Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đạo đức Phật giáo

Đạo đức Phật giáo

206
0

 Đạo đức giống như những hàng rào ngăn chặn các loài gia súc chạy rong phá phách ruộng vườn. Đạo đức giống như nhà tù giam giữ tù nhân để xã hội được trật tự. Khiển trách trừng phạt là biện pháp đối phó với những ai vi phạm những luật lệ đó. Mỗi người đều là con cái của Thượng Đế. Từng nào con người vẫn tuân theo những luật pháp phù hợp với những lời răn của Thượng Đế thì vẫn còn là con ngoan của Thượng Đế.

Luật pháp hay những lời răn là từ bên ngoài áp đặt lên con người, lên xã hội. Do đó chấp hành luật pháp hay tuân theo những lời răn của Thượng Đế có nghĩa là mỗi con người bị bắt buộc phải hạn chế những hành vi của mình, cho dù  những hành vi đó chẳng gây tổn thương nào cho xã hội, nếu không nói là có lợi ích cho xã hội. Ví dụ Galileo là một điển hình. Ông công khai phổ biến mô hình nhật tâm (mặt trời là trung tâm của thái dương hệ) trong lúc Kinh Thánh chủ trương một mô hình địa tâm (địa cầu là trung tâm của vũ trụ.) Hậu quả là ông bị giam lỏng tại gia đến hết kiếp.

Người ta quan niệm rằng nếu có thể trừ khử được tất cả những chướng ngại ngăn cản ý muốn của mình thì hạnh phúc sẽ đến với mình. Nhưng vì ý muốn của mỗi người một khác, thường xung khắc lẫn nhau, uy hiếp quyền lợi của nhau, nên tranh chấp xung đột quả thật khó tránh xảy ra. Xã hội đương thời của chúng ta dường như đang ở vào thời kỳ tranh chấp xung đột đó. Con người lợi dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật để cạnh tranh khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm và gây hại môi trường sống.

Sự phân chia ranh giới giữa tri thức và vật chất đã dẫn đến quan điểm trong đó vũ trụ được xem như một hệ thống cơ khí với những vật thể được xem như những bộ phận riêng rẻ. “Cái tôi” của mỗi người được dựng nên như để tượng trưng cho phần hồn của mình với đầy đủ đầu óc phán đoán suy luận. Phần xác được xem như thứ yếu. Dần dần con người quên đi cái bản chất thực sự của suy tư là cả một quá trình của sự sống, không những tùy thuộc vào mỗi con người mà còn tùy thuôc vào môi trường chung quanh nữa. Con người xem cơ thể của mình như những chiếc máy cơ khí, và xem thiên nhiên  như độc lập với con người, cần được chế ngự và khai thác triệt để, thỏa mãn lòng tham.

Vì thế giới vật chất bị xem như một bộ máy cơ khí, con người tin rằng tính chất cục bộ có thể hoàn toàn xác định tính chất toàn bộ. Do đó, họ xem nhẹ mối tương quan mật thiết giữa những cơ cấu xã hội như giáo dục, văn hóa, y tế, kinh tế, chính trị, quân sự. Họ xem trọng phẩm lượng và xem nhẹ phẩm chất. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng tương tự, các nhà nghiên cứu dường như xem những ngành chuyên môn khác không dính dáng gì đến ngành mình đang nghiên cứu.

Thời xưa, thiên nhiên và nhất là địa cầu được xem như một người mẹ hiền hòa nuôi dưỡng chăm sóc sự sống trên địa cầu. Cổ Hy Lạp có nữ thần Gaia tượng trưng cho mẹ địa cầu. Vào thời cận đại, mẹ địa cầu đã bị thống trị. Nam giới chiếm ưu thế. Nhà vật lý học Capra cho rằng quan điểm này được Do Thái giáo và Ky Tô giáo ủng hộ, và do đó Thượng Đế được nhân cách hóa thành một nam giới, thống trị thiên nhiên bằng những định luật nhiệm mầu với những duy lý và quyền lực tối cao. Những định luật khoa học tự nhiên được xem như phản ảnh của những định luật nhiệm mầu đó của Thượng Đế. Ngày nay, thời dương thịnh đó dường như đã đạt đến mức tối đa và đã bắt đầu suy thoái. Nhiều người không còn tin rằng Thượng Đế là một nam giới đầy phép nhiệm mầu nữa.

Triết học Đông phương nói chung và triết học Phật Giáo nói riêng quan niệm rằng biến động là bản chất của sự vật, kể cả sự sống, và lực gây nên sự biến động đó không phải do những ngoại lực linh thiêng như triết học cổ  Hy Lạp quan niệm, trái lại, là những nội lực thuộc vào bản chất của sự vật, bản chất của sự sống.

Khoa học ngày nay cũng đã chứng minh rằng vạn vật luôn luôn năng động. Những nguyên tử phân tử trong mỗi vật thể luôn luôn dao động, dù ở bất cứ trạng thái nào, khí, lỏng hay rắn, dù ở bất cứ nhiệt độ nào, kể cả nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được. Nhờ tính năng động, vạn vật có thể tự tổ chức, kết hợp nhau thành những hình hài càng ngày càng tinh vi và phức tạp, và cuối cùng là sự sống. Có thể nói vạn vật dù đơn giản hay phức tạp, dù vô tri hay hữu tri, tất cả đều có tính năng động mà có lẽ do đó triết học Đông phương đã gọi là nội lực.

Với những nội lực đó, vạn vật luôn luôn tương tác lẫn nhau. Đối với sự sống con người có hiểu biết, có trí tuệ cao nhất so với tất cả các loài động vật khác, vấn đề đạo đức cần được đặt ra để những tương tác đó được hài hòa. Cái tinh khiết nhất của đạo đức theo triết học Đông phương không phải là một Thượng Đế tối cao cai trị thế giới, trái lại, là những nguyên tắc đạo đức, phương châm xử thế, xuất phát từ ngay bên trong sự vật. Khái niệm Phật Tâm của Phật Giáo vì vậy là một đáp ứng vô cùng bức thiết cho sự sống loài người.

Triết học Đông phương quan niệm rằng vũ trụ là một thể thống nhất. Chính quan niệm này đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài hơn mười năm trời giữa hai nhà vật lý học lừng danh của tiền bán thế kỷ 20, Einstein và Niels Bohr. Hãy hình dung hai hạt điện tử quay ngược chiều nhau theo một trục quay nào đó, do đó tổng số hai độ quay triệt tiêu. Bây giờ cho hai điện tử đó rời nhau một khoảng cách tùy ý. Nếu vào một thời điểm nào sau đó, một trong hai điện tử đó có một độ quay, chẳng hạn, theo chiều kim đồng hồ quanh một trục quay thẳng đứng, thì hạt điện tử kia tức thì quay ngược chiều kim đồng hồ theo một trục thẳng đứng (để tổng số hai độ quay vẫn triệt tiêu.) Điều này chứng tỏ, vào mọi thời điểm, hạt điện tử thứ hai biết ngay tức thì hạt điện tử kia đang làm gì để có những phản ứng thích hợp.

Einstein không tin điều đó, lập luận rằng vì hai điện tử bây giờ đã cách xa nhau và độc lập nhau, và vì tín hiệu không thể truyền nhanh hơn tốc độ ánh sáng, phải cần một khoảng thời gian để hạt điện tử này biết hạt điện tử kia đã làm gì, không thể biết nhau một cách tức thì được. Niels Bohr hoàn toàn bác bỏ lập luận của Einstein, cho rằng tuy hai điện tử bây giờ đã cách xa nhau, chúng vẫn cùng thuộc vào một hệ thống, do đó chúng biết nhau một cách tức thì, không giống sự truyền thông của những tín hiệu. Ba thập niên sau đó nhà vật lý học John Bell đã chứng minh quan điểm của Niels Bohr phù hợp với những định luật của lý thuyết nguyên lượng.

Vạn vật vốn xuất phát từ một điểm, sự kiện trên đây chứng tỏ rằng vũ trụ là một thể thống nhất. Con người cũng như sự vật là những phần tử của vũ trụ, thực ra có thể linh cảm nhau một cách tức thì. Phật Tâm là kim chỉ nam giúp con người có thể tạo nên sự hài hòa giữa những linh cảm quan hệ đó.

Chúng ta vốn hình thành từ cõi hư vô. Chúng ta vốn gắn bó nhau một cách hài hòa từ thuở khai thiên lập địa. Do đó Phật Tâm không thuộc sở hữu của một ai. Phật Tâm không phải một cái gì đó, hay một linh hồn để có thể nói Phật Tâm của anh khác với Phật Tâm của tôi. Nếu mỗi người có một Phật Tâm khác nhau, chắc chắn sẽ có xung đột kỳ thị tranh chấp chiến tranh, sẽ là đại họa. Trái lại Phật Tâm là quá trình tương tác hài hòa giữa muôn vật muôn loài. Muốn có một nếp sống hài hòa, Phật Tâm phải thường trú trong chúng ta và chúng ta phải thường trú trong Phật Tâm.

Xã hội Ấn Độ thời Đức Phật là một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân, dựa trên nền móng Bà La Môn. Mỗi cá nhân có một linh hồn được đặt để theo những thân phận sang hèn khác nhau. Một hệ thống phân biệt giai cấp như thế đã dẫn đến biết bao tang thương khốn khổ. Và đó là  động lực đã thúc đẩy Đức Phật xuất gia. Xã hội chúng ta bây giờ cũng chẳng tốt đẹp gì hơn, bởi vì Phật Tâm vẫn như mặt trời đang bị những đám mây che khuất.

Đạo đức Phật Giáo không phải là những gò bó hạn chế, không phải là những luật lệ áp đặt lên con người. Đạo đức Phật Giáo là bản chỉ đường để hướng dẫn chúng ta đến gần với Phật Tâm. Nó giống như một bức họa mô tả nếp sống của một người đắc đạo, mô tả  quá trình sống của Đức Phật. Đạo đức Phật Giáo là một quá trình nhận thức rõ ràng và trong sáng nhất, nó giống như một la bàn, hướng dẫn chúng ta khi bị lạc đường. Đạo đức Phật Giáo không xem chiến tranh là do hai phe đối nghịch đánh nhau, trái lại, chiến tranh có nghĩa là chúng ta đang tự chém giết lẫn nhau. Ý niệm về phân biệt phe phái không nằm trong lĩnh vực đao đức của Phật Giáo. Thân tâm chỉ an lạc khi có sự hài hòa lẫn nhau, hài hòa với môi trường chung quanh.

Phật Giáo quan niệm mỗi người vốn có Phật Tâm. Sở dĩ con người có những hành vi vô đạo đức chỉ vì Phật Tâm trong họ đang bị che mờ vì mê muội. Đạo đức Phật Giáo là công cụ giúp họ làm Phật Tâm trở nên trong sáng hơn trong tâm họ.

Một xã hội gồm những trái tim trong sáng như vậy sẽ là một xã hội hài hòa. Xã hội sẽ hưng thịnh an bình khi con người biết phối hợp một cách hài hòa giữa phân tích và tổng hợp, giữa cạnh tranh và hợp tác, giữa thuần lý và trực cảm, giữa khoa học và tôn giáo, giữa dương tính và âm tính, giữa văn hóa và sinh hóa, v.v.

Trong xã hội hiện tại, nền văn hóa dường như trở nên suy đồi, môi trường sinh thái trở nên tồi tệ. Trong lúc khoa học kỹ thuật phát triển vượt bực, văn hóa đạo đức xuống dốc nhanh chóng. Trong lúc chúng ta có thể thám hiểm không gian đổ bộ mặt trăng, chúng ta không thể kiểm soát được sự ô nhiễm trên địa cầu. Trong lúc chúng ta có thể sản xuất dồi dào những mỹ phẩm và những thực phẩm cho các loài vật chúng ta yêu quí, chúng ta không thể xây dựng tốt những hệ thống y tế, giáo dục, lưu thông. Chỉ một số nhỏ các nước văn minh là giàu có trong lúc đa số những quốc gia khác đều chậm tiến và nghèo khó. Ngay trong những quốc gia giàu có, tài sản chỉ thập trung vào một thiểu số tài phiệt. Đa số tài sản quốc gia đều bị tư hữu hóa. Nền kinh tế quốc gia do đó bị một thiểu số tài phiệt thao túng. Lao động của giới công nhân bị bốc lột. Đa số việc làm của công nhân chỉ bán thời gian tạm bợ, và có thể bị thải hồi gần như bất cứ lúc nào.

Dược liệu tuy dồi dào và hữu hiệu nhưng không thiếu những phản ứng phụ tai hại. Bệnh tật vẫn tiếp tục hoành hành, nhất là tại những nước nghèo khó. Giới tài phiệt nghĩ rằng lợi nhuận kinh doanh có thể tăng mãi không có giới hạn nên họ tha hồ khai thác thiên nhiên, quên rằng tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn. Quân sự thì khỏi nói. Thi đua vũ trang có lẽ không bao giờ dứt. Sự sống còn của nhân loại cũng như môi trường sinh thái dường như ngàn cân treo sợi tóc. Trong cuộc chiến tranh lạnh của mấy thập niên trước, các cường quốc chế tạo không biết bao nhiêu vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học. Tiếp đến bây giờ là chiến tranh khủng bố. Mong rằng các vũ khí hạt nhân và những chất độc hóa học sẽ không bị thất thoát. Nếu không, số tử vong sẽ có thể lên đến hàng triệu.

Trong một xã hội có Phật Tâm trong sáng, con người biết bảo vệ môi trường sống, biết vun xới những giá trị tinh thần văn hóa đạo đức xã hội. Khoa học kỹ thuật được áp dụng để nâng cao tiện nghi đời sống, phụng sự hòa bình thay vì lợi dụng để chế tạo vũ khí giết người. Đối với nhà nước, ngân sách quốc phòng giảm xuống, trái lại nhà nước ưu tiên vào các ngành giáo dục, văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc, hội họa.

Trong xã hội tươi sáng này, con người thích ăn rau quả hơn thịt cá. Nạn sát sanh giảm xuống rõ rệt. Con người yêu quý các loài động vật khác nhiều hơn. Tuy con người biết vô tình sát sanh là việc khó tránh, ví dụ, gặt hái một vụ mùa không thể tránh khỏi sự chết chóc của bao nhiêu côn trùng, ngay cả rau quả mà chúng ta phải tiêu thụ hằng ngày cũng là sự sống, nhưng sâu trong đáy lòng của những con người trong một xã hội có Phật Tâm trong sáng, họ luôn luôn có lòng hướng thiện, tránh sát sanh. Đạo đức Phật Giáo sáng ngời trong lòng họ, thúc đẩy họ làm điều lành tránh điều ác.

Nạn trôm cướp không còn xảy ra như trước đây. Trong xã hội cũ, người cướp người, người mánh mung người, kể cả vợ chồng bà con dòng họ ruột thịt máu mủ, là chuyện như cơm bữa. Những tệ nạn đó đã dần dần biến mất trong xã hội mới. Một bà mẹ, thuộc một gia đình nghèo khó, lại phải nuôi mấy đứa con ăn học. Chỉ vì lòng thích thú ích kỷ riêng tư, bà ta không ngần ngại len lén vung vải tiền bạc ra ngoài một cách hoang phí. Những hình ảnh như thế không còn trong xã hội mới nữa. Bây giờ, số người giàu có giúp đở người nghèo tăng lên nhiều. Chính quyền đã có những chính sách hữu hiệu bảo vệ sự bền vững công ăn việc làm cho người dân, làm người dân yên tâm hơn trong cuộc sống. Các nhà kinh doanh triệu phú tỷ phú đóng góp từ thiện phong phú hơn để giúp đở những người nghèo khó. Nạn tham quan ô lại đàn áp dân lành gần như biến mất. Tất cả những tốt đẹp đó xuất phát từ tấm lòng trong sáng của mọi người, nhận thức được rằng tham lam chỉ là một phù du hư ảo, chỉ mang lại niềm đau cho mỗi người và cho chính mình.

Trong xã hội tốt đẹp ấy, số những gia đình hạnh phúc đầm ấm tăng lên vượt bực. Cha mẹ hòa thuận thương yêu lẫn nhau, săn sóc cho nhau, cùng nhau chăm sóc con cái, lo cho con cái ăn học nên người. Không như trong xã hội trưóc đây, con người lạm dụng sự tự do luyến ái, chỉ muốn thỏa mãn dục vọng ích kỷ riêng tư của mình. Những câu chuyện về ông hàng xóm bà hàng xóm xẩy ra như cơm bữa. Vợ chồng mỗi người tự do tìm của lạ cho riêng mình, chồng vũ phu với vợ, vợ chẳng thương yêu và xem chồng ra gì. Hậu quả là tỷ lệ số cặp vợ chồng li dị tăng vọt. Số con cái không cha tăng vọt. Số gia đình chỉ có mẹ không cha tăng vọt. Số gia đình chỉ có mẹ với đàn con của nhiều người cha khác nhau tăng vọt. Tất cả những chua xót này cũng xuất phát từ những mê muội chìm đắm trong hư ảo. Xã hội với Phật Tâm trong sáng sẽ tươi sáng và hạnh phúc hơn, không có những tệ nạn đó.

Trong xã hội tươi sáng này, người ta ít nghe thấy những ngồi lê đôi mách, những lời phê bình thiếu xây dựng. Người ta chỉ biết thương yêu kính trọng lẫn nhau. Người ta biết kính lão đắc thọ. Không hề thấy con cái khinh khi ông bà cha mẹ chú bác. Người ta chỉ biết tặng cho nhau những lời khích lệ khuyên lơn hay an ủi. Người ta chỉ biết khiêm tốn học hỏi. Phách lối là cái gì rất xa lạ trong cái xã hội trong sáng này. Mọi người đều ý thức mình là hạt cát biển Đông, càng học hỏi càng thấy mình bé nhỏ. Những khiêm tốn như thế hiếm thấy trong xã hội trước đây. Xã hội bây giờ quý trọng hiểu biết, quý trọng đạo đức hơn những mảnh bằng cấp mà đôi khi chẳng khác nào một mảnh giấy vụn. Bằng cấp sẽ trở thành một mảnh giấy vụn nếu học mà chẳng hề hành, sẽ dần dần rét rỉ hết sạch giống như người chưa từng cắp sách đến trường. Mang một mảnh giấy vụn như thế mà người ta cứ ngỡ mình đang mang một kho tàng kiến thức uyên bác, để rồi khoe khoang phách lối. Những thái độ đó, những con người đó hiếm tìm thấy trong xã hội mới.

Con người trong một xã hội thấm nhuần đạo đức Phật Giáo không còn thích thú với cớ bạc rượu chè hút xách nghiện ngập ma túy. Họ không còn thích thú những sách vở phim ảnh khiêu dâm, mê tín, hung bạo. Vả lại, những thuốc phiện đó, những phim ảnh đó hiếm tìm thấy trong xã hội mới. Những người buôn bán thuốc phiện đã đổi nghề tốt lành hơn. Những tài tử đạo diễn đã đóng những loại phim ảnh nói trên bây giờ chỉ thích đóng những phim hiền hòa đầy sắc thái đạo đức tình thương yêu học hỏi và hiểu biết. Bây giờ nhiều lắm người ta chỉ uống một ít rượu hay bia trong mỗi bữa ăn. Như thế được bổ dưỡng thân thể và làm cho bữa ăn ngon miệng hơn. Người ta không còn ngồi chè chén cả mấy chai rượu mạnh hay cả mấy chục chai bia, say mèm ăn nói bố láo bố toét. Sở dĩ được vậy bởi vì con người trong xã hội mới ý thức được sự cần thiết của một thân thể khỏe mạnh, một trí óc trong sáng lành mạnh để chăm lo bản thân, gia đình, xã hội.

Trên đây chỉ là vài nét cơ bản của đạo đức Phật Giáo. Đạo đức Phật Giáo thì bao la mênh mộng, không chỉ gồm những nét cơ bản ấy. Người đọc cũng như người viết cần khiêm tốn học tập để may ra có thể trở thành một phần tử của một xã hội trong đó những đám mây mờ đã trở nên mỏng hơn và dần dần tan đi, trong đó Phật Tâm hiện rõ hơn và trong sáng hơn.

Có một câu hỏi cần được làm sáng tỏ: Phải chăng chỉ có những người tu Phật mới có thể có một đạo đức Phật Giáo?

Mọi sự vật cũng như sự sống đều liên quan phụ thuộc lẫn nhau, biến đổi không ngừng và cùng thuộc vào một thể thống nhất. “Cái anh” hôm nay có thể trở thành “cái tôi” ngày mai. Phật Giáo vốn hình thành từ cái không Phật Giáo và ngược lại. Cái gọi là “Phật tử” được hình thành từ cái “không Phật tử” và ngược lại. Không lý do gì chỉ có Phật tử mới có thể có đạo đức Phật Giáo. Bởi vì nếu vậy thì Phật tử và không Phật tử thuộc hai loại riêng rẻ độc lập nhau. Phật không hề dạy chúng ta vậy, và hơn nữa bây giờ khoa học đã minh chứng một cách hùng hồn rằng không thể có sự phân chia như vậy.

Phật Tâm vốn trong tim mọi người, dù người đó là một Phật tử hay không. Có Phật Tâm là có lòng hướng đến đạo đức Phật Giáo. Hướng đến đạo đức Phật Giáo là một bản chất của sự sống con người.

Có Tâm lòng thấy lâng lâng
Có Tâm là có mười phân vẹn toàn.

Sự xuất hiện hai chữ “Phật Giáo” trong chùm từ ngữ “đạo đức Phật Giáo” có thể làm nhiều người ngộ nhận rằng đây là những luật lệ dành chỉ riêng cho Phật tử. Như tôi đã trình bày, đạo đúc Phật Giáo không phải là những luật lệ, trái lại, là một bức họa mô tả quá trình sống của một vị đắc đạo, như là một kim chỉ nam để noi theo. Không nhất thiết chỉ Phật tử mới đủ tư cách noi theo. Phật Giáo hình thành từ cái không Phật Giáo và ngược lại. Chúng ta có thể thay thế chùm từ “đạo đức Phật Giáo” bằng “đạo đức X” rồi muốn thay chữ X bằng từ ngữ nào cũng được. Hay gọn nhẹ hơn, chúng ta chỉ cần dùng hai chữ “đạo đức” cũng đủ. Từ ngữ không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta phải hiểu từ ngữ đó như thế nào. Nếu ai hỏi tôi đạo đức là gì, tôi chỉ trả lời đại khái thô thiển gồm những gì tôi đã viết trong bài này.

Biết bao nhiêu người không phải là Phật tử nhưng sự sống của họ chẳng khác nào những vị bồ tát. Mohandas Ganghi, đã dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động để Ấn Độ được thoát khỏi ách đô hộ của Anh Quốc, là một thí dụ. Một thí dụ khác là Mẹ Teresa đã cống hiến cả cuộc đời cứu giúp những người nghèo khó mồ côi, già nua bệnh hoạn vô gia cư. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa.

Tôi hình dung một tương lai (có lẽ còn xa lắm) khi loài người đã có một nếp sống hoàn toàn đạo đức (nghĩa là đạo đức Phật Giáo), câu hỏi sau đây sẽ trở thành rất ngớ ngẩn: Anh (hay chị) thuộc tôn giáo nào?

Tâm Đàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here