Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Củng cố và phát huy niềm chánh tín

Củng cố và phát huy niềm chánh tín

126
0

Thế nhưng niệm xong, cắm ba cây hương lên lư hương trên bàn thờ Phật, thì chẳng thấy Phật Thích ca là Thầy của tôi ở đâu cả; mà chỉ thấy Quán Thế Âm. Đối với Quán Thế Âm thì chúng ta lại niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” tức là “tôi xin theo hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm”. Nói là tín đồ Phật giáo mà không thờ Phật, lại thờ Bồ Tát, thì hẳn nhiên ta là tín đồ Bồ Tát giáo chứ đâu phải là Phật giáo nữa!

Hơn thế, mỗi nhà khi mới thiết bàn thờ Phật, ta thường nói “làm lễ an vị Phật”; niệm thì như vậy, ngôn thì như vậy; mà hành thì không phải vậy, vì thực chất ta đã an vị Bồ Tát Quán Thế Âm; và thiết bàn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm.

Đó là mới nói đến khía cạnh hình thức. Nếu đi sâu vào triết lý và đạo lý nhà Phật, thì ta thấy có nhiều mâu thuẫn trong việc thờ tự như vậy; nhưng không thể nói hết ở đây được. Chúng tôi chỉ xin nói rằng: Đức Phật Thích Ca đã dạy: “Nhà ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, tức là  Ngài đã cho biết: ngoài chính ta ra, không ai có thể ban phát hoặc làm cho ta giải thoát được. Trong Phật giáo cũng thường nói : “Tự giác”. Đức Phật cũng đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Như thế rõ ràng Phật là chúng sinh, mà chúng sinh là Phật.

Thế mà bây giờ, here and now, trong hàng Phật tử tại gia lại có tâm trạng. “Thờ tượng Phật tổ khó quá và cao quá, mình không đủ sức. Thờ Quan Âm dễ hơn và gần hơn; mình có sơ sót chi, không sợ mang tội”. Tại sao Phật Thích Ca là Bổn sư chúng ta đã dạy thế, mà chúng ta lại khởi niệm lệch lạc như thế? Cho nên, chúng tôi xin đề nghị chúng ta nên đem niềm chánh tín trả lại cho chính tâm thức tôn giáo của ta để thờ tự cho đúng cách, là Phật tử thì phải thờ Phật, có thờ Phật thì mới goi là “bàn thờ Phật”, “an vị Phật”, “tín đồ Phật giáo”; nếu không cứ cái đà này thì chúng ta là “tín đồ Bồ Tát giáo” mà nhất định không còn xưng là “tín đồ Phật giáo” được nữa! Xin quý liệt vị thử nghĩ: toàn bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Phật thuyết có hai mươi tám phẩm (28), bây giờ ta chỉ trì tụng độc nhất “Phẩm Phổ Môn” nói về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, và coi đó là chính; thì rõ ràng ta đã bỏ rơi hai mươi bảy phẩm lời Phật thuyết. Với cái “Tâm” gì mà ta lại có cái hành động có thể gọi là khá lạ lùng như vậy?

Trước quyển Nghi thức tụng niệm có trình bày hình tượng Quán Thế Âm; nhưng đó không phải là để cho ta thờ Quán Thế Âm, mà nhắc nhở cho ta rằng tu theo Phật giáo thì ta phải có hạnh nguyên của Quán Thế Âm, trước là “tự độ”; sau là để “độ tha”
 
Bây giờ chúng tôi xin nói qua điểm thứ hai, đó là việc treo cây cờ Phật giáo. Tâm ta thế nào thì hành động thế ấy. Tâm chính thi hành động không bao giờ sai. Mỗi mùa Phật đản; nếu có môt người ngoại quốc dưới dạng một khách du lịch ba-lô đến Huế để nghiên cứu tâm thức người tín đồ Phật giáo Huế, qua việc trang hoàng, và nếu họ theo lời dạy trong Kinh Thánh của họ “nhìn quả thì biết cây” để khảo sát; chúng tôi chắc họ sẽ hoang mang, không tìm ra tâm thức đó là thế nào cả! Bởi vì chỉ một việc treo cờ thôi, ta thấy đã có nhiều lộn xộn biểu lộ một tâm thức “gặp chăng hay chớ”. Nhà này thì treo màu xanh lên trên, nhà bên cạnh lại treo màu vàng cam lên trên, cứ thế mà phô diễn tự do. Nhà thì cắm cây Đạo kỳ bên phải, Quốc kỳ bên trái; nhà thì cắm Đạo kỳ bên trái, Quốc kỳ bên phải; có nơi lại treo hai bên hai lá Đạo kỳ, ở giữa một lá Quốc kỳ rất lớn. Chưa hết!… Sau lễ Phật đản, có rất nhiều nơi cứ để như thế cả tuần lễ, thâm chí có nơi để đến mười ngày, nửa tháng mà không cất. Mặc dầu trên các chùa và tại Trụ sở Tỉnh Giáo Hội đã cất dọn ngay sau ngày lễ. Điều này biểu lộ một trạng thái tâm lý không có chánh tín đối với Đạo Pháp đã đành, mà không có cả bổn phận và nghĩa vụ của một người công dân tốt đối với Tổ quốc Dân tộc nữa.

Trong Phật giáo có hai cách dạy và học mà chúng tôi chắc rằng người tín đồ có chánh tín, chánh niệm hẳn đã biết rõ; đó là cách dạy bằng ngôn giáo, và cách dạy bằng thân giáo. Bằng ngôn giáo là những buổi thuyết pháp, giảng kinh; người tín đồ nghe và hỏi; bằng ngôn giáo là hành động của vị Bổn sư, người tín đồ phải tự mình quan sát hành vi, cử chỉ của Thầy để học theo. Chúng tôi muốn nói đem cách học này áp dụng vào việc treo cờ Phật giáo. “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” là vậy. Nếu mình không rõ cách thức, thì trước ngày đại lễ Phật đản; hoặc là những ngày rằm, mồng một hàng tháng đến chùa, chỉ cần để tâm quan sát một chút là hiểu ngay từ trong chùa nhìn ra thì Đạo kỳ treo ở phía tay phải, Quốc kỳ treo ở phía tay trái, và nhất định là màu xanh lên trên. Rõ ràng nhất là trước hai trụ cổng đi vào Trụ sở Tỉnh Giáo hội.

Do “tâm” mình giãi đãi, không cầu học; không tìm hỏi đã đành, mà nhất là không tự mình quan sát, tự mình thu nhận. Miệng thì nói “tự giác”; mà làm thì chẳng tự quan sát, tự học hỏi tí nào; làm sao ra thực hành cho đúng được? Cũng thế, sau lễ Phật đản, ở các chùa và trên Giáo hội, đều cất cờ, hạ lễ đài, tại sao mình không nhìn để làm theo, mà lại tự ý để triền miền Đạo kỳ mặc cho tháng ngày như thế được? Hàng năm, sau ngày lễ Phật đản, thì trong Đạo chư Tăng vào hạ; ngoài Đời, chính quyền còn tổ chức nhiều lễ lượt khác. Nếu người tín đồ chân chính thì chúng tôi chắc họ sẽ làm theo Giáo hội của mình. Giáo hội treo, mình treo; Giáo hội cất, mình cất. Giáo hội làm bổn phận công dân của Giáo hội; mình theo để làm tròn chức năng và bổn phận công dân của mình. Có như thế thì người tín đồ Phật giáo mới tỏ ra mình biết vâng phục theo Giáo hội mình dạy, dù cho Giáo hôi không nói gì, nhưng mình yên lặng học theo cách Giáo hôi làm trong việc treo Đạo kỳ để tự mình đem lại chánh niệm cho chính mình. Như thế là người tín đồ Phật giáo đã thực hiện được lời Đức Phật dạy: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”, và đã báo được một trong “Tứ trọng ân” là ân Quốc gia Xã hội; vì khi cất Đạo kỳ sau lễ, là mình đã biết tôn trọng luật pháp, tôn trọng Tổ quốc Dân tộc. Nói tóm lại là mình không đưa cái của mình ra mà choán mất chỗ của thiên hạ, mất thời gian của người khác.
 
Điểm thứ ba mà chúng tôi muốn nói đến là việc cúng quảy. Trong viêc cúng quảy chúng tôi xin nói đến hai ý; cách mặc cái áo tràng màu lam và cúng đồ giấy.

Cái áo tràng màu lam là cái áo dài đặc biệt của hai chúng Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di chỉ dùng trong Phật giáo, khi lên chùa lễ Phật, hay khi tụng Kinh. Thế nhưng, hiện nay viêc sử dụng chiếc áo này xem chiều có phần lạm dụng. Chúng tôi dùng chữ “lạm dụng” là bởi vì gần như người ta không còn hiểu chính xác về ý nghĩa của chiếc áo này. Cúng gì người ta cũng mang áo tràng. Cúng đất, cúng giương sao giải hạn; thậm chí là khi kỵ tổ tiên, thắp hương ở am cô, am ngũ hành thờ trong vườn nhà, người ta cũng mang áo tràng. Đứng trước bàn cỗ cúng bàn thượng bàn hạ đầy gà, vịt, đầu heo luộc và toàn đồ mặn; tràn đầy đồ giấy mã; người ta mang cái áo tràng màu lam để lạy; có gì lạ lùng hơn? Trong hành vi này có thể xem như người ta thực hành sai trái hai ý nghĩa: thứ nhất sử dụng chiếc áo của Phật giáo không đúng ý nghĩa; thứ hai, bỏ quên quốc phục truyền thống của dân tộc. Khi cúng lạy, đàn ông mang khăn đóng, áo dài đen, quần trắng; phụ nữ, mang quần trắng áo dài Huế, nề nếp, gọn gàng. Người có chánh tín, chắc phải hiểu rõ ý nghĩa này: chiếc áo tràng dài màu lam là chỉ để lạy Phật, tụng Kinh, và trong các buổi lễ của Phật giáo như cầu an, cầu siêu; còn ngoài ra không dùng vào bất cứ một trường hơp cúng lạy nào!

Từ xưa An-Nam Phật Học Hội đã làm được việc bỏ cúng đồ giấy rồi. Thế nhưng, nay ta đã không kế tục để phát huy niềm chánh tín đó lên, mà lại phục hồi sự mê tín dị đoan này; thực khó lòng chấp nhận khi thấy niềm chánh tín bị đánh mất dần đi để nhường chỗ cho một việc làm vô nghĩa kể cả mặt tín ngưỡng tôn giáo, lẫn mặt khoa học tiến bộ trong đời sống của nhân loại.

Khi làm lễ quy y, đọc lời Tam tự quy xong, người tín đồ Phật giáo đọc thêm: không quy y tà ma ngoại đạo; mà cúng đồ giấy vàng mã thì rõ ràng là theo tà ma ngoại đạo mất rồi!

Nói thật ra, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, không có tôn giáo nào mà tín đồ của họ lại cúng đồ giấy hảo huyền như vậy. Một cái nhà lầu hai tầng bằng giấy lại không cao hơn chiều cao đôi ủng cũng bằng thứ giấy đó, cái hiện thực vô lý ấy thực khó lòng chấp nhận, khoan lý luận chi cho nhiều.

Không cần truy nguyên nguồn gốc của loại mê tín dị đoan này là ở đâu. Chỉ biết theo hiện thực thì cúng và đốt đồ giấy là một việc làm không thích hợp trong thời đại khoa học tiến bộ này. Hàng ngày trên truyền hình, truyền thanh kêu gọi trí thông minh của khách hàng để tránh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ một trong ba cái đó là phải tránh rồi; huống chi đồ giấy là loại hàng gồm cả ba; vừa nhái vừa giả vừa không có chất lượng gi, chứ đừng nói là kém. Mà số tiền tiêu vào đó đâu phải là nhỏ. “Làm ra đồng tiền chảy máu con mắt”, mà sao ta lại tiêu phí đồng tiền một cách vô lý đến thế. Cúng, đốt đồ giấy thì chỉ còn tro làm bẩn môi trường; mà không có gì cả!

Trong Kinh Kamala Đức Phật có nói: “Ta nói thế, ngươi thấy đúng thì theo mà không đúng thì thôi”, đạo Phật là tôn giáo đặt căn bản trên lý tính; tự mình làm chủ lấy mình; tự mình nổ lực tu chứng theo lời Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết dạy, để thấy con đường nên theo. Không ai ban phát, không ai thưởng phạt chi cho mình cả. Không cúng và đốt đồ giấy thì cũng không ai trách phạt chi; mà cúng và đốt đồ giấy cho nhiều thì cũng chẳng ai cho cái chi. Khi con người mất đi, thân tứ đại trở về nguyên gốc đất, nước, gió, lửa; còn nghiệp thức thì sau 49 ngày, ai nặng lắm thì đến 100 ngày là đi đầu thai luân hồi sang kiếp khác. Người tín đồ Phật giáo mà cúng và đốt đồ giấy là phản lại lời dạy của Đức Phật. “Nam mô Bổn sư” mà lại theo tà ma ngoại đạo để phản lại lời dạy của Bổn sư? Người Phật tử chân chính có chánh niệm chánh tín, chắc không ai làm thế!
 
Bây giờ chúng ta làm sao để củng cố và phát huy niềm chánh tín của tín đồ Phật giáo chúng ta?  

Trước hết, chúng con xin nhất tâm đảnh lễ Chư tôn Thiền đức ở Tỉnh Giáo hội, ở các Huyện hội và các bác Gia trưởng, cùng các ban, ngành trực thuộc Tỉnh Giáo hôi họp bàn, lên kế hoạch, tìm phương sách, mở cuộc vận động “kế vãng khai lai” tức là nối tiếp việc làm của An-Nam Phật Học Hội ngày xưa đã đạt được trong việc thờ tự đúng cách, trang nghiêm; và chấm dứt những lệch lạc trong sự cúng kiến, quyết không dùng đồ giấy; trở lại đúng Chánh Pháp mà Hòa thượng Phước Hậu, Hòa thượng Giác Tiên, Hòa thượng Đôn Hậu, Hòa thượng Thiện Siêu, và Bác sĩ Trưởng giả Lê Đình Thám cùng với chư vị tiền bối trong Việt Nam Phật Học Hội đã làm.

Tỉnh Giáo hôi Thừa Thiên Huế chúng ta hiện có ba thành tố rất mạnh để xúc tiến cuộc vận động này. Đó là chư Đại đức Tăng, Ni trong Giảng sư đoàn thuộc Ban Hoằng Pháp. Chúng tôi biết thế hệ Tăng, Ni trẻ là một thành tố rất năng động đang có những trăn trở, những thao thức muốn làm một cái gì đó cho Phật giáo khế hợp thực sự với thời đại khoa học bùng nổ và tiến rất nhanh này, một thời đại mà tâm lý và nhận thức của con người cũng thay đổi rất nhanh và đã ở tầm cao hơn trước đây nhiều, ta thường gọi là thời đại hội nhập. Nhưng có lẽ chưa đủ cơ duyên và môi trường sao đó, nên thành tố này chưa phát huy được tư duy của mình thành hiện thực. Nay Giáo hôi tỉnh nhà mở cuộc vận động “kế vãng khai lai” để củng cố và phát huy chánh tín, chúng tôi chắc thành tố này sẽ phát huy có hiệu lực. Thứ hai là Ban Văn hóa của Tỉnh Giáo hội. Ban này với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã hoạt động rất mạnh; nhưng thật tình chưa có hiệu quả mấy đối với bàn dân thiên hạ là tín đồ Phật giáo ở các huyện nông thôn. Điều này chắc Ban Văn hóa sẽ nghiên cứu và tiếp ứng kip thời cho công cuộc vận động củng cố và phát huy chánh tín. Thứ ba là Huynh trưởng GĐPT; nơi nào có GĐPT hoạt động, chắc chắn nơi đó sẽ dễ dàng tiếp thu ý nghĩa cuộc vận động, bởi vì bản chất của thành tố này là thực hành, không chuộng lý thuyết…
 
Người hổ trợ cho cuộc vận động này chính là bàn dân thiên hạ tín đồ Phật giáo Thừa Thiên Huế và nhất là ở Thành phố Huế. Hổ trợ như thế nào? Tự mình quay lại với chính bản tâm của mình, tự trang nghiêm chính mình và gia đình mình để thực hiện cái gì là cái Phật giáo giảng dạy, để thể hiện tính chất của người tín đồ Phật giáo là trang nghiêm, thanh tịnh; quyết tâm xây dưng nếp sống có đạo hạnh, an lành cho chính mình, cho gia đình, và cho xóm làng… và cương quyết loại bỏ cái gì không có trong Phật giáo của mình.

Chắc có người muốn hỏi chúng tôi: đạo hữu nói rứa thì nghe hay rồi đó, mà đạo hữu đã làm được chi chưa? Xin thưa ngay; người Phật tử không bao giờ để phạm một trong ngũ giới lúc quỳ trước Bổn sư để thọ giới. Đó là “bất vọng ngữ”. Chúng tôi cũng như chư vị đạo hữu thôi, nhưng chúng tôi đã thực hiện được nhờ Quý Ôn chỉ dạy và chính mình nổ lực để thực hiện học theo lối ngôn giáo và thân giáo của Quý Ôn và của Giáo hội.

Chúng tôi tin chúng tôi làm được thì chắc chư quý đạo hữu cũng làm được vậy.
 

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here