Tục cúng cô hồn thể hiện tinh thần nhân hậu
Về vấn đề cúng Cô hồn, thực ra giáo lý Phật giáo không đề cập đến một cõi sống nào có tên là Cô hồn cả. Cô hồn chỉ là cách gọi của dân gian mà thôi.
Tuy nhiên, cúng Cô hồn, theo quan điểm Phật giáo, là bố thí cho những chúng sinh đang đói khát. Người con Phật luôn phát tâm từ bi, thương xót mọi loài chúng sinh, đồng thời nguyện tu tạo phước báo bằng cách bố thí và cúng dường.
Theo tín ngưỡng cổ truyền tin rằng con người có hai phần: hồn và xác. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Hồn có thể về trời hoặc đầu thai kiếp khác (làm người hoặc vật – PV) hoặc bị đày xuống địa ngục tùy theo những điều lành hay dữ mà người đó làm khi còn sống.
Riêng với người Trung Quốc, gọi cúng Cô hồn là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa nhưng dân gian thì hiểu rộng ra thành cúng Cô hồn. Tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
Vì thế, ngoài việc bố thí cho người nghèo khổ, súc sinh đói khát thì hàng Phật tử được khuyến khích bố thí cho Cô hồn được no đủ, bớt đói khổ, nhằm tăng trưởng phước báo cho tự thân.
Do vậy, nếu thực hành cúng thí Cô hồn đúng pháp thì được tăng phần phước báo. Nếu không cúng Cô hồn thì cũng chẳng sao vì bố thí là do tự tâm của mỗi người, không ai bắt buộc chúng ta bố thí cả.
Rằm tháng Bảy, ngày “xá tội vong nhân” ngoài cúng lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá vãng, mọi người thường thí thực cho Cô hồn. Bởi cúng Cô hồn là một việc mang tính nhân đạo, để cứu giúp những linh hồn khốn khổ, thể hiện tinh thần nhân hậu, thương xót kẻ bất hạnh của tổ tiên người Việt.
Đa dạng lễ cúng cho Cô hồn
Các món đem cúng thường có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước lã… Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay.
Cúng chúng sinh bằng: kẹo, bánh, khoai, oản khảo, xôi nắm, chuối, muối, gạo, trầu cau, vàng mã… Theo tập tục cổ truyền, mâm cỗ cúng Cô hồn này sẽ được đặt trước cửa nhà, chùa, đình. Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn.
Nhưng một món đặc biệt hay gặp trong mâm cỗ cúng Cô hồn là món cháo loãng. Bởi vì người ta tin rằng: món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Tại các đình, chùa lễ cúng cháo được tổ chức qui mô hơn, có lập đàn tràng cầu siêu cho các vong linh trước khi thí cháo. Tại đây, cháo được đựng trong các bồ đài lá mít cắm dọc theo hai bên vệ đường dẫn vào lễ đài.
Người ta còn vẩy cháo ra hai ven đường để những cô hồn già cả ốm yếu cũng nhận được chút phần. Của ít, lòng nhiều, các bài văn cúng chúng sinh nhắc đến trăm nghìn kiểu chết từ chiến tranh đến trộm cướp, sát phạt nhau vì tiền, vì tình cho đến ốm đau bệnh tật, nghiệp chướng…
Các tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, cúng gia tiên cũng có cúng cháo cho các Cô hồn. Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Ðồ lễ đặt trên một cái mẹt thường gồm có cháo hoa, những nắm cơm nhỏ, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè cùng với đồ mã.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Thư viện Hoa sen)
Theo Bùi Hiền (Kienthuc.net.vn)