Trang chủ Vấn đề hôm nay Củng cố và phát triển ngành giáo dục Tăng Ni

Củng cố và phát triển ngành giáo dục Tăng Ni

214
0

Chúng tôi xin nêu ra đây một số điểm chủ yếu làm nền tảng cho phương hướng củng cố và phát triển ngành giáo dực Tăng Ni mà chúng tôi tin rằng nếu được thực hiện, ngành sẽ đạt những thành tựu khả quan chỉ trong vòng 5 năm và sau đó, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

1.     1.      Xác định mục đích, yêu cầu của việc giáo dục và đào tạo Tăng

Ngành giáo dục Tăng Ni có nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni thành những tu sĩ Phật giáo chân chính. Học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau giồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu.

Một trong những yêu cầu của giáo dục là tạo cho người học sự thích nghi, sự tự phát triển. Giáo dục nhà chùa không nhằm nhồi nhét kiến thức, kỹ năng của con người trong thời đại mới mà nhằm giúp Tăng Ni thích nghi với thời đại mới mỗi khi phải chung đụng với đơi. Nhưng điều cần khẳng định là giáo dục Tăng Ni là giáo dục nhà chùa, lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức,thiền định làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt.

Trung ương Giáo hội quản lý mọi sinh hoạt của các ban ngành viện, các Ban Trị sự Tỉnh Thành hội Phật giáo, các cơ sở giáo dục và đặc biệt là chư vị bổn sư của các Tăng Ni sinh cần nhất trí với chủ trương đào tạo Tăng Ni đạo hạnh, cần đẩy mạnh việc đưa Tăng Ni vào hệ thống giáo dục do Giáo hội thiết lập, cần lấy đó làm tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức vụ, giao phó công tác Phật sự. Tăng Ni sinh có thể trở thành những con người tài ba, có những đóng góp hiệu quả cho đất nước, nhưng nếu không được đào tạo trong hệ thống giáo dục của Giáo hội thì đấy không phải là đối tượng ưu tiên để được Giáo hội bổ nhiệm hay giao phó công tác Phật sự.

1.     2.      Xây dựng một hệ thống giáo dục Tăng Ni chặt chẽ, hợp lý và có hiệu năng

Hiện nay cơ sở Giáo dục của Giáo hội gồm các lớp Sơ cấp, 28 trường Trung cấp, 8 lớp Cao đẳng Phật học, 4 Học viện Phật giáo. Qua đó một số trường Trung cấp chỉ có vài chục Tăng Ni, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đặc biệt, chương trình giảng dạy dù đã được ban hành lại không được thực hiện đồng bộ, do thiếu giảng viên. Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi chương trình học và diều lệ chiêu sinh, gây ra sự bất ngờ mất cân đối tại một số trường Trung cấp Phật học và hầu như tách khỏi sự quản lý của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương. Sự liên hệ của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương với Học viện Phật giáo Nam tông Khmer vừa mới được thành lập cũng chưa được liên lạc. Nói chung , chúng ta chưa có một hệ thống giáo dục Tăng Ni chặt chẽ, hợp lý, cần phải có sự củng cố, sắp xếp như sau:

– Các lớp sơ cấp: Lâu nay tạm thời các lớp Sơ cấp được giao cho Ban Đại diện Phật giáo và trường Trung cấp Phật học tổ chức, quản lý, nay cần tăng cường và phát triển, tiến đến thành lập các trường Sơ cấp Phật học, có chương trình giáo dục đồng bộ.

– Các trường Trung cấp: Cần nghiên cứu, bàn luận để tiến đến việc tinh giản một số trường Trung cấp đang gặp khó khăn, đang có ít Tăng Ni sinh để xây dựng thành một trường lớn hơn, tiện nghi hơn chung cho một vài tỉnh lân cận trong việc giáo dục và đào tạo. Như vậy, số trường Trung cấp sẽ giảm bớt, chỉ còn lại những trường lớn, đúng tiêu chuẩn giáo dục.

– Các lớp Cao đẳng: Cần củng cố, phát triển để trở thành các trường Cao đẳng. Cấp Cao đẳng cần phải được quan niệm là một cấp chuyên ngành chứ không phải là cấp Cao đẳng Phật học như hiện nay. Nếu cá Học viện cải tiến để có chương trình Phật học chuyên sâu hơn thì việc chuyên ngành  hóa cấp Cao đẳng là rất cần thiết. Chẳng hạn, chúng ta sẽ thành lập các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Hành chánh Trụ trì, Cao đẳng dịch thuật Kinh sách, Cao đẳng hoạt động Xã hội, Cao đẳng Nghi lễ Phật giáo, v.v..Một khi đã được tổ chức tốt, đào tạo có hiệu quả, các trường Cao đẳng có thể được gộp lại thành một viện Đại học với các phân khoa như đã chuyên hóa ở các trường Cao đẳng.

– Các Học viện: Nên thống nhất chương trình giảng dạy, quy chế thi cử, tuyển sinh cho tất cả các Học viện hiện nay. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer do những đặc điểm riêng chưa thể đồng bộ thực hiện chương trình chung, cũng cần nỗ lực đồng bộ từng phần. Việc thành lập một Đại học Phật giáo là rất tốt, nhưng vấn đề tổ chức, thực hiện cần phải được thảo luận, nhất trí trong Giáo hội. Trong xu thế Nhà nước đang đẩy mạnh và phát triển nền giáo dục xã hội như hiện nay, Giáo hội cần có một hệ thống giáo dục riêng theo hình thức dân lập thì cũng nên khởi từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ con em Phật tử. Đó là chưa kể Hiến chương của Giáo hội cần phải sửa đổi cho được thích hợp, vì hiện nay Ban Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội chưa có chức năng đảm nhiệm giáo dục đào tạo học sinh, sinh viên như các trường đại học khác.

3. Áp dụng chương trình giảng dạy, cho từng cấp, từng môn học.

Chương trình giảng dạy cho từng cấp học từ Sơ cấp đến Học viện đã được vạch ra, đã thông qua Giáo hội nhưng do hoàn cảnh, điều kiện hạn chế của nhiều địa phương nên việc thực hiện chương trình chưa thống nhất và đồng bộ. Mặt khác, cũng có thể có những bất hợp lý trong chương trình, do đó cần phải tổ chức hội nghị, hội thảo, và nhất là cần có sự góp ý của những vị đang thực hiện giáo dục để chương trình có thể hợp lý, khả thi hơn, sau đó áp dụng đồng bộ tại các cơ sở giáo dục.

Một thiếu sót lớn là hiện nay chúng ta chưa có sách giáo khoa cho từng môn, từng cấp học. Đây là một công trình quy mô, đòi hỏi sự đóng góp cụ thể của các giảng viên, của các nhà chuyên môn. Ban Giáo dục Tăng Ni đã không ngừng kêu gọi các giảng viên bộ môn gửi cho các ban các tài liệu soạn thảo cho bộ môn đang được giảng dạy , để ban có thể tập hợp thành sách giáo khoa, nhưng từ mấy năm qua, chúng tôi chưa nhận được tài liệu nào. Số lượng đầu sách giáo khoa cho từng môn,từng năm, từng cấp học sẽ rất lớn, việc soạn thảo phải mất rất nhiều năm và việc in ấn cũng cần phải có một ngân khoản lớn. Công trình đòi hỏi sự đóng góp, giúp đỡ của toàn thể thành viên của Giáo hội, của Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước. Dù sao, chúng ta cũng phải khởi đầu tiến hành để sau này có thể tiến đến một hệ thống giáo trình và sách giáo khoa thống nhất, được thực hiện đồng bộ, sao cho vào cùng một thời điểm, các cơ sở giáo dục cùng cấp đểu giảng dạy một bài giống nhau đối với từng môn học.

4. Tăng cường biện pháp thúc đẩy hiệu năng giáo dục và đào tạo

a. Cơ sở vật chất và nhân sự : Trước hết, một ngôi trường phải có đông Tăng Ni sinh, cơ sở vật chất tốt và Ban Giám hiệu, Ban Giảng Huấn, nhân viên văn phòng, cũng như nhiều ban khác như Ban Giám thị, Ban Bảo trợ, Ban Kế hoạch v.v…phải gồm nhiều thành viên có kinh nghiệm, có chuyên môn.

Đặc biệt là việc tổ chức nội trú. Sinh hoạt nội trú là biện pháp tốt nhất để theo dõi việc học hành, nhất là phẩm hạnh của Tăng Ni sinh. Có nội trú, nhà trường mới giữ được truyền thống tu học nhà chùa. Chúng ta phải dứt khoát tổ chức cho được việc nội trú, phải dứt khoát xem nội trú là điều kiện tiên quyết để thành lập một trường học, không tổ chức được nội trú thì không nên mở trường.

b. Củng có hệ thống lãnh đạo, điều hành: Trung ương Giáo hội cần tăng cường việc giám sát, chỉ đạo hoạt động của ngành. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương phải có các thành viên ở các Ban Giáo dục Tăng Ni ở các Tỉnh, Thành hội có cơ sở giáo dục. Các sơ sở giáo dục cần phải báo cáo và đề nghị cụ thể về tình hình giáo dục của cơ sở cho Ban Giáo dục Tăng Ni. Thêm vào đó, chúng ta cần thành lập các Ban Thanh tra Trung ương, địa phương để giúp đỡ các cơ sở giáo dục thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Ban Giáo dục Tăng Ni phải theo dõi các hoạt động của các cơ sở giáo dục, không để tình trạng tự phát, tự ý thay đổi quy định chung. Lại nữa, cần tiến đến tổ chức các kỳ thi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng đồng bộ vào cùng một thời điểm, đề thi đồng nhất cho từng cấp, từng môn học trong tất cả các cấp học.

c. Vận động thành lập Quỹ giáo dục Tăng Ni và kêu gọi sự giúp đỡ trang bị giáo dục.

Mọi hoạt động đều cần có tài chính, nhất là đối với việc phát triển cơ sở, sinh hoạt giáo dục. Ban Giáo dục Tăng Ni sẽ xin Trung ương Giáo hội giúp đỡ, tạo điều kiện để Ban có thể vận động tài chánh, gây quỹ giáo dục nhằm phụ trợ chi phí cho các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra , qua liên hệ quốc tế cũng như vận động trong nước, chúng ta  có thể xin các tổ chức, cơ quan thân hữu, các cá nhân thiện tâm giúp đỡ các trang thiết bị phục vụ giáo dục  để các trường Phật học của chúng ta ngày một hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất.

Mỗi Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc là mỗi cột mốc đánh dấu một chặng đường phát triển và thành tựu, mở đầu một nhiệm kỳ mới với những kế hoạch phát triển mới. Trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN xin kính trình Đại hội bài tham luận này, kính mong được xem xét, được thuận ý áp dụng.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 48    Hòa thượng Thích Chơn Thiện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here