Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dâng hoa mùa an cư kiết hạ

Dâng hoa mùa an cư kiết hạ

120
0

Hoa Vô Thường

Trước những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại ngày một xuất hiện nhiều sản phẩm cứu người và giết người tân kỳ mới lạ, con người thường xuyên đứng trước những ngã ba đường của sự chọn lựa thiện ác, khen chê. Đồng thời, sự chuyển biến quá nhanh chóng và tinh vi trong hai lĩnh vực giao thông vận tải và truyền thông đại chúng đã làm cho thế giới thành một “Làng Địa Cầu”. Lạ thay, thực tế trái ngược với ước vọng thường tình, con người càng dễ tiếp cận với nhau chừng nào thì sự cảm thông càng giảm xuống mà xung đột lại càng tăng lên. Thông tin càng nhanh thì sự hiểu lầm càng phát sinh tương ứng. Phải chăng tốc độ vật lý không theo kịp tốc độ tâm lý của con người.

Sự phát triển và chuyển hóa của Đạo Phật Việt Nam cũng không thể nào bước ra ngoài hay vượt lên trên những va chạm xã hội hay dính mắc tư duy của trào lưu lý tính và tâm linh chung. Hơn thế nữa là hiện trạng lĩnh vực truyền thông đang phát triển còn nhanh hơn cả cấp số nhân. Nó đã tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm hệ lụy. Lượng thông tin trên trang mạng internet đang ồ ạt chinh phục tâm thức và trí tuệ con người. Google, Yahoo, Firefox, Youtube, Twitter, Facebook… có nhiều “tín đồ” và cư dân trên mạng đông hơn cả tín đồ của Phật, Chúa, Mohamed cộng lại. Màn ảnh nhỏ vi tính đang chinh phục loài người bằng tốc độ của Superman và đôi mắt thấy xa nghìn dặm của Tề Thiên Đại Thánh. Lượng thông tin tung ra không kiểm chứng và không có trách nhiệm có khả năng càng ngày càng trở nên một đống rác khổng lồ; mặc dầu trong đó cũng lóng lánh vô số những hạt minh châu của thông tin và tư tưởng. Nhưng liệu bao nhiêu phần trăm dân cư trong thế giới mạng internet tìm đến những hạt minh châu mà không bị vấy bẩn bởi sự cuốn hút đầy thô bạo của rác rưởi?!

Nếu nói đạo Phật là đạo của trí tuệ thì đồng thời không thể quay mặt phủ nhận được một thực tế là đạo Phật đang đứng trước những thách đố của nếp sống, thông tin và tư tưởng thời đại. Trước mọi hoàn cảnh nói chung, 3 khuynh hướng bảo thủ, cấp tiến và trung dung bao giờ cũng hiện ra lù lù để cản đường hay khai thông trước mọi thay đổi. Một tổ chức nghiên cứu tôn giáo hàng đầu thế giới, PEW, đã tìm thấy rằng, trong đời sống tâm linh tôn giáo nói chung, khuynh hướng bảo thủ (conservative) chiếm 83% trong giới tu sĩ và 72% trong giới tín đồ. Với đạo Phật Việt Nam, rất có thể con số nầy sẽ cao hơn vì ảnh hưởng của một bối cảnh văn hóa làng xã, gia trưởng và nền tảng kinh điển Hán Tạng còn quá nặng nề.

Tuy nhiên, sức mạnh chi phối của môi trường sinh sống, hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế mới có sức mạnh quyết định trong thời hiện đại.

Hiện tượng cá nhân tu sĩ “ra chùa”, hiện tượng Phật sự càng ngày càng đa đoan về chuyện cúng dường, xây dựng, gây quỹ, xưng tụng chức danh… là một hậu quả không thể thay đổi ngược lại bởi tác dụng đầy vũ bão và quyết định của nếp sống cá nhân chủ nghĩa và kinh tế thị trường phương Tây vào sinh hoạt tôn giáo. Các khuynh hướng bảo thủ, trung dung, cấp tiến thảy đều bị cuốn phăng vào dòng cuồng lưu của tính thực dụng.

Nghĩ đến cơn lốc thời đại, kẻ đang viết những dòng nấy lắng lòng tưởng nhớ đây đang là thời điểm truyền thống thiêng liêng của đạo Phật Việt Nam: Đó là thời kỳ An Cư Kiết Hạ. Theo giới luật, chư Tăng Ni bất luận tuổi tác hay thứ bậc trong đạo, đểu phải quy tụ về chùa (từ 4 vị trở lên) để tu học điều tâm dưỡng trí trong 3 tháng Kiết Hạ. Năm nay, nhân mùa Hạ về hưu, người viết có dịp đi nhiều chùa ở California và miền Đông nước Mỹ. Được nghe, thấy và gặp gỡ với nhiều giới Phật tử để lắng lòng suy gẫm “những điều trông thấy”.

Nhìn tới nhìn lui, loanh quanh những thành phố đông người Việt ở Hoa Kỳ và Hải Ngoại, tôi bỗng cảm thấy bầu không khí trầm hương và không gian tĩnh lặng của chốn cửa thiền chỉ còn là một hoài niệm khói sương trong miền quá khứ.

Triều Dương có hai câu thơ thật xót xa:

“Từng cuối tháng cộng trừ con số nợ.

Thì đường xưa mây trắng cũng thôi bay!”

Nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm, nợ thuế, nợ điện, nợ nước, nợ ga, nợ phone, nợ xe, nợ hương đèn hoa quả, nợ ăn, nợ uống, nợ lễ hội vãng lai… có Thầy, Cô nào làm chủ chùa mà không lo và có chùa nào tránh khỏi. Có chăng một xã hội thực dụng đã hạ thấp và giới hạn chân trời cao rộng của tâm linh sâu thẳm xuống ngang tầm với những con số hàng ngày nên “giải thoát” đồng nghĩa với “giải nợ”?!

Và, một câu hỏi nghiêm trọng được đặt ra là trong một xã hội thực dụng phương Tây, khi muốn giữ cho thiền môn thanh tịnh và Tăng Bảo trang nghiêm thì “cái gì cần phải được ưu tiên hóa trước nhất trong từng cặp phạm trù phủ định lẫn nhau – có cái nầy thì mất cái kia – như: Tín tâm hay tín dụng; tịnh tài hay tịnh hạnh; khất sĩ hay khất tài…?”

Được làm Đồng ấu Phật tử từ năm lên 7 tuổi ta, tôi có được gần 30 năm sinh hoạt Phật tử ở quê nhà và 30 năm sinh hoạt Phật tử ở quê người.  Thời gian không hẳn là thước đo đáng tin cậy của những điều trải nghiệm có giá trị thực chứng, nhưng ít ra cũng ít viễn mơ hơn là đeo kính cận viễn thị vào thư viện để tìm hương vị của một ao sen thơm ngát từ bùn.

Hằng năm, sau lễ Phật Đản (60 năm trước là mồng tám tháng tư ta) thì tới mùa An Cư Kiết Hạ của hàng Phật tử xuất gia – chư tăng ni – theo truyền thống đạo Phật Bắc Tông như ở Trung Quốc và Việt Nam. Đức Phật đã phát huy tinh hoa của tư tưởng chiêm nghiệm tự tại vốn có từ lâu đời trong nếp sống tâm linh Ấn Độ. Đó là khi hành giả tạm dừng chân để suy niệm và nhìn lại chính mình trong quá trình hành hóa tâm linh. Hành giả trong bất cứ tôn giáo nào đều phải tự độ mình trước mới có đủ năng lực độ tha giúp người.

Nếp sinh hoạt tâm linh truyền thống của Ấn Độ trong mùa An Cư (từ khoảng giữa tháng 6 đến tháng 9 âm lịch) không hẳn là vì lý do thời tiết hay vì lòng từ bi tế vật, sợ ra ngoài dẫm đạp lên côn trùng nhỏ bé trên đường theo khuynh hướng diễn giải qua Hán Tạng Đại thừa của Phật giáo Trung Hoa. Nguyên ủy sâu xa nhất vẫn là nhu cầu tịnh hóa – gạn đục khơi trong – dòng chảy của tư tưởng và tâm linh. Tâm ý con người như những dòng sông trôi chảy và biến động không ngừng nên rất dễ bị hoàn cảnh lôi kéo và khuấy đục. Mùa An Cư ở Ấn Độ và Á Đông chính là thời điểm sinh hóa phát tiết cao nhất trong năm. Thiên nhiên tạo vật tưng bừng sống dậy. Năng lực tự nhiên của con người và vạn vật cũng theo đó mà nẩy nở vươn lên. Thái Hư Đại Sư nói về mùa Kiết Hạ rằng: “An Cư Kiết Hạ là mùa gặt quý như châu báu của hành giả tiến tu. Trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Tăng ni tập trung về một nơi an tịnh  như am miếu, chùa chiền, tự viện hay một chốn thuận lợi và thích hợp để giúp nhau định tâm, khai ý kiểm nghiệm tiến trình trau giồi giới, định, tuệ; kịp thời cầu sám hối những sai phạm và phát huy năng lực hành trì. Nhưng quan trọng nhất là mỗi thiện giả có một không gian riêng trong tâm để sống đời đạo hạnh cho riêng mình. Hiểu được mình và chiến thắng chính mình là “chiến công” oanh liệt nhất. Phật đã dạy như vậy.”

Thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay đang làm ô nhiễm ngưỡng cửa truyền thống vào nội tâm: Chiến thắng người, vinh danh mình, miễn sao có lợi nhuận càng cao mới là… chiến công càng oanh liệt nhất! Tình trạng tha hóa – đánh mất chính mình vì mất chìa khóa nội tâm – đang trở thành một vấn nạn, một nan đề của nếp sinh hoạt trong xã hội mang nặng tính thực dụng hiện hữu.         

Phần đông, những người theo đạo Phật thường bị ám ảnh bởi thời Mạt Pháp. Dẫu chẳng có một mốc thời gian rõ ràng quy ước như lên lịch, nhưng khái niệm “mạt pháp” thường được nói lên như một báo hiệu trước những ngã rẽ khó khăn để tránh một cận ảnh  thoái trào của đạo Phật. Người ta tin rằng, thời Mạt Pháp, nhiều Chư Thiên và Bồ Tát xuống trần hóa độ chúng sinh. Bởi tùy duyên mà hóa độ nên thế gian có bao nhiêu điệu sống thì sẽ có bấy nhiêu hạnh Bồ Tát hóa thân. Trong đó, những Bồ Tát nghịch hạnh và thuận hạnh xuất hiện giữa đời thường ứng hợp với cảnh đời xuôi ngược gây ra cảnh vàng thau lẫn lộn. Tuy nhiên, định luật khách quan, tự nhiên và không để lọt một tơ hào của Nghiệp Lực chung cuộc lại rất rạch ròi và công bằng với tất cả mọi người ở dưới bất cứ danh vị và hình tướng nào.

Mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, tôi dành nhiều thời gian đến chùa lễ Phật, nhưng chưa được dâng hoa lên chư tôn đức và tăng ni đang “Vô Hạ” như một thời tuổi trẻ trên quê hương của tôi  ở Huế. Thuở ấy, quý ôn Linh Mụ, Báo Quốc, Từ Đàm, Châu Lâm, Từ Hiếu, Tây Thiên, Trà Am, Viên Thông, Trúc Lâm, Diệu Đế… là những minh sư trong mùa Kiết Hạ. Các ngài đều đã ra đi. Còn chăng thế hệ kế thừa vẫn còn giữ những ngọn đèn thắp sáng.

Hoa Kỳ, cái xứ mà tôi sinh sống đã 30 năm, đang ở giữa mùa “vào Hạ” mà tôi lại có cảm tưởng như các chùa đang “ra Hạ”. Quý Thầy, chư Tăng Ni, phần đông, ai cũng có vẻ tất bật với “Phật sự đa đoan” trong mùa Hè. Đến viếng các chùa, đã một tháng rưỡi sau ngày Phật Đản, tôi chưa có duyên lành gặp được chùa nào đang có khóa an cư. Tôi tìm thấy bảng niêm yết các chương trình tu học thì ít mà các dự án gây quỹ, xây dựng, cúng dường thì lại quá nhiều. Khủng hoảng thừa hay khủng hoảng thiếu thảy đều là khủng hoảng. Khủng hoảng là một nguy cơ. Nhưng không sao, vì trong gian nguy đã có mầm cơ hội.

Vô thường không hẳn là bất thường vì đấy là lẽ bình thường của cuộc sống. Một dòng sống đầy biến động và biến chuyển. Không ai có thể ngồi lại bên cầu để mong tắm lại lần nữa trên cùng một dòng sông thuở nọ. Hoàn cảnh thay đổi, sinh hoạt Phật giáo cũng phải biến chuyển là một nguyên lý khách quan và tất yếu. Nhưng nguyên lý tùy duyên, bất biến vẫn là xương sống trong suốt cuộc hành trình mấy nghìn năm của đạo Phật.

Khi không gặp được điều mình mong ước mà phải gặp quá nhiều điều mình chẳng ước mong thì chỉ còn vái giữa thinh không vắng lặng mà liên tưởng đến một đóa Vô Thường.

Hoa Bình Thường

Trở lại với khuôn khổ và bối cảnh sinh hoạt của đạo Phật Việt Nam, giới Phật tử có khuynh hướng trung dung hay ở cả hai cực lạc quan hay bi quan về hiện trạng và tương lai của đạo pháp đều có chung một mối quan tâm thiết thân rằng: Đạo Phật Việt Nam chưa theo kịp đà thay đổi của con người và hoàn cảnh. Dẫu rằng, tôn giáo không thể là một dòng chảy mang tính chất phong trào thời thượng và bất luận lý thuyết tôn giáo nói về nguồn gốc của tôn giáo mình xuất phát từ đâu, nhưng thực tế thì tôn giáo vẫn là một sản phẩm của con người. Vì vậy, bản chất đích thực của tôn giáo không thể thoát ly ra ngoài xã hội con người. Ngay cả những tôn giáo chủ trương xuất ly thế gian thì hành giả vẫn cần thế gian để tồn tại. Trong lúc Phật giáo Việt Nam xiển dương tín lý Đại Thừa, khởi tâm Thiền Tịnh song tu. Thế nhưng những hiện tượng nhập nhằng đem Đạo vào Đời; đem Đời vào Đạo vẫn còn… lờ mờ nhân ảnh là do đâu?

Thực tế trong cũng như ngoài nước Việt Nam cho thấy rằng, thế hệ Chiến Tranh Việt Nam đang ra đi và thế hệ Hậu Chiến Tranh Việt Nam của tuổi trẻ đàn em đang vào đời. Thế hệ đàn anh đã trãi nghiệm một dòng đời thăng trầm đầy biến cố trong một giai đoạn lịch sử không thiếu tính hào hùng nhưng cũng lắm màn đổi trắng thay đen, ba chìm bảy nổi của đất nước và dân tộc. Đối diện với những hệ lụy của cuộc sống, con người có nhu cầu an nghỉ và khai sáng tâm linh. Đối diện với tuổi già và cái chết, con người càng tha thiết muốn “đầu tư” cho cuộc sống phục sinh hay luân hồi mai sau. Tôn giáo là một đáp án và cũng là nguồn đáp ứng sáng giá, vừa vặn nhất cho những nhu cầu tâm linh và thân mạng trong dòng sinh diệt vô thường như thế. Đấy cũng là điều lý giải cho hiện tượng thế giới trí thức phương Tây đang tìm về đạo Phật ngày một đông. Đồng thời, trong cũng như ngoài nước Việt, nhu cầu tu học đạo Phật ngày càng phổ biến và lan rộng trong đại chúng.

Trước hoàn cảnh xã hội đổi thay như chong chóng và sự phát tâm tu học của đại chúng ngày càng cao, đạo Phật Việt Nam nếu không có hướng chuyển biến thích hợp thì sẽ bị kéo theo đuôi của sự chuyển biến tự nhiên không thể nào dừng lại. Cổ xe Đại Thừa đáng lẽ phải do chư tôn cao tăng thạc đức cầm lái để chở đại chúng về bờ giác ngộ; nhưng nếu Tăng Bảo thiếu pháp lực và pháp uy, thì sẽ phát sinh đối lực ngược lại. Ngoại đạo sẽ dành tay lái thì cổ xe đã không tới được Bến Giác mà còn quay lại Bờ Mê! Ngoại đạo không phải là người ngoài đạo Phật mà chính ngay hàng Phật tử xuất gia và tại gia không an trú trong giới luật, đi ngược đường tu hay lệch hướng Chánh Đạo.

Ba ngôi Tam Bảo có thể hình dung Phật Bảo là ngọn núi Tu Di, vững chãi như một chân lý nhiệm mầu. Pháp Bảo là biển Ta Bà gồm đủ thánh phàm, hải sản trân châu, kình ngư ác điểu và luôn những bè nổi, ghe thuyền để chở chúng sinh về núi Tu Di. Tăng Bảo gồm những người biết chèo chống bè nổi và ghe thuyền trên biển Ta Bà, đóng vai thuyền trưởng để đưa chính mình và người tới bến bờ chân núi Tu Di.

Khi quần sinh mong cầu vượt biển càng đông, vai trò và tiềm năng của Tăng Bảo càng muôn vàn khó khăn phức tạp. Hiện tượng phổ biến nhất trong lịch sử Phật giáo từ xưa đến nay, trên mọi xứ sở và xã hội, là khi Tăng Bảo không còn hòa hợp gây cảnh thiền môn mất thanh tịnh, Tăng Bảo hết trang nghiêm thì đạo Phật trong xứ sở và xã hội đó sẽ bị thoái trào. Lịch sử đạo Phật toàn cầu và Việt Nam đã trải qua bao lần thăng trầm, hưng vong như thế. Đạo Phật như một biển khơi, dẫu có nổi sóng ba đào trong một thời điểm biến động thì cuối cùng vẫn trở lại thể tánh an tịnh ban đầu. Chỉ có điều đáng tiếc là khi một thế hệ lâm vào cảnh nổi sóng xô bồ thì con người ở trong thời điểm đó bị thiệt thòi vì không có được lợi lạc tìm cầu Phật đạo hợp cảnh, đúng người để được khai thị và hóa độ.

Một nguyên tắc đã quá xưa cũ nhưng vẫn còn chí lý: “Khi không thay đổi được hướng gió thì phải điều chỉnh lại thế đứng của cánh buồm”.

Ngọn gió 4 phương đã đưa Phật giáo Việt Nam hôm nay thành một tập thể tăng ni và tín đồ “đa lưu chi”; nghĩa là nhiều nguồn, nhiều nhánh, nhiều bộ phái, tông môn. Nhìn theo khuynh hướng Bảo Thủ thì một tập thể đa dạng là một sự phân hóa và suy yếu về mặt tổ chức. Nhìn theo khuynh hướng Trung Đạo thì đó là sự phát triển tùy duyên. Nhìn theo khuynh hướng Cấp Tiến thì đây là một sự phát triển hợp với nhu cầu chuyên hóa và đa nguyên trong thời đại mới. Chỉ trên bề mặt nổi của báo chí truyền thông thôi thì Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại đã có hàng chục giáo hội. Những danh xưng đang xuất hiện luân lưu thường được nhắc đến là:

– Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới

– Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo

– Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan

– Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ

– Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu

– Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Canada

– Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Đan Mạch

– Tổng hội Phật giáo Việt Nam

– Giáo hội Tăng già Khất sĩ Thế giới

– Giáo hội Tăng già Du tăng Khất sĩ

– Giáo hội Tăng già Việt Nam

– Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại

– Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

– Giáo hội Phật giáo Thiền tông dòng Lâm Tế và Pháp Nhãn

– Giáo hội Phật giáo Nhất tông đời Trần

– Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam

– Giáo hội Phật giáo Mật Tông Thế giới

– Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

– Giáo hội Phật giáo Cao Đài…

Nếu đi xa hơn nữa vào sinh hoạt địa phương và các tông phái của cộng đồng người Việt Hải ngoại, các tổ chức Phật giáo tự lập và sinh hoạt độc lập theo quy chế tự do lập hội của xã hội phương Tây thì con số “giáo hội” sẽ còn tăng gấp nhiều lần và đang trên đà phát triển. Đó là một thực tại không thể đảo ngược theo chiều hướng “vạn pháp quy nhất” về mặt cơ chế cấu trúc và phát triển. Cần có một cái nhìn thực tế và xây dựng hơn là nuôi ảo vọng chinh phục và tóm thâu về một mối bất cứ dưới hình thái nào trong một xã hội đa nguyên.

Mỗi tổ chức trên đây đều sinh hoạt như một giáo hội độc lập vì được pháp luật nơi cư trú cho phép và bảo vệ; có quần chúng và có địa bàn hoạt động riêng; đồng thời, có toàn quyền hành xử và quyết định về cả 5 mặt cốt lõi cho một cơ sở giáo hội biệt lập: Nội quy, Tài chánh, Tổ chức, Kiến thiết và Nghi lễ. Như vậy, vấn đề của chúng ta không phải là quay về quá khứ để hỏi “Tại sao?” mà phải hướng tới hiện tại và tương lai để giải quyết vấn đề “Làm thế nào?”

– Làm thế nào để trong một xã hội đa chủng, đa dạng như xã hội Âu Mỹ, Phật giáo Việt Nam có một thế đứng chính đáng. Lỡ khi “tối lửa tắt đèn” như trường hợp bị tranh chấp, kỳ thị, phá hoại, ngược đãi, chống báng… từ trong nội bộ hay ra ngoài tầm can dự của pháp luật thì sẽ có chỗ dựa để giúp nhau tồn tại và phát triển.

– Làm thế nào để phát huy tiến trình Tu và Học trong cộng đồng Tăng chúng, Cư sĩ và Phật tử. Giới Tăng Ni cao niên, có bề dày công hạnh và trí lực đầy phong độ một thời, nay đang yếu dần về cả thân lẫn trí theo quy luật tự nhiên của vòng sinh, lão, bệnh tử. Thế hệ tu sĩ và Phật tử trẻ tuổi đang thiếu một chỗ dựa tinh thần và tâm linh tinh túy trong tiến trình tu học. Đó là là định lực sâu dày của các bậc cao tăng thạc đức, công hạnh tôn túc của các bậc chân tu và thân giáo tròn đầy của những vị thầy khai thị. Hệ quả tất nhiên là khi thiếu vắng một nội lực để phát triển bề sâu, người muốn tu phải quay ra phát triển bề mặt. Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, tăng đoàn và các đạo sĩ thời danh ở Ấn Độ phủi bỏ bề mặt để tiến vào bề sâu. Đức Phật và thánh chúng đắc đạo dưới gốc cây, chứng ngộ dưới những bóng mát đơn sơ của thiên nhiên rừng núi vì chỉ có an trú trong từ bi, trí tuệ và thanh tịnh thì hành giả mới tìm lại được chính mình. Ngày nay, không ít những hành giả đang làm ngược lại vì bị thu hút và dính mắc vào những giá trị thô lậu của đời thường. Người ta đem hình tướng chùa to tượng lớn để thuyết phục nhau và đổ xô đi tìm Phật ở trong chùa; qua giấy mực, ngôn từ và ảnh tượng. Vô hình chung, chân Phật đích thực ở trong tâm, trong tự tánh mỗi ngày một lu mờ vì bị vùi sâu dưới những lớp bụi hình tướng giả ảnh.

– Làm thế nào để nhiều “giáo hội” trên hình thức, hóa giải và kết hợp với nhau thành một tổ chức tương đối mang tính biểu tượng của Giáo Hội thực sự, có pháp lực và pháp uy, phù hợp với quan niệm hội đoàn hiện đại: Hòa hợp nhưng không bị hòa tan. Nghĩa là việc tham gia kết hợp của các tổ chức, đoàn thể vào “Hội Mẹ” là hoàn toàn xuất phát từ căn bản tự nguyện và tinh thần trách nhiệm. Mỗi “giáo hội” thành viên vẫn có quyền giữ danh xưng, vị thế và tình trạng pháp lý của tổ chức mình. Không một thế lực đơn phương nào có quyền giải tán, khống chế hay áp đặt tùy tiện mà không thông qua sự biểu quyết của một đại hội đồng giáo hội. Đây quả là một vấn đề khá phức tạp và “nhạy cảm” trong tương quan sinh hoạt của cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngài hiện nay. Trước nhu cầu hóa giải xung đột về mặt cơ cấu và tổ chức, có thể tham khảo thêm hình thức “Liên Hội” theo mô thức Liên Hội Tin Lành Châu Mỹ (Coalition of Christian in America) do mục sư Pat Robertson khởi xướng vào thập niên 1980 tại Hoa Kỳ.

– Làm thế nào để giúp nhau thay đổi cách nhìn cũ và xây dựng một cách nhìn mới mang tính hóa giải, hòa đồng và đoàn kết thật sự: Đoàn kết không phải là theo tôi mà phải là cùng tôi. Đoàn kết không phải là nhất trí theo đuôi mà cần phải đa trí đồng tâm.

Trên bề mặt, tưởng như sinh hoạt Phật sự hài hòa với câu khẩu hiệu vàng son lấp lánh 9 chữ kim cương “Đạo Phật là đạo của Từ Bi Trí Tuệ”. Thế nhưng đạo Phật Việt Nam thật sự đang trải qua một cơn khủng hoảng. Sự khủng hoảng ngấm ngầm hay bộc phát, hiện nguyên hình hay tiềm ẩn nhưng đang biến nhiều nhân vật Phật giáo thành “Thiên thần đi trên nạng gỗ”. Đây là một ẩn dụ nói đến những người tôn giáo trong cơn khủng hoảng mà John Milton trong trường ca Thiên Đường Đã Mất gọi là “Thánh què đu trên cái nạng 3 chân”. Tuy Phật giáo chưa có ai “què” hẳn theo biểu tượng Milton vì chẳng có Thiên Đường nào để mất; nhưng đang bị dính mắc vào những đối tượng phi Phật giáo và đeo quá nặng hành lý phàm trần nên bước đi khập khiễng thì… hóa ra hơi nhiều:

● Hiện tượng dính mắc vào quyền thế vay mượn: Sự dính mắc trực tiếp hay gián tiếp; hữu ý hay vô tình vào chính trị và kinh tế của các tu sĩ, cư sĩ và Phật tử là một hình thức quyền thế vay mượn vì lý tưởng của đạo Phật là buông bỏ để cầu giải thoát chứ không phải níu kéo để sở đắc. Đã có không ít các nhân vật Phật giáo bị những thế lực lợi dụng niềm tin tôn giáo thiêng liêng, biến sức mạnh tâm linh thành một phương tiện sở đắc quyền lực phàm phu hay nhân danh tu sĩ và Phật tử để kinh doanh dưới nhiều nhãn hiệu và hình thức. Bản chất của chính trị là sách lược và đòn phép. Làm chính trị mà thiếu xảo thuật sẽ không khá hơn Thằng Mõ lớn tiếng rao tin làm cái loa cho thế lực cầm quyền sai vặt. Phật giáo ngày nay đang tự đánh mất vai trò cao đẹp là một chỗ dựa tinh thần, một sức mạnh tham vấn hộ quốc an dân cho giới cầm quyền như thời đại Lý Trần. Bản chất kinh tế thị trường thời nay là phải làm ra lợi nhuận bất chấp phương tiện. Làm kinh tế trong tôn giáo là biến những pháp tướng, pháp danh thành thành thương hiệu.

● Hiện tượng dính mắc vào quyền lợi nhất thời: Sự dính mắc vào những giá trị phàm trần. Cụ thể là tu sĩ bị cuốn hút vào sức mạnh vật chất đời thường như tiền bạc, tài sản, danh vị, hội đoàn, tiếng tăm, chùa to tượng lớn. Tinh túy của đạo Phật là lý tưởng giác ngộ, giải thoát. Hiện tượng ngã sở, ngã chấp, ngã mạn… đang quay cuồng theo chủ nghĩa thực dụng của thời đại mới. Nếp tu hành mà không bức phá ra khỏi vòng trói buộc phàm tục nầy thì con đường thanh tịnh thiền môn sẽ biến thành “đại lộ kinh hoàng của hoa sen trong biển lửa.”

● Hiện tượng dính mắc vào quyền lực ảo tưởng: Sự dính mắc vào những định kiến và cố chấp phi Phật giáo có vẻ như càng ngày càng khó hóa giải. Đã có hiện tượng “môi hở răng lạnh” trong nội bộ Phật giáo và “dậu đổ bìm leo” trong mối tương tác giữa Đạo và Đời. Sự mạo phạm qua những lời xúc xiểm tấn công nhau công khai giữa hai hay nhiều tổ chức Phật giáo trên môi trường truyền thông đại chúng hiện nay là biểu hiện tiêu cực nhất trong sinh hoạt cửa thiền xưa nay. Tư tưởng thì đã có Kinh luận, giềng mối thì đã có Giới luật, ấn chứng thì đã có Tam pháp ấn. Chỉ làm thân thêm động và tâm bớt hỷ xả khi còn “hạ thủ công phu” tấn công nhau qua các nhãn hiệu tự chế như: “Giáo gian, tiếm danh, tăng thượng mạn, ngã mạn, gian tăng, phàm tăng…”. Sẽ chẳng ích lợi gì khi dùng những lời tương tự như thế vì dán nhãn hiệu và chụp mũ nhau là dấu hiệu yếu đuối của tri thức, bế tắc về lý luận và nghèo nàn về nhân tâm. Nếu mục đích chỉ gây thêm phiền não cho nhau và càng ngày càng chia rẽ nhau hơn thì cửa chùa có hơn gì cửa ngục tù nghiệp báo.

Đang giữa mùa An Cư Kiết Hạ, người Phật tử xin đảnh lễ, khiêm cung dâng lên chư tôn thiền đức những tràng hoa như thế này để thay cho một lời thỉnh nguyện. Đồng thời, xin nhất tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo tỏa chiếu năng lượng lành giúp Phật tử và thân hữu ở mọi vị thế nhìn hoa mà suy gẫm. Thách thức của thời đại mới là đem Đạo vào Đời; không đem Đời vào Đạo. Đạo giữa phàm trần: Đạo và Đời sẽ nở hoa. Phàm trần giữa đạo: Đời và Đạo sẽ ủ mặt, phôi pha.

                                                

                                        Sacramento, mùa An Cư Kiết Hạ 2011

                                                            Trần Kiêm Đoàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here