Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 tại Việt Nam: Sẽ...

Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 tại Việt Nam: Sẽ long trọng và hoành tráng

130
0


Trong những ngày này, công tác chuẩn bị đón mừng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (LHQ) 2008 đang hết sức khẩn trương. Khắp nơi treo băng rôn, biểu ngữ, cờ hoa chào mừng đại lễ. Tại Hà Nội, Ban tổ chức đại lễ đang nóng lòng chờ ngày khai hội. Ở TP. Hồ Chí Minh, tất cả các chùa chiền, phật tử đang háo hức mong chờ. Đại lễ Phật đản LHQ là một sinh hoạt văn hóa do LHQ khai sinh, chủ xướng. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là sự thể hiện đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước Việt Nam. Đạo Phật đối với người Việt Nam không chỉ là một tôn giáo mà còn là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc giàu truyền thống.




  • ĐẠI ĐỨC THÍCH QUẢNG THIỆN: Trưởng phòng sinh viên vụ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM






 a

Trong thời gian diễn ra đại lễ, chúng ta sẽ đón tiếp hàng ngàn các nhà lãnh đạo, các truyền thống và tông phái Phật giáo, các học giả, hành giả Phật giáo đến từ khắp nơi trên thế giới. Để việc đón tiếp, phục vụ các đại biểu được chu đáo, hơn 300 tình nguyện viên (TNV) đang là sinh viên các Học viện Phật giáo Việt Nam tự nguyện tham gia chương trình.


Tình nguyện viên tham gia phục vụ Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là người phục vụ các đoàn đại biểu trong và ngoài nước suốt quá trình diễn ra đại lễ, cung cấp thông tin, giải quyết yêu cầu của khách và các tình huống xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của mình, là cầu nối giữa đoàn với các bộ phận hữu quan của Ban điều phối quốc gia. Vì thế, TNV ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản về lễ tân, ngoại giao và an ninh, có hiểu biết về những kiến thức cơ bản về đất nước và con người Việt Nam, về Phật giáo và Đại lễ Phật đản LHQ, còn phải có phong cách ứng xử, phục vụ đáp ứng yêu cầu.


Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) đã có khóa tập huấn để phục vụ đại lễ cho 80 sinh viên. Khóa học đã bắt đầu hai tháng nay. Trong số này có 50 TNV chính thức và 30 TNV sẽ đi cùng để hỗ trợ khi cần thiết. Các tăng ni được học theo tài liệu do Ban điều phối quốc gia cung cấp. Tất cả các sinh viên đều muốn tham gia phục vụ đại lễ. Đây là cơ hội tuyệt vời để các tăng ni đang theo học tại học viện được hòa mình vào dòng tâm tưởng, triết lý nhân văn của Phật giáo. Phục vụ đại lễ, các TNV được tiếp xúc trực tiếp với các đại biểu Phật giáo nhiều nước trên thế giới. Học viện đã tuyển chọn được 80 tăng ni từ gần 1.800 sinh viên. Điều kiện tiên quyết là TNV phải biết ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Hoa hoặc tiếng Thái. Ngoài ra còn có các yêu cầu về sức khỏe, tuổi trẻ, có tâm phục vụ. Những sinh viên được chọn rất vui mừng, hàng ngày đều chăm chỉ chia nhóm tập dượt.


Bên cạnh việc ôn lại ngoại ngữ, các TNV còn được học cách phản ứng nhanh, xử lý tình huống, bổ sung kiến thức về ứng xử, về các tôn giáo khác. Vào ngày 7-5-2008, các TNV sẽ ra Hà Nội để chuẩn bị cho việc phục vụ đại lễ từ ngày khai mạc đến lúc bế mạc.




  • NI SƯ THÍCH NỮ HUỆ LIÊN: Trụ trì Tịnh xá Ngọc Hòa, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Phó ban Phật giáo quốc tế, thành viên IOC






 

“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm nay, lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức một sự kiện hết sức thiêng liêng không chỉ đối với phật tử Việt Nam mà còn đối với toàn thể phật tử trên khắp thế giới”.


Ngày 1-5-2008, một đoàn gồm 30 người của Tịnh xá Ngọc Hòa đã lên đường ra Hà Nội để trang trí hội trường, cổng chào ở trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Việc treo băng rôn, panô từ phi trường Nội Bài về đến các đường phố Hà Nội cũng đang được gấp rút thực hiện.


Bên trong trung tâm hội nghị sẽ có một cuộc triển lãm văn hóa gồm những phương diện: các di vật cổ về Phật giáo Việt Nam, hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam, các ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, các ảnh nghệ thuật với chủ đề Phật giáo và cuộc sống, ấn phẩm và văn hóa phẩm của Phật giáo được thực hiện trong vòng 30 năm qua. Ở ngoài trung tâm hội nghị sẽ có hội chợ văn hóa với gần 200 gian hàng trưng bày các loại văn hóa phẩm Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Đại lễ Phật đản LHQ 2008 diễn ra tại Việt Nam sẽ có hai phần: lễ (các nghi lễ văn hóa) và hội (hội thảo, phân tích, khai thác các dữ liệu Phật học nhằm giải quyết các vấn nạn toàn cầu bởi đây là sự quan tâm chung của toàn nhân loại). Thời điểm diễn ra đại lễ, sẽ có 52 xe hoa rực rỡ màu sắc chào mừng cùng với các chương trình văn nghệ. Đêm 16-5-2008 sẽ có lễ thắp nến mang thông điệp hòa bình lớn nhất Việt Nam với hơn hai mươi ngàn người tham dự. Đặc biệt sẽ có hai quả khinh khí cầu bay phấp phới trên bầu trời thủ đô mang tượng Đức Phật đản sinh (cao 26,32m) và lá cờ Phật giáo (dài 26,32m). Có một quả địa cầu đường kính 10m in hình bảy mươi lá cờ của bảy mươi quốc gia tham gia đại lễ.


Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, ngày 10-5-2008 sẽ có một bữa tiệc chay chào mừng đại lễ Phật đản nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tâm linh mà Phật giáo đóng góp, tạo tinh thần hòa hợp giao lưu giữa phật tử và Ban tổ chức trong việc hướng về đại lễ, xã hội hóa và quần chúng hóa về phương diện văn hóa của đại lễ cho nhân dân thủ đô.




  • NI SƯ THÍCH NỮ LỆ PHÁT: Trụ trì chùa Châu An, Lê Quang Định, quận Gò Vấp






 

Chùa Châu An sẽ làm lễ đài to hơn, trang trí đẹp và hoành tráng hơn để bà con phật tử có dịp tề tựu về đây chào mừng đại lễ. Hòa trong không khí chào mừng sự kiện trọng đại này của phật tử Việt Nam, chùa Châu An tăng cường hơn nữa trong công tác từ thiện. Nhân dịp này, chùa đã tặng một căn nhà tình thương và 200 phần quà (mỗi phần gồm 10kg gạo và một thùng mì tôm) cho những hộ nghèo ở 16 phường của quận Gò Vấp. Cũng trong dịp này, chùa sẽ đi thăm và tặng quà cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ được nuôi dạy tại trại Tân Hiệp.


Mong ước của Ni sư Thích Nữ Lệ Phát là đoàn xe hoa sẽ được diễu hành một vòng từ sân vận động Quân khu 7 dọc theo Nguyễn Văn Trỗi ra công viên 30-4 rồi quay về địa bàn mỗi quận. Ni sư Thích Nữ Lệ Phát cho biết, đây là hoạt động mang tính quần chúng hóa, vì thế cần tạo không khí tưng bừng, sôi nổi hơn nữa để thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc nhằm giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa Phật giáo các nước. Hơn nữa, ngoài Hà Nội thì TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn, đón hàng triệu khách du lịch đến từ các nước, vì thế đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá đến bạn bè thế giới về một đất nước hòa bình, thân thiện và tự do, bình đẳng về tôn giáo.


Thanh Thủy  – Hoài Giang(CATP)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here