Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đạo đức là nền

Đạo đức là nền

140
0

LTS: GS.TS Cao Huy Thuần sinh ra tại Huế, là sinh viên Viện Đại học Huế trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris đầu năm 1969. Sau đó, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie.

Hiện ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cùng với những trí thức Việt kiều khác, ông thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội.

Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam và được đánh giá là các tác phẩm văn chương chính trị, điển hình, như Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo); Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam; Từ Đông sang Tây (chủ biên); Tôn giáo và xã hội hiện đại…

Trong bài tham luận "Từ bao giờ và bằng cách nào, người Nhật thoát khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc" gửi Hội thảo hè năm 2010 tại Philadelphia (Mỹ), GS Cao Huy Thuần đã phân tích những biến hóa tư tưởng của hai học giả Nhật Sorai và Norigana, để tìm hiểu tại sao, vào thế kỷ 17-18, xã hội Nhật còn đóng, cô lập với thế giới nhưng tư tưởng lại có thể mở, đi trước thời đại và chính nhờ đó, vua Minh Trị đã dám quả quyết mở nước Nhật cho thế giới bên ngoài.

Nếu bài viết đó dựa trên một công trình nghiên cứu bác học, theo tác giả, bài viết này tóm tắt một tác phẩm luận đề. Cả hai đều giống nhau trên cùng một quan điểm: hiện đại hóa không nhất thiết đồng nghĩa với Tây phương hóa.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

Bất cứ ai đã từng dạo chơi vào môn xã hội học đều biết luận thuyết trứ danh của Max Weber: chủ nghĩa tư bản đã phát triển được ở châu Âu là nhờ ảnh hưởng tác động của đạo đức Tin Lành. Khám phá này, tuy chẳng phải là định lý có thể giải thích tất cả như một định lý khoa học, nhưng đã rọi ánh sáng vào một yếu tố then chốt của quá trình phát triển kinh tế: yếu tố đó là văn hóa. Giữa phát triển kinh tế và môi trường văn hóa, tương quan rất khăng khít.

Theo gót Weber, nhiều tác giả đã thử rọi thứ ánh sáng đó vào các trường hợp phát triển kinh tế khác. Nhật Bản là trường hợp điển hình. Là quốc gia đầu tiên phát triển thành công lên kinh tế tư bản trong một bối cảnh văn hóa khác Tây phương, kinh nghiệm Nhật Bản vừa có thể chứng minh luận thuyết của Weber vừa nới rộng luận thuyết đó bằng cách thay thế đạo đức Tin Lành bởi đạo đức Khổng giáo. Michio Morishima là tác giả danh tiếng đã thử làm công việc đó trong những năm 1980, khi Nhật Bản đang vươn lên đến bậc cường quốc kinh tế thứ hai sau Mỹ. "Tại sao Nhật Bản thành công?" là nhan đề quyển sách của ông[1]. Để củng cố công trình lý thuyết của ông, Morishima phải giải quyết vấn nạn đầu tiên: Khổng giáo là triết lý của Trung Hoa, vậy tại sao Trung Hoa lại lệt đệt như vịt bầu trong khi Nhật Bản cất cánh như diều hâu? Trả lời của tác giả dựa trên Weber: giống như thánh kinh là một, nhưng Thiên chúa giáo và Tin Lành giải thích hai cách khác nhau, Khổng giáo là một nhưng Nhật giải thích không giống Tàu. Khổng giáo làm nền tảng cho phát triển kinh tế ở Nhật, vì vậy, là Khổng giáo Nhật Bản, không phải Khổng giáo ở chính quốc. Hai thứ đạo đức khác nhau tạo ra hai cá tính dân tộc khác nhau, đưa hai nước đi theo hai con đường riêng trên quá trình hiện đại hóa, anh đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa Khổng giáo đôi ta có thế thôi. Cũng vậy, thứ Khổng giáo đặc biệt Nhật Bản đó, thứ đạo đức đặc biệt Nhật Bản đó, thứ cá tính dân tộc đặc biệt đã làm Nhật Bản là Nhật Bản đó, tóm lại, thứ văn hóa nền tảng đó, cũng đã làm tư bản chủ nghĩa ở Nhật phát triển không giống ai, nghĩa là không giống tư bản chủ nghĩa ở chính quốc Tây phương.

Ngôi đền Kofukuj hàng ngàn năm tuổi (ảnh NYT)

Đó là hai phần trong thuyết giảng của Morishima về phát triển kinh tế của Nhật. Hai phần như hai mặt của một đồng tiền duy nhất, đồng tiền đạo đức Khổng giáo Nhật Bản. Mặt thứ nhất cắt nghĩa Khổng giáo Nhật khác Khổng giáo ở Trung Quốc thế nào. Mặt thứ hai cắt nghĩa như thế nào tư bản Nhật khác tư bản gốc.

Khổng giáo Nhật Bản

Nhật là hòn đảo, đại dương cách biệt, chẳng núi liền núi sông liền sông, nên khi Khổng giáo đến Nhật thì cách hiểu cũng chẳng liền nhau. Đức Khổng dạy: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Học ngài, Trung Hoa đặt "nhân" lên hàng đầu, quan trọng nhất trên tất cả mọi giá trị. Cũng học ngài, Nhật không nhấn mạnh "nhân" mà lại xem trọng nhất là "trung". Khổng Tử cũng dạy trung hiếu tiết nghĩa, nhưng cốt tủy trong triết lý của ngài vẫn là nhân. Khác biệt đó là căn bản, giải thích tất cả, theo Morishima.

Vua Minh Trị, trong huấn lệnh ban cho quân sĩ, sắp hạng lại năm giá trị của Khổng giáo theo thứ bậc khác: trung, lễ, dũng, tín và đạm bạc. Không chỗ nào nói đến nhân. Quân đội cũng như toàn thể dân chúng, năm giá trị đó áp dụng như nhau. Mà điều đó cũng chẳng có gì mới: từ xưa đã vậy, chỉ càng ngày càng rõ hơn, khi nước Nhật đi vào hiện đại hóa.

Ý nghĩa của "trung" cũng khác nhau giữa Nhật và Trung Hoa. Ở Trung Hoa, "trung" còn hàm nghĩa thành thật với lương tâm. Trung với chúa có khi đặt vấn đề trái hay không trái với lương tâm của mình. Ở Nhật, ai cũng hiểu "trung" là tận tâm tận lực phò chúa cho dù phải hy sinh thân mạng, chuyện lương tâm không đặt ra. Ý nghĩa đó sâu đậm trong những năm cuối cùng của triều đại Tokugawa rồi phổ thông trong thời Minh Trị. Trung thành với chủ, hiếu để trong gia đình, tôn trọng bậc trưởng thượng: đó là ba giá trị chỉ huy các mối quan hệ trên dưới trong xã hội, đặt cơ sở trên quyền lực, huyết thống, tuổi tác. Trong suốt lịch sử của Nhật, cá nhân chủ nghĩa chẳng bao giờ phát triển, cho nên tự do chủ nghĩa cũng chưa hề có đất đứng.

Khác nhau trên bậc thang giá trị, Nhật Bản và Trung Hoa còn khác nhau trên định chế chính trị. Trung Hoa cai trị bằng một bộ máy quan liêu hoàn toàn dân sự, cho dù lãnh thổ thống nhất hay chia năm xẻ bảy giữa các chư hầu. Ở Nhật, trái lại, chỉ một dòng họ trị vì suốt lịch sử, nhưng từ 1192 đến 1867, quốc gia đặt dưới hai trung tâm chính trị khác nhau, một dưới quyền uy hữu danh vô thực của thiên hoàng, một dưới thực quyền của Tướng Quân, trung tâm thứ nhất gồm quan chức dân sự, nhưng trung tâm thứ hai là bộ máy cai trị quân sự do giới võ sĩ lãnh đạo. Triều đại Tokugawa (1603-1867) là mô hình rõ nhất của chế độ quân sự: các tướng quân cầm đầu một bộ máy hành chánh võ sĩ cha truyền con nối.

Tôn giáo của vua là thần đạo, nhưng ý thức hệ chính trị của cả hai trung tâm là Khổng giáo. Trung Hoa, như vậy, là một quốc gia Khổng giáo và dân sự; Nhật Bản là một quốc gia Khổng giáo và quân sự. Đặt nặng trên "nhân", Khổng giáo ở Trung Hoa phù hợp với đặc tính dân sự của chế độ chính trị. Đặt nặng trên "trung", Khổng giáo của Nhật đáp ứng đặc tính quân sự của xứ sở võ sĩ. Đạm bạc là giá trị của con nhà võ, cung đình ở Nhật không có thái giám và ba ngàn cung nữ. Trên nguyên tắc, võ sĩ chỉ ngủ với thanh gươm.

Vừa thờ thiên hoàng vừa thờ tướng quân, làm thế nào anh võ sĩ thời Tokugawa dung hòa được lòng trung thành với cả hai? Bằng cách triệt để tôn trọng thứ bậc, đẳng cấp. Anh võ sĩ quèn ở cấp dưới trung thành với tiểu tướng quân của anh ở cấp trên trực tiếp; anh tiểu tướng quân trung thành với cấp trên trực tiếp là đại tướng quân; đại tướng quân trung thành với thiên hoàng. Bằng thứ bậc trung thành như thế, toàn thể dân chúng, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, trung thành với vua. Dù quyền uy chính trị nằm trong thế lưỡng đầu, đạo đức trung thành vẫn không gặp mâu thuẫn, ít nhất là trên lý thuyết.

Cả lý thuyết lẫn thực tế, nếu Khổng giáo Trung Hoa được xem như là "nhân bản", thì Khổng giáo Nhật Bản đúng là mang tính dân tộc chủ nghĩa. Một dân tộc chủ nghĩa lúc đầu hãy còn đậm bản năng tự vệ, phát sinh do mặc cảm tự ty về văn hóa so với văn minh Trung Hoa. Yếu kém, lạc hậu về văn hóa, Nhật phải xác nhận đặc tính dân tộc của mình là dũng khí và kỹ luật đạm bạc. Cũng vậy, cũng vì tự ty mặc cảm đối với tiến bộ Tây phương hồi thế kỷ 16, Nhật phải canh tân trên cùng cơ sở văn hóa dân tộc chủ nghĩa ấy để lấp đầy khoảng trống cách biệt.

Trong khi guồng máy quan chức Trung Hoa rung đùi với thơ phú, guồng máy võ sĩ đạo của Nhật chú mục vào khí giới của Tây phương, mà khí giới là khoa học, kỹ thuật. Từ đó, nẩy mầm một đặc điểm mấu chốt của chủ nghĩa tư bản Nhật: khác với động lực tự do cá nhân đã thúc đẩy tư bản chủ nghĩa ở Tây phương, ở Nhật động lực là quyết tâm của giới lãnh đạo phải bắt kịp cho bằng được tiến bộ quân sự, khoa học, kỹ thuật của phương Tây. Cá nhân ở đây không phải là giá trị tối thượng như trong triết lý Tây phương mà phải biết hy sinh để phụng sự lý tưởng chung: "trung" là vậy. Là vậy, đó là xương sống của chủ nghĩa tư bản Nhật.

Khác về giá trị xử thế, khác về định chế xã hội, Nhật còn khác Trung Hoa về cấu trúc xã hội. Sĩ, nông, công, thương là bốn giai cấp trong xã hội Trung Hoa, trong đó sĩ đứng đầu, cung cấp nhân sự cho guồng máy chính trị và hành chánh. Ở Nhật, sĩ cũng đứng đầu, nhưng quý vị này không phải là các nhà nho mà là samourai. Trung dũng là giá trị của họ. Triều đại Minh Trị mở rộng giai cấp võ sĩ này ra bằng cách phổ biến Khổng giáo và mở mang giáo dục phổ thông cho đến tận hang cùng ngõ hẻm.

Ngày trước, Khổng giáo chỉ hạn chế trong giới thượng lưu, bây giờ làng xóm đều mở trường dạy học, con trẻ đâu đâu cũng ê a chữ nghĩa thánh hiền. Đồng thời với phát triển kinh tế, trình độ học thức của giới võ sĩ cũng được nâng lên. Trước, võ sĩ quèn nhiều anh mù tịt chữ; bây giờ anh buộc phải học. Ba giới kia, nông công thương, nếu có học thức cũng được xem trọng như võ sĩ, xếp hàng ngang nhau. Từ đó, pha trộn xã hội đã xảy ra từ cuối triều đại Tokugawa: một anh nông dân có học xin đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay của cô quý nữ con nhà samourai là chuyện vui vẻ cả làng. Giáo dục càng được dân chủ hóa với Minh Trị, giai cấp võ sĩ sùng Khổng càng nới rộng ra: Khổng giáo trở thành ý thức hệ phổ thông. Ý thức hệ đó tồn tại song song với thần đạo, tôn giáo của thiên hoàng mà dân chúng tôn thờ.

Hậu quả của tình trạng đó là thăng tiến xã hội, thăng tiến giữa hàng ngũ võ sĩ cũng như thăng tiến giữa các giai cấp khác. Điều này cắt nghĩa tại sao sau khi chủ nghĩa tư bản đã được an bài ở Nhật dưới thời Minh Trị, người Nhật không xem kinh tế tư bản như thiết lập trong nước họ, khác với Tây phương, một xã hội giai cấp với hai giai cấp đối nghịch nhau, tư bản và công nhân. Với giáo dục được mở rộng và hiện đại, con cái của các giai cấp dưới đều có điều kiện để học lên cao, đều được bổ nhiệm vào những chức vụ tương xứng, chẳng có kính hiển vi nào chiếu vào lý lịch.

Ở đền Kasuga, Nhật Bản, trẻ em ăn mặc như võ sĩ samurai và tập luyện cho lễ hội tôn giáo (ảnh NYT)

Thăng tiến xã hội; giáo dục hiện đại, phổ thông; hành chánh lành mạnh, hữu hiệu; lãnh đạo sáng suốt; nhân dân kỹ luật; than ôi, sao người ta làm ăn hay thế nhỉ? Phát triển kinh tế là cái xác, người ta biết thế. Cho nên, than ôi, người ta cũng biết chú trọng cái hồn. Vì vậy, than ôi, ông Minh Trị kia mới dám đưa ra khẩu quyềt để đời: "hồn Nhật, kỹ thuật Tây". Bên trong ông mạnh nên bên ngoài ông mới thắng. Hình như bí quyết nào cũng đơn giản thế thôi.

Minh Trị và tư bản Nhật

Cách nhìn vấn đề như đã nói ở trên chia lịch sử nước Nhật ra làm hai thời kỳ: từ thế kỷ thứ 6 đến giữa thế kỷ 17 khi nước Nhật ý thức được hiểm họa an ninh đến từ Trung Hoa; thời kỳ thứ hai bắt đầu với cuối trào Tokugawa khi hiểm họa an ninh đến từ yếu kém khoa học, kỹ thuật. Hai thời kỳ được khâu lại với nhau bằng một sợi chỉ điều văn hóa: đạo đức Khổng giáo được dân tộc hóa, quân sự hóa.

Với đạo đức đó, Minh Trị phát triển kinh tế. Lịch sử phát triển có thể chia ra ba giai đoạn: giai đoạn một kéo dài đến cuối thế giới chiến tranh thứ nhất; giai đoạn hai nằm giữa hai chiến tranh; giai đoạn ba sau khi Nhật thất trận. Trong thời kỳ đầu, chủ nghĩa tư bản Nhật là chủ nghĩa tư bản Nhà nước, xây dựng trên việc thành lập những xí nghiệp công, hiện đại, tầm vóc khổng lồ, tổ chức hoàn bị, kỹ luật chặt chẽ, phát động tinh thần thượng võ sẵn có. Đâu phải dễ dàng gì lúc đầu, cái gì cũng thiếu, thiếu doanh nhân đã đành, thiếu cả nhân viên, thiếu cả công nhân có tay nghề. Chuyện đầu tiên là tìm nhân viên ở đâu? Tất nhiên trong giới võ sĩ. Do đó, hồi mở đầu, các doanh nghiệp Nhà nước nhận giới võ sĩ vào làm nhân viên. Giới này làm việc với tinh thần võ sĩ đạo của họ, nghĩa là vì chủ quên mình, và chủ ở đây là Nhà nước, là lý tưởng dân tộc.

Công nhân cũng thiếu, tìm đâu? Tìm cả nữ, và nữ công nhân được tuyển trong gia đình giới võ sĩ cấp dưới. Còn nam? Hai vấn đề phải giải quyết: một là kiếm cho ra số lượng công nhân có tay nghề, hai là kiếm ra rồi thì phải giữ họ thật lâu để tránh họ vượt biên qua hãng khác. Đào tạo công nhân có khả năng là bước đầu tiên. Công việc đó được trao cho giáo dục. Tuy vậy, lúc đầu tình trạng khan hiếm công nhân chuyên môn trầm trọng đến mức các xí nghiệp phải "ăn cắp" công nhân lẫn nhau. Giáo huấn, tôi luyện tính trung thành với xí nghiệp coi bộ chưa đủ, trung thành bèn được củng cố thêm bằng một biện pháp cụ thể: trả lương hậu. Từ đó, bắt đầu xuất hiện chính sách trả lương theo thâm niên.

Khởi thủy, biện pháp đó được áp dụng cho nhân viên bàn giấy trong các đại xí nghiệp, nghĩa là đa số các võ sĩ thời đại mới. Các xí nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức để mua trung thành theo kiểu đó. Bù lại, các xí nghiệp lớn buộc nhân viên và công nhân phải làm việc suốt đời với hãng. Nhảy rào qua hãng khác bị xem như một hành động phản bội, và kẻ phản bội không bao giờ được tha thứ trong xã hội võ sĩ. May lắm là anh phản bội kiếm được chỗ dung thân trong một xí nghiệp tư nhỏ và vừa.

Nói một cách khác, có hai thị trường lao động. Thị trường thứ nhất mở rộng thường xuyên, gồm các xí nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường thứ hai chỉ mở ra một lần duy nhất trong đời của các anh kẻ sĩ Nhật. Một lần tuyển dụng là trăm năm chăn gối. Anh gắng học cho giỏi, đỗ thật cao, xuất thân từ trường danh tiếng, thế là anh mới có triển vọng được tuyển dụng. Tuyển xong, liệu cái thần hồn, đừng hòng mơ tưởng ly dị với ly thân. Tầng lớp thượng lưu trong thế giới kỹ nghệ Nhật không có chút tự do nào trong đời sống nghề nghiệp. Hoàn cảnh của họ y hệt như cha ông họ trước đây, tôi ngay trung thành một chúa.

Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, các cường quốc tư bản Tây phương xâu xé nhau, kinh tế Nhật thừa cơ chiếm lĩnh thêm thị trường. Sản xuất, sản xuất, sản xuất tăng gia không ngừng, nhân công lại thiếu. Thể thức thâm niên được nới rộng ra thêm, áp dụng cho cả công nhân. Như vậy có phản kinh tế chăng? Có hại cho việc sinh lời chăng? Chẳng lẽ lương cao chỉ vì tuổi tác? Vì sống lâu lên lão làng? Hay là phải hạ mức lương khởi đầu, khi tuyển dụng, để mức lương cuối không quá cao? Cũng không ổn, vì giới trẻ, khi bắt đầu vào nghề, tội gì không chọn chỗ nào trả lương cao?

Biện pháp cuối cùng đề ra là đặt nặng việc đào tạo nghề nghiệp trong nội bộ xí nghiệp. Công nhân được đào tạo tại chỗ, trẻ học tay nghề, già truyền kinh nghiệm, trẻ khởi hành với việc tay chân, già từ từ kết thúc với việc phối hợp, điều khiển. Giữa trẻ với già, ngay cả trong xí nghiệp, giá trị Khổng giáo vẫn giữ được trọn tình trọn nghĩa. Vì vậy, trong nội bộ xí nghiệp, sự phân biệt giữa hai hạng công nhân, làm việc tay chân hay không, không rõ ràng. Người thợ không có ý thức phân minh về chuyên môn nghề nghiệp; ý thức rõ ràng nhất trong đầu họ là làm việc cho xí nghiệp nào. Suốt đời họ làm việc cho xí nghiệp ấy, từ việc tay chân qua việc không tay chân, chính xí nghiệp định đoạt thay cho họ công việc mà họ làm, họ làm suốt đời cho xí nghiệp, trung thành với xí nghiệp, chứ không phải suốt đời cho một nghề, trung thành với một nghề. Điều này cắt nghĩa tại sao phong trào thợ thuyền yếu đến thế ở Nhật. Nâng cao tinh thần tranh đấu với cái búa không phải là việc của chàng công nhân; việc của chàng là nâng cao hiệu quả qua không khí làm việc trong xí nghiệp, tình đồng đội đồng sở, tình gia đình, tình gia trưởng.

Bởi vậy, các xí nghiệp lớn đi xa hơn nữa trong chính sách đào tạo nghề nghiệp nội bộ.  Họ mở trường dành riêng cho nhân viên. Hiệu quả sản xuất tăng vọt so với các xí nghiệp vừa và nhỏ. Lương cũng vậy. Lúc đầu, lương ở các xí nghiệp Nhà nước vượt lương ở các xí nghiệp tư nhân, dần dần khoảng cách cũng diễn ra giữa các xí nghiệp tư nhân với nhau. Cái này lôi kéo theo cái khác: hiệu quả kinh tế cao kéo theo lời cao, lời cao kéo theo lãi cao, lãi cao kéo theo tích lũy tư bản cao, kéo theo canh tân kỹ thuật, kéo theo hiệu quả kinh tế, và cứ thế vòng tròn xoáy ốc tái diễn. Nghĩa là gì? Là lương cao vượt xa các xí nghiệp nhỏ. Mà đâu phải chỉ lương: còn bao nhiêu lợi ích xã hội khác nữa đãi ngộ nhân viên. Chưa đủ, các xí nghiệp lớn còn đào tạo luôn cả tính nết của nhân viên, nâng cao kiến thức văn hóa, truyền đạt nghệ thuật làm chủ. Đến mức họ có cả một đội bóng, một câu lạc bộ thể thao, một hội thơ văn, những buổi trà đạo, hoa đạo. Rồi họ hoạt động như một ngân hàng tiết kiệm, nhận tiền ký thác của nhân viên với mức lãi cao hơn bên ngoài, như một hãng bảo hiểm, như một hợp tác xã, cung cấp dịch vụ tốt hơn, gần gũi hơn.

Với bao nhiêu lợi ích đó, nhân viên, công nhân gắn bó với xí nghiệp suốt đời. Không chừng hơn cả cưới nhau. Khi dạm mặt – nghĩa là tuyển dụng – xí nghiệp xem thử anh chàng ứng viên kia tính nết thế nào, trung thành hay không, keo sơn đến đâu, ấy là chuyện chính. Khả năng nghề nghiệp tính sau. Tư bản chủ nghĩa ở Tây phương đâu có chơi kiểu đó!

Gia trưởng là tinh thần làm việc trong xí nghiệp, giống như trong gia đình. Xí nghiệp là một gia đình đoàn kết trên dưới. Toàn thể nhân viên trong xí nghiệp là một ê kíp, đối đầu với các xí nghiệp khác, cũng như một ê kíp. Trăm người như một. Giữa nhân viên, đồng nghiệp, không có tranh đua cá nhân, chỉ một lòng hợp tác, tương trợ, tranh đấu tập thể. Làm việc trong xí nghiệp cũng giống như làm việc trong cảnh sát, quân đội. Vinh quang không phải dành cho cá nhân mà cho tập thể. Cá nhân hài lòng khi lòng trung thành được chứng tỏ. Nếu cần, sẵn sàng làm thêm giờ không thù lao. Nếu đội bóng của hãng cần mình đến cổ võ, phải biết sẵn sàng bỏ một cuộc hẹn cuối tuần với cô bạn gái. Những cử chỉ trung thành như thế, hãng sẽ không quên, sẽ tưởng thưởng xứng đáng. Trong bối cảnh xã hội như vậy, kẻ nào rêu rao tự do cá nhân, kẻ ấy chỉ có thể là tên phản bội, khiêu khích, tự mình cô đơn hóa số phận.

Tây phương không thể hiểu nổi thứ hợp đồng lao động đó. Trung thành là giá trị tột bậc. Mà, học cho kỹ nhé, thị trường trung thành chỉ mở ra một lần duy nhất trong đời anh samourai tân trào. Nếu vô phúc anh không thích chủ nữa, tương lai duy nhất của anh sẽ y hệt anh samourai cựu trào, nghĩa là samourai vô chủ, xách kiếm lang thang giết mướn chém thuê. Xưa cũng như nay: hai thị trường lao động song song, ai muốn tự do cứ tìm trên thị trường lính thuê. Nhưng thị trường này chỉ dành cho những kẻ đã hỏng chân trên thị trường trung thành. Tự do, đâu có phải ai cũng biết chết với nó!

Tóm lại, hai cấu trúc xí nghiệp tồn tại song song. Cạnh tranh có không trong tư bản Nhật? Có, và khiếp lắm. Nhưng cạnh tranh giữa các xí nghiệp, không phải giữa các cá nhân. Mỗi xí nghiệp là một xã hội riêng, tổ chức đủ mọi hoạt động, lo lắng cho nhân viên cả phần xác lẫn phần hồn. Chủ nghĩa tư bản Nhật là tư bản "dân tộc chủ nghĩa, gia trưởng chủ nghĩa, phi cá nhân chủ nghĩa".

Nhưng đừng quên: mục tiêu của Minh Trị là xây dựng một Nhà nước hiện đại. Các xí nghiệp có bổn phận góp phần vào lý tưởng đó. Giống như các Tướng Quân ngày xưa, trung thành với Nhà nước là nỗi lòng của xí nghiệp. Cạnh tranh nhau, được. Nhưng khống chế Nhà nước, không. Chưa đầy 50 năm, Nhật trở thành cường quốc.

****************

Bài tóm tắt nhỏ này được viết không ngoài mục đích bổ túc thêm cho một bài viết đã được phổ biến vài tháng trước đây dưới nhan đề: "Từ bao giờ và bằng cách nào Nhật Bản thoát ra khỏi quỹ đạo văn hóa của Trung Quốc?"

Bài viết kia dựa trên một công trình nghiên cứu bác học. Bài viết này tóm tắt một tác phẩm luận đề. Cả hai đều giống nhau trên cùng một quan điểm: hiện đại hóa không nhất thiết đồng nghĩa với Tây phương hóa. Nhưng luận đề thì dễ bị bắt bẻ từ căn bản. Ngoài những bắt bẻ mà Weber đã nhận lãnh, hoặc đúng hoặc sai, trình bày của Morishima còn bị thêm nhiều phản biện khác. Có cần phải viện dẫn Khổng giáo để giải thích chính sách cứng rắn của Minh Trị trong giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa? Có nước chậm phát triển nào không can thiệp gân guốc như vậy để cất cánh kinh tế, kể cả nước Đức, kể cả nước Nga? Mà Nhật đâu có phải chỉ có Khổng giáo? Đâu là ảnh hưởng của thiền tông trên tinh thần võ sĩ đạo? Nơi nhan đề của quyển sách, tác giả đã đặt hai chữ thành công trong ngoặc kép: "Tại sao Nhật Bản "thành công"?. Ông biết dân tộc chủ nghĩa và quân sự chủ nghĩa đã đưa nước Nhật đến thảm họa nào. Và ông cũng biết thành công kinh tế của Nhật cũng xây dựng trên sự khai thác nông dân và công nhân.

Tất cả những điều đó đã khiến tác giả phải xác nhận ngay trong phần mở đầu và lặp lại trong phần kết thúc: "Lịch sử nước Nhật là một lịch sử đặc biệt". Những giá trị văn hóa làm nòng cốt cho phát triển kinh tế cũng là những giá trị riêng biệt của Nhật. Hạn chế tầm nhìn như vậy thì giảm giá trị phổ quát của một luận đề mà Weber muốn chứng minh, nhưng lại có cái lợi là cũng hạn chế chỉ trích.

Bởi vì, dù sao đi nữa, không ai chối cãi được tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong quá trình cất cánh kinh tế. Trước Morishima, một tác giả Mỹ, Robert Bellah, đã trình bày cùng một quan điểm trong quyển sách của ông, "Tokugawa Religion" (Beacon Press, Boston, 1957). Không ai bác bỏ được mấy câu mào đầu của Morishima trong nhập đề: Nếu các biến đổi về những điều kiện vật chất có thể dần dần làm thay đổi những đặc điểm văn hóa, thì ngược lại, "cấu trúc kinh tế và những quan hệ kinh tế cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những giá trị đạo đức của một dân tộc. Nhiều trường hợp cho thấy dù cho những điều kiện vật chất có giống nhau đến mấy đi nữa, cái gì xảy ra được ở Nhật có thể không xảy ra ở Tây phương và ngược lại".

Nhấn mạnh nền tảng văn hóa đó bao nhiêu cũng không đủ trong tình trạng làm giàu vô kỷ luật ở ta. Nhưng vừa nói xong thì đã nghẹn lời. Ai có chút lòng với đất nước đều chua xót: Phát triển kinh tế ở ta không dựa trên một đạo đức gì cả. Đạo đức cá nhân cũng không. Đạo đức dân tộc cũng không. Trên thửa đất trống đạo đức, ai thừa cơ múa gậy vườn hoang nếu không phải là tham nhũng?

TuanVietNamNet


[1] Why has Japan "succeeded". Western Technology and the Japanese Ethos, Cambridge University Press, 1984, 2nd edition. Bằng tiếng Pháp: Capitalisme et Confucianisme. Technologie occidentale et éthique japonaise, Flammarion, 1987. Michio Morishima (1923-2004) đã từng dạy tại các đại học danh tiếng nhất: Oxford, Yale, London School of Economics.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here