Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đã phát lộ một phần kho báu nhà Nguyễn

Đã phát lộ một phần kho báu nhà Nguyễn

139
0

Những kim bảo ngọc tỷ này trừ một lần triển lãm duy nhất năm 1961 tại Hà Nội thì từ bấy đến nay cứ trang nghiêm lặng lẽ ngự trong kho báu nhà Nguyễn được cất giữ tại VBT LSVN gồm những Mũ vua, Kim Bảo, Kim sách, Bảo kiếm, đồ ngự dụng, đồ thờ tự trong cung đình nhà Nguyễn…

Nói có sách…

Kim Ngọc Bảo Tỷ. Viết hoa cụm từ này có lẽ phải cậy nhờ sự chú giải của vị cao tăng Thiều Chửu Phép nhà Thanh, ấn của các quan thân vương trở lên gọi gọi là Bảo.

Từ Quận vương trở xuống gọi là ấn, của các quan nhỏ hơn gọi là kiềm ký của các khâm sai gọi là quan phòng của người thường gọi là đồ chương.

Bảo là cái ấn, con dấu. Các vua đời xưa dùng ngọc khuê ngọc bích làm cái ấn, cái dấu. Nhà Tần gọi là Tỷ nhà Đường đổi lại là Bảo (Thiều Chửu, Hán Việt từ điển, NXB Tp Hồ Chí Minh, trang 71 & 150).

Trong bài “Kho báu nhà Nguyễn hiện thời ra sao?” đăng trên Tiền Phong cuối tuần (ngày 14-8-2009), chúng tôi cũng chỉ mong muốn bâng quơ đại loại: Nếu chưa làm được việc triển lãm rộng rãi, thiển nghĩ nên sớm có một vựng tập về kho báu nhà Nguyễn.

Dám chắc hàng chục món kim ngọc bảo tỷ trong kho báu quốc gia, ngoài một số nhà chức việc do có quan hệ công việc được quan chiêm lẫn được sờ vào hiện vật, tính tới thời điểm này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Vậy nên, sẽ như thế nào nếu một bộ vựng tập lần đầu tiên, tất cả các thứ kim ngọc bảo tỷ từ ấn vàng ấn ngọc, kim sách vv… của nhà Nguyễn được công bố?

Không được sờ vào hiện vật nhưng nội những tấm ảnh chụp chi tiết hình dáng các loại ấn với những mặt trên, núm, mặt đế, dấu kiêm lời giới thiệu chi tiết… cũng mang lại cho người xem bao nhiêu là sắc thái biểu cảm!

Với điều kiện, kỹ thuật in ấn như nước ngoài vẫn làm nhằm giới thiệu quảng bá rộng rãi sự độc đáo tinh khéo, hội đủ những giá trị nhân văn lịch sử về các giai đoạn thời kỳ nhà Nguyễn (hiện tại đối với xứ mình không khó) chắc chắn sẽ đáp ứng rộng rãi nhu cầu chính đáng của rất nhiều người!

Mong rằng là tại sao chưa chứ chả phải tại sao không?

Những tưởng cũng chỉ là thuận miệng than tiếc suông vậy, nhưng cũng tình cờ, trong cái đêm làm các thủ tục hoàn táng vua Lê Dụ Tông để di dời vào Thanh Hóa, tại khuôn viên Bảo tàng Lịch sử, trong lúc chuyện vãn, Tiến sĩ khảo cổ học Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã hé ra cái tin, những phần việc cuối của một bộ vựng tập tất cả các món kim ngọc bảo tỷ của nhà Nguyễn đang được khẩn trương tiến hành!

Nghe vậy thì cũng chỉ biết vậy bởi đây là cái việc chả thể mươi bữa nửa tháng như quy trình ấn hành một cuốn sách bình thường!  Tuy chả phải là kim sách nhưng cũng là một ấn phẩm đặc biệt. Nếu mà hội đủ những sắc và diện của hàng chục món đồ ngự bảo chắc cũng phải lâu lâu?

Nhưng thật bất ngờ, bữa mới đây, ông bạn đồng môn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Viện Phó viện Hán Nôm nhắn đến chơi… Trên bàn làm việc của TS chĩnh chiện một cuốn sách khổ lớn màu tía ngả vàng sang trọng dày cộp có cái tên Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam (KNBT…).

Qua tờ bìa cứng, những trang nuột nà (230 trang, khổ 21×29,7 cm) dần dà hé lộ các phần chính yếu của cuốn sách gồm nhiều mục Chữ viết tắt; Niên biểu triều Nguyễn; Danh mục 85 món Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn; Tài liệu tham khảo; Bản ảnh; Bản dập và phần dịch ra tiếng Anh vv…

Trước nay vẫn phong thanh bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của triều đình Huế những vàng 10, những bạc, bạc mạ vàng, những bích ngọc, bạch ngọc, thanh ngọc, ngà…,  loại có tuổi vàng thấp nhất cũng 8,5, nhưng bây giờ khá là ấn tượng khi tận mắt ngó những bản chụp khá đạt được thể hiện trong cuốn Kim bảo ngọc tỷ…

Tôi để ý đến 3 vị tiến sĩ trong nhóm tác giả. Đó là Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật quốc gia; TS Phạm Quốc Quân, GĐ VBTLS Việt Nam, Ủy viên hội đồng giám định cổ vật quốc gia và TS Viện phó Viện Hán Nôm Nguyễn Công Việt.

Chia vui với người bạn đồng môn có tên chung trong nhóm tác giả biên soạn cuốn sách quý này, tôi thầm nghĩ, chả phải ngẫu nhiên mà TS Nguyễn Công Việt xuất hiện ở đây mà là có duyên do cả.

Được ngồi thêm với TS Phạm Quốc Quân,  được biết, ông đã ấp ủ ý định ra sách này từ lâu nhưng chưa có điều kiện. TS cho biết thêm, ngay từ năm 1962, để đảm bảo an toàn cho bộ sưu tập của kho báu nhà Nguyễn đồng thời là bảo vật quốc gia,  BTLSVN đã chuyển giao sang bảo quản tại kho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm 2007, BTLSVN lại hoàn tất việc tiếp nhận với đầy đủ trọn vẹn về số lượng các bảo vật nhưng cũng đặt ra các vấn đề bảo quản tu sửa và phục hồi cũng như công tác nghiên cứu lập hồ sơ bước đầu cho bộ sưu tập. Bộ sưu tập chủ yếu là của vua và hoàng tộc.

Mỗi bảo vật mang tính cung đình và độc bản. Bao gồm Mũ vua, Kim Bảo, Kim sách, Bảo kiếm, đồ ngự dụng, đồ thờ tự trong cung đình nhà Nguyễn… với nhiều văn tự chứa đựng những giá trị văn hóa của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, bên cạnh công tác bảo quản, tu sửa phục hồi BTLSVN sẽ còn tiến hành nhiều công trình nghiên cứu dịch thuật giải mã cho từng đối tượng nghiên cứu…

Chính vì vậy, cuốn sách KNBT… là ấn phẩm mở đầu trong chương trình nghiên cứu của BTLSVN đối với bộ sưu tập quý hiếm này đồng thời cũng là công bố bộ sưu tập theo định hướng truyền thống như một phương cách quảng bá lịch sử văn hóa nước nhà tới du khách trong và ngoài nước.

Cũng lắm công phu

Hoàng đế tôn thân chi bảo, Kim ấn lớn nhất thời Minh Mạng, được chế tác từ 234 lượng vàng
Hoàng đế tôn thân chi bảo, Kim ấn lớn nhất thời Minh Mạng, được chế tác từ 234 lượng vàng

Sau nhiều lần bộ ba nhóm tác giả bàn soạn, mãi đến đầu năm 2009, công việc mới được nhúc nhắc tiến hành… Không ồn ào và tuyệt nhiên không có thông tin nào trên mạng lẫn các phương tiện thông tin đại chúng. Lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt, các tác giả và các cộng sự đã quyết định đẩy nhanh tiến độ lấy đây là công trình của VBTLS Việt Nam chào mừng Đại Lễ ngàn năm Thăng Long.

Trong câu chuyện, TS Phạm Quốc Quân cũng thổ lộ sự phân vân rằng, với 85 tiêu bản tập trung vào Kim Bảo Ngọc Tỷ tuy chưa phải là toàn bộ tư liệu về bộ sưu tập ấn chương Việt Nam phong phú tại VBTLS đang lưu giữ (đã và đang được nghiên cứu và xuất bản trong tương lai gần) thì ngay trong ấn phẩm này, sự khảo cứu của nhóm tác giả chưa hẳn đã làm thỏa mãn bạn đọc!

Có lẽ ông GĐ tiến sĩ này khiêm tốn vậy chứ trong câu chuyện, tôi được biết, mặc dù cuốn sách KBNT… mới chỉ phát hành trong thời gian ngắn, các tác giả đã nhận được nhiều ý kiến tốt lành, trước nhất là từ các đối tượng nghiên cứu trong và ngoài nước vốn hằng quan tâm đến lĩnh vực này.

Như Trung tâm di tích cố đô Huế, cán bộ nghiên cứu ở một số bảo tàng, thư viện, một số học giả… Bà Chủ nhiệm Tạp chí Nghệ Thuật Á Châu cũng gửi đến các tác giả những lời sẻ chia nồng ấm…

Xin trở lại với ông bạn đồng môn TS Nguyễn Công Việt. Như đã nói, không phải ông tình cờ là đồng tác giả cuốn sách này… Một trong những người khai sơn phá thạch môn Ấn chương học Việt Nam, TS Nguyễn Công Việt đã có nhiều công trình nghiên cứu về ấn chương trong đó có cuốn Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX dày hơn 500 trang khổ lớn do NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2005.

Công trình nghiên cứu này đã được GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện khảo cổ học Viện KHXH Việt Nam nhận xét Về bộ môn Ấn chương Việt Nam thì đây là công trình đầu tiên không có gì có thể so sánh được.

Có thể nói trong cuốn sách, TS Nguyễn Công Việt đã góp phần thăng hoa công trình nghiên cứu nhiều năm về kim ngọc bảo tỷ nhà Nguyễn của hai TS Nguyễn Đình Chiến và Phạm Quốc Quân.

Kiến thức phong phú về ấn chương cộng với việc nắm vững các loại kim bảo từng giai đoạn vua Nguyễn đã khiến những trang chú giải về 85 món kim bảo ngọc tỷ của các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam mặc dù phải tuân thủ việc cô đọng vắn tắt phải trói voi bỏ rọ nhưng khá sinh động, hấp dẫn.

Thử lẩy ra một đoạn. Chả hạn về chiếc ấn của bà Hoàng Thị Cúc (Đoan Huy Hoàng Thái hậu, mẹ vua Bảo Đại). Ấn được đúc bằng bạc mạ vàng, hai cấp hình vuông, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng miệng ngậm ngọc lưng cong đuôi xoáy bốn chân thăng bằng, móng quắp. Lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán Sứng trọng ngũ thập ngũ lạng. Bảo Đại bát niên nhị nguyệt cát nhật phụng chú (Cân nặng 55 lạng.

Phụng mệnh đúc ngày lành tháng 2 năm Bảo Đại thứ 8, 1933). Mặt ấn đúc nổi 6 chữ triện trong ô viền Đoan Huy Hoàng Thái hậu bảo (Bảo của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu). Kim bảo này do vua Bảo Đại cho đúc để tôn phong mẹ đẻ. Bà là con gái của Thái Thường Tự Khanh Nghi quốc công Hoàng Văn Tích.

Bà sinh ngày Mồng 8 tháng Giêng năm Canh Dần (28-1-1890), được tuyển vào hầu vua Khải Định lúc ông chưa lên ngôi còn mang tước Phụng Hóa Công. Năm 1913, bà sinh ra công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại). Năm 1917, bà được phong Tam giai huệ phi. Năm 1918, được phong Nhị giai Huệ phi.

Sau khi vua Khải Định mất, Bảo Đại lên nối ngôi tôn phong bà là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu vào ngày 25 tháng 2 năm Quý Dậu (ngày 20-3-1933) và thường được gọi tôn xưng là bà Từ Cung. Bà mất ngày 3 tháng 10 năm Canh Thân (10-11-1980) tại Huế. Thọ 91 tuổi.

Điều thú vị là các tác giả cuốn sách cũng thẳng thắn chú rằng Kim ấn này đã bị kẻ gian lấy cắp năm 1961 nhưng đã được công an thành phố Hà Nội truy tìm và thu giữ lại. Trên lưng ấn còn nhiều dấu vết cắt phá của kẻ gian!

Trong bài viết Kho báu nhà Nguyễn hiện thời ra sao trên Tiền Phong cuối tuần ra ngày 14-8-2009, chúng tôi đã đề cập đến chiếc kim ấn Hoàng đế Chi Bảo mà khi thoái vị, vua Bảo Đại đã trao cho chính quyền cách mạng.

Thật thú vị khi bạn đọc được biết thêm lời chú cũng khá thẳng thắn trong cuốn Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam như sau (trang 49-50): Kim Ấn Hoàng Đế Chi Bảo là chiếc ấn vua Bảo Đại trao lại cho đại diện chính quyền cách mạng năm 1945.

Chiếc ấn do bà đầm Monique Baudot, vợ vua Bảo Đại lưu giữ. Ấn được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 4 (15-3-1823). Quai ấn hình rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, vây lưng và đuôi dựng đứng, chân rồng có 5 móng.

Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán Thập tuế hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (vàng 10 tuổi nặng 210 lạng 9 tiền 2 phân – khoảng 7,8 kg)  Minh Mệnh tứ niên nghị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ lành ngày 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 4, 1823).

Một lời chú khác (trang 23) hệt như lời thở dài đau đớn của những nhân viên trông coi việc phất thức của triều đình (Phất thức: Hằng năm vào ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, Triều đình tiến hành Lễ Phất thức.

Phất thức là mở hầm chứa kho báu kim ngọc bảo tỷ lấy tất cả các thức ra để kiểm điểm và quét bụi bặm lau chùi thật sạch rồi lại cất vào hầm khóa lại. Làm những việc này, các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ Phất thức và phải tự mình làm lấy mọi việc đưa ra cất vào dọn dẹp lau chùi)

Năm 1823, nhà vua đã cho đúc Kim bảo Hoàng đế chi bảo bằng vàng 10 tuổi 2 cấp hình quai hình rồng cuộn ngồi xổm vuông 3 tấc 2 phân dày 5 phân, lại dùng vàng 8 tuổi đúc Kim Bảo Minh Mệnh thần hàn một cấp quai hình rồng. Đáng tiếc cả hai kim bảo nay đều không còn.

May mắn vẫn còn hiện hữu trong kho báu VBTLSVN chiếc kim ấn được coi là lớn của thời Minh Mệnh. Đó là kim ấn Sắc Mệnh Chi Bảo. Ấn được đúc bằng vàng mười, 2 cấp hình vuông quai rồng cuộn ngồi xổm đầu ngẩng, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa chân rồng 5 móng, lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán Thập tuế hoàng kim nhị bách nhị thập tam lạng lục tiền (Vàng 10 tuổi nặng 223 lạng 6 tiền – khoảng 8,3 kg) Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo (đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, 1827).

Một kim bảo khác cũng vào trào Minh Mệnh nhưng hoành tráng hơn. Đó là kim ấn Hoàng đế Tôn Thân Chi Bảo. Ấn vàng 2 cấp hình vuông. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Thập bát kim, trọng nhị bách tam thập tứ lạng tứ tiền tam phân (Vàng 10 tuổi, nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân, khoảng 8,7 kg) Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo (đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, năm 1827).

Có lẽ đây là chiếc kim ấn có kích thước và trọng lượng lớn nhất trong kho báu quốc gia được miêu tả trong sách Kim Bảo Ngọc Tỷ… Cao 11cm1, cạnh mặt ấn cao 13cm77, dày 2cm68.

Cũng còn gờn gợn điều gì…

Tạm gấp lại cuốn Kim Ngọc Bảo Tỷ  của Hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam tự dưng thấy gờn gợn cái gì… Chả phải như lời ông Giám đốc VBTLSVN là sách đang mới dừng ở Kim Ngọc Bảo Tỷ chứ chưa ôm xuể những Mũ vua, Kim sách, Bảo kiếm, đồ ngự dụng, đồ thờ tự trong cung đình nhà Nguyễn.

Lại lật lại phần bản dập các mặt ấn. Mặc dầu đã được in mầu nhưng các mặt ấn của kim bảo ngọc tỷ nom cứ dài dại thế nào? Tự dưng bừng giật thột cảm giác khi được tận mắt ngó nhiều bản sắc phong.

Trên những tấm sắc phong một số triều đại nhiều nhất vẫn là thời Nguyễn những bản mặt ấn của vua sao trông sinh sắc sống động dường ấy? Mà cũng cùng là thời Nguyễn, Triều Nguyễn cả? Ngó kỹ những bản dập mặt ấn được in trong sách KNBT… cứ thấy kém hồn cốt thế nào?

Chợt nhớ, một chuyên gia về ấn chương từng cho hay, thuở áp triện lên các tấm sắc phong ấy người ta dùng chu sa (chu: loại đá màu đỏ son nghiền nhỏ trộn với sa: thứ đá nhỏ lẫn cát cũng màu đỏ. Nhà Nguyễn kỵ húy chu đổi thành châu. Khi vua dùng thứ văn phòng tứ bảo này sau khi lưu bút gọi là châu phê).

Lại nữa, những thứ sắc phong cao cấp chả hạn như những đền chùa miếu mạo thờ những nhân vật thần vật linh thiêng cỡ Thượng đẳng thần, ngoài dùng chu sa ra, người ta còn dùng thứ ngọc thường nghiền nhỏ trộn với chu sa nên sắc mặt triện dẫu đã hàng thế kỷ mà trông vẫn tươi tắn hồn cốt!

Lại lẩn thẩn nghĩ thêm, công phu những giấy in, bản ảnh, bản dập… này khác cho cuốn Kim Ngọc Bảo Tỷ…  nghe đâu nếu bán giá bìa trên thị trường sách cũng phải tròm trèm 600.000 ĐVN/cuốn.

Sắm được con trâu sao lại tiếc cái thừng? Khoản chu sa có lẽ cũng không phải là quý hiếm đến độ tìm không ra mà phải dùng thứ mực dấu đang bày bán nhan nhản trên thị trường để phần bản dập mặt ấn kém tươi bớt sang đi như thế?

Cũng liều mà bàn góp như thế hy vọng lần xuất bản sau sách sẽ sang hơn? Sẽ hữu hiệu hơn một phương cách quảng bá lịch sử văn hóa nước nhà tới du khách trong và ngoài nước.

Chả phải là được voi đòi tiên, nhưng dám chắc trong thâm tâm của đông đảo bạn đọc, một cuộc triển lãm trưng bày hoành tráng 85 món kim ngọc bảo tỷ cùng kim sách và đồ ngự vàng bạc châu báu của nhà Nguyễn sẽ được trưng bày nay mai sống động phong phú trong nhỡn quan của người xem thay vì cuốn sách Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và vương hậu triều nguyễn Việt Nam! Sách dẫu quý nhưng ngàn vạn nghe xem không bằng một thấy? Tận những năm 60 còn làm được một cuộc trưng bày, triển lãm nữa là?

Sắp tiết Thanh Minh năm Dần

 (Tiền Phong)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here