Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đăng Bảo Đài Sơn Vua Bụt Trần Nhân Tông (1258- ...

Đăng Bảo Đài Sơn Vua Bụt Trần Nhân Tông (1258- 1308)

153
0

Vua Trần Nhân Tông sau hai lần phá tan giặc Nguyên 1225, 1228, lui về làm Thái Thượng Hoàng nhừơng ngôi cho con là vua Anh Tông, tuy ngài còn giúp vua việc triều chính. Sau khi nhà Nguyên đã chịu bỏ ý định xâm chiếm nước ta, vua bỏ quyền thế nơi kinh thành, vào dẫy núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh tu hạnh đầu đà tới đắc đạo. Ngài thành lập thiền phái Trúc Lâm hoàn toàn Việt Nam cho Đại Việt, và trở thành Sơ Tổ Trúc Lâm. Dân chúng thời đó gọi ngài là “Vua Bụt”.

Đệ tam tổ Trúc Lâm thiền sư Huyền Quang trong bài Vịnh Vân Yên Tự phú, ca tụng am Vân Yên có viết:

Nhèn chi vua Bụt tu hành (nơi am này)

Một đêm trăng sáng, vua Bụt lên ngọn núi Bảo Đài trong dẫy Yên Tử thổi sáo ngắm trăng. Ngài viết một bài thơ đẹp huyền diệu trong từng câu chữ. Có thể nói đây là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của thơ thiền Đại Việt cổ.

Chú ý:

Bài này chép từ bản trong sách Tam Tổ Trúc Lâm của hoà thượng Thanh Từ, có vài chữ khác với bản chép trong sách khác, tuy cùng âm. Thí dụ:

Câu 1 chữ tịch      viết là:   僻= eo hẹp;    bản khác: 寂=hoang vắng

Câu 3 chữ tương viết là :  襄 = giúp cho;    bản khác: 相=qua lại lẫn nhau

Phiên âm:

Đăng Bảo Đài Sơn
Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thuỷ lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm

Thơ dịch:  

Lên núi Bảo Đài

Đất hẹp đài cổ vượt lên  
Theo mùa, xuân tiết mới nguyên vừa về
Ngõ hoa nắng, rợp hai bề
Mây vờn xa núi, mây kề cận bên
Việc đời nước chẩy, nước lên
Trăm năm lòng sáng biết thêm lòng tà
Tựa lan nâng sáo thổi ra
Đầy lòng đầy ngực ta là sáng trăng.
            
Bình chú:

Đất hẹp làm đài cổ (trông như) nổi cao hơn lên
Thời tiết luân chuyển qua mùa đông mới vào đầu xuân
Với trí của bậc liễu ngộ, mọi sự đều không phiếm diện, và có thể nhìn theo hai thế đối kháng, bài thơ cho thấy:
Ngõ hoa có ánh trăng chiếu là có bóng rợp đi theo.
Mây vờn quanh núi có lúc xa, mà cũng có lúc gần. Nói xa và gần là đối đãi, so sánh.
Mọi việc trên đời như nước mới vừa trôi đi, là đã có nước khác tới.

Trở lại tâm con người:Vì có tâm thực nên mới biết có tâm vọng. Có lòng sáng, nên mới biết có lòng tà Khi ta nhận ra lòng đang trôi nổi theo vọng tâm, là do chân tâm mà  biết được. Vì vậy ta biết sự hiện hữu của chân tâm. Trăm năm cuộc đời tu chỗ đó.

Ngài dùng những hình ảnh giúp sự thực chứng mà không dùng ý niệm trừu tượng: tu bằng việc thực nghiệm cảm thọ trong cảm thọ.

Hai câu kết:

Ỷ can hoành ngọc địch =: Tựa can nâng ngang sáo
Người Á đông, mời uống rượu chỉ bằng câu:”Mời nâng chén”, “nâng chén” là “uống rượu”. Vậy “Nâng ngang sáo” là “thổi sáo”. Hơn nữa Trúc Lâm đại sĩ là một thiền sư đạt đạo, ngài là bậc toàn giác, lúc nào cũng giác, nghĩa là lúc nào cũng thức tỉnh, cũng có chánh niệm, không bao giờ nâng ngang địch để chơi, mà chính là để thổi sáo.

Ai cũng biết, thổi sáo là thổi hết hơi ra với tất cả sức lực, thổi yếu, sáo không ra tiếng.

Vậy thổi sáo lên đi, vừa thổi hơi hết ra, trong chớp nhoáng buồng phổi như một chiếc bơm hút không khí vào đầy ắp: Ánh trăng ngoài kia tràn vào đầy ngập trong lòng, và bên ngoài trăng sáng vẫn phủ đầy ngực áo: Ta hoà tan vào cả vũ trụ mênh mông đầy ánh trăng đó.

Minh nguyệt mãn hung khâm

(Đầy lòng đầy ngực ta là sáng trăng)

Một hình tượng vô ngã vô cùng đẹp.
Mà “Vô ngã là niết bàn”.

PTN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here