Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đại lễ Phật giáo 1000 năm Thăng Long:Phật giáo là bệ đỡ...

Đại lễ Phật giáo 1000 năm Thăng Long:Phật giáo là bệ đỡ tư tưởng các đời vua Lý

136
0

Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận của các học giả trong nước, đặc biệt có 3 tác giả nước ngoài là GS. Philippe Langlet (Pháp); Đại tăng chính, Đại lão hòa thượng Yoshimizu Daichi và TS. Onishi Kazuhiko (Nhật).  

Hội thảo đi sâu phân tích 4 chủ đề lớn: Phật giáo Đại Việt thời Lý, kế thừa, hội tụ và phát triển; Tinh hoa Phật giáo thời Lý qua các mặt văn hóa, chính trị và các nhân vật Phật giáo; Mối quan hệ tam giáo trong thời Lý, bài học Phật giáo thời Lý và thời đại Hồ Chí Minh ngày nay; và phát huy di sản thời Lý ở Hà Nội và cả nước.

Phật giáo thời Lý là một nền Phật giáo đặc sắc trong di sản văn hóa Việt Nam. Nó kế thừa tinh hoa của hơn 1000 năm tồn tại của Phật giáo ở Việt Nam, trở thành một trong những nhân tố tinh thần quan trọng nhất của thời đại khai phóng và phát triển của quốc gia Đại Việt độc lập và tự chủ, mở đầu bằng sự kiện dời đô của đức vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ra Thăng Long. Phật giáo thời Lý mở đầu cho quá trình xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam đích thực từ thế kỷ 11, khẳng định và trở thành một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất huy hoàng dưới thời Phật hoàng Trần Nhân Tông vào thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14.

Mô tả ảnh.

PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) với tham luận Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong xã hội đương đại dẫn một câu trong Thông điệp Phật đản năm 2010 của Đức Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ: “Tư tưởng giáo lý về hòa bình, từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha và tự giác ngộ đối với chính bản thân mỗi người là kim chỉ nam đối với người con Phật trên con đường tu tập và phụng sự đạo pháp, dân tộc, đó cũng là tư tưởng phù hợp với tiến bộ xã hội”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Nguyên – Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam có bài tham luận: Nguồn gốc sức mạnh thời Lý – Trần: “Trí tuệ, đạo đức ngự cung điện Phật giáo nhập thế của toàn dân”. Ông phân tích: Phật giáo thời Lý không chỉ là nhu cầu tín ngưỡng mà đã trở thành giá trị tinh thần chủ đạo của một quốc gia, một dân tộc. 
Tại cuộc hội thảo cũng trưng bày một vài đồ vật thời Lý của nghệ nhân làm gốm làng Bát Tràng – Trần Độ.

Tại cuộc hội thảo cũng trưng bày một vài  đồ vật thời Lý của nghệ nhân làm gốm Bát Tràng-Trần Độ

Xét về giá trị văn hóa mang tầm nhân loại của Phật giáo, PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết nhà khoa học Albert Einstein đã từng khẳng định: Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chính vì tầm quan trọng đó mà Lý Công Uẩn đã đưa Phật giáo trở thành quốc giáo của nước ta thời Lý.

Đánh giá thêm về công lao của Lý Công Uẩn trong quá trình chọn hệ tư tưởng gây dựng đất nước, Thích Nữ Như Hạnh (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) cho biết thêm: Lý Công Uẩn được nhà chùa giáo dưỡng từ thuở ấu thơ, trong môi trường thấm đẫm pháp nhà Phật. Lý Công Uẩn đã đưa Phật giáo vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội đan xen, giao thoa, cộng hưởng tạo nên thời đại mang nét dáng đặc trưng.

Liên hệ đến thế hệ trẻ ngày nay, hòa thượng Thích Thanh Đạt – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho rằng phần lớn thế hệ thanh niên không hiểu Phật giáo, không được học giáo lý Phật và tất nhiên họ không tu theo Phật.

Trong khi đó, sự cám dỗ của vật chất ngày càng đa dạng, phim ảnh bạo lực, tình dục có xu hướng gia tăng, lòng ham muốn lại vô cùng. Không tu, không biết tri túc, không tin nhân quả báo nghiệp nên nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh, làm cho kỷ cương luân thường, đạo đức ngày càng xuống cấp, gây bất ổn cho không ít gia đình và xã hội…

Như vậy, trong suốt 216 năm tồn tại, 9 đời vua thời Lý thay nhau dựng nước và giữ nước dưới “bệ đỡ” là hệ tư tưởng Phật giáo. Cuộc thiên đô vĩ đại cũng giúp Phật giáo phát huy được trọn vẹn tính tích cực ở cả bề rộng và chiều sâu. Biết bao thăng trầm biến thiên dâu bể nhân sinh đã diễn ra trên đất Thăng Long 1000 năm qua nhưng tư tưởng, triết lý và di sản văn hóa Phật giáo thì vẫn còn đó.

Theo Vietnamnet
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here