Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cuộc đời có trả có vay

Cuộc đời có trả có vay

187
0

Cuộc đời có trả có vay là quy luật, như không khí hít vào thì phải thở ra, còn hít vào nhưng không thở ra được coi như chết. Bệnh nhân cảm thấy khó thở phải nhờ máy trợ thở nên hơi thở quý lắm, không biết thở xem như cái xác không hồn. Người cõi dương qua đời thiếu phước duyên khi qua đời sinh về cõi âm và sống dưới hình thức khác. Nói thế giới bên kia cho dễ gọi, thực ra vong linh không phải là người chết mà đang thực sự sống và cũng chẳng có ai là ma, vì không thấy được vong linh nên cảm tưởng đó là ma. Thực ra ma tính là yếu tố xấu xa có mặt bên trong chúng sinh, do không tu tập nên nó phát khởi, làm chủ và lấn át nhân tính của mình. Vậy người cõi dương có thể là một con ma hay quỷ dữ đội lốt người và làm nô lệ cho các tà dục của mình. Khi vong linh biết tu tập, nghe kinh, giữ giới, kính trọng người tu hành, và trả nghiệp, họ sẽ đủ phước duyên tái sinh làm người, làm chư thiên hay về cõi trời, tức là được siêu thoát. Tuy nhiên dù sinh về cõi trời nào, họ vẫn sống trong luân hồi sinh tử, chịu đau khổ, hết tạo nghiệp rồi đến trả nghiệp, say sưa trong tà dục mãi không thôi. Muốn thoát khỏi sự tái sinh, mình phải tu tập, tự thắp đuốc lên mà đi, không thể người khác tu mà mình đắc đạo cả. Một nhạc sĩ tài hoa Việt Nam được đề cập ở trên khi chết sinh về cõi âm và sau bao năm chịu khổ, ông đã sinh về cõi trời, đến khi hết phước duyên và cũng đủ phước duyên, có thể tiếp tục con đường sinh tử luân hồi của mình. Nhìn một bông hoa, có khi nó là hoa, có khi nó là rác và dù hoa hay rác, nó đều biết cống hiến cho sự sống. Nếu mình ở cõi dương hay cõi âm, không sao cả, không kiêu ngạo cũng không sợ hãi, vấn đề là phải biết thực tập hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

Trả vay là quy luật của nhân quả, tức là đã vay cái gì thì phải trả cái đó, còn vay mà không trả sẽ mắc nợ, đến lúc thuận tiện nợ khó đòi sẽ trở thành oan gia, mình đau khổ vì vay không trả. Người táo bón rất khổ sở, ăn nhiều mà không đi cầu được, cái nợ chồng chất, bụng phồng to lớn. Mọi hiện tượng đều có cái nhân của nó, chớ sầu chớ trách ai, vui hay buồn là do mình, vui vì mình chất chứa những yếu tố vui, buồn vì mình chất chứa những yếu tố buồn. Buồn vui do mình chọn. Đã biết cái nhân này sẽ tạo quả xấu thì đừng có làm. Biết ăn nói cộc cằn, thô sẽ mất tình bạn thì đừng có làm như vậy. Biết bom nguyên tử cộng với tâm bạo động sẽ tạo chiến tranh thế giới thứ ba thì đừng sản xuất bom nữa và hãy thực tập tâm thanh tịnh. Biết chăm sóc cha mẹ, chung thủy vợ chồng và nuôi dạy con cái nên sẽ tạo gia đình hạnh phúc và xã hội hài hoà thì hãy làm như vậy. Biết hậu quả nghiêm trọng mà cứ làm, có phải dại dột hay không. Biết kết quả tốt đẹp mà không dám làm thì càng ngu xuẩn hơn nữa. Hãy tránh xa những nguyên nhân gây nên đau khổ và thực hành liên tục các tiền đề dẫn đến hạnh phúc. Đau khổ hay hạnh phúc là do mình, là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Đâu có ai bắt ép mình đau khổ hay hạnh phúc, tất cả đều do mình chọn rồi mình tìm mọi cách phân trần và đổ thừa. Ví dụ, hai người cùng làm một công việc, nhưng người A cảm thấy rất đau khổ còn người B hạnh phúc vô cùng. Tại sao như vậy? Người A làm mãi công việc mà không được tăng lương, không được thăng tiến, nên thấy buồn thấy thất vọng. Trong khi đó, người B hạnh phúc, thậm chí rất sung sướng vì thấy mình may mắn có việc làm trong nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng, hàng triệu người thất nghiệp và cả tỷ người bị đói. Nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình hơn được rất nhiều người.

Làm người phải biết tu tập, bằng không sẽ thật uổng phí. Nhìn người trẻ biết thực tập hạnh phúc chân thật, tôi mừng vì trong thế giới điên loạn này, vẫn còn ai đó có tấm lòng, biết chấp nhận biết hy sinh. Nếu lăn lộn trong sự ích kỷ của ham muốn tiêu thụ và ngụp lặn trong những trò chơi ảo của tà dục, mình héo hắt như một cành cây khô, thiếu nước, thiếu ánh mặt trời. Tinh thần nhiều người khô khốc và thiếu sinh lực đến nỗi họ không còn khao khát sự sống rồi đẩy bản thân đến tận cùng của xã hội. Người như vậy tội nghiệp lắm. Nếu biết tu và kể từ khi khởi ý niệm thực tập, họ bắt đầu tiếp xúc với hạnh phúc ngay tức khắc, không phải đợi mười năm hay kiếp sau. Muốn hạnh phúc thì thực tập ngay bây giờ, tại sao phải đợi có thì giờ, có bạn tu, có kiếp sau? Người tu không bao giờ sợ lỗ mà rất lời, lời to nữa đằng khác. Họ đem cái lời chia chác cho mọi người và làm nơi nương tựa cho không biết bao nhiêu người. Ngày đi tu, tôi thấy mình là người may mắn bậc nhất, đi từng bước chân thảnh thơi không bon chen không kỳ thị, tôi là người hạnh phúc bậc nhất, buông bỏ mọi ý niệm về đúng sai hơn thua được mất, tôi là người an lạc bậc nhất. Cho tôi một núi vàng để đổi lấy sự căng thẳng, bất an, trầm cảm, thất vọng, tai nạn, tôi cũng không thèm. Cái mà tôi thèm nhất là làm sao sống sâu sắc trong hiện tại, tiếp xúc với thực tại cùng tột và an nhiên trong sự tao loạn. Bất cứ ai cũng có khả năng tu tập, vấn đề là mình có chịu hay không thôi. Mình mua cuốn kinh về nhưng không chịu đọc, cuốn kinh chỉ là mớ giấy lộn, đọc rồi nhưng không chịu hành, bài kinh chỉ là mớ lý thuyết suông, hành mà không có hạnh phúc là hành sai, có hạnh phúc mà không chia sẻ thì ích kỷ quá, chia sẻ mà kiêu ngạo thì lúc đầu thỉnh cuốn kinh đó về làm gì. Thì giờ thấm thoát như tên bay, dù có nói mỏi cả miệng, mệt cả lưỡi, tan cả răng, tôi vẫn sẽ tiếp tục khuyến tấn bản thân và mọi người tu tập.

Đối tượng có cơ hội thực tập nhiều nhất chính là chúng sinh, ngay quả địa cầu hay cõi Ta Bà. Đừng đợi sinh về cõi trời, giàu có, già cả hay khoẻ mạnh mới thực tập. Đã là chúng sinh thì còn tạo nghiệp và trả nghiệp, vậy hãy thực tập thế nào để không còn tạo nghiệp nữa, lúc đó mới mong giải thoát. Chờ đợi tha lực tiếp dẫn mình về tây phương cực lạc, thiên đàng hay cõi nào nghe có vẻ xa vời quá. Sao không tự tạo ra cõi cực lạc cho riêng mình. Chỉ cần nắm lấy hơi thở, quay về thực tại, nhận diện cái đang là, mình đã là một cõi tây phương và đem lợi lạc cho nhiều người. Một học trò trường Cao đẳng Kent nói với tôi, thầy đi tu cho giỏi mai mốt về độ tụi con. Trời, sứ mệnh của tôi to lớn vậy sao. Đừng có đợi người khác tu xong rồi mình mới tu vì tu như thế nào mới gọi là đủ. Tu không phải là trốn chạy sự sống mà là tiếp xúc với sự sống hay nhất. Quí vị ở trong đời có dám khẳng định mình là người sống sâu sắc nhất không, trong đời quý vị đã bỏ qua biết bao điều mầu nhiệm và hạnh phúc hay không? Khẳng định như vậy chỉ làm quý vị dính mắc và đau khổ đến nhanh như vũ bão vì kẹt vào lời tuyên bố của mình. Khi nói, làm hay nghĩ điều gì, mình phải cân nhắc thật kỹ vì mỗi hành vi đều có thể tạo nghiệp, dù thiện hay bất thiện. Muốn giải thoát, nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện cũng không tham cầu vì người giải thoát không níu kéo nghiệp nữa. Điều này không có nghĩa là mình thờ ơ với nghiệp mà ngược lại nhận biết nó một cách đơn thuần để chấp nhận chứ không hoà tan vào nó vì thực ra có gì gọi là nghiệp đâu. Tính chân không của nghiệp nói lên điều đó, tức là vô thường, không nắm được, không kêu gọi được. Dù sao đi nữa, nghiệp thiện vẫn hay hơn nghiệp bất thiện và mình có tiến triển hay không là nhờ vào việc hành thiện liên tục, đồng thời tránh xa, từ chối mọi lời mời tạo nghiệp bất thiện. Người không tin vào nghiệp làm bậy rất mau, không ghê sợ tội lỗi và phạm giới không gớm tay.

Hai loại nghiệp mình cần hiểu rõ là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là đơn phương mình tạo nghiệp và đơn phương mình trả quả. Một ngàn sinh viên kinh tế tốt nghiệp ra trường nhưng chỉ có ít nhất một người làm lãnh đạo trong khi những người còn lại chỉ làm nhân viên hay làm công cho người khác. Cộng nghiệp là một nhóm người có những nghiệp giống nhau hay tương tự nhau đã từng tạo ra đến lúc phải trả. Sóng thần, động đất, núi lửa, bão tố, lũ lụt, cháy nổ, chiến tranh… xảy ra cho một nhóm người mà không xảy ra cho nhóm người khác vì nhóm người trước đã từng tạo nghiệp bất thiện với nhau hay với người khác. Không ai có thể chạy lên mây, vào rừng sâu hay lặn xuống biển để tránh nghiệp nhân quả vì nghiệp đi theo mình như hình với bóng, thậm chí ăn sâu vào mình nhiều hơn bóng. Người không học hành gì nhiều nhưng kính trọng Tam Bảo, hiểu rõ luật nhân quả và cam kết thực tập hành vi thiện, người này khôn ngoan, biết trân quý sự sống. Ngược lại, người làm chức cao vọng trọng, bằng cấp địa vị đủ thứ nhưng không dám công nhận luật nhân quả, thường xuyên tạo nghiệp bất thiện, người này dại dột và xa rời sự sống. Không nên ngồi than vãn, so đo hay phân bì vì sau người khác hưởng phước nhiều quá còn mình suốt đời gặp rủi ro, ở hiền mà chẳng gặp lành hay cùng một cộng đồng mà người kia sung sướng trong khi mình lam lũ cơ cực. Tuy nhiên, với người biết tu tập thì dù rủi ro hay sung sướng vẫn thấy hạnh phúc như nhau, còn làm việc thiện để cầu mong được quả thiện, việc làm đó tầm thường thôi. Mình hưởng phước đời này vì trước đây đã tạo phước lớn nhưng đời này chỉ biết hưởng phước không chịu tiếp tục tạo phước thì cái gì xài hoài cũng sẽ hết, nghiệp xấu phải trả là chuyện đương nhiên. Làm phước nhiều bao nhiêu cũng không bằng công đức tu tập vì tu tập sẽ mang đến sự giải thoát rất mau, còn phước đức vẫn mang tính vô thường.

Nhân có thể cho quả nhãn tiền hay quả đời sau. Quả nhãn tiền là nhân cho quả ngay tức khắc còn quả đời sau là kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa, quả mới biểu hiện. Điều này chứng minh cho người ở hiền nhưng không gặp lành vì hiện tại đang trả nghiệp xấu, ở hiền là nhân mới nhưng lâu sau mới có quả. Dù vậy, ngay lúc ở hiền người đã có hạnh phúc, không đợi đến đời sau, chỉ có điều người đang chìm đắm trong đau khổ nên không biết mình đang hạnh phúc và nhờ ở hiền nên quả xấu giảm đi mức độ ít nhiều. Nghiệp tạo ra thế giới này nên cái mình suy nghĩ, hành động hay nói ra tạo ra cả thế giới. Mình là một thế giới hay một vũ trụ, mình kiến tạo thế giới hay vũ trụ của mình. Nếu mình tầm bậy, thế giới của mình là thế giới tầm bậy. Nếu mình đàng hoàng, thế giới của mình là thế giới đàng hoàng. Có thể người khác nhìn thấy hành động và nghe lời nói của mình nhưng khó mà đọc được suy nghĩ nhưng nhìn vào hành động và lời nói, họ biết mình suy nghĩ cái gì. Vì vậy phải cần trọng hết sức, kể cả suy nghĩ. Chỉ mới suy nghĩ hay tính toán thôi, chưa hành động, chưa nói gì, mình đã tạo nghiệp rồi. Suy nghĩ thiện tạo nghiệp thiện, suy nghĩ bất thiện tạo nghiệp bất thiện và chẳng suy nghĩ gì thì nghiệp không tạo. Chẳng suy nghĩ không có nghĩa là trống không mà biết rõ mình đang suy nghĩ điều gì, ý thức rõ tình trạng của suy nghĩ, không để cho nó kéo đi. Nhận thức về nghiệp có thể khác nhau nhưng bản chất của nghiệp không hề khác nhau và bản chất của nó là không. Chẳng có gì gọi là nghiệp cả, chỉ vì con người đặt tên cho nó chữ nghiệp mà thôi, nhưng nếu lý giải người này khác người kia là vì nghiệp của họ khác nhau, nếu trả hết nghiệp và không tạo nghiệp mới, có phải mọi loài đều giống nhau, đều cùng một bản thể hay không. Không biết nghiệp, không tin nhân quả nghiệp báo, người sẽ sống hấp tấp, vội vã, không ghê sợ tội lỗi, sẵn sàng sống hưởng thụ và tiêu diệt ngay đồng loại của mình. Luật nhân quả không do đức Phật hay đấng thần linh nào đặt ra, mà là quy luật tự nhiên của vũ trụ, đức Phật chỉ là người khám phá ra mà thôi.

Con người có nhân duyên nên mới gặp nhau như trước đây đã gieo nhân thì bây giờ phải gặp quả. Mình là con của cha mẹ, sinh ra ở Việt Nam, nói tiếng Việt, gặp gỡ người này người kia đâu phải do mình chọn, do Chúa hay đấng thần linh nào sắp đặt đâu, tất cả đều nhân duyên định sẵn. Như nước gặp sức nóng và bốc hơi, gặp sức lạnh thì đóng băng. Nếu nói do mình sắp đặt thì khi bị bệnh, mình kêu thân thể đừng bệnh nữa có được không. Hay là đang nói tiếng Việt, mình bảo thôi đừng nói tiếng Việt nữa, nói tiếng Pháp đi, chắc không được. Muốn nói tiếng Pháp phải đi học tiếng Pháp, tức là cung cấp điều kiện đầy đủ, mình mới nói tiếng Pháp được. Khi còn duyên với nhau, mình sống chung, học chung, làm việc chung, nhưng khi duyên hết, mình không gặp gỡ nhau nữa. Người sống nơi môi trường trong lành vì từng có duyên với môi trường trong lành, tức là đã từng biết trồng cây, bảo vệ động vật, chăm sóc hoa cỏ, giữ gìn nguồn nước, đối xử thân thiện với thiên nhiên. Cái duyên này khiến họ đi đâu cũng gặp môi trường thuận lợi, chuyển nhà, xây nhà hay đi du lịch đều đến được nơi an toàn, khí hậu mát mẻ, hoa nở chim hót và gặp gỡ hay sống chung với những người có quan điểm bảo vệ môi trường như mình. Còn người chỉ lo khai thác, xâm chiếm, tàn hại hay gây ô nhiễm, họ sẽ tạo cái duyên ô nhiễm, cái duyên này khiến họ sống trong môi trường ô nhiễm, lụt lội, đi đâu cũng gặp phải cảnh hôi thối, sống chung với người chỉ biết gây thêm tình trạng ô nhiễm. Cái gọi là duyên đó không ai ban phát cho mà do mình tạo ra, dính vào nên thường xuyên bị điều đó ám ảnh, bao vây và chôn chặt. Mình mong gặp người thương nhưng người ấy cứ mãi xa lánh hay tránh mặt mình, thực ra đó là do điều kiện chưa đủ để thấy nhau mà thôi. Lớp học có 40 học sinh đều nghe cô giáo dạy về bài Tây Tiến nhưng chắc chắn 40 cái đầu sẽ hiểu bài ở mức độ khác nhau, đơn giản vì họ có hoàn cảnh khác nhau nên điều kiện am hiểu cũng khác nhau. Tuy vậy, họ có duyên là cùng học một lớp, cùng trường, cùng cô giáo, cùng học một bài.

Vậy khi còn gặp gỡ thì hãy trân quý sự có mặt của nhau. Có mối liên hệ huyết thống không có nghĩa mắc nợ hay trả nợ mà thực tập thương yêu hết lòng. Người trẻ có dự án hay bạn bè riêng quên đi sự có mặt của cha mẹ, đến khi cha mẹ mất rồi mới cảm thấy hối tiếc và đau khổ. Người lớn lo công danh sự nghiệp, đằng đẳng tháng ngày, quên bẵng mình đang có những đứa con thơ, đến khi sực nhớ thì chúng đã đi theo băng đảng hay lạc vào thế giới ảo. Khi ngồi ăn cơm, mình xem ti vi, đọc báo, nghe nhạc hay nói chuyện điện thoại, bỏ mặt người thương bên cạnh, lúc họ bất thình lình ra đi thì tự trách mình hồi đó sao lại nông nổi rồi ngồi than vãn bằng những câu bắt đầu bằng “phải chi…”. Thường xuyên có mặt cho người thương, hỏi han, chăm sóc, gọi tên người ấy, lắng nghe và chia sẻ, đừng có đợi ngày mai, bởi vì ngày mai người ấy không còn nữa, người ấy đi xa rồi.

 

(Đạo Phật)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here