Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Dâng sao giải hạn trên chùa: Không phải nghi thức mua bán

Dâng sao giải hạn trên chùa: Không phải nghi thức mua bán

127
0

Cứ mỗi độ xuân về, người người lại lên chùa để dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Đây là một nghi lễ được thực hiện theo tín ngưỡng dân gian thông qua nhà Phật để cầu sự an lành. Tuy nhiên việc làm này lại bị nhiều nơi biến thành việc định giá mua bán.

Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm sẽ có một ngôi sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 ngôi sao, mỗi người sẽ tương ứng với các ngôi sao này trong 9 năm. Trong các ngôi sao này, có ngôi sao rất tốt, cũng có ngôi sao rất xấu. Các sao tốt mang lại bình an, sao xấu mang đến nhiều vận hạn.

Chính vì điều này nên thông thường từ mùng 4 Tết các tự viện lại tổ chức khai đăng cầu an dược sư và cúng sao cho người dân.

Có gia đình tất cả mọi người cùng nhau lên chùa đội sớ với hi vọng sẽ tự mình cầu an lành, may mắn trong năm mới. Có gia đình chỉ cử một đại diện đi cúng cho cả nhà.

Nói về việc đi cúng sao tại chùa, Trần Tiến Minh (quận Bình Thạnh) cho rằng: “Năm nay tôi xem trên giấy nhà chùa đề mình bị sao Thái Bạch (sinh năm 1983) là sao xấu chiếu mệnh vì thế nên vội lên chùa xin cúng. Dù sao có kiêng có lành vẫn hơn”.

Ngày đầu năm việc đến chùa để làm lễ giải hạn, cầu an luôn được rất đông người xem trọng

Rất nhiều người thấy mọi người lên chùa dâng sao cầu an nên đi theo đăng ký, chứ không biết việc này có đem lại điều gì hay không. Mọi người lên chùa nhờ cúng và gửi tiền công đức cúng dường

Chính điều này đã tạo ra những hình ảnh không đẹp mắt ở các cửa chùa. Điển hình như việc chen lấn, đốt hương nghi ngút… hay một số chùa ra giá thẳng về việc dâng sao giải hạn hay cầu an. Có chùa đưa giá từ 100 – 400 ngàn đồng/sao. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy khó hiểu và không mấy vừa lòng

Hòa thượng Thích Đạt Đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho rằng: Phật giáo không có hình thức cúng sao giải hạn mà chỉ có cầu an. Việc cúng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu.

Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã thuận theo cái tập tục có sẵn ở từng địa phương, theo từng hoàn cảnh, từng vị trụ trì của những ngôi chùa khác nhau mà chuyển sang hình thức cúng cầu an và có thể có cách cúng khác nhau.

Bên cạnh đó người Phật tử cũng cần hiểu việc cầu an cũng có nghĩa là trừ đi những cái xấu, tai ương chính vì thế quý thầy nương vào đó mà tổ chức các khóa lễ để giúp người dân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cúng cầu an thì có tụng kinh cầu an, kinh dược sư, nhưng về nghi thức vẫn tụng kinh và tuyên sớ. Tuy nhiên mọi người cũng cần phải nắm rõ việc dâng sao cầu an không thể có việc ra giá như buôn bán ở ngoài thị trường.

Vấn đề cầu an này thuộc về tâm linh, việc người dân đến chùa cúng dường thì tùy tâm. Số tiền cúng dường này để phục vụ cho Tam Bảo chứ không phải để làm giàu cho ai nên không thể có việc ra giá như một số chùa đang làm.

Ngoài ra hòa thượng cũng nhấn mạnh, các chùa không nên treo bảng hiệu về việc cúng sao giải hạn. Đây là việc làm không thuận với tinh thần nhà Phật cho lắm.

Một số hình ảnh người dân lên chùa dương sao cầu an đầu năm tại TP.HCM:

Đầu năm rất nhiều người lên chùa đội sớ cầu an.

Một số chùa treo băng rôn về việc cầu an, dâng sao giải hạn.

Để dâng sao nhiều người đến chùa mua đèn thắp lên và đặt vào bàn thờ để nhờ các thầy cúng.

Những người mang sao Kế Đô và Thái Bạch được cho là bị tam tai, hạn nặng cần giải trừ.

Ai cũng mong muốn vượt qua các tai ương để có sự an lành trong một năm sắp tới

Chính vì điều này nên tại các bàn thỉnh đèn…

 … các bàn viết sớ tại các chùa luôn đông người.

(Soha.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here