Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Cư sĩ Phật tử cần xác định vai trò và trách nhiệm...

Cư sĩ Phật tử cần xác định vai trò và trách nhiệm hoằng pháp của mình (*)

129
0

Nói đến vị trí và vai trò của Nam Nữ Cư Sĩ Phật tử như chúng ta đều biết là đã được Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam định hình trong ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam hôm nay, cũng chỉ để xác lập một thành phần kế thừa vốn có sẵn của truyền thống “Tứ Chúng Đồng Tu” trong đạo Phật và cũng để tăng cường sự đoàn kết trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội đối với một thực thể nhân sự đông đảo nhất mà suốt dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam không ngừng gắn bó với đạo pháp và dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có khả năng tập hợp thống nhất tất cả các Giáo Phái Tăng Già và Cư sĩ cả nước cùng chung hoạt động hài hòa trên 30 năm nay mà không có sự rạn nứt chia rẽ nào, đó chính là sự thành tựu lớn về sự đoàn kết của Giáo hội. 
 
Các nam nữ Cư sĩ Phật tử là những thành viên rất quan trọng của Giáo hội. Ngày xưa, đức Phật gọi cư sĩ là những cận sự nam và cận sự nữ, họ mang một chức năng quần chúng, lãnh trách nhiệm hộ trì Tam Bảo một hậu thuẩn lớn kiên cố cho giới xuất gia. Vì vậy người cư sĩ có một vị trí nhất định trong Giáo hội và phải được quan tâm đúng mức. Ngày nay người cư sĩ không chỉ đến chùa lạy Phật, tụng kinh hoặc nghe giảng mà phải biết tham gia công tác Phật sự của Giáo hội. Giáo hội phải có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, đồng thời phải có sự đầu tư nhất định cho giới cư sĩ để họ có điều kiện tham gia Phật sự với đạo tâm và thiện chí sẵn có.
 
Cho nên chúng ta phải có một chương trình làm việc tổ chức thật nghiêm túc. Trước nhất là phải tạo cho giới cư sĩ một niềm tin, bồi dưỡng niềm tin trong lòng người Phật tử. Để thực hiện được điều này, việc quan trọng là mỗi Tăng Ni phải biết cống hiến dấn thân. Chúng ta không thể ngồi yên một chỗ mà đợi người tới để giáo hóa, chúng ta không phải chỉ để Cư sĩ Phật tử đến với Tăng Ni mà trái lại Tăng Ni phải trực tiếp đến với Cư sĩ Phật tử. Vì gần 50 năm, từ khi thành Đạo, Đức Phật đã không ngừng nghỉ đi giáo hóa khắp nơi, Ngài đi đến đâu là giáo pháp của Ngài được gieo trồng đến đó. Chính vì vậy mà ai trong chúng ta không khỏi chạnh lòng, khi đọc những lời khuyến tấn thiết tha của Đức Phật: “Nầy các Tỳ Kheo, hãy ra đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của Trời và Người. Các ông hãy đi đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả để truyền bá Chánh Pháp…”. Vì vậy Ban Hướng Dẫn Phật Tử, Ban Hoằng Pháp thường xuyên phối hợp chặt chẽ để tổ chức nhiều cuộc giao lưu gặp gỡ thăm viếng quần chúng Phật tử, đi sâu đi sát vào mọi sinh hoạt của các cấp cơ sở Niệm Phật Đường, Đạo Tràng, Đoàn Chúng Cư sĩ Phật tử, các đơn vị Gia Đình Phật Tử tìm cách giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, cập nhật thông tin nhanh nhất khi gia đình của các Cư sĩ Phật tử gặp phải hoàn cảnh không may xảy đến, chúng ta có mặt để an ủi, chia sẻ về tinh thần và tận tâm giúp đỡ về vật chất nếu thấy cần thiết.
 
Trong thời đại mà các tệ đoan xã hội và văn hóa phương Tây ào ạt xâm nhập, làm cho văn hóa truyền thống và đạo đức con người sa sút, làm ảnh hưởng đến nhiều nếp sống thường nhật của đồng bào; hơn nữa trong xã hội được kích thích tiêu dùng, đẩy đưa dục lạc hưởng thụ, phá vỡ luân thường đạo lý cổ truyền của dân tộc; sự dối trá tràn lan với nhiều thủ đoạn, bất kể sức khỏe và sinh mạng con người, lắm khi còn dùng bạo lực tàn nhẫn với mục đích đơn giản là thủ lợi mà thôi. Những điều đó đang xảy ra, hoàn toàn ngược lại với tinh thần Ngũ Giới là căn bản của người bước đầu theo Phật. Qua những thực trạng như vậy trong xã hội, các giới cư sĩ Phật tử cần xác định vai trò và trách nhiệm hoằng pháp của mình đối với con em của mình và kể cả giới trẻ. Thật là vô lí nếu chúng ta cứ nói chuyện hoằng pháp ở đâu mà bỏ quên chính những người thân thuộc trong gia đình mình. Mỗi vị cư sĩ Phật tử nên xác định mình đã có thiện duyên để đưa con em mình đến với đạo pháp, xa rời cuộc sống xấu xa tội lỗi, rượu chè say sưa, nghiện ngập và suy đồi đạo đức. Các vị Tăng Ni cũng nên thường xuyên nhắc nhở và đề ra nhiệm vụ đó cho các đệ tử tại gia của mình. Trong một gia đình nếu có nhiều thế hệ kế tiếp nhau đều là Phật tử thì việc Phật hóa gia đình hết sức dễ dàng. Chúng ta nên gieo duyên lành cho con cháu trong gia đình bằng cách để con cháu mọi nhà đều gần gũi với thầy bạn, với chùa chiền, với giáo lý và với các Phật sự.
 
Người cư sĩ tại gia đóng một vai trò rất quan trọng đối với Đạo, vì có nhiều Phật sự mà quý Tăng Ni thực hiện không tiện cho bằng các vị cư sĩ. Vì người Phật tử tại gia có hoàn cảnh sinh hoạt cuộc sống tương đối dễ hòa đồng với mọi giới quần chúng chưa quy y Tam Bảo trong cộng đồng, nên dễ dàng chia sẽ với lân lý, xóm làng chung quanh. Chúng ta phải thuyết phục họ bằng chính cuộc sống của gia đình mình, chứng tỏ rằng từ khi chúng ta trở thành những người Phật tử đã phát tâm thọ trì tam quy ngũ giới, tu học chánh pháp, gia đình chúng ta được hòa thuận hạnh phúc, lòng khoan dung độ lượng lớn dần theo năm tháng, con thảo, cháu hiền, giúp đỡ chan hòa với làng trên, xóm dưới. Như thế thì mọi người nhìn vào chúng ta, họ sẽ tự được thuyết phục rằng quy y, học Đạo rất có lợi ích. Đó chính là sự hấp dẫn tự thân, sự giáo dục không lời. Như vậy chính các cư sĩ Phật tử là những hoằng pháp viên quan trọng, là những biểu hiện sinh động nhất cho những giá trị Phật Pháp hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.
 
Nói đến Gia Đình Phật Tử, đây là một tổ chức đã hiện diện trên quê hương Việt Nam hơn 60 năm. Qua bao sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, Gia Đình Phật Tử đã đồng cam cộng khổ với Giáo hội, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.
 
Mục đích của Gia Đình Phật Tử là đào tạo những thanh thiếu đồng niên thành những Phật tử chân chánh, là nơi đào tạo nầm non kế thừa cho Giáo hội, con em chúng ta là những chủ nhân của đất nước, là hạt nhân phát triển Giáo hội sau này. Vì tương lai của Đạo pháp, chúng ta hãy chung tay truyền đạt giáo lý Từ Bi của Đức Phật đến thế hệ trẻ nhiệt huyết, thì GĐPT là nhân tố để chúng ta vun trồng ngày càng vững mạnh phát triển hơn. Đứng trước những viễn cảnh tốt đẹp của đất nước ta thì GĐPT phải tìm một định hướng giáo dục lâu dài để giáo dục Huynh trưởng và đoàn sinh có một đời sống quân bình giữa tinh thần và vật chất, giữa Đức và Trí để trở thành những người hữu ích cho xã hội và Đạo pháp. Muốn thế người Huynh trưởng ngày nay luôn luôn phải tu dưỡng, rèn luyện và vận dụng giáo lý ngũ minh một cách khoa học để huân tập các em thường xuyên nhất quán. Chúng tôi thấy có một số Gia Đình Phật Tử cách tổ chức để cho các em đến với chùa, với đạo vẫn còn rời rạc, một số vị Trụ trì các Chùa, Ban Hộ Tự các Niệm Phật Đường chưa quan tâm đúng mức. Các vị đạo hữu cư sĩ cho phép con em đến với các tổ chức Gia Đình Phật Tử nhiều khi cũng không theo dõi rõ tình hình đường lối sinh hoạt. Giữa cuộc đời với bao thú vui cuốn hút, nếu chúng ta không đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng để có một định hướng rõ ràng mà lo cho con em, lắm lúc chúng ta sẽ làm mất đi những mầm non Phật tử đáng tiếc. Nhân Đại hội hôm nay nên chăng chúng ta xác nhận thật rõ yêu cầu, nhiệm vụ và vai trò công tác của Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh, đặc biệt là đội ngũ Tăng Ni trẻ. Chỉ khi xây dựng được một đội ngũ hậu bị mạnh mẽ thì chúng ta mới đảm bảo được tương lai của Giáo hội nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. 
 
Theo quy luật tre già măng mọc, nhưng nếu tre tàn mà măng không mọc hoặc mọc mà không hàng, không lối thì tương lai sẽ như thế nào chắc ai cũng biết. Chúng tôi nghĩ rằng những vị cư sĩ Phật tử và Gia Đình Phật Tử đến với chùa, với Giáo hội là bản thân đã tự nguyện đem công đức mình để cùng với Chư vị Tăng Ni tham gia các Phật sự, cùng đồng tâm hiệp lực tạo ra sức mạnh đồng bộ, góp phần vào kết quả kế thừa tốt đẹp hơn nữa truyền thống phụng đạo giúp đời theo phương hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Tuy nhiên, mọi hoạt động tập thể nào cũng không thể để mặc cho ai cũng “Tùy duyên tự phát”, coi nhẹ mọi sự chỉ đạo tập trung, đi ra ngoài nguyên tắc thống nhất ý chí hoạt động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, làm sai lạc việc thực hiện kế hoạch của tập thể.
 
Thay mặt Ban Hướng Dẫn Phật tử tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, chúng con có mấy thỉnh nguyện sau đây:
 
1. Thỉnh cầu Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh mỗi năm trong nhiệm kỳ nên tổ chức những khóa hướng dẫn hành chánh Giáo hội cho những cư sĩ Phật tử tham gia công tác Phật sự ở các chùa, các Niệm Phật Đường, Đạo Tràng, Đoàn Chúng và Gia Đình Phật Tử. Đây là kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự của Giáo hội ở các cấp có tính lâu dài và thường xuyên.
 
2. Các vị Tăng Ni trẻ hiện đang trụ trì các chùa, các Niệm Phật Đường là thay mặt Giáo hội để hướng dẫn cho hàng cư sĩ Phật tử và Gia Đình Phật Tử tu học ở khắp các địa phương. Vì vậy, thỉnh cầu Ban Trị Sự tỉnh mở các khóa bồi dưỡng chức năng trú trì; phổ biến những chương trình giáo dục tâm lý và nghệ thuật sống, ngõ hầu tạo thêm thắng duyên cho các vị trú trì trong khi thừa đương lãnh đạo tinh thần cho tín đồ đạt được kết quả tốt đẹp hơn.
 
3. Thỉnh cầu Ban Trị Sự, Ban Tăng Sự, Ban Hướng Dẫn Phật Tử, Ban Hoằng Pháp, Ban Đại Diện Phật Giáo các Huyện Thị phối hợp để tổ chức thành các phái đoàn đi thăm viếng các cấp cơ sở của Giáo hội trong dịp đầu xuân và sau ngày mãn hạ, mùa Vu Lan để khuyến khích, động viên tinh thần tu học và thừa hành Phật sự tại các địa phương.
 
4. Thỉnh cầu Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh, Ban Đại Diện Phật Giáo các Huyện Thị luôn hỗ trợ mọi mặt cho Gia Đình Phật Tử, đầu tư cho họ niềm tin và trí tuệ, ủng hộ các Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, trong mọi công việc củng cố sinh hoạt và phát triển tổ chức. 
 
Với những ý kiến chân thành trên đây, chúng con thành kính dâng lên Chư Tôn Hòa Thượng chứng minh và chúng tôi kính trình trước Đại hội liễu tri.
 
NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỶ BỒ TÁT
 
(Trích Tham luận của Ban Hướng dẫn Phật tử)
 
(*) Tiêu đề do BBT đặt
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here