Năm Nhâm tý ( 1672 ) . Tây Định Vương Trịnh Tạc rước vua Lê Gia Tông ngự giá thân chinh , đem hơn mười vạn quân Bắc hà quyết chiếm Phú Xuân tiêu diệt họ Nguyễn . Theo sự suy cử của triều thần , Hiền Vương phong công tử Hiệp làm nguyên soái , thống lĩnh tướng sĩ ra phòng tuyến Trấn Ninh – Quảng Bình để ngăn chống quân Trịnh . Chính nhờ uy phong , tài đức của ông mà mưu đồ của chúa Trịnh bị đập tan . Từ đó ngọn lửa chiến tranh tắt hẳn , hai miền Nam Bắc nghỉ binh , hưởng cảnh hòa bình hơn trăm năm .
Sau chiến công lẫy lừng này , vốn là một Phật tử thuần thành , ông bị xúc động mãnh liệt trước cảnh núi xương , sông máu , huynh đệ tương tàn , bèn tha hết tù binh , cấp phát tiền gạo cho trở về Bắc . không giết một người nào , lại lập trai đàn bên trong lẫn bên ngoài lũy Trấn Ninh để siêu độ , chẩn tế cho tướng sĩ trận vong cả hai phe Trịnh Nguyễn . Mùa xuân năm Quý sửu ( 1673 ) ông đem quân khải hoàn , được Vương phụ ban thưởng trọng hậu , danh vọng vang khắp Nam hà . Nhưng ông từ phú quý vinh hoa , xa lánh tửu sắc , lập am thờ Phật tại xã Khách quán , chuyên cần tu niệm . Ngày 15 tháng 6 năm Ất mão ( 1675 ) , ông lìa đời vì bệnh đậu mùa lúc mới 23 tuổi . Cả nước đều thương tiếc , Hiền Vương phong tặng ông : Minh Nghĩa Tuyên Lực Công Thần , Khai Phủ Phụ Quốc Thượng Tướng Quân , Cẩm Y Vệ Tả Quân Đô Đốc Chưởng Phủ Sự , Thiếu Úy Hiệp Quận Công , ban thụy hiệu : Toàn Tiết , lập từ đường và an táng tại làng Vân Thê . Về sau mộ ông cải táng lên vùng núi làng Hiền Sĩ ở Quảng Điền ( Thừa Thiên ) . Ông sinh hạ được bốn con trai : Nhuận – Lệ – Thiều – Phan .
Triều Gia Long , năm thứ tư ( 1806 ) , ông được liệt vào hạng Thượng đẳng khai quốc công thần , cho thờ theo ở Thái Miếu .
Triều Minh Mạng năm thứ 12 ( 1831 ) , truy tặng Khai Quốc Công Thần , Tôn Nhơn Phủ Tả Tôn Chánh , Tráng Võ Đại Tướng Quân , Trung Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự , đổi tên thụy là Hiến Nghị , cải phong Quốc Oai Công .
Ngày nay, phủ thờ vẫn còn tại Vân Thê ( Hương Thùy , Thừa Thiên ) , bên trong tôn trí di tượng của ông theo phong cách người tu hành .
Ông là tổ của phòng 4 ( Quốc Oai Công ) , hệ 5 ( Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế ).
Chánh sử và phổ hệ thì ghi như trên , tuy nhiên căn cứ vào sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí ( tức Việt Nam khai quốc chí truyện ) của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm ( 1659 – 1736 ) , một văn thần tín cẩn thời Minh Vương và Ninh Vương , biên soạn vào năm 1719 , ta thấy có sự khác biệt về vị thứ và năm sinh : Hiệp Đức Hầu là công tử thứ hai , sinh năm Quý Mùi ( 1643 ) . Ông là em cùng mẹ với thế tử Phước Mỹ Hầu Nguyễn Phước Diễn ( hoặc Hán – mẹ là chánh phi họ Châu ) . Vì hai người đều mất trước Hiền Vương , nên công tử thứ ba là Hoằng Ân Hầu Nguyễn Phước Thái ( hay Ngạn ) được nối ngôi chúa vào năm Đinh Mão ( 1867 ) ( tức Nghĩa Vương , thường bị ghi lầm tên Trăn ) công tử thứ tư là Cương Lĩnh Hầu Nguyễn Phước Trăn . Hai người sau là con bà thứ phi Tống Thị Đôi ( con gái của Thiếu phó Quận công Tống Phước Khương , người Thanh Hóa ) . Nếu đúng thế thì công tử Hiệp ( Hiệp Đức Hầu hay Quốc Oai Công )là anh của Nghĩa Vương và phải sinh vào năm Quý mùi – 1643 mới hợp lý . ( Điều này có thể dựa vào sách Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán viết vào năm 1696 , chứng minh thêm ) . Ông được phong nguyên soái , chỉ huy hai trận đại chiến vào năm 1662 và 1672 , kết thúc chiến tranh Trịnh – Nguyễn . Trả xong nợ quân thân , ông về lập am thờ Phật tại xã Khách Quán , tiêu dao tu hành . Đạo phong siêu việt của ông được ví với Mộc Y hòa thượng ( Mộc Công ) một danh tăng đương thời . Ông mất vào ngày 15 tháng 6 năm Ất mão , lúc mới 33 tuổi .
Điều rất đáng ngạc nhiên là trong sách Lịch sử Phật Giáo Đàng trong ( LSPGĐT ) , nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền Đức công bố sự việc cuối đời Hiệp Đức Hầu , hoàn toàn khác hẳn với sử sách xưa nay :” Ông tên Chiểu hay Thuần ( thế thứ và năm sinh , mất đều đúng theo quốc sử ) . Thưở nhỏ cùng gia đình quy y với Thiền sư Minh Châu Hương Hải tại Thiền Tịnh Viện , núi Quy Cảnh , Thuận Hóa . . . Có lẽ đã thọ giáo với Tổ sư Viên Khoan Đại Thâm và được ban pháp danh Minh Thiện ? Sau chiến thắng 1672 ông ngộ được lý đạo Phật , nên từ bỏ quan tước xuất gia tu hành . Ông đi vào nam để tham kiến Tổ sư Giác Phong tại Bình ĐỊnh . Sau đó lấy đạo hiệu là Giác Sanh Thiền Hòa Tử . Đến trấn Bình Khang ( Khánh Hòa ) , ông lập chùa Minh Thiện , trên núi Bút Sơn ( 1674 ) để tu niệm và giáo hóa rộng rãi . Ngày rằm tháng 6 Ất mão , ông an nhiên viên tịch . Đồ chúng , quan dân tại địa phương làm lễ hỏa táng , thu một nửa xá lợi nhập vào tháp tại chùa . Một nửa thì đưa về an táng tại vùng núi làng Hiền Sĩ . Chúa Hiền ban thụy hiệu là Tịnh Đức Phổ Chiếu Hòa Thượng.
Phát hiện mới lạ trên , không biết tác giả căn cứ theo truyền thuyết nhân gian , ( Bản thảo : lược sử chùa Sắc tứ Minh Thiện của giáo thọ Huệ Đăng , biên soạn năm Mậu Thìn 1988 ) hay có cứ liệu xác thực chứng minh ? Nên nhớ , Hiệp Đức Hầu đối với Hoàng tộc Nguyễn là một vị thân vương danh tiếng . Võ công của ông được xếp vào thượng đẳng thời các chúa , khi ông mất , Hiền Vương ( cha ) đã làm quốc tang theo tước Công . Dòng dõi của ông hiển đạt cho đến cận đại . Nếu sự kiện cuối đời của ông “ xuất gia – viên tịch “ như trong LSPGĐT viết , có lẽ nào quốc sử lẫn tộc phổ chẳng ghi lại một dòng để cho đời sau hay biết .
T.Đ.S
Tài liệu tham khảo :
1. Nguyễn Hiền Đức , LSPGĐT , tập I , II ( TP HCM , NXB Thành Phố , 1995 )
2 . Tôn Thất Thuyết – Lê Nguyễn Lưu dg ( Tạp chí Sông Hương số 3 1995 ) tr 91
3 . Đại Nam Thực Lục Tiền Biên – Quốc sử quán triều Nguyễn
4 . Việt Nam khai quốc chí truyện – Nguyễn Khoa Chiêm
5 . Hải Ngoại Kỷ Sự – Thạch Liêm Thích Đại Sán