nhân sinh, vạn vật và vũ trụ. Trong hiện thể đại đồng này con người chỉ là một thành phần, mặc dù con người mang một vị thể đặc biệt của một chúng sinh có tri thức về luân lý và đạo đức, có những nỗ lực nhằm thể hiện tri thức này trong đời sống của mình.

Cách tư duy tổng thể đã được thể hiện qua nguyên lý Duyên khởi (1) mà đức Phật tóm gọn trong mấy câu: “Khi cái này có thì cái kia có. Do cái này sinh mà cái kia sinh. Khi cái này không thì cái kia cũng không. Do cái kia diệt nên cái này cũng diệt”.

Nguyên lý Duyên khởi nói lên sự liên hệ hỗ tương chặt chẽ của mọi hữu thể. Mạng lưới tương quan, tương duyên, tương tác, tương sinh giữa mọi hữu thể thật trùng điệp trong dòng sinh thành hoại diệt vô tận. Con người và đời sống của nó cũng đan kết vào mạng lưới trùng điệp này. Cách suy nghĩ tổng thể của đạo Phật hoàn toàn mang tính chất đạo đức và có thể xem đó là cách suy nghĩ mang tính cách sinh thái từ lâu đời. Cách suy nghĩ này đi ngược lại với cách suy nghĩ “vị nhân sinh ngây thơ”, xem con người là trung tâm điểm của vũ trụ, xem giá trị con người siêu việt lên tất cả mọi loài. Với cách suy nghĩ ấy thiên nhiên chỉ là thế giới bên ngoài, thế giới xung quanh, môi trường sống. Các nhân tố thiên nhiên như đất, nước, khí quyển, giới thực vật và động vật chỉ là những đối tượng để điều tra, để nghiên cứu, để định tính, định lượng, để khai thác, để sử dụng, để khắc phục v.v… Cách suy nghĩ vị nhân sinh ngây thơ này ngày nay càng được xem là nguyên nhân chính của sự hủy diệt thiên nhiên, của sự khủng hoảng sinh thái hiện nay.

Dựa theo suy nghĩ tổng thể của đạo Phật thì cái thế giới được định nghĩa là “thế giới bên ngoài”, “thế giới xung quanh” con người phải được gọi là “thế giới đồng hiện hữu”. Những Phật tử thấm nhuần đạo Phật đã sống trong “thế giới đồng hiện hữu” với tâm bình đẳng. BASHO, một thiền sư vừa là một thi sĩ của Nhật vào thế kỷ 17 là một đại diện tiêu biểu cho những Phật tử này, được cả Đông phương lẫn Tây phương biết đến tên tuổi. Qua bài thơ Hài Cú, Basho đã nói lên giá trị bình đẳng của con người và thiên nhiên mà mãi đến vài năm trước đây luật pháp của Tây phương, điển hình của Đức, đã xác nhận “giá trị tự thân” của mỗi loài trong thiên nhiên. Thiết nghĩ cũng nên lắng nghe mấy vần thơ được Basho sáng tác trong lúc đi dạo, sau khi bắt gặp cành hoa Nazuna nở trên bờ giậu:

Yuko mireba
Nazuna hana saku
Kakine kana !

Một người bạn đã tạm dịch:

Khi tôi ngắm kỹ
Hoa Nazuna nở
Trên bở giậu!

Basho bắt gặp một cành hoa trên bờ giậu. Ông đến gần, ngắm kỹ hoa Nazuna. Chỉ có thế thôi. Ông mô tả hoa Nazuna trong bài thơ như một lối tả chân không một dấu vết rung cảm của một nhà thơ, ngoài âm thanh hai vần “Kana” mà Suzuki(2) đã bình giải rằng âm thanh của nó gắn liền với một danh tự hoặc một tỉnh tự thì đó là ký hiệu thay thế cho sự tán thán, ca ngợi, nhất là sau đó lại có một dấu than (!). Basho lặng thinh song không phải là câm. Ông đã để sự trầm mặc nói thay cho những cảm nghĩ của ông. Tâm tư ông đầy rung động song ông không biểu lộ ra. Âm thanh Kana và dấu than đã nói thay sự rung động sâu thẳm của ông với hoa Nazuna với thiên nhiên. Basho đã nhập vào hoa, hợp nhất với hoa và nở với hoa.

Sự tương thuộc của con người với mọi hiện thể khác, với “thế giới đồng hiện hữu” hoàn toàn mang tính cách đạo đức và sinh thái.

Cách tư duy tổng thể-một loại tư duy có tính cách sinh thái-trong đạo Phật không thể biểu hiện qua nguyên lý duyên sinh. Trong hàng trăm hàng ngàn lời dạy, Phật đã khuyên nhủ Phật tử phải thể hiện hạnh từ bi trong đời sống hằng ngày nhằm diệt tham, diệt khổ và đem lại an vui đến cho muôn loài. Mỗi một Phật tử khi thâm hiểu đầy đủ thế nào là từ bi, rồi tinh tấn thực hành hạnh từ bi thế nào cũng chuyển đổi được ý thức và thắng vượt được cấu trúc của lề thói hành xử của một con người lấy kinh tế làm gốc.

Phật tử vẫn gọi đạo Phật một cách nôm na là “đạo của Từ Bi”.Thực vậy, những ai thực hiện đầy đủ và rốt ráo những điều Phật dạy trong bản kinh “Từ Bi” (Metta sutta) đều có thể tìm thấy hạnh phúc và đạt đến giải thoát. Có lẽ chúng ta cũng cần đọc lại những đoạn chính của kinh Từ Bi (3) để nắm vững nội dung mà đức Phật đã nhắn nhủ:

“Ai khôn ngoan muốn tìm hạnh phúc
Phải tài ba ngay thắng công minh
Nghe lời phải dịu dàng khiêm tốn
Ít bận rộn vui đời giản dị
Không chạy theo điều quấy nhỏ nhen
Mà Thánh hiền có thể chê bai.
Đem an vui đến cho muôn loài,
Cầu cho tất cả đều an lạc.
Không bỏ sót một hữu tình nào,
Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh
Giống lớn to hoặc loài đài cao,
Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở xa ta
Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc
(…)
Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể như non
Tung rãi từ tâm khắp vũ trụ
Tầng trên phía dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc oán thù ghét bỏ
Khi đi khi đứng hoặc nằm ngồi
Hễ lúc nào tinh thần tỉnh táo
Phát nguyện luôn dòng chánh niệm này
Là đạo sống đẹp cao nhất đời
Đừng để lạc vào nơi mê tối
Được như thế thoát khỏi luân hồi.

Bản kinh Từ Bi nêu trên cũng là nền tảng của đạo đức Phật giáo đối với thiên nhiên và môi trường. Những lời khuyên chính xác nếu được người Phật tử khi áp dụng vào đời sống hàng ngày họ có thể đạt được chánh tri kiến và chánh tư duy, đạt được sự đoàn kết với mọi chúng sanh.

Trước nhất kinh Từ Bi đã chỉ rõ những hành trang nào là “cần” và “đủ” mà kẻ khôn ngoan muốn đi tìm hạnh phúc phải có. Đó là “tài ba”, “ngay thẳng”, “công minh”. Những hành trang này đòi hỏi con người trước tiên phải tự hoàn thiên chính mình. “Tài ba” ít nhất phải bao gồm được khả năng nhận thức rõ vấn đề và khả năng giải quyết được vấn đề, cụ thể là khả năng nhận thức được “khổ”, “nguyên nhân của khổ”, “sự diệt khổ” và “khả năng đi suốt con đường diệt khổ để đạt đến chân hạnh phúc”. “Ngay thẳng” và “công minh” là hai đức tánh phải trau dồi. “Ngay thẳng” và “công minh” không chỉ giới hạn trong vòng loài người mà còn mở rộng đến với muôn loài, dù cho chúng có hình dạng này hoặc vóc dáng kia, dù cho chúng ở gần hoặc ở xa. “Ngay thẳng” và “công minh” không chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian cố định mà trãi đài đến tương lai, cho cả thế hệ này lẫn thế hệ mai sau (“đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra”).

Tiếp đến kinh Từ Bi đòi hỏi kẻ đi tìm hạnh phúc phải biết tự tiết chế, “ít bận rộn”, “sống giản dị” và không buông thả chạy theo các điều quấy. Hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn ngay tức khắc những nhu cầu vật chất nagyf càng tăng lên. Chính những nhu cầu này đã đưa đến những nỗ lực phát triển kinh tế không ngừng, đưa đến sự tăng năng suất tăng mặt hàng mà hệ quả là sự khai thác đến cạn kiệt hoặc phá hủy tài nguyên thiên nhiên.

Cuối cùng kinh Từ Bi đã yêu cầu kẻ đi tìm hạnh phúc phải thể hiện trách nhiệm rộng lớn của mình đối với muôn loài chẳng khác nào trách nhiệm của bà mẹ thương đứa con duy nhất “dám hy sinh bảo vệ cho con”. Trách nhiệm này là sự mưu cầu an vui đến cho mọi loài. Trách nhiệm này phải trãi rộng nơi nơi, cho hôm nay, cho mai sau, với tình thương mênh mông như biển, cao vợi như non.

Sống đúng theo nội dung và tinh thần của kinh Từ Bi là đi trên con đường sống tuyệt vời, đưa đến mục đích giác ngộ, thoát khỏi vòng luân hồi.

Nếu tôn giáo cũng có thể được xem là một công cụ giáo dục thì đạo Phật với cách suy nghĩ tổng thể, với mỗi một bản kinh Từ Bi cũng có thể đóng góp được cho sự chuyển đổi ý thức và thái độ của con người đối với thiên nhiên và môi trường. Đặc biệt, đạo Phật có thể giúp đổi thay quan niệm hạnh phúc thông thường. Chân hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất, mà là sự thỏa mãn được nhu cầu xây dựng đời sống có phẩm chất và hòa bình trong tổng thể. Đời sống phẩm chất này được xây dựng trên một địa bàn rộng lớn, toàn bộ lành mạnh, nơi đây ít nhất các tài nguyên thiên nhiên như nước sạch, không khí trong, đất lành, mạng lưới sinh thái cân bằng và sự phong phú của giới thực và động vật được duy trì, bảo tồn từ đời này đến đời khác./.

L.V.T.

(*) Giáo sư Tiến sĩ tại Cộng hòa Liên Bang Đức, đã qua đời vào tháng 6/2008 tại TP.HCM
(1) Samyutta Nikaya 12,14,15 theo V.GLASENAPP, H. Dic Wiesheit des Buddha. (Trí tuệ của Đức Phật, Baden – Banden 1964, trang 47.
(2) Trích dẫn theo FROMM. ERICH: Haben oder Sein, Stuttgart 1976, trang 27.
(3) NYANAPONIKA : Sutta – Nipata, Konstanz 1977, trang 58 – 59 và kinh Nhật Tụng của Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, Paris 1978, trang 14.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here