Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Đại hồng chung ở các ngôi chùa cổ Huế

Đại hồng chung ở các ngôi chùa cổ Huế

242
0

Âm thanh của đại hồng chung là loại âm thanh rất đặc biệt. Chỉ nói đến hồi chuông triêu mộ không thôi, thì đây là cả một vấn đề hay để nghiên cứu kỹ rồi! Tuy nhiên, nói đến âm thanh của đại hồng chung qua hồi chuông triêu mộ hàng ngày vẫn là điều mang tính triết lý lý thuyết, chỉ triển khai theo thụ cảm thuộc tâm thức tính linh từng người. Để có tính cách thực chứng luận hơn, ở đây chúng tôi xin đi vào việc nghiên cứu thực tiển một số các chuông chùa nổi tiếng ở Huế.

Mỗi quả đại hồng chung bao giờ cũng gắn bó mật thiết với lịch sử của một ngôi chùa, là pháp khí trấn sơn của nhà chùa. Chùa cổ, chuông xưa vẫn là đề tài thú vị cho người thích nghiên cứu văn hóa Phật giáo nói chung, và Phật giáo ở Thuận Hóa nói riêng.

Dưới đây chúng tôi xin nói đến một số đại hồng chung có thể gọi là tiêu biểu ở các chùa Huế.

Đại hồng chung chùa Sùng An

Theo chỗ chúng tôi biết thì đây là quả chuông chùa xưa nhất hiện còn trên đất Huế. Chuông có chiều cao 1m. 24 và đường kính 0m.62, trọng lượng không thấy ghi. Chuông được chú tạo vào ngày tốt cuối mùa Đông năm Mậu Ngọ đời Lê Vĩnh Trị thứ 3(1678), tức là đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), ở Nam Hà, trên chuông có bốn chữ lớn “Sùng An tự chung”. “ Sùng An tự” là ngôi chùa làng An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế hiện nay.

Chuông chùa Sùng An do sự phụng cúng của rất nhiều Phật tử, từ các bà chánh cung của các chúa Nguyễn đến thái tử, công nữ, quan lại trong phủ chúa; tên của họ khắc trên chuông rất rõ. Trong số các quan có những người rất danh tiếng như Thủ bạ Trần Đình Ân có pháp danh là Minh Hồng; như Vệ Úy Lê Cao Trí có pháp danh là Chơn Thuyên chẳng hạn.

Vào đời Tây Sơn, chuông đã bị tịch thâu; đến năm Nhâm Tuất (1802) nhờ có Hộ Bộ Tạo Thành hầu Phan Thiên Phước làm đơn xin đem về lại bổn tự. Chuông hiện còn tại chùa làng An Lưu tính đến nay (2009), chuông đã xưa đến hơn 330 năm.

Đại hồng chung do chúa Nguyễn Phúc Chu cúng tại chùa Thiên Mụ

 

Chuông này cũng đã xưa đến gần 300 năm. Chuông rất lớn và đẹp, chiều cao đến 2m50, nặng 3,285 cân xưa (một cân=604,5gr), chu vi rất lớn, ở giữa thân đo được 3m,56, ở vòng cườm phía dưới là 3m60. Chu vi miệng chuông đến 4m36. Đường kính miệng chuông đo phủ bì là 1m36.

Hoa văn trình bày trên chuông rất phong phú, trình độ mỹ thuật cao. Những nhóm chấm trình bày mỹ thuật, cành lá uốn tiếp theo nhau như những đợt sóng lượn; các mô-típ long phụng rất linh động, có bốn con rồng quẫy mình, bốn con phượng bay đuôi rất dài. Mỗi hình rồng phượng đúc nổi có chiều dài đến 0m,30. Hình 8 chữ thọ triện khắc theo 8 kiểu khác nhau. Thân chuông chia làm bốn ô lớn, mỗi ô có khắc bốn đại tự, hai bên bốn đại tự có những hàng chữ nhỏ chân phương rất dễ đọc. Đáng chú ý là ô có khắc 4 chữ “Phật nhật tăng huy”; bên phải và bên trái bốn chữ này có khắc câu: “Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động thượng chánh tông tam thập đại; pháp danh Hưng Long chú tạo hồng chung; trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo”; tiếp theo ô bên trái khắc bốn chữ “Pháp luân thường chuyển”, bên phải bốn chữ này khắc: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an; pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí”; bên trái khắc lạc khoản tạo chuông; “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”. Vĩnh Thịnh lục niên ứng với năm 1710 tây lịch…Bên dưới các ô này có bốn nụ chuông với hoa văn ngọn lửa xòe ra hai bên. Rồi đến “Bát quái” trong Kinh Dịch; “Bát bửu” trong Đạo giáo. Trên phần miệng loe ra thì có hoa văn sóng nước.

Tiếng đại hồng chung này đã ngân vang trên Đô thành Phú Xuân từ năm 1710 tây lịch cho đến năm 1815 T.L thì được chuông Gia Long thay thế. Chuông lớn do chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu tạo để cúng vào Thiên Mụ Thiền tự, là quả chuông có cách trình bày rất mỹ thuật. Triết lý “tam giáo đồng quy” được thể hiện rõ nét ở các mô-típ trình bày trên chuông. Chuông trở thành bảo vật của Phật giáo Thuận Hóa, đến nay chuông vẫn đang còn.

Đại hồng chung chùa Thuyền Tôn

Đại hồng chung chùa Thiên Thai Thiền Tôn được đúc vào cuối xuân năm Đinh Mão, Cảnh Hưng năm thứ 8 triều nhà Lê ở Bắc Hà. Tây lịch nhằm năm 1747, chuông cao 1m,60, nặng 855 cân xưa. Hòa thượng chứng minh việc tạo chuông là ngài Tế Hiệp Hải Điện, đệ tử đắc pháp với Tổ Liễu Quán; lúc đó Ngài Tế Hiệp đang kế thế trú trì tại Tổ đình Thiền Tôn; có Thái giám Đoàn Tài Hầu Mai Văn Hoan làm hội chủ.

Hoa văn trình bày trên chuông rất giản dị: các nhóm chấm tròn, dãy hoa lá uốn lượn, hình lá bồ đề cách điệu, hồi văn, bát quái, bát bửu…Đặc biệt phần dưới hết không trình bày hoa văn sóng nước như các chuông khác; mà lại trình bày hoa sen, lá sen cách điệu. Thân chuông cũng chia làm bốn ô lớn; giữa mỗi ô khắc bốn đại tự, bên phải các đại tự này có dòng chữ phù, bên trái khắc chữ kiểu viết chân phương, khắc kệ chuông và lời cầu “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”.

Đại hồng chung này có hai điều rất đặc biệt. Thứ nhất là thập phương cả hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam đều có đóng góp tịnh tài và công sức để chú tạo chuông, trên chuông có câu: “Thuận Hóa xứ, Triệu phong phủ… và Quảng Nam xứ, Quảng Ngãi phủ…thập phương tín cúng”. Niên đại tạo chuông là: “Cảnh Hưng bát niên, quí xuân” để “phụng cúng Thiên Thai sơn, Thiền Tông tự”. Điều này đã nói lên, giáo pháp của Tổ Liễu Quán được hoằng dương vào Đàng Trong rất sớm; vì năm chú tạo đại hồng chung này chỉ cách ngày Tổ viên tịch mới 05 năm…Thứ hai là, vào triều Tây Sơn, chuông bị tịch thu đem về treo ở Văn Thánh tại làng Long Hồ (không phải Văn Thánh triều Nguyễn hiện đang còn hai dãy bia Tiến sĩ ở vị trí hiện nay). Mãi đến lần trùng kiến chùa vào năm Gia Long thứ hai (1803) thì thập phương tín đồ cùng với Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu mới dâng biểu lên nhà vua, xin thỉnh đại hồng chung về để phụng tự. Khi đại hồng chung trở lại Tổ đình, Tăng chúng và tín đồ đã vân tập làm lễ đàn tràng khai chung u minh trong 21 ngày đêm để cầu “Quốc thái dân an, đạo pháp lưu trường”. Từ năm 1803 trở về sau, tiếng đại hồng chung này lại ngân vang như xưa.

Vào năm 2001 mới đây, trong khi đại trùng kiến chùa Thiền Tôn thành một Tổ đình rất hoành tráng, một đại hồng chung mới cao 2m,00, nặng đến 1,500kg được chú tạo (chúng tôi sẽ nói đến đại hồng chung này ở một bài khác) đã được khai chung. Quả chuông đời Cảnh Hưng trở thành bảo vật trong di sản văn hóa Phật giáo Huế và vẫn được trưng tàng ở Tổ đình Thiên Thai sơn, Thiền Tông tự.

Đaị hồng chung chùa La Chử

Chuông chùa làng La Chử là một bảo vật không những của Phật giáo Thừa Thiên Huế, mà còn là của quốc gia, vì là quả đại hồng chung duy nhất trên đất nước có năm chú tạo trùng vào niên hiệu của vị vua anh hùng dân tộc là vua Quang Trung; lại do một vị tướng danh tiếng của Tây Sơn cùng phu nhân tín cúng.

Chuông được chú tạo vào ngày tốt tháng 7 năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung năm thứ 4 (tháng 8 năm 1791 T.L), chuông có hình dáng đẹp, cao 1m,26. Chu vi giữa thân chuông là 1m,74, gần miệng chuông là 1m,80. Đường kính miệng đo phủ bì được 0m,70. Trên thân chuông có 12 lỗ thủng và vết sước do đạn bắn, vào trận chiến tranh đánh Pháp vệ quốc xảy ra ở làng La Chử vào năm 1950.

Cách trình bày hoa văn và văn khắc trên chuông La Chử có phần đặc trưng thiên về văn hóa dân gian, không chuông chùa nào có những hoa văn như thế. Thân chuông chia làm bốn ô lớn khắc tên bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Hoa văn trên khung có chữ Xuân thật đặc biệt.Trên góc phải của khung này có hình hai cái lược: lược sưa và lược dày làm bằng sừng trâu. Đây là hai vật gia dụng trong cuộc sống thường ngày của người dân từ các thế kỷ trước mãi đến gần hết nửa đầu thế kỷ thứ XX vừa qua vẫn còn thông dụng. Mà hình như hai thứ lược này chỉ có ở vùng Thuận Hóa. Hoa văn ở góc trái ô này là cái gương đồng hình tròn có cán cầm tựa như cái kính lúp hiện nay, và cái hoa, trong khung này khắc quê quán, tên họ người chú tạo đại hồng chung rất rõ như sau: “Hương Trà huyện, La Chử xã, Hội chủ Lê Công Học tiến cúng: Điện tiền Thái bảo Giá Ngự Quân Công Võ Văn Dũng, chính thất Lê thị Vy công đức”. Mấy chữ “Điện tiền Thái bảo Giá Ngự…” bị cào mờ rất khó đọc. Ngoài ra còn có thiện nam tín nữ làng La Chử cũng đóng góp tịnh tài và công đức tạo chuông là “Tân Hợi thu thất nguyệt cát nhật tạo”. Ở trên các ô khác thì có hoa văn hình cái quạt và hai cuốn sách (Hạ); bầu rượu và bầu rượu để nghiêng 450 có dãi “là” uyển chuyển quấn quanh cổ bầu rượu (Thu); hoa văn hình hai ngọn lá và cây gươm (Đông). Phần bên dưới mỗi ô lớn có trình bày hình đúc nổi hai võ tướng; quanh thân chuông có tám võ tướng tất cả. Hình đúc nổi: áo giáp, mủ trụ, binh khí và các võ tướng cầm ở tay như gươm, giáo, chùy, búa…với điệu múa võ rất đẹp, vô cùng linh động. Bốn nụ quanh thân chuông trình bày giống nhau. Một nền tròn giữa hai đường viền trong và ngoài, ở giữa là những chấm hạt cườm chạy quanh song song với hai đường ấy, hình nụ tròn để đánh chuông này là 0m,105. Một vành đai có trang trí rất tỉ mỉ, chạy quanh thân chuông và nối với bốn nụ chuông. Bên dưới vành đai có bốn khung rộng 0m,12, dài 0m,20, trình bày các con vật trong tứ linh: Chim phụng bay, đầu và mỏ như chim keo, năm lông đuôi uốn rãi rất đẹp (Xuân); hình con nghê, hay con lân đang chạy (Hạ), con rồng uốn lượn (Thu); con rùa lưng mang hòm Kinh, miệng phun lửa đang bơi qua biển (Đông).Dưới cùng giáp với miệng chuông lại có một đường hoa văn rộng 0m,03. Miệng chuông loe ra, được trình bày nhiều đường gân chạy vòng quanh để nâng lưng phần miệng chuông cao dần lên và rộng dần ra rất mỹ thuật.

Đại hồng chung chùa La Chử có mấy điểm đặc biệt: thứ nhất là các hoa văn trên chuông; những hoa văn này có tính chất văn hóa dân gian và của thời đại Tây Sơn hơn là nói về Phật giáo. Thứ hai là chuông được chú tạo vào thời điểm mà Phật giáo Thuận Hóa có phần chửng lại do một chính sách; Thứ ba trong lúc triều Tây Sơn đang sung dụng các chùa chiền, kêu gọi chư Tăng “cởi cà sa khoác chiến bào”, chuông chùa bị tịch thu; mà ở làng La Chử, quê hương bà Lê Thị Vy, tướng quân phu nhân, thì tướng quân Võ Văn Dũng lại trùng tu chùa, đúc chuông và Phật giáo làng La Chử vẫn riêng phần được khởi sắc như trên chuông đã ghi…Đó là những điểm cần nghiên cứu kỹ ở một bài khác vậy.

Đại hồng chung chùa Hạ Lang

Chùa này còn có tên là “Quảng Khánh Tự”. Đại hồng chung ở đây được đúc vào tháng trọng thu năm Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ bảy (1799) triều Tây Sơn, chuông cao 1m,41, chu vi quanh thân 2m, đường kính miệng chuông 0m,71(các số đo của ông Nguyễn Miên). Thân chuông chia thành bốn khung dọc như chuông La Chử, chỉ khác là chuông La Chử có bốn sóng dọc thì chuông Hạ Lang có đến 5 sóng. Bên trên cả bốn khung này đúc nổi 12 chử như sau: “Quảng Khánh tự, Hội chủ Lê Quang Cao chú Đại Hồng chung”. Mỗi khung có ba chữ, mỗi chữ nằm trong một ô hình thoi, ở góc dưới mỗi khung có hình hai con dơi sãi rộng cánh như hình tam giác cân, mặt nhìn vào những hàng chữ khắc dọc trong khung. Vành miệng chuông không trình bày sóng nước, mà lại trình bày hoa sen nở cánh điệu liên tiếp, trên phần này và dưới vành đai nối bốn nụ chuông, thì cũng như chuông La Chử được trình bày hình tứ linh: long, lân, quy, phụng. Đại hồng chung chùa Hạ Lang cũng có hai điều đặc biệt. Thứ nhất là chuông được đúc từ Bắc Thành, địa điểm đúc là ngoài cửa Tân Khai; thời gian đúc: ngày 20 tháng 7 năm Kỷ Mùi khởi công, ngày 13 tháng 8 thì hoàn mãn, lạc thành, viết minh văn khắc vào. Tháng 9 chở chuông từ Bắc Thành về làng Hạ Lang mở đàn tràng và làm lễ khai chung. Thợ đúc và khắc chữ: Nguyễn Đình Hiến, người làng Nội Am, huyện Thanh Trì. Người soạn minh văn và người viết chữ đều có ghi tên rõ ràng. Thứ hai là sau minh văn có khắc liệt kê tên thiện nam, tín nữ, quan chức đến 132 người, phần lớn là dân làng Hạ Lang. Các chức quan thấy có: Tham đốc, Hộ quân sứ, Chỉ huy, Trung úy, Hùng úy, Xã trưởng, Hương lão. Quan viên cúng tiền thấy có các chức: Đại Đô đốc, Tham đốc, Hiệp trấn, Đô úy, Đô ty, Thông phán, Quán quân, Hộ quân…. Tất cả đều có tước “hầu”. Thật hy hữu! Chuông chùa Phật giáo mà lại chứa đựng một tài liệu lịch sử rất quí báu để biết quan tước đời Tây Sơn vậy.. Lạc khoản trên chuông đề: “Hoàng triều Cảnh Thịnh vạn vạn niên chi thất, tuế tại Kỷ Mùi trọng thu thượng cán cốc nhật”.

Đại hồng chung Gia Long tại chùa Thiên Mụ

Chuông này được chú tạo vào năm Gia Long thứ 14 (1815) là quả đại hồng chung đặc biệt có tiếng ngân vọng diệu kỳ nhất nước Việt Nam, mà người ta thường gọi là “tiếng chuông Thiên Mụ”. Chuông cao 1m,75 (kể cả mảng xà làm quai). Chu vi giữa thân 2m,60; chu vi miệng 3m,36; đường kính miệng 1m,07. Các hoa văn trình bày ở đại hồng chung này rất giản khiết, khoảng trống rất nhiều. Không khắc kệ chuông và lời cầu quốc thái dân an; không có tên người đứng chú tạo. Đại để cách chia ô, chia phần thân chuông cũng giống như đại hồng chung của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Hoa văn thì có hình trái tim bằng đường chạy thanh mảnh; có tám chữ Thọ triện theo tám kiểu khác nhau; đường hồi văn không có chữ vạn; có hoa văn mây uốn lượn ở bốn góc các ô lớn. Trong một ô có khắc niên hiệu tạo chuông: “Gia Long thập tứ niên, tuế thứ Ất Hợi, mạnh thu nguyệt, cát nhật tạo”; ô tiếp theo chỉ khắc mấy chữ: “Cúng tại Thiên Mụ tự”. Hai ô kia bỏ trống. Bốn nụ chuông lớn, hai bên nụ chuông có ngọn lửa xòe ra, có lẻ nụ chuông biểu thị cho mặt trời, nên có ngọn lửa bốc xòe ra. Cũng có thể biểu tượng cho âm thanh chuông từ nụ chuông phát ra và cứ như ngọn lửa bốc ra và đi xa dần, nhỏ dần, lan rộng… Một dãi đúc nổi hình bát quái, dưới dãi này là một dãi quanh thân chuông với hình tám con rồng. Cứ hai con châu đầu vào nhau để chầu một ngọn lửa. Hình rồng rất đẹp, có nhiều đám mây thanh thản, uyển chuyển. Một vành hoa lá đậm nét, dày đặc, cùng kiểu hoa lá trang trí ở cửu vị thần công để ở Ngọ môn. Phần miệng chuông loe ra trình bày hoa văn sóng nước.

Tiếng chuông Thiên Mụ chính là âm thanh của quả đại hồng chung này, dóng lên từ năm 1815 đến nay 2009 đã gần 200 năm. Tiếng chuông huyền diệu đã đi vào tâm thức người dân xứ Huế rất sâu đậm; đi vào ca dao bình dân, qua thơ văn của vua chúa và giới trí thức Nho cũng như Tây học; đến phim ảnh truyền ra hải ngoại như là tiếng gọi quê hương…

Cũng vào triều Gia Long, hiện ở Huế còn có ba đại hồng chung khác, có niên đại sớm hơn chuông trên. Đó là chuông chùa Trường Xuân (Gia Long thứ 5-1804) chuông chùa Ấn Tôn (Gia Long thứ 13-1812), và chuông chùa Thiên Thai ngoại (Gia Long thứ 15-1814). Vào triều Minh Mạng thì có lẽ chỉ còn một đại hồng chung duy nhất là “Thánh Duyên tự chung” ở Thánh Duyên Quốc tự tại Thúy Vân Sơn, huyện Phú Lộc. Chuông cao 1m,28. Trên chuông có khắc bốn chữ vừa nói trên. Lạc khoản chú tạo là năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Đến triều Thiệu Trị, ở Huế còn ba đại hồng chung. Một để ở chung đình chùa Diệu Đế, chuông này rất lớn, hoa văn trình bày cũng tương tự các chuông đời trước. Về quả đại hồng chung này còn được ghi lại rất rõ ràng từ khi khởi niệm chú chuông, qua việc thợ đúc đi đo mẫu, lấy kiểu, ở các đại hồng chung khác, đến việc mở những “thất” chú nguyện, đến các lò nấu đồng, cách phân vàng vào các lò nấu, cách đổ khuôn; lạc thành, lễ khai chung…nhất nhất đều nói rất rõ ở các Chiếu Dụ trong Châu Bản triều Nguyễn (triều Thiệu Trị). Một chuông khác để ở trong lầu chuông trong chùa. Hồng chung này thường thỉnh hồi chuông triêu mộ hàng ngày, âm thanh cũng rất hay. Đại hồng chung thứ ba có niên hiệu Thiệu Trị, hiện để ở chùa Từ Ân, bốn ô lớn trên chuông này đúc bốn chữ “địa, thủy, hỏa, phong”. Lạc khoản các chuông này đều đề “Thiệu Trị vạn vạn niên chi tuế thứ Giáp Thìn thất nguyệt, cát nhật”, tức là năm Thiệu Trị thứ tư (1844), năm dựng chùa Diệu Đế vậy.

Đại hồng chung chùa Diệu Đế

Nói về những điểm cần nghiên cứu trên các đại hồng chung vừa mới kể thì rất nhiều, cần có thời gian, ở đây chúng tôi xin gợi ý vài ba nét chính yếu:

Trước hết, về mỹ thuật và các hoa văn trên chuông: về phần này chúng tôi thấy nghệ thuật Huế, kể từ đời các chúa Nguyễn, đã có mặt trên các chuông chùa như hoa văn hình dây lá uốn lượn, hình hồi văn không có chữ vạn nối tiếp kéo một đường quanh thân chuông; hình hoa lá sen cách điệu, hình đám mây, ngọn lửa, sóng nước gọi là hoa văn thủy ba; rồi đến các con vật trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Mỗi nơi một khác, mỗi thời đại một khác. Hai đại hồng chung Nguyễn Phúc Chu và Gia Long ở chùa Thiên Mụ không dùng hình con lân và hình con rùa, chỉ có hình rồng và chim phụng bay. Chuông Nguyễn Phúc Chu trình bày ở trên, còn chuông Gia Long lại trình bày hình rồng ở dưới, rất khác nhau. Chuông La Chử lại có hoa văn đặc trưng riêng một mình thuộc văn hóa dân gian, gần như độc nhất vô nhị trong số hàng ngàn chuông chùa ở khắp nước! Chuông chùa Hạ Lang và chuông chùa La Chử đều không có chia khoảng theo đường “vĩ” quanh thân chuông, mà chỉ có các sóng theo đường “kinh” để thân chuông có bốn khoảng.

Thứ hai là tư tưởng “tam giáo đồng quy” thể hiện qua các hình bát quái, hình bát bửu trang trí trên nhiều quả đại hồng chung. Đây là vấn đề tư tưởng lớn của Á Đông, không thể chỉ nói vài hàng mà đủ được!

Cũng nằm trong phạm trù tư tưởng, triết lý khi nghiên cứu chuông chùa là Phật giáo không xa rời dân tộc. Bởi vì lúc nào trên chuông chùa cũng có lời nguyện cầu “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an; pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí”. Phật giáo Việt Nam là phụng sự thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Cho nên nói tiếng chuông chùa là tiếng lòng của dân tộc chắc cũng không phải là ngoa ngôn.

Ngoài ra thì trên chuông chùa còn có cả sử ký. Chuông La Chử, chuông Hạ Lang giúp ta biết thêm nhiều chức quan ở triều Tây Sơn; chuông Diệu Đế lại có nhiều chức quan dưới triều Thiệu Trị…

Rồi thì nghệ thuật và kỹ thuật đúc chuông của thợ Phường Đúc, các lễ lược của Phật giáo, của triều đình khi khởi sự đúc chuông; sau khi việc chú tạo chuông được hoàn mãn, tụng kinh cầu an, làm lễ khai chung…và…Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp bàn cặn kẽ về những điều nói trên vào một hoặc hai bài khác.

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here