Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008: Lễ hội văn hóa...

Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008: Lễ hội văn hóa tâm linh của các dân tộc trên thế giới

136
0

Chỉ còn tám ngày nữa sẽ diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, một lễ hội văn hóa tâm linh được LHQ chủ trì, một sự kiện lịch sử khẳng định quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang hân hoan và trang trọng chia sẻ niềm vui hướng về ngày Đại lễ Phật đản. Niềm vui mừng ấy chan hòa với lòng nhớ ơn cội nguồn tổ tiên đã để lại cho chúng ta hôm nay một tôn giáo hòa bình.


Ông TRẦN TRUNG TÍNH, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM









Chúng tôi cho rằng Đại lễ Phật đản là ngày lễ trọng của Phật giáo. Đây là ngày mà nhân loại đón chào một vĩ nhân cao thượng, một con người phi thường xuất hiện trên cõi đời này vì hạnh phúc cho số đông, vì lợi ích cho mọi loài. Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tổ chức tại Việt Nam là niềm vui chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Đây là dịp để giới Phật giáo thành phố và người dân có sự kết nối những giá trị đạo đức và tình thương, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Phật và phù hợp với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chính quyền thành phố tạo điều kiện tốt nhất để Thành hội Phật giáo tổ chức trang trọng ngày đại lễ này. Trong tuần lễ Phật đản, Phật giáo thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện nếp sống truyền thống tương thân tương ái trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi tin tưởng rằng với sức mạnh đoàn kết của Phật giáo và sự hưởng ứng của nhân dân cả nước sẽ là động lực thúc đẩy để Đại lễ Phật đản LHQ tại Việt Nam thành công rực rỡ.


Ông LÊ HOÀNG VÂN, Trưởng phòng Phật giáo Ban tôn giáo TPHCM









Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, trong đó Phật giáo là trung tâm điểm về các hoạt động Phật sự lớn của cả nước. Từ xưa đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nói chung và Thành hội Phật giáo TPHCM nói riêng chưa có dịp tổ chức một sự kiện mang tính quốc tế, có chăng cũng chỉ là những sự kiện mang tính song phương. Việc Chính phủ Việt Nam và GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là sự khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển. Đây cũng là dịp để Phật giáo thành phố thể hiện tinh thần dấn thân nhập thế của mình, tạo niềm tin trong nhân dân và tăng ni, phật tử thành phố. Đồng thời là dịp để các vị chức sắc lãnh đạo giáo hội phát huy tiềm năng và giá trị của giáo dục Phật giáo đối với xã hội khi tham gia cống hiến cho Đạo pháp và dân tộc.


Ông LÊ TRẦN TRƯỜNG AN, Tổng giám đốc Trung tâm sách kỷ lục Vietbooks









Đây là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với thế giới, giao lưu văn hóa tâm linh với bạn bè quốc tế, đồng thời cũng là dịp để Phật giáo Việt Nam truyền bá thông điệp của Đức Phật về hòa bình, hòa hợp cho nhân loại. Trong những ngày chuẩn bị cho đại lễ, không chỉ riêng thủ đô Hà Nội – nơi chính thức khai lễ mà ngay tại TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động hướng về Đại lễ Phật đản cũng diễn ra khá sôi nổi. Các chương trình văn hóa – văn nghệ Phật giáo, các cơ quan báo chí thành phố cũng liên tục đưa tin về vấn đề này. Có thể cho rằng, Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là một quốc lễ Phật đản và tâm linh của dân tộc, do đó người dân dù theo hay không theo đạo Phật cũng đều hướng về đại lễ. Vận mệnh dân tộc là vận mệnh của Phật giáo nên không có lý do gì những giá trị của Phật giáo được tôn vinh trên thế giới lại không được chào đón tại Việt Nam, một dân tộc mà Phật giáo luôn cùng đi chung trên mọi thăng trầm của lịch sử.
Chúng tôi đang đề xuất lên Ban tổ chức đại lễ để công nhận 10 kỷ lục, trong đó có hai kỷ lục thế giới, bao gồm các sự kiện văn hóa và các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian diễn ra đại lễ, chúng tôi sẽ cử đoàn chuyên viên bám sát việc xác lập kỷ lục này. Dự kiến, trong ngày lễ bế mạc sẽ công bố 10 kỷ lục Việt Nam và thế giới được xác lập.


Th.S VÕ VĂN TƯỜNG, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM









Là một phật tử có nhiều năm gắn bó với Phật giáo, chưa bao giờ tôi thấy vui mừng và tự hào như năm nay, khi Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ. Trải qua nhiều năm giảng dạy môn lịch sử Phật giáo Việt Nam và mỹ thuật Phật giáo Việt Nam tại các trường Đại học, Cao đẳng trong thành phố, tôi rất tâm đắc với tính thiết thực và nhập thế của Phật giáo. Điều này thể hiện qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo Việt Nam. Ngay từ đầu tôi đã suy nghĩ, khi Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008, có khoảng 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2.500 đại biểu Việt Nam về thủ đô Hà Nội. Thế thì Việt Nam, giáo hội và tăng ni phật tử Việt Nam lấy gì để trình hiện và giao lưu với bạn bè khắp năm châu về tham dự đại lễ. Cái gì là nội dung đặc thù của dân tộc Việt và một đạo Phật rất Việt (?). Thiết nghĩ, việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua các ngôi chùa Việt, các danh lam thắng tích Phật giáo là điều hết sức cần thiết. Mỗi ngôi chùa đều là một di sản văn hóa dân tộc, là quốc hồn quốc túy của dân tộc, bởi lẽ “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Đó thực sự là minh chứng hùng hồn cho một đất nước có nghìn năm văn vật. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Ban tổ chức đã nhận định được điều trọng đại này nên đã mời tôi tham gia chương trình triển lãm về các danh lam Việt Nam, trong đó bao gồm 500 tấm ảnh về chùa Việt Nam và những kỷ lục Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giới thiệu các công trình kiến trúc, mỹ thuật Phật giáo qua các thời kỳ lịch sử, các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam tại đất nước Ấn Độ, ấn bản các tập sách Danh lam Việt Nam và Phật tích Ấn Độ để làm tặng phẩm cho các đại biểu quốc tế.


Bà NGỌC THỊ YẾN, Giám đốc Công ty Ý Ngọc Design, Q1









Tôi biết về Đức Phật như một nhân vật lịch sử. Ngài sống một cuộc sống rất gần con người và đầy tình người, ngoại trừ tâm từ bi vô hạn và trí tuệ sáng ngời vô biên. Ngày Phật đản vốn dĩ là mạch sống tâm linh, một lễ hội văn hóa tâm linh dân tộc, được người Việt nhiều đời gọi một cách gần gũi, thân thương và hòa bình: ngày Bụt sinh. Tôi nghĩ, nếu ai đó có thể dọn lòng hướng về đạo và đời, thì Phật giáo là tôn giáo đúng đắn để hướng dẫn chúng ta đi trên con đường tốt đẹp. Bản thân tôi, tuy không phải là phật tử theo đạo Phật nhưng tôi luôn hướng lòng đến Phật giáo và sử dụng những lời dạy của Đức Phật làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Có lẽ triết lý sống của Phật giáo quá thiết thực đối với chúng tôi. Tôi đã quan tâm và theo dõi về sự kiện Đại lễ Phật đản LHQ tại Việt Nam thông qua các kênh thông tin báo chí, truyền thông, và cùng các nữ doanh nghiệp phật tử khác rất vui mừng, tự hào về điều này. Đây là dịp để chúng tôi kết nối mối tương kính giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, dịp để chúng tôi nhắc nhớ nhau về tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, coi trọng hạnh phúc của cộng đồng như chính hạnh phúc của bản thân mình.

Trong tình hình đất nước hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều sự khó khăn trong cuộc sống. Mọi sự thay đổi từ vật giá cho đến chất lượng cuộc sống đã và đang làm chúng ta phải ngạt thở, thì Đại lễ Phật đản LHQ 2008 diễn ra tại Việt Nam như là sự sẻ chia tinh thần đầy ý nghĩa. Đại lễ quy tụ nhiều vị cao tăng đức độ đến từ các nước trên thế giới để cùng nhau nguyện cầu hòa bình, hạnh phúc và an lành cho muôn loại. Tôi tin rằng ánh hào quang ấy càng rực sáng hơn, mang lại sự bình an cho nhân loại.


Th.S NGUYỄN BỒNG, cán bộ Báo Giác Ngộ, TPHCM









Là một phật tử tham gia các hoạt động Phật sự của giáo hội, cụ thể là Báo Giác Ngộ, tôi thấy Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là một động cơ thúc đẩy để Phật giáo thành phố, nói đúng hơn là Thành hội Phật giáo TPHCM phát triển và tạo dựng niềm tin trong nhân dân và tín đồ phật tử. Hiện nay, trong tất cả các quận huyện, Phật giáo trong thành phố đang nô nức đón mừng Đại lễ Phật đản tại cơ sở và cử đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản LHQ sắp khai mở tại Hà Nội từ ngày 13 đến 17-5-2008. Đây là vinh dự rất lớn cho tăng ni, phật tử và nhân dân Việt Nam nói chung. Bởi vì từ khi được LHQ khai xướng Đại lễ Phật đản cho đến nay đã được năm thứ 9, với lần tổ chức đầu tiên tại trụ sở LHQ ở New York, có các đại diện truyền thống Phật giáo của 34 quốc gia tham dự, và từ năm 2004 đến 2007 tổ chức tại Thái Lan. Riêng năm Đại lễ Phật đản 2008 tại Việt Nam có số lượng Đại biểu tham dự lớn nhất từ trước tới nay: khoảng 600 đoàn Phật giáo đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ châu Phi xa xôi, châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ và dĩ nhiên cả châu Á chúng ta, nơi xuất phát của đạo Phật – tôn giáo của hòa bình mà thế giới tôn vinh, sẽ đến Việt Nam. Có thể nói, Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam là một lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới lớn nhất từ trước tới nay.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, khi các giá trị văn hóa bị đẩy vào khung cảnh thương mại chật hẹp, biến các lễ hội thành công cụ kiếm lợi, tạo nên cảnh hỗn loạn trong văn hóa ứng xử với di sản, môi trường và tình người, thì một lễ hội văn hóa tâm linh mang tính mở rộng sẽ là một bước ngoặt để chúng ta phục dựng, bảo tồn và phát triển các hình thức và nội dung của lễ hội.


Giang Phong ghi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here