Trang chủ Phật giáo khắp nơi Đại lễ cầu siêu tưởng niệm và tri ân Anh hùng Dân...

Đại lễ cầu siêu tưởng niệm và tri ân Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng anh linh nghĩa Quân

119
0

Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của: Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm trưởng Ban hoằng pháp trung ương, trưởng Ban tổ chức khóa hội thảo; Chư tôn đức trong Ban hoằng pháp, Các vị Tăng Ni giảng sư, các vị hoằng pháp viên cư sĩ tham dự khóa hội thảo, cùng đông đảo bà con nhân dân TP. Rạch Giá – Kiên Giang.

TT. Thích Bảo Nghiêm dâng lời tưởng niệm

Chư Tôn đức dâng hương cầu nguyện

Nguyễn Trung Trực Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực. Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (hoặc Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng. Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên.(nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược. Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Năm 1861, nhờ công đốt tàu L’Espérance, ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

                       Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia 
                       Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch:

                       Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất 
                       Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Tán quân Nguyễn Học, Võ Văn Quang và hương thôn Hồ Quang Chiêu…tổ chức cuộc phục kích đốt cháy tàu chiến này. Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 8 người trốn thoát (2 lính Pháp và 6 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní).

Sau lần đốt được tàu L’Espérance của Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Đến khi hòa ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực nhận chức Lãnh binh, đưa quân về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy  để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm lấy (24 tháng 6 năm 1867). Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lập thêm căn cứ kháng Pháp.

Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng (trong số đó có cả hương chức, nhân dân Việt – Hoa – Khmer); vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang), do Trung úy Sauterne chỉ huy.

Kết thúc trận, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.

Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin Chủ tỉnh Rạch Giá cùng vài sĩ quan khác bị giết ngay tại trận, George Diirrwell gọi đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique).

Hai ngày sau (ngày 18 tháng năm 1868), Thiếu tá hải quân A. Léonard Ausart, Đại úy Dismuratin, Trung úy hải quân Richard, Trung úy Taradel, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương nhận lệnh Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm kình chống đối phương lâu dài.

Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Lãnh Binh Tấn (tức Huỳnh Văn Tấn, còn được gọi Huỳnh Công Tấn, trước có quen biết ông Trực vì cùng theo Trương Định kháng Pháp. Sau này, Tấn trở thành cộng sự cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến đảo Phú Quốc để bao vây và truy đuổi ông Trực. Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông lên giam ở Khám Lớn Sài Gòn để lấy khẩu cung. Theo Việt sử tân biên, mặc dù Lãnh binh Tấn đã hết sức can thiệp để Pháp tha mạng cho ông Trực, nhưng Đô đốc toàn quyền Nam Kỳ G. Ohier không chịu. Vì cho rằng không thể tha được "một người đã không coi luật quốc tế ra gì, đã hạ một cái đồn của chúng ta và giết chết 30 người Pháp!".

Và rồi ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đã đưa ông Trực về lại Rạch Giá và sai một người khmer trên Tưa (người dân thường gọi ông là Bòn Tưa) đưa ông ra hành hình tại chợ Rạch Giá, hưởng dương khoảng 30 tuổi. Và trước khi hy sinh, ông còn khẳng khái nhắc lại: Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây. Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay. Và khi người Pháp không còn cai trị Việt Nam, vào năm 1970, nhân dân địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng, màu đen đặt trước "chợ nhà lồng" Rạch Giá (cũ). Hiện nay, tượng thờ này được sơn lại màu nâu đỏ, và đã được di dời vào trong khuôn viên khu đền thờ của ông tại thành phố Rạch Giá. Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới bằng cũng bằng đồng lớn hơn, màu xám, để thay thế, và khu "chợ nhà lồng" mà sau này nó còn có tên là "Khu thương mại", cũng đã di dời nơi khác để nơi đó trở thành công viên.

Nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long… nhân dân đã lập đền thờ ông và hằng năm đều có tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. (Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá tổ chức lễ giỗ vào các ngày từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch. Đình và mộ nơi này đã được công nhận là di tích Lịch–Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 06 tháng 12 năm 1989).

Sau lời tưởng niệm của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đến anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng anh linh nghĩa quân của ông. Chư tôn đức đã cung cử nghi thức cầu siêu truyền thống của Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông  Khmer.

P.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here