Phật tử tại gia được gọi là Cư sĩ Phật tử hay Cư sĩ. Cư sĩ gồm Cư sĩ nam (Upāsaka) và Cư sĩ nữ (Upāsikā). Thật ra, danh từ tiếng Phạn upāsaka (उपासक ) vừa có nghĩa là đệ tử, người tôn thờ, vừa có nghĩa là người phục vụ, nghĩa là trợ giúp bằng cách cung cấp thức ăn, phương tiện vật chất cho giới xuất gia. Vì vậy, Cư sĩ nam (Upāsaka) còn được gọi là Cận sự nam ; Cư sĩ nữ (Upāsikā) là Cận sự nữ.
Lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo chứa đầy các thí dụ về vai trò tích cực của Cư sĩ . Chỉ xin nêu vài sự kiện nổi bật : Khi chưa có Đạo Phật, cô Sujāta được xem là người hộ pháp vĩ đại vì nếu cô không dâng tặng bát cháo sữa thì nhà tu khổ hạnh đã kiệt sức, không thể ngồi thiền định 49 ngày dưới cội Bồ đề mà thành Phật Thích Ca Mâu Ni, và có lẽ đã không có Phật giáo trên thế giới nầy. Ông Cấp Cô Độc (सुदत्त = Sudatta) và Vương tử Kỳ Đà (जेतृ = jetṛ) đã cúng dường khu rừng và các phương tiện làm nơi giảng pháp rất tốt cho Đức Phật. Vua A Dục (aśoka) hổ trợ đắc cho sự phát triển của Phật giáo mà nổi bật là 3 việc :
– Khởi xướng và ủng hộ việc kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ 3 và là lần đầu tiên kinh điển được ghi thành văn bản trên 12 nghìn miếng đồng để lưu trữ
– Gởi 253 đoàn tăng, ni đến nhiều nước, trong đó có hoàng tử và công chúa của vua A Dục tới Tích Lan (Sri Lanca) để truyền Phật pháp.
– Tạo dựng những trụ tháp trên đó có ghi những đặc diểm tại những nơi đặc biệt quan trọng mà Đức Phật đã tới trong quá trình truyền Pháp của ngài.
Chính nhờ công đức hộ pháp vĩ đại nầy của vua A Dục mà Phật giáo mới tồn tại và phát triển như ngày nay sau khi người Hồi giáo tiêu diệt gần như hoàn toàn Phật giáo tại Ấn Độ vào thế kỷ 13.
Ở nước ta, các vua nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đã rất hổ trợ Phật giáo và Phật giáo đã trở thành đồng hành với lịch sử thăng trần của dân tộc Việt Nam từ gần 2000 năm đến nay.
Thời những thập niên 1920-1950, nhiều Cư sĩ cả 3 miền bắc Trung Nam đã có công rất lớn trong việc chấn hưng Phật giáo sau khi Phật giáo đã suy thoái trầm trọng vì bị thực dân Pháp kìm hảm sự phát triển để dành mọi ưu đãi cho ngoại đạo phát triển trong suốt thời kỳ nước ta bị họ đô hộ. Gương nổi bật trong những Cư sĩ nầy Bác sĩ Lê Đình Thám, người Cư sĩ đầu tiên của Việt nam và có lẽ của thế giới tham gia giảng pháp cho các vị tăng, ni tại học viện Phật học tại Huế, và là người sáng lập ra phong trào sau trở thành Gia đình Phật tử, một tổ chức duy nhất có trong trong Phật Giáo Việt Nam, mà không có tại các nước Phật giáo khác. Chính phong trào chấn hưng nầy đã giúp Phật giáo đào tạo được nhiều vị tăng tài, kiệt xuất giữ vai trò rất quan trọng trong giai đoạn chiến tranh 1945-1975, mà nổi bật, vang danh khắp thế giới là cuộc tranh đấu bảo vệ chánh pháp năm 1963 đối với chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Vậy thì ngày nay vai trò của Cư sĩ và Gia đình Phật tử Việt Nam cũng không thể nào nằm ngoài quỹ đạo do dòng lịch sử tạo ra.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, sau gần 40 năm đất nước hòa bình năm 1975, Phật giáo Việt Nam có phát triển tốt và có góp phần hữu hiệu trong việc đem lại cuộc sống an vui cho nhân dân một cách tương xứng với tiềm năng sẵn có trong lòng dân tộc Việt Nam mà tiền nhân đã truyền trao từ gần 2000 năm đến nay hay không ? Câu trả thẳng thắn thì đáng buồn là “không” !
Tại sao ? Luôn luôn có những lý do bên ngoài và những lý do bên trong nội bộ Phật giáo. Nhưng dù lý do bên ngoài thế nào đi nữa, thì không thể cứ đổ lỗi cho người ngoài, mà cần phải nghiêm túc nhận lỗi về phần mình, do chính nội bộ Phật giáo gây ra : Thiếu đoàn kết, Thiếu lập trường kiên định về chánh pháp, Thiếu chiến lược, chiến thuật hữu hiệu để vượt qua trở ngại mà phát triển. Dù không muốn đề cao lý do bên ngoài, nhưng cũng cần nên nhắc qua để lấy kinh nghiệm mà khắc phục cho những tình huống tương tự đang xảy ra và sẽ tiếp xảy ra ở tương. Hai lý do bên ngoài cần biết là :
– Thứ nhất, do hoàn cảnh đặc biệt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ 1945-1975, nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 có những lý do riêng chưa tin tưởng vào các cấp lãnh đạo Phật giáo của Miền Nam Việt Nam nên thiếu tích cực ủng hộ cho Phật giáo phát triển. Nhưng có thể nói từ năm 2000 đến nay, chính quyền đã nhận thấy rồi ra khối đa số Phật tử Việt Nam vẫn luôn là thành phần góp công sức to lớn trong việc bảo vệ tổ quốc như lịch sử đã chứng minh, nên đã có thái độ cởi mở hơn, đã có những ủng hộ tích cực cho Phật giáo. Đáng tiếc là chính giới lãnh đạo Phật giáo thiếu đoàn kết, quá thụ động không những không tận dụng được hết những thời cơ thuận lợi có được từ chính quyền, mà còn thiếu chiến lược mềm dẽo để có thể làm cho chính quyền ủng hộ tích cực hơn rất cần thiết cho sự phát triển của Phật giáo và đồng thời có lợi cho dân tộc. Thật là ảo tưởng khi cho rằng một tổ chức, kể cả Phật giáo có thể phát triển mà không cần thiện cảm từ chính quyền.
– Thứ hai là trong khi các cấp lãnh đạo Phật giáo thụ động, đóng khung trong khuôn viên chùa, tự viện thì ở bên ngoài, Ki tô giáo đã vạch ra chiến lược và chiến thuật rất tinh vi nhằm mục tiêu cải đạo những thần phần quần chúng nghèo khổ tại châu Á và châu Phi, mà Việt Nam mà một trong những nước người ta nhắm đến để quyến rũ Phật tử chuyển qua Ki tô giáo. Họ đã trường kỳ mai phục tại mọi nơi từ thành phố đến miền quê hẽo lánh, xâm nhập sâu vào các vùng dân tộc thiểu số và cả những chùa, tự viện Phật giáo từ mấy chục năm nay để tìm hiểu những chỗ yếu của tăng, ni, Phật tử , và dân bản địa để từ đó lợi lợ dụng cơ hội cải đạo, và họ đã quyến rũ được khá nhiều người theo Ki tô giáo tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Phật tử theo họ chuyển qua Ki tô giáo chủ yếu là vì lí do kinh tế, đặc biệt thiếu căn bản vững chắc về Phật pháp và niềm tin kiên cố về pháp tu. Cũng xin nói là hiện nay ở các nước phương Tây, cái nôi của Ki tô giáo thì trình dộ dân trí cao, nên số tín đồ Ki tô giáo không tin vào giáo điều Ki tô giáo cang ngày cành tăng và có nhiều trí thức Tây phương không đến nhà thờ nữa. Mặc khác Ki tô giáo rất khó có thể xâm nhập vào thế giới Hồi giáo để cải đạo được, cho nên để bù vào sự suy giảm đã và đang xảy ra ở phương Tây, họ đã nhắm vào vùng chủ yếu là Phật giáo dân còn nghèo, thiếu hiểu biết, đặc biệt lợi dụng sự khoan dung của Phật giáo để xâm nhập Phật giáo.
Trước tình trạng Phật giáo mất Phật tử do bị Ki tô giáo tấn công cải đạo trên phạm vi cả châu Á, trong một bài pháp thuyết giảng về sự suy thoái và phát triển của Phật giáo tại Mã Lai, Thượng tọa Sayadaw U. Sumana cho biết Phật giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ ít ỏi nhất trong bốn tôn giáo lớn trên thế giới và cảnh giác rằng: “Phật giáo hiện nay được thí dụ như là một con cá trong hồ nước cạn và nước sẽ tiếp tục bốc thành hơi nếu không có cây che mát hồ để tránh đi ánh nắng nóng bỏng của mặt trời. Con cá đó sẽ cố gắng tiếp tục sống với cái hy vọng là cơn mưa sẽ đến, nếu như cơn mưa kịp lúc đến thì cá sẽ được sống cho đến khi mãn kiếp. Những người Phật tử thông thường được ví như là cơn mưa làm cho hồ được đầy nước trở lại và do vậy mà Phật giáo được tồn tại dưới sự bảo tồn của Phật tử”.
Vì vậy chúng tôi rất mong các vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Trung Ương, Địa phương , các tăng, ni, các Cư sĩ trước khi bàn đến việc Phát Triển Phật giáo, Vai Trò Của Cư Sĩ, Phật Giáo Hóa Gia Đình, v.v…, hãy dành thì vài phút để đọc bài “Kế Hoạch Cho Ngày Tàn Của Phật Giáo” (PLANNING THE DEMISE OF BUDDHISM) của Allen Carr, là bài viết nhận xét về quyển sách “Những Con Người Trong Thế Giới Phật Giáo” (Peoples In The Buddhist World) của Paul Hattaway, người lãnh đạo các cuộc cải đạo Phật tử châu Á sang Ki tô giáo, mà nguyên văn tiếng Anh có ở địa chỉ LankaWeb, http://www.buddhistchannel.tv/index.php?id=10,6724,0,0,1,0, ngày 01/7/ 2008 , và Nguyên Tánh đã dịch ra tiếng Việt đăng trên nhiều trang nhà điện tử, như :
– http://giaodiemonline.com/2008/07/kehoach.htm
(Để quí vị khỏi mất công tìm trên Internet, mà nhiều khi nhiều vị không có điều kiện tìm, chúng tôi đính kèm bài dịch của Nguyên Tánh như là phần phụ lục của tham luận nầy)
Cũng xin quý thầy và quí vị tìm hiểu về tổ chức “Mùa Gặt Á Châu” (Asia Harvest) của Tin Lành.
Quý thầy, quý vị đọc để biết rõ là người ta đã và đang tiêu diệt Phật giáo chúng ta như thế nào. Có đọc mới hiểu được tại sao phần đất Đông Timo của nước Indonesia đã tách khỏi Indonesia trở thành một nước độc lập sau khi người ta đã dụ dỗ được hơn 80% dân địa phương từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để chuyển qua Ki tô gáo, và những chính phủ phương Tây vội vàng công nhận ngay sự độc lập của Đông Timo dù Indonesia ban đầu quyết liệt chống đối. Có đọc mới hiểu tại sao ở Việt Nam ta, năm 1975 chỉ có khoảng 35.000 theo Tin Lành, nay 2011, sau 36 năm, thông tin của Tin Lành cho biết số tín đồ Tin lành lên tới gần 1 triệu người, đặc biệt ở Vùng Tây nguyên, và Tây bắc rất nhiều bản làng của dân tộc thiểu số đã Tin Lành hóa 100%. Và với số tín đồ Tin Lành nầy, cách đây vài năm, người ta cũng đã bắt chước Đông Timo, đòi tách Tây nguyên ra khỏi Việt Nam để thành lập nước Đê-ga!. Còn người dân tộc Kinh của Việt Nam ta từ sau 1975 đến nay, khá nhiều người trong đó cả Phật tử bị cải đạo qua Thiên chúa giáo hay Tin Lành bằng nhiều con đường khác nhau. Có thể rất dễ nhận ra qua 3 con đường : những người vượt biên, trong khi tạm trú tại các trị tị nạn, các người truyền giáo Ki tô dưới chiêu bài từ thiện, giúp đỡ, và hứa lo dùm mọi thủ tục để sớm đến định cư tại nước Mỹ, hay các nước khác và đến nơi sẽ được tận tình giúp đỡ để hội nhập vào xã hội mới nếu vào Ki tô giáo, và rất nhiều Phật tử theo họ; con đường thứ hai là trong dòng người đi hợp tác lao động qua Hàn quốc và Đông âu, có nhiều người đã bị dụ chuyên qua Ki tô vì những lợi ích vật chất; con đường thứ 3 là con đường hôn nhân , chiến lược muôn thuở để cải đạo của Ki tô giáo : có thể nói với Ki tô giáo Việt Nam thì gần như 100% dâu, rễ của Ki tô giáo đều bị Ki tô giáo hóa, trong đó có nhiều con nhà Phật giáo và cả Huynh trưởng Phật tử. Mà một khi trong gia đình Việt Nam có một người bị dụ vào Ki tô giáo thì người ấy tìm mọi cách chiêu dụ những thành viên còn lại trong gia đình theo Ki tô giáo. Và vì vậy nhiều nhà đình Phật giáo đã trở thành Ki tô giáo.
Còn về nguyên nhân chủ quan do Phật giáo tạo ra để khiến nhiều thành phần dân chúng Việt Nam trong đó có Phật tử trở thành đối tượng dễ bị dụ dỗ qua Ki tô giáo thì theo chúng tôi có thể tóm tắt như sau :
1. Sự thiếu đoàn kết trong nội bộ Phật giáo Việt Nam ở trong nước cũng như ở các cộng đồng người Việt tại các nước phương Tây
2. Nhiều lãnh đạo các nhóm Phật giáo sa đà vào làm chính trị, mà không lo hoằng pháp, và đã bị các thế lực ngoại đạo lợi dụng để gây chia rẽ thêm Phật giáo, khiến những Phật tử chân chính chán nản, và người ngoài dù trước có thiện cảm với Phật giáo thì nay cũng mất thiện cảm.
3. Nhiều cấp lãnh đạo Phật giáo Trung ương, địa phương quá thụ động, tự khép kín trong chùa, tự viện, tự mãn, không rõ tình hình quần chúng như thế nào, có khuynh hướng gì, nên không thể đề ra được phương hướng phát triển đúng đắn cho Phật giáo. Có những vị quan niệm “quá Phật giáo” như : Phật giáo không cần đông, “quí hồ tinh, bất quí hồ đa”, “sinh, trụ, hoại, diệt” là qui luật vô thường của mọi hiện tượng nên sự hưng thịnh, suy thoái của Phật giáo là lẽ tự nhiên, ai muốn theo, ai muốn bỏ Phật giáo thì tùy tâm, không có gì phải lo, chỉ biết mình lặng lẽ tu là tốt! Chính quan niệm tiêu cực nầy đã góp phần làm cho Phật giáo suy thoái và vô tình lọt vào chiến lược hủy diệt Phật giáo của ngoại đạo.
4. Một bộ phận tăng, ni, chùa, tự viện hầu như chỉ làm Phật sự qua các việc cầu an, cầu siêu, cúng sao, giải hạn, làm đám tang. Một số tăng lại tách ra sống riêng, tạo dựng một cơ ngơi cho riêng mình, dành phần lớn thời gian cho thú tiêu khiển riêng như họa, thư pháp, hoa cảnh, làm thơ mà người Phật tử bình thường đọc lên không biết là thơ tình hay thơ thiền ! Vì làm Phật sự chỉ như vậy nên không góp phần hoằng pháp hữu hiệu cho giới trẻ.
5. Các tăng, ni trẻ được đào tạo ra từ các Học Viện vừa thiếu về số lượng vừa thiếu về phẩm hạnh và công phu tu tập, có khuynh hướng chuộng bằng cấp, chuộng hư danh, ít chịu dấn thân đến các vùng sâu, vùng xa, mà chỉ muốn ở các nơi đô thị, sa vào những cách sống thế tục mà đúng ra nhà tu Phật chân chính không được phép như dùng thoải mái cafe, thuốc lá,…quán ăn, tự tung tự tác sử dụng các phương tiện như xe máy, xe hơi, điện thoại di động, Internet cho những mục đích cá nhân, không phải cho Phật sự .
Nói như thế, không phải Phật giáo nước ta đã không có những phát triển đáng mừng, tiêu biểu là công hạnh mấy chục năm qua của Hòa thượng Thanh Từ : đã tạo dựng một hệ thống các Thiền viện theo tinh thần phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đã và đang hoạt động nhiều nơi trong và ngoài nước với hệ thống đào tạo tăng ni riêng, và với hàng trăm Đạo tràng Cư sĩ sinh hoạt tu tập đều đặn hàng tuần. Các vị khác cũng tạo ra hệ thống các khóa tu niệm Phật, Bát quan trai. Gần đây là những khóa tu học mùa hè dành cho giới học sinh, giới trẻ tổ chức bởi chùa Hoằng Pháp (Tp Hồ Chí Minh), ở Suối tiên (Tp HCM) bởi thầy Nhật Từ, tại các Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền Viện Sùng Phúc (Hà Nội) bởi các thầy của Thiền phái Trúc Lâm của Hòa thượng Thanh Từ, Chùa An Lạc bởi Câu Lạc Bộ Tình Nguyện Hoằng Pháp. Tất cả những hoạt động tích cực trên đây là rất đáng tán thán, là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của Phật giáo. Nhưng so ra còn có tính cục bộ, tự phát, chưa có tính hệ thống, đặc biệt chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của Phật giáo. Chăng hạn, nói riêng về Cư sĩ, những Đạo tràng của hiện đang sinh hoạt của quý thầy tuy hoạt động khá rộng khắp nhiều tỉnh thành, nhưng thường thường gồm 80-90% là Cư sĩ lơn tuổi, ít người trẻ, và đặc biệt Cư sĩ trí thức vốn có cuộc sống với công việc tương đối độc lập thì rất ít tham gia. Họ là lực lượng rất có tiềm năng, nhưng Phật giáo hiện nay chưa có tổ chức sinh hoạt thích hợp để họ tham gia. Hoạt động thích hợp với họ là những Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo hay Câu Lạc Bộ Cư Sĩ. Cả nước ta mà chỉ có một Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo duy nhất là Liễu Quán tại Huế là quá ít. Không những quá ít, mà những sinh hoạt tại đó cũng còn quá hạn chế, không gian tốt của Trung Tâm Liễu Quán vẫn còn để trống, đóng cửa với lượng thời gian mênh mông…, là điều rất đáng tiếc.
Như phần trình bày trên đây, tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay ở trong cũng như ở ngoài nước đã đến mức báo động khẩn nên, nếu chỉ bàn riêng về Vai trò của Cư sĩ thì chưa đủ, sự đóng góp của Cư sĩ có tích cực đến bao nhiêu đi nữa mà nếu giới xuất gia vẫn như cũ thì sự đóng góp ấy cũng không đem lại kết quả mong muốn cho sự phát triển của Phật giáo mà có khi còn làm suy thoái thêm giới xuất gia vì có thêm nhiều phương tiện vật chất để sử dụng mà không cải thiện phương diện đạo hạnh. Vì vậy, chúng tôi nghĩ cần phải có một cuộc chấn hưng thật sự Phật giáo toàn diện bao liên quan đến cả 3 bộ phận : 1. Tăng, ni ; 2. Cư sĩ; 3. Gia đình Phật tử
Vậy chúng tôi tha thiết cầu mong các bậc Tôn túc trong Giáo hội Trung Ương, Địa phương, toàn thể quí tăng, ni, các thiện tri thức, các Phật tử hãy cùng nhau suy nghĩ tìm phương hướng để thực hiện công cuộc chấn hưng nầy càng sớm càng tốt.
Trong tham luận nầy, chúng tôi xin đề nghị :
A. Về chiến lược lâu dài :
Sau Hội Thảo do thầy Thích Khế Chơn tổ chức tại Huế trong tháng 7/ 2011 và Hội thảo do Ban HDPTTW tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2011, quý thầy đã thu thập được một số khá nhiều ý kiến tốt về Vai Tró Của Cư Sĩ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ cho một cuộc chấn hưng Phật giáo toàn diện. Vì vậy xin đề nghị : Giáo Hội Phật Giáo Trung Ương :
I. Phát động phong trào góp ý, hiến kế : của tăng, ni, Cư sĩ trong và ngoài nước về lập kế hoạch chấn hưng toàn diện Phật giáo, thời gian từ khi phổ biến cho đến khi nhận bài viết ít nhất là 3 tháng. Bài viết gởi tới địa chỉ của Ban tổ chức thu thập ý kiến do Giáo Hội PGVN đề cử.
II. Nội dung bài hiến kế : có thể gồm một hay nhiều vấn đề sau đây :
1. Hiện đại hóa chương trình đào tạo tăng, ni tại các Học Viện Phật Giáo Việt Nam sao cho khi tốt nghiệp, tăng ni, trẻ có các khả năng :
a. Tinh thông những kinh điển cơ bản nhất của Phật giáo
b. Có công phu tu tập nghiêm túc trong suốt thời gian theo học tại Học Viện
c. Có khả năng của một lương y vê Đông Y, Nam Y Dược
d. Có khả năng thực hành về Tâm Lý Trị Liệu, và có kiến thức về phát triển bền vững cộng đồng.
e. Có tinh thần độ sinh của một sứ giả của Như Lai : Hoan hỉ nhận sự phân công của Giáo Hội tới bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, không ngán ngại vùng sâu vùng xa,.. Dù ở đâu cũng luôn sống trong tăng đoàn của Giáo hội, không tự tiện lập cơ ngơi riêng biệt, sống biệt lập theo ý riêng
2. Kế hoạch xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo tăng, ni. Đặc biệt, chú trọng đến kế hoạch xây dựng ký túc xá cho tăng, ni sinh tại các Học Viện Phật Giáo
3. Kế hoạch tạo lập quỹ đào tạo tăng, ni để mọi tăng, ni sinh khi được đến học tại các Học Viện Phật Giáo thì khỏi phải lo về tiền ăn, tiền học, tiền tài liệu, và một khoản chi tiêu cá nhân.
4. Kế hoạch lập mạng lưới hoằng pháp khắp các vùng, các thôn làng trên phạm vi toàn quốc
5. Kế hoạch đào tạo Huynh trưởng Phật tử và chương trình sinh hoạt của Gia đình Phật tử để trong vài năm tới có đủ số lượng Huynh trưởng có trình độ về Phật pháp, về các kỹ thuật điều khiển sinh hoạt tập thể, và về tâm lý giáo dục để có thể xây dựng lại Gia đinh Phật tử trên phạm vi cả nước, và sao cho các sinh hoạt của Gia đình Phật tử được phong phú, có lợi thiết thực cho việc rèn luyên nhân cách, nề nếp sống lành mạnh, hiểu biết về Phật pháp phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, không mất nhiều thời gian nhưng lại đủ vui tươi, thu hút được sự tham gia của thiếu niên, thanh niên.
6. Kế hoạch xây dựng các Trung Tâm Phật Học, Các Câu Lạc Bộ Cư sĩ tại các tỉnh, thành, đặc biệt tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, …và chương trình hoạt động định kỳ tại các Trung Tâm, Câu lạc Bộ ấy với mục dích vừa tạo cơ duyên cho Cư sĩ sống an lạc, vừa vận động được sự đóng góp hữu hiệu của Cư sĩ cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam về tất cả các mặt mà người Cư sĩ có sở trường.
III. Hội Đồng Thẩm Định : Trong khi chờ đợi thu thập các ý kiến, Giáo Hội thành lập một Hội Đồng Thẩm Định, Tổng Kết Các Bản Hiến Kế gồm các bậc Tăng, Ni và Các Cư sĩ, Các Huynh trưởng Phật Tử.
IV. Nhiệm Vụ Của Hội Đồng Thẩm Định, Tổng Kết Các Bản Hiến Kế : (thời hạn làm việc là 6 tháng)
1. Đọc, thẩm định, chọn lọc và tổng kết các ý kiến mà Hội Đồng đánh giá là có giá trị và khả thi; viết lại thành các kế hoạch.
2. In, gởi các kế hoạch tổng kết nầy đến cho tất cả những vị Tăng, Ni và những Cư sĩ đã viết bài hiến kế.
3. Các Tăng, Ni, Cư sĩ đọc các kế hoạch tổng kết, góp ý thêm nếu có, rồi gởi trở lại về cho Hội Đồng Thẩm Định.
4. Hội Đồng thẩm định lại một lần nữa những ý kiến mới, và sau cùng đúc kết lại thành kế hoạch
V. Tổ Chức Phổ Biến : Giáo Hội tổ chức phổ biến các kế hoạch sau cùng nầy đến các Cơ quan, Đoàn thể, tăng, ni, Cư sĩ, Gia đình Phật tử để mọi người tìm hiểu (thời hạn là 1 tháng).
VI. Thực Hiện : Giáo Hội cho thực hiện các kế hoạch
B. Nhiệm vụ trước mắt của Cư sĩ : Trong đời sống hàng ngày, người Cư sĩ nên :
1. Đối với bản thân : Tự hoàn thiện mình về tu học bằng nhiều cách : đọc sách, tham gia các sinh hoạt tu tập, Phật sự tại địa phương
2. Đối với người ngoài gia đình : Hoằng pháp bằng thân giáo chứ không bằng thuyết pháp : Trong giao tiếp hàng ngày luôn luôn thể hiện tinh thần con nhà Phật : hòa nhã, ôn tồn, thân thiện. Sẵn sàng tham gia giúp đỡ bà con hàng xóm, và tham gia công tác từ thiện trong khả năng của mình. Tất cả những lời nói nhu hòa, hợp lý, và hành động tốt của người am hiểu Phật pháp sẽ có sức thu hút, gây cảm tinh tốt nơi người đối diện và từ đó tự họ thấy cái tốt của Phật giáo, và đó chính là sự hoằng pháp tốt. Trái lại, nếu gặp ai cũng nói rằng Phật giáo tốt thế nầy, tốt thế kia, tức là nói như thuyết pháp suông thì không những không có tác dụng mà còn làm cho người đối diện thấy khó chịu, chán nản, không muốn tiếp xúc, và khiến họ mất cảm tình với Phật giáo. Hòa thường Thanh Từ, trong lời kết luận về vai trò hộ pháp của người Cư sĩ Phật giáo, đã nói rằng: “Giờ rãnh rỗi, Phật tử nói chuyện thân mật trong gia đình, hoặc đi thăm người láng giềng đau yếu… đều là những buổi thuyết pháp linh động của cư sĩ. Cách ăn ở trong nhà, sự đối xử hàng xóm hợp đạo lý, ấy là bài thuyết pháp sống của Phật tử tại gia. Phật tử tại gia thực hiện được nhiệm vụ mình, mới thật là người hộ đạo chân chính”
3. Đối với gia đình : Người Cư sĩ am hiểu Phật pháp luôn đối xử nhu hòa, hợp đạo lý với mọi người trong nhà. Có vấn đề gì cần tìm cách giải quyết êm đẹp, kìm chế những cơn nóng giận nhất thời, tránh dùng những lời nói thô tục, không để gây tranh cãi gay gắt, đưa đưa những xung đột, tan vỡ,…Đối với con cái, nên dùng tình thương uốn nắn hướng dẫn ngay từ nhỏ, tránh tạo ra những tình huống phải dùng biện pháp mạnh, thô để đàn áp. Hướng dẫn con em vào nền nếp Phật pháp từ lúc nhỏ, nên cho tham gia vào Gia đình Phật tử để con em học tập rén luyện những đức tính tốt, biết ít nhiều Phật pháp từ nhỏ thì lớn dễ có cơ duyên đọc, học sâu vào Phật pháp, tự trang bị cho chúng những phẩm chất tốt, và đặc biệt là một thái độ vững vàng trong niềm tin vào chánh pháp. Hiện nay, phổ biến là cha mẹ đi chùa, tham dự tu học Phật cuối tuần, nhưng con cái trong nhà hoàn toàn không biết chút gì về Phật giáo, và khi con đã khôn lớn, có nghề nghiệp thì việc tu học của cha mẹ được con cái cho là việc của người già, không phải của giới trẻ nên rất dễ bị ngoại đạo cám dỗ. Trái lại, nếu được trang bị niềm tin và thái độ kiên định lập trường trong chánh Pháp từ nhỏ thì con cái xem như được trang bị cơ sở miễn nhiễm vững chắc để tự tránh được những cám dỗ nguy hại tràn ngập trong nếp sống thiếu lành mạnh hiện nay kể cả những cám dỗ của ngoại đạo. Chẳng hạn, với niềm tin vững chắc, với tinh thần kiên định về Phật giáo, người thanh niên sẽ tự biết lựa chọn đối tượng để yêu, để kết hôn sao cho khỏi phải bị buộc từ bỏ Phật giáo mà theo ngoại đạo. Nhưng nếu ngay từ nhỏ, thiếu trang bị tinh thần kiên định, tự miễn nhiễm nầy, thì yêu và đòi kết hôn với người ngoại đạo, và buộc phải theo ngoại đạo thì cha mẹ không thể ngăn cản được, cha mẹ dù thuận nhưng thật ra chẳng vui gì, và việc nầy sẽ tạo ra nhiều tình huống không êm đẹp về sau thì cũng không dễ có hạnh phúc trọn vẹn. Thật tình mà nói, người cư sĩ Phật tử hiên nay khá mơ hồ về sự khác biệt giữa Phật giáo và Ki tô giáo, và với tấm lòng khoan dung, với quan niệm chung chung rằng đạo nào cũng tốt nên con cái có kết hôn, co cải đạo cũng tốt! Thâm chí, một vị Hòa thượng rất nổi tiếng mà quan niệm rằng cứ để cho một Phật tử tự do kêt hôn với một người Thiên chúa giáo, rồi người Phật tử tới nhà thờ chịu phép rửa tội, chủ nhật đi nhà thờ, người Thiên chúa giáo qui y để rằm, mông một đi chùa, họ sẽ sống hạnh phúc . Tuy rất kính trọng ngài Hòa thượng nầy, nhưng với sự hiểu biết còn rất hạn chế của mình, chúng tôi nghĩ rằng quan niệm của ngài là quá đơn giản và rất có hại cho Phật giáo hiện nay, nếu không nói đó là bước đệm để xóa sổ Phật giáo theo chiến lược của Ki tô giáo, bởi 2 điều như sau:
– Thứ nhất là sự khác biệt hoàn toàn giữa Phật pháp và Đức tin trong Ki tô giáo. Theo Phật thì tin rằng thân tâm mình là do duyên hợp mà thành chứ không do một vị quyền năng siêu nhiên nào tạo ra, mình có sẵn Phật tánh trong người, khi sinh ra mình không mang sẵn tội lỗi do thủy tổ loài người tạo ra, mọi điều mình gặp phải trong cuộc đời là do nghiệp quá khứ và hành động hiện tại của mình tạo ra, nếu theo lời dạy của Đức Phật tu tập sẽ có lúc đạt giác ngộ và trở thành Phật và cũng ngang bằng với Đức Phật. Không một ai cứu vớt mình khỏi chịu quả báo nếu mình phạm điều ác. Trái lại theo Đức tin Ki tô giáo thì thân tâm mình là do một Thượng đế toàn năng tạo ra, khi sinh ra đã mang sẵn cái tội gọi là Tội tổ tông do ông Adam và bà Eve ăn trái cấm trong vườn địa đàng, cho nên phải làm lễ rửa tội để xóa tội Tổ tông! mọi hành động, ý nghĩ của mình là do vị Thượng đế đó điều khiển, và mình phải chịu sự phán xét sau cùng của vị Thượng đế đó hoặc lên Thiên đường hoặc đời đời bị nhốt trong Địa ngục. Vậy thì làm sao vừa qui y lại vừa rửa tội cho được?.Không thể đồng thời tin vào hai hệ tư tưởng trái ngược nhau được. Chỉ có cách duy nhất làm được là giả vờ tin mà thôi! Mà đã giả vờ tin thì gian dối, là điều trái ngươc với Phật pháp.!
– Thứ hai : Đối với nhà Phật, không phải việc đi chùa ngày rằm, mồng một là tu là theo Phật, mà người Phật tử tu trong tư tưởng, trong hành động ở bất cứ nơi nào, không cần phải tới chùa, mà nếu tu nghiêm mật thì vẫn thành Phật. Trong khi con chiên Ki tô giáo phải tới nhà thờ ngày chủ nhật để được nghe cha cố (hay mục sư) giảng, được cha xoa đầu, được cha cho ăn bánh thánh, được hôn tay cha…, phải tuyệt đối vâng phục cha cố vì cha cố là thay mặt Chúa ban mọi điều, để được lên Thiên đường về sau… Hai đường lối tu hành hoàn toàn khác nhau. Vậy làm sao cùng một con người mà tu theo hai quá trình trái ngược nhau : một quá trình tự thân vận động để hoàn thiện, tự chịu trách nhiệm về tư tưởng và hành động của mình, không một vị toàn năng nào có thể can thiệp vào được, tức là con người tự do làm chủ lấy vận mênh của mình; một đàng thì mọi sự do Chúa sai khiến, phán xét, tức con người hoàn toàn nô lệ vào Chúa, chỉ biết vâng phục mà thôi. Vậy thì theo cả hai là chẳng tu gì cả ! Một khi đã kết hôn với người Ki tô giáo thì với tổ chức vô cùng chặt chẽ và có tính áp đặt niềm tin, đặc biệt với Ki tô giáo Việt Nam, chứ không phải tự do, phóng khoáng như Phật giáo, thì hầu như gần 100% người hôn phối phải theo Ki tô giáo, và thế hệ tiếp theo thì hẵn nhiên là Ki tô giáo. Và đó là qua trình mất dần Phật tử nằm trong chiến lược của Ki tô giáo, và vì thế mà quan niệm rất từ bi của vị Hòa thượng tôn kính nói trên đây vô hình trung là bước đệm trong quá trình xóa sổ Phật giáo.
Vậy tốt hơn hết là trước khi bước vào tuổi yêu đương của con cái, người Cư sĩ giúp cho họ hiểu được sâu sắc sự khác biệt giữa niềm tin Phật giáo và Đức tin Ki tô giáo, hiểu được cái tự do định đoạt vận mệnh của mình trong Phật pháp và cái nô lệ tuân theo mọi sai khiến của một vị thần toàn năng trong Ki tô giáo. Một khi hiểu rõ như thế thì tự bản thân người trẻ sẽ biết lựa chọn trong tình yêu và hôn nhân để tránh khỏi tình trang bị cải đạo. Nhưng nếu lỡ nhất quyết kết hôn với người Ki tô giáo, thì người trẻ cần kiên định lập trường : Đạo ai nấy giữ, có tìm hiểu đạo của người hôn phối để dễ cảm thông nhau thì nên tìm hiểu, tuyệt đối không được quyền áp đặt buộc người hôn phối theo đạo của mình. Con cái không buộc chúng theo theo tôn giáo của người nào, để khi lớn lên, chúng tự do quyết định. Trong thực tế, người hôn phối là Phật tử thì việc nầy dễ thực hiện, nhưng không dễ chút nào với người hôn phối là Ki tô giáo, đặc biệt là Ki tô giáo Việt Nam, và hầu như chắc chắn thế hệ sau là Ki tô giáo.
C. Riêng với Trung Tâm Phật Giáo Liễu Quán Huế : (Cũng là đề nghị cho các Trung Tâm Phật Giáo, Câu Lạc Bộ Cư Sĩ tương lai ở các nơi khác).
Đây là Trung Tâm Phật Giáo duy nhật hiện có tại Việt Nam. Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt đông tốt như các sinh hoạt có tính văn hóa truyền thống, các buổi trình bày của các nhân sĩ, trí thức, cư sĩ về các đề tài liên quan đến Phật giáo. Đặc biệt vừa qua là đầu não của việc tổ chức “Tiếp Sức Mùa Thi Năm 2011” giúp cho rất nhiều thí sinh và phụ huynh từ xa đến Huế thi đại học được ăn cơm miễn phí, nghỉ ngơi an lành trong những ngày thi với sự góp công sức, tiền bạc của nhiều Cư sĩ. Hoạt động Tiếp sức nầy là một điểm son của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên-Huế, của Trung Tâm Phật Học Liễu quán Huế, và của Cư sĩ Phật tử Huế, rất đáng được biểu dương, và rất đáng cho các Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành khác học tập làm vì đó là một hoạt động vô cùng hữu ích, giúp được rất nhiều học sinh và phụ huynh. Có thể nói đó là cách hoằng pháp bằng hành động, tốt hơn rất nhiều so với những lời thuyết pháp suông !
Tuy nhiên, các hoạt động thường xuyên của Trung Tâm Liễu Quán Huế vẫn còn chưa tương xứng với khả năng mặt bằng, không gian của Trung Tâm, và với tiềm năng của Cư sĩ, nhân sĩ, trí thức Thừa Thiên-Huế, còn quá nhiều thời gian mà Trung Tâm đóng cửa im lìm. Có lẽ sẽ có lợi cho việc tu học của Cư sĩ và đồng thời Phật giáo Thừa Thiên-Huế sẽ được sự đóng góp tích cực hơn của Cư sĩ nếu các sinh hoạt được tổ chức đều đặn, thường xuyên hơn, để Trung Tâm Liễu Quán được mở cửa thường xuyên , không phải đóng cửa im lìm trong nhiều thời gian hàng tuần như hiện nay.
Xin đề nghị như sau :
1. Nơi đây nên có một quầy bán sách báo, tranh ảnh, pháp khí Phật giáo cho mọi người. Huế là Trung Tâm Du Lịch, du khách khi đi ngang qua Liễu Quán có thể ghé mua một vài quyển sách, một vài thứ nho nhỏ gì đó của Phật giáo. Nơi đây là nơi trưng bày, giới thiệu các sách, báo mới về Phật giáo cho mọi người, cũng là nơi mà một Phật tử, một bạn đọc cần tìm mua một cuốn sách, một cuôn kinh Phật mà hiện không thấy ở các tiệm sách khác thì ban điều hành có thể tìm mua dùm .
2. Nơi đọc, tra cứu tài liệu Phật giáo : Những bộ kinh cơ bản nhất của Phật Giáo, những bộ Tự điển Phật học cần được đặt lên giá sử dụng cho mọi người tới mượn đọc tại chỗ. Đây là điều rất hữu ích cho sự học của Cư sĩ.
3. Nơi triển lãm, trưng bày nghệ thuật Phật giáo : Thỉnh thoảng, nếu có những tranh, tượng, hình ảnh có giá trị về Phật giáo nên tổ chức trưng bày cho mọi người xem. Có những phim về Phật giáo, những phim tư liệu về Phật giáo, Phật sự nên tổ chức chiếu cho moi người xem (miễn phí).
4. Sinh hoạt thường xuyên vào sáng chủ nhật : 7 giờ – 9 giờ : a. 45 phút Tọa thiền (trên bồ đoàn, tọa cụ) hay Ngồi niệm Phật trong tâm (tùy người); b. 15 phút : Thông tin Phật sự trong tuần qua; c. 60 phút : gồm 45 phút Pháp thoại hay giảng, nói về đoạn kinh, một vấn đề liên quan đến Phật giáo do hoặc một tăng, một ni, hay một Cư sĩ đảm nhiệm, và 15 phút hỏi đáp về vấn đề đã trình bày.
5. Sinh hoạt thường xuyên vào chiều thứ 7 đầu tháng : 4giờ – 6giờ 30 : Nói chuyện một đề tài do một tăng, ni hay cư sĩ đảm nhiệm : a. trình bày : 45 phút; b. giải lao : 10 phút; c. trình bày : 45 phút; d. Hỏi đáp : 20 phút.
D. Với Gia Đình Phật Tử :
1. Xúc tiến việc thành lập Gia dình Phật tử sao cho mọi trẻ em con nhà theo Phật đều có thể dễ dàng gia nhập.
2. Khuyến khích con em gia đình theo Phật gia nhập bằng cách thiết kế chương trình sinh hoạt sao cho ít tốn thì giờ, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi, đủ hữu ích về các mặt rèn luyện cơ thể, trí tuệ, Phật pháp và kỹ năng sống ứng xử tốt hợp đạo lý truyền thống Việt Nam
3. Hiện nay đã và đang tồn tại các Tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại khắp nơi. Vì vậy, việc vận động thành lập Gia đình Phật tử sao cho khéo : Giờ giấc sinh hoạt của Gia đình Phật tử không trùng khớp với giờ giấc sinh hoạt của Đoàn, Đội, nhiều em có thể ở cả hai tổ chức. Những nội dung sinh hoạt của Gia đình Phật tử vốn không có gì chống trái gì với nội dung sinh hoạt của Đoàn, Đội, điểm chung cơ bản nhất của hai Tổ chức là lòng yêu nước, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, sống hữu ích cho xã hội. Có thể nói là hai Tổ chức không loại trừ nhau, bổ sung cho nhau mà thôi. Cho nên các Huynh trưởng cần thuyết minh với lãnh đạo của Đoàn, Đội địa phương để hai bên hiểu rỏ, cảm thông nhau thì tổ chức và sinh hoạt của Gia đình Phật tử mới thuận lợi.
4. Các huynh trưởng Gia đình Phật tử cần tích cực tham gia với quý thấy ở địa phương để tổ chức các khóa học tu học vào mùa hè, dịp nghỉ Tết cho không những Phật tử mà cho mọi học sinh như các khóa tu học đã được Tổ chức vài năm nay tại Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội), chùa An Lạc…, của Hoằng Pháp (Tp Hồ Chí Minh), tại Suối Tiên (Tp HCM, do thầy Nhật Từ). Đây là mô hình vô cùng hữu ích có tính xã hội rất cao cho hàng ngàn học sinh, sinh viên trong từng địa phương, để trang bị cho giới trẻ phẩm hạnh đạo đức, kỹ năng sống để có thể làm cơ sở miễn nhiễm những thói hư, tật xấu hiện đang lây lan ở mức báo đông trong giới trẻ ở nước ta, và đồng thời là cơ hội cho giới trẻ biết đến sự hữu ích của Phật pháp. Trong tương lai, rất có thể các khóa tu học nầy được kết hợp với nội dung ôn tập, củng cố kiến thức về một số môn học cơ bản hay ngoại khóa như ngoại ngữ, Toán, Văn học… thì thời gian ở tập trung tăng lên thành trường hè sẽ có thể vô cùng hữu ích mà có thể nói phụ huynh sẽ rất yên tâm gởi con em tới. Và rất nên tổ chức thực hiện các tác phục vụ cộng đồng như “Đà Nẵng: Phật tử trẻ làm vệ sinh môi trường cúng dường ngày Phật đản” .
C.L