Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Daddy Tắm Khô

Daddy Tắm Khô

133
0

Từ buổi sáng tinh mơ, mẹ đã chuẩn bị bữa ăn sáng sẵn sàng cho tôi rồi mẹ mới đi làm. Buổi trưa tôi ăn ở trường. Buổi tối mẹ mang về một phần ăn thật ngon ở nhà hàng sang trọng mà mẹ làm phụ bếp. Cuối tuần mẹ dẫn tôi đi mua sắm những thứ gì tôi thích mà không để ý gì đến giá cả. Bạn bè tôi xầm xì : con nhà lính, tính nhà quan hay nghèo mà học làm sang. Vì bởi quần áo, đồ chơi, điện thoại, máy game của tôi toàn là những thứ đắt tiền.

Lớn thêm một chút nữa, khi tôi học ở trung học, mẹ tôi chuyển sang làm tiệm giặt dry clean, tôi bắt đầu mặc những bộ quần áo xịn, được ủi thẳng nếp. Đời sống của tôi quá đầy đủ, tôi không mong muốn gì hơn là được sống trong tình thương yêu và đùm bọc của mẹ.

Có lần tôi nghe lén được qua mẩu đối thoại của bạn bè mẹ về quá khứ của mẹ. Mẹ đã có một đời chồng, nhưng không có con cái mặc dù mẹ đã cố gắng đi chữa trị bệnh hiếm muộn. Sau đó hai người đã đồng ý chia tay để cho chồng mẹ đi tìm con nối dõi. Trong thời gian làm tiệm ăn, mẹ  quen một người đã lập gia đình, nhưng thật đẹp trai, cao lớn, mẹ xin người đó một đứa con với điều kiện không cho biết cha đứa bé là ai .Vì vậy tôi ra đời được cưng chiều hết mực, mẹ tôi nhịn hết tất cả mọi nhu cầu của đời sống để lo cho tôi không thua thiệt bạn bè.

Cho đến một ngày, tai họa đổ ập đến đời tôi, mẹ tôi bị đột quị trong khi đang làm việc, xe cứu thương vừa chở mẹ đến phòng cấp cứu là mẹ qua đời. Sau đám tang, tôi bơ vơ với hai bàn tay trắng, mẹ làm lương thấp nhưng vì lo cho tôi chu đáo nên mẹ không để dành được gì. Tôi tốt nghiệp xong high school, bỏ học lang thang ngoài đường, làm kẻ bụi đời, không có địa chỉ làm sao xin được việc làm trong thời buổi khó khăn, mật ít ruồi nhiều này. Phước đã không còn ở cùng tôi!

Ngoài người mẹ cao cả đã mang cả tấm thân gầy để nuôi tôi khôn lớn và che chở đời tôi, bây giờ khi tôi bị gian truân, ai sẽ là người dang  vòng tay mở rộng để đón tôi? Ai sẽ cho tôi thấy được phước?

*

Trước mặt tiệm tạp hóa bán lẻ nhỏ xíu, nghèo nàn của vợ chồng người Việt làm chủ là tụ điểm kiếm việc làm của những người Mễ di dân bất hợp pháp. Những người chủ công ty cắt cỏ, xây dựng hoặc tư nhân thường đến đón họ để về làm thợ vịn, sửa nhà sửa cửa hoặc dọn dẹp vườn tược .

Sáng hôm ấy, bà chủ tiệm không ngờ là gặp được một người đồng hương của mình trong đám Mễ đứng lớ ngớ chờ việc làm trước cửa tiệm. Bà chào hỏi thân thiện với người thanh niên trẻ, tuổi độ hai mươi và mời anh ta một lon nước với bánh ngọt.  

Thế rồi mỗi ngày như mọi ngày, tôi đều có mặt ở trước tiệm grocery, tiền kiếm được bữa có bữa không nhưng cũng đủ để tôi sống lay lất  qua ngày. Đêm về, tôi ngủ ngay đằng sau tiệm, dưới mái hiên, vừa tránh được mưa mà còn hưởng được gió nam thổi tới mát rượi. Một đêm nọ, hai thằng Mỹ đến dừng xe lại, dí súng vào đầu tôi lấy hết tiền dành dụm của tôi. Tôi phải dời chỗ ngủ, phải tìm một nơi mà không ai thấy mình.                                                                                                                              

Ngày hôm nay, sau khi đi làm về, tôi mệt phờ vì công việc quá nặng nhọc. Tôi mua một lon nước ngọt rồi ngồi nghỉ xả hơi bên hông tiệm, lơ đãng nhìn người qua. Xe bus dừng lại, một ông già tuổi độ 50 đến 60 bước xuống. Ông ta đi thẳng lại chỗ chúng tôi đứng chờ việc làm. Tụi Mễ tránh xa chỗ khác. Tụi nó không thích người khác tới tranh giành việc làm với họ, nhất là người Mỹ. Tôi nhích người nhường chỗ cho ông già và làm quen với ông, tên Michael.

Đã hết một buổi sáng mà không ai đón ông đi. Họ chê ông vì nghĩ ông không kham nổi công việc. Hơn nữa tuổi già sức yếu, sợ có chuyện gì xảy ra, lấy tiền đâu mà trả cho bệnh viện. Ông già ngồi đó, vẫn tươi cười, lạc quan chào hỏi những người mới quen. Bụng đói cồn cào, tôi nhờ Michael giữ giùm ba lô rồi chạy đi mua hamburgers. Tôi mua cho già một phần, tôi một phần cả nước ngọt. Ông già từ chối không uống nước ngọt, tôi phải vào đổi cho ông một chai nước lọc. Ông ăn uống ngấu nghiến ngon lành. Tôi gọi ông là Daddy và thầm nghĩ chắc từ sáng đến giờ ông đói lắm, chưa ăn gì.

Mỗi ngày Daddy đến đúng giờ – 8 giờ sáng – và về trên chuyến xe bus 6 giờ chiều, vẫn không ai thuê mướn già làm việc. Daddy của tôi  giết thì giờ bằng cách đi lượm rác. Tụi Mễ xả rác lung tung, chỗ nào cũng rác rến, dơ dáy bẩn thỉu. Từ ngày già Michael xuất hiện, khu chung quanh tiệm sạch sẽ hẳn lên. Những lúc không có tôi, bà chủ quán đem bánh và nước cho ông già để cảm ơn tấm lòng tốt đã giữ gìn vệ sinh cho tiệm của bà. Tôi không có ba, nên nhận già làm cha nuôi và tự cho mình phải có bổn phận và trách nhiệm mua đồ ăn và nước uống cho ông .

Năm nay thời tiết đổi, mưa hơi sớm, trời nóng oi bức khó chiu. Tôi đi làm về, mồ hôi tuôn dầm dề ướt hết áo. Daddy của tôi cũng vậy, mặt đỏ gay, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, tóc dính cả vào da đầu. Tôi rủ già vào tiệm giặt, sát bên tiệm grocery để tắm khô. Ông già mở to mắt nhìn tôi không hiểu tôi muốn nói gì. Tắm khô là gì?

Tiệm giặt ngày thường ế không có khách. Bà chủ ở bên tiệm grocery nhìn qua camera sẽ không thấy rõ đằng sau tiệm. Tôi đưa già đến dãy máy giặt cuối cùng, bỏ vào 4 quarter mỗi máy, giở nắp lên, để cho nước ấm chảy ra đầy máy rồi lấy một cái ly lớn múc nước gội đầu và cởi hết quần áo dơ ra để một bên. Tôi và già quấn chung quanh người một cái khăn lông để che hạ bộ, rồi dùng một cái khăn mặt nhỏ khác thoa xà phòng hết cả người, nhúng khăn ướt vào nước ấm lau sạch xà phòng trên người. Cuối cùng bỏ quần áo dơ vào giặt. Đến lần nước xả thứ hai, tôi lấy quần áo ra, cho xả đầy máy, rồi gội lại đầu và lau mình bằng nước ấm, lần xả sau cùng là tôi, già Michael và quần áo đã sạch sẽ, thơm tho. Tôi bỏ quần áo vào máy sấy và bận quần áo sạch vào. Ông già rất thích thú với sáng kiến tắm khô của tôi nên cứ cười hoài và ôm chặt lấy tôi, tỏ tình thương yêu, quý mến.

Chiều nay già lộ vẻ buồn rầu, nói với tôi là phải xa tôi một thời gian. Già phải vô viện dưỡng lão để dưỡng bệnh vì bị dị ứng với thời tiết. Già muốn  hôm nay ngủ lại với tôi một đêm cuối cùng. Già không biết ngày nào già sẽ trở lại để thăm tôi ?

Tôi đưa già về đến giang sơn của tôi. Gia tài của tôi gồm có một cái ba lô, một cái xẻng xúc đất nhỏ, một thùng nhựa cũng nhỏ. Nếu tối lửa tắt đèn, tôi đau bụng hay đi tiêu dùng xẻng để đào đất và thùng để chứa nước tiểu. Chỗ ngủ của tôi là một mái hiên loe ra giữa chỗ tiếp giáp của hai mái building. Tôi để một tấm nệm mỏng lót mặt trên của mái hiên, vì ở chỗ khuất, tôi tắm nên ở dưới nhìn lên không thấy, con mái building giúp cho tôi che được mưa nắng. Khó khăn lắm già mới leo lên được chỗ ngủ của tôi. Cũng may, building trống nên không ai để ý đến chúng tôi. Tôi tấn già ngủ bên trong sát tường, còn tôi ngủ bên ngoài. Sợ ngủ quên, lăn rớt xuống đất, tôi dùng seatbelt cột mình  vào ống nước. Michael ôm tôi hôn thầm thì:  I love you! Con có tấm lòng nhân hậu, chúa sẽ trả ơn cho con bội hậu.

Nằm bên già, tôi trằn trọc khó ngủ. Tôi ngạc nhiên là trong người ông già không toát ra mùi ngai ngái, mùi hormon nam, mùi mồ hôi, mùi của những kẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ. Mà ở bên ông, tôi tìm được mùi hương của mẹ tôi, mùi của gia đình nệm ấm chăn êm mà tôi đã được hưởng. Mẹ! Con nhớ mẹ, con thương mẹ! Nếu mẹ còn sống, đời con sẽ không như bây giờ.

*

Phước cho người nào đoái hoài đến kẻ khốn cùng!

Thời gian thấm thoắt trôi qua, xuân đi rồi hè lại đến. Đã gần hết mùa hè nóng nực, già Michael vẫn chưa trở lại.

Một ngày nọ, sau khi đi làm về, tôi ghé tiệm mua một lon nước ngọt. Bà chủ quán nói với tôi là có một người đàn ông Việt trung niên tìm tôi, tuổi trạc độ 40 và nói sẽ quay trở lại lúc  4 giờ chiều.

Tôi ngồi trước cửa tiệm chờ đợi. Đúng giờ, người đàn ông xuất hiện. Ông xưng tên Vinh, bảo là đại diện cho một người bảo trợ người Mỹ, tạm thời giấu thân phận, sẽ lo cho tôi học hành, nơi ăn chốn ở cho đến khi ra trường. Khi nào tôi tìm được việc làm, có thể tự lập được, lúc đó người bảo trợ sẽ ngưng, không cấp dưỡng và sẽ xuất hiện gặp tôi. Nếu tôi không cố gắng học tập, lười biếng, tôi phải trở lại đứng đường như trước.

Ông Vinh đưa tôi về một chung cư yên tĩnh, 2 phòng, hạng sang gần trường Đại học Rice để tôi có thể đi bộ đến trường. Tôi mở các cánh cửa tủ trong phòng, ngạc nhiên đến sững sờ, không tin ở mắt mình nữa: Tủ treo đầy quần áo, giày dép dùng cho bốn mùa. Tôi tự hỏi, không hiểu làm sao mà ông Vinh biết được size của tôi để mua quần áo và giày dép ?      

Sau 4 năm học tập chuyên cần, tôi đã lấy được Bachelor’s degree, ngành kinh doanh. Thấy tôi tốt nghiệp với thành tích cao, ông Vinh để nghi tôi tiếp tục học thêm cao học. Để không phụ lòng người bảo trợ, tôi ráng cố gắng hết sức để đạt được thành quả tốt đẹp. Bốn năm nữa trôi qua, ngày ở giảng đường, tối ở thư viện, tôi lấy thêm  Master’s degree in business marketing.

Tôi được nhận vào làm ở công ty Key Results, ban Marketing Plan Development. Tôi đã giúp được nhiều khách hàng, chủ của những cơ sở kinh doanh hoặc công ty, phác họa kế hoạch để tìm thị trường tiêu thụ, tăng năng suất thu nhập, giảm mức chi tiêu để giá thành của sản phẩm xuống thấp bằng cách di chuyển công ty sang Mễ hoặc các nước Á châu như Việt Nam hay Thái Lan. Một khi tiền thuê mướn cơ sở và tiền nhân công rẻ, sản phẩm với giá rẻ, có thể được tiêu thụ nhiều ở các nước sản xuất. Cho dù có nhập ngược trở lại Mỹ, chịu thuế nhập và tiền chuyên chở, phân phối, giá thành của sản phẩm cũng rẻ hơn là sản xuất tại Mỹ. Với tình hình kinh tế hiện nay, muốn được sống còn, các chủ companies phải  nhờ Key Results giúp đỡ để tìm lối thoát cho  công ty của mình.

Tôi dọn nhà lại ở gần chỗ làm. Lần này, tôi đứng tên thuê mướn nhà và trả hết hóa đơn điện, nước, gas. Ông Vinh vẫn sống chung với tôi, vẫn lo lắng, săn sóc tôi. Nhưng ở bên ông, tôi không tìm được tình cảm thương mến, dịu dàng như ở bên mẹ tôi và già Michael. Ông lúc nào cũng xa vắng, nhiều lúc ngồi bất động ở mái hiên vườn sau nhà suốt mấy giờ liền. Tôi biết những lúc đó, ông nhớ lại dĩ vãng, nhớ lại quãng ngày sống thật hạnh phúc với vợ và con thơ. Giờ thì họ không còn nữa. Họ đã qua đời trong một tai nạn lưu thông, chỉ có mình ông là sống sót.

*

Lễ Tạ Ơn năm nay, ông Vinh đưa tôi đi gặp người bảo trợ. Tôi bồn chồn, xao xuyến ngủ không được. Không hiểu tại sao mà người ơn của tôi trong suốt 8 năm trời, bây giờ mới cho tôi gặp mặt.

Cửa mở, tôi không tin là minh đang tỉnh hay đang mơ: Daddy của tôi ngồi ở đầu bàn, trên bàn ê hề thức ăn và nước uống. Ở giữa bàn là con gà tây còn bốc khói. Bên phải tôi là vợ chồng ông giám đốc Marge Douville Fajardo, vợ chồng phó giám đốc, em gái ông. Bên trái tôi là ba nhân viên làm chung phòng: Samson Young, Yong Lee và Jennifer Mc David. Ba người này đều nhận được học bổng của hãng để đi học cho tới khi tốt nghiệp.

Tôi chạy lại ôm lấy Michael, nghẹn ngào không thốt nên lời. Già Michael ôm chặt lấy tôi: Daddy nhớ con! Nhờ có con ta mới hiểu thấu được nỗi thống khổ và cảnh cơ cực bần hàn của những người sống không nhà, không cửa trên đất Mỹ.

Qua câu chuyện hàn huyên trong bữa ăn ấm cúng và thân mật, tôi được biết già Michael chỉ là nick name. Ông là thân sinh của ông giám đốc công ty của tôi. Sau khi vợ chết và đến tuổi về hưu, ông giả dạng vào làm ở Walmart tiệm ăn. Sống với  lối sống của người cùng khổ để thông cảm và giúp đỡ những người thực sự cần giúp đỡ, nhất là những thanh thiếu niên hiếu học nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép. Ông mở rộng vòng tay đón họ, trong đó có tôi và ba người làm cùng phòng là những đứa con tinh thần của già  Michael.

*

Ai ban phước sẽ được hưởng phước báu đời đời!

Hai muơi năm trôi qua. Bà chủ quán vẫn đứng đó chờ khách, tóc bà giờ đã bạc phơ. Kẻ đi người đến, những em bé gái nhỏ ngày nào vào mua kẹo, ice cream, bây giờ đã trở thành những thiểu phụ tay bồng tay bế. Trưa nay, tiệm giặt ế khách. Tony! phải người thanh niên vẫn đứng trước cửa tiệm chờ việc làm hai mươi năm về trước đó không?

Tony bước xuống xe với 2 cậu bé cỡ chừng 10 tuổi, một da đen, một da vàng, Chúng chạy sang tiệm grocery đổi tiền coins, mua kẹo, chip và ice cream.

"Daddy! họ đứng làm gì vậy Daddy?". Cậu bé da đen hỏi 

Họ là những người tốt, họ đứng để chờ việc làm. Nếu Ricky không được ba adopt và không chịu học giỏi, lớn lên sẽ đứng đường như họ.

Ba cha con vào dãy cuối cùng của máy giặt. Họ mang theo một túi nylon nhỏ. Họ bỏ tiền vào máy giặt, giở nắp chờ nước ấm chạy đầy máy rồi cởi hết quần áo ra, quấn ngang người một chiếc khăn lông nhỏ. Họ bắt đầu trình tự : tắm khô.  Chỉ khác ngày xưa chút xíu thôi, từ lâu, Daddy của chúng đã xuất vốn giúp tiệm dry clean đứng vững, do đó hôm nay họ không cần phải lén lút khi tắm khô nữa.

Hai đứa bé thích thú với sáng kiến mới của Daddy, chạy la hét rân bần trong tiệm giặt.
 

S.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here