Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Của tin còn lại đã ngàn năm. . .

Của tin còn lại đã ngàn năm. . .

122
0

Triều Lý lựa chọn tư tưởng Phật giáo để làm định hướng lãnh đạo nước Đại Việt độc lập, tự chủ ở phương Nam có đủ yếu tố đề kháng với nền văn hóa cực mạnh của phương Bắc. Đây chính là cơ hội để cho các nhà tư tưởng Phật giáo chủ động tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vì họ chính là thành phần trí thức ưu tú nhất của thời bấy giờ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với triều đình và dân chúng.

Hiện vật bằng đất họa tiết rồng bay trong mây thời Lý

Công việc kiến thiết kinh đô mới Thăng Long, xây dựng các công trình tiêu biểu như cung điện, chùa tháp chắc chắn có sự khởi xướng hoặc tham gia tích cực của giới tăng sĩ. Giáo lý Phật giáo được truyền bá rộng rãi và ảnh hưởng sâu đậm trong mọi tầng lớp dân Việt cả ngàn năm trước. Nay nguồn cảm hứng có dịp trào dâng thể hiện qua thơ văn và mỹ thuật vào thời đại đất nước hòa bình, dân tộc tự chủ là điều tất yếu. Kinh điển của đạo Phật thì vô cùng phong phú, đó là nguồn tài liệu chính thống giúp cho giới tu sĩ, nghệ nhân cũng như thợ thuyền rút ra những đề tài sáng tác phục vụ nhu cầu trang trí, kiến trúc. Để nhắc lại thuyết nhân quả, luân hồi thì các hình tượng chim chóc, thú vật (như nai, vượn, voi, hổ, hạc, vẹt, uyên ương…) được khắc họa diễn tả tiền thân của Phật, Bồ Tát theo như trong kinh Bổn Sinh (Jakata Nikaya). Hình ảnh tám bộ trời rồng (Thiên Long Bát Bộ) Hộ Pháp, Thanh Văn, La Hán… đều được

Các kiểu lá bồ đề bằng đất nung

sử dụng để trang trí trong chùa tháp, cung điện thời Lý – Trần. Những đề tài mỹ thuật này có thể xuất phát từ nguồn gốc Ấn Độ giáo, nhưng khi được du nhập vào Phật giáo thì nó đã thay đổi ý nghĩa rất nhiều. Chẳng hạn thần điểu Garuda (Ca-lâu-la Đại bàng kim xí điểu) vốn rất hung dữ chuyên sát hại loài rồng, sau khi được đức Phật giáo hóa đã từ bỏ ác tính trở thành hộ pháp cũng được điêu khắc chung dưới bệ tượng Phật trong chùa Việt Nam. Hình ảnh các thiên nữ Apsara múa hát phô bày vẻ đẹp cơ thể đã được Việt hóa dưới dạng các nhạc thần (Kinnara) với trang phục tha thướt, kín đáo. Rồng dưới thời Lý – Trần chưa bị độc quyền sử dụng làm biểu tượng riêng cho vua chúa. Do đó hình dáng rồng thời này uốn lượn rất uyển chuyển, no tròn sức sống, miệng há rộng ngậm viên ngọc quý theo kiểu hải quái (Makara). Rồng được trang trí trong lá đề, cánh hoa sen, bệ tượng Phật biến hóa nhiều kiểu thức rất đẹp. Trong nhà Phật rồng là biểu tượng điềm lành (cát tường), ủng hộ Phật pháp, tượng trưng cho các bậc bồ tát, cao tăng (thiền môn long, tượng). Ngoài dân gian rồng vốn được xem là vật tổ của Người Việt, nên tục vẽ rồng lên thân thể còn phổ biến cho đến hết đời Trần, không bị cấm đoán. Hình tượng “Thăng Long” thời Lý tuyệt đẹp không nên miệt thị thành con “rồng giun” hèn hạ, xấu xí.

Triều Trần nối tiếp triều Lý, giai đoạn này Nho học đã phát triển, tư tưởng đạo Nho chi phối một bộ phận trí thức khá mạnh. Tuy nhiên trong xã hội Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng. Vua Trần Thái Tông khẳng định: “Việc dẫn dụ bọn hôn mê chỉ rõ đường sinh tử tức là đại giáo của Phật Tổ. Mà đến những việc đặt cân mực cho hậu thế làm khuôn mẫu cho tương lai thì là trọng trách của tiên Thánh. Bởi vậy Lục tổ có nói tiên Thánh và đại sư không khác gì nhau. Coi đó thì biết đạo giáo của Phật Tổ

Hình ảnh thần điểu Ka lâu la nâng bệ Phật (bằng đá)

còn phải mượn sức tiên Thánh mới truyền bá được với đời…” (Xem Thiền tông chỉ nam tự). Từ nhận thức đó các nhà tư tưởng Phật giáo đời Trần chủ trương ở giữa đời mà vui với đạo (cư trần lạc đạo). Các công trình kiến trúc chùa tháp của đời Lý vẫn được duy trì trở thành niềm tự hào của dân tộc dưới thời Trần.

Nhà sư Huyền Quang đời Trần làm thơ vịnh chùa Diên Hựu đêm trăng có câu:

Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiên hàn
”.

Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng dịch nghĩa:

… “Hình con chim cú (trang trí trên đầu mái) in lộn bóng xuống mặt gương nước hồ trong lạnh, như đang ngủ, Đôi tháp đứng đối lập, sáng ánh lên, ngọn (bóng như) ngọc…”

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục dịch vần:

Mái chùa in bóng gương hồ,
Đầu kèo “xi vẫn” đảo mơ giấc thiền,
Song song đôi tháp đứng nhìn,
Ngọn cao đối chiếu, ngọc trên lạnh lùng
…”

Theo Nguyễn Huệ Chi giải thích:

“Xi vẫn” hoặc còn gọi xi vĩ là hình những con cú được chạm hoặc đắp nổi trên các nóc đình chùa và dịch thơ:

Đầu Kim Xí Điểu và các cổ vật hình rồng bằng đất nung

“In ngược hình chim gương nước lạnh,
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn
…”

Theo tôi cách giải thích trên không phù hợp vì theo quan niệm của người Việt con chim cú xấu xa tượng trưng điềm xui gở. Không thể đem hình tượng chim cú để làm đề tài trang trí trên nóc các ngọn bảo tháp lưu ly trước ngôi quốc tự Diên Hựu. Nhìn các đầu chim trang trí làm bằng đất nung tuyệt đẹp được khai quật, chúng tôi nghĩ rằng người xưa dùng chữ “Xi vẫn” để chỉ loài đại bàng Kim xí điểu (Garuda) mà người đời sau không hiểu nghĩa nên giải thích sai lầm.

Giá trị của cổ vật nhất là mặt nghiên cứu không phải chỉ có yếu tố thời gian, nguyên liệu chế tác, thẩm mỹ mà nó phải có tính lịch sử, phản ảnh nền văn hóa của thời đại hoặc chuyển tải nội dung tư tưởng, đạo lý khiến cho người nhìn ngắm phải suy nghĩ. Nếu không nêu được ý nghĩa nội hàm thì cổ vật mất đi phần giá trị đích thực của nó. Tuy nhiên để thấy được nét đặc trưng văn hóa Việt Nam thời đại Lý – Trần, cần chú trọng đến tư tưởng Phật giáo. Nếu không dựa trên nền tảng đó thì rất khó giải thích các đề tài trang trí một cách hợp lý và đầy đủ ý nghĩa.

Những linh thú tại chùa Phật Tích

T.Đ.S
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here