Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đại sư Khuông Việt

Đại sư Khuông Việt

154
0


Đường Khuông Việt hiện nằm trên địa bàn quận Tân Phú, TP. HCM, là một con đường khá lớn, kéo dài từ đại lộ Hoà Bình (Q.11) đến đại lộ Âu Cơ (Q. Tân Bình). Và có lẽ đây là con đường duy nhất trên đất nước ta được mang tên Đại sư Khuông Việt, mặc dù cố đô Hoa Lư mới là nơi Đại sư gắn bó trong suốt mấy mươi năm hành đạo và giúp vua trị nước.

Sách Thiền uyển tập anh cũng như các bộ chính sử nước ta còn ghi lại rằng: Đại sư họ Ngô (hậu duệ của Ngô Quyền), người làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc, dung mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng. Tuổi nhỏ theo Nho học, lớn lên quy y Phật, thọ Cụ túc giới với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, và từ đó, sư đọc khắp trăm luận, tỏ ngộ yếu chỉ Thiền tông. Năm 40 tuổi, uy danh Đại sư đã vang tận triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng nghe tiếng liền thỉnh sư vào triều tham vấn quốc sự, phong làm Tăng thống và tôn xưng là Khuông Việt Đại sư.

Dưới thời Tiền Lê, Hoàng đế Lê Đại Hành lại càng kính mộ sư hơn. Phàm là quốc gia đại sự, từ việc quân cho đến việc nước, vua đều thỉnh sư vào triều để tham vấn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (986), tại kinh đô Hoa Lư, Đại sư Khuông Việt chính là người đã thay mặt vua Lê Đại Hành tiếp đoàn phái bộ ngoại giao nhà Tống do Lý Giác dẫn đầu. Và bài “Vương Lang quy từ” – một từ khúc ngoại giao nổi tiếng, với lời lẽ hết sức mềm mỏng, khéo léo nhưng lại rất cương nghị, đã được Đại sư ứng tác trong dịp này để tiễn đưa Lý Giác trở về:

“Trời trong gió nhẹ cánh buồm giương
Thần tiên về đế hương
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương
Về trời xa dặm trường,
Tình thắm thiết
Chén lên đường
Vin xe sứ vấn vương
Mong đem thâm ý vì Nam cương
Tâu vua tôi tỏ tường”.

(Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết, đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh báo ngã hoàng).

Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, khi đọc đến từ khúc này đã không khỏi ngỡ ngàng thốt lên: “Văn từ nõn nà tưởng có thể vốc được”. Và ông đã cảm thán bằng hai câu thơ rằng:

Chân lưu tài tử

Trứ xưng nhất thời”.

 

Về sau, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú không chỉ hết lời ca ngợi từ khúc này như một giai điệu mượt mà, cao nhã mà còn xem nó có giá trị rất lớn về mặt tư tưởng, về lòng tự tôn dân tộc: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục”.

Cho đến hôm nay, “Vương lang quy từ” của Đại sư Khuông Việt đã tròn 1.020 tuổi (986-2006). Đó không chỉ là một văn bản ngoại giao sớm nhất trong lịch sử bang giao giữa nước ta và Trung Quốc hiện còn bảo lưu được, mà còn được xem là một từ khúc mẫu mực, một viên ngọc sáng trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại.

Vào những năm cuối đời, Đại sư Khuông Việt về lập chùa dạy học trò tại núi Du Hý (Vĩnh Phúc), môn đồ theo học rất đông. Đến ngày rằm tháng Hai năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) thời nhà Lý, nhằm ngày Đức Thích Ca nhập Niết bàn, sư gọi đệ tử Đa Bảo đến dặn dò, đọc bài kệ, xong sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 82 tuổi.

PHƯỚC CẢNH: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here