Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Cụ Phan Bội Châu với chùa Huế

Cụ Phan Bội Châu với chùa Huế

166
0

Ngôi vườn nhà của cụ ở đường Phan Bội Châu đối chênh với chùa Từ Đàm Huế lúc bấy giờ là chùa Ni, thời chấn hưng Phật giáo là chùa Hội của An Nam Phật học Hội. Mô thức chùa hội đều theo mẫu chung chùa Hội ở các tỉnh Trung kỳ từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận.

Cụ Phan lúc về ở nhà mới, tiền do quốc dân đồng bào đóng góp, còn mãnh vườn và nhà ở do cụ Huỳnh Thúc Kháng chọn mua; người đương thời gọi cụ bằng cái tên Ông Già Bến Ngự vì chiều chiều lúc rãnh rổi cụ mặc áo lá quạ đi bộ về chơn Bến  Ngự mua sắm đồ lặt vặt ở phố thị. Trẻ con thấy ông già phương phi, đỉnh trán cao, râu dài và dáng người quắc thước lạ thường nên chạy theo ríu rít bên cụ. Cụ khác nào một Tiên Ông, một Á Thánh ở vùng Từ Đàm – Bến Ngự.

 Chùa Phổ Quang nơi cụ Phan đã ở trong thời gian nửa năm1926

Tâm trạng của cụ biểu hiện qua hai câu thơ do cụ sáng tác:

 Những tưởng anh em trong bốn biển,
 Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.

Thời gian từ giữa năm 1926 cho đến năm 1940, cụ Phan làm đủ việc, đủ nghề: dạy học chữ Nho, nói chuyện, diễn thuyết, viết báo, làm thơ, đi chùa Từ Đàm, chùa Tường Vân, chùa Phổ Quang, viết sách Tự Phán (Phan Bội Châu niên biểu), Châu Dịch (bản thảo chép tay do ông bà Hường Trử ở Bến Ngự lưu giữ và sau năm 1968 được nhà sách Khai Trí in và phát hành vào đầu thập kỷ 70, thế kỷ 20.

Cụ đã từng viếng thăm Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, trú trì chùa Tường Vân để thanh đàm thế sự. Đôi bên tương đắc tương tri. Di chỉ là hai bài xướng họa bằng chữ Nho. Bài xướng lấy chủ đề Hoa Mai, bài có chủ đề Hoa Phong Lan.

Cụ luôn luôn tự kỷ, nghiêm chỉnh như “kiểm điểm” lại quá trình cống hiến của đời mình từ lúc còn niên thiếu cho đến việc đi thi Hương, học tập để chuẩn bị cho thi Hội (tọa giám: học tại Quốc tử giám), hoạt động cách mạng ở trong nước và nước ngoài từ năm 1905 – 1925). Cụ Phan đã nghiêm khắc kiểm điểm và tự cho sự nghiệp của mình là thất bại. Còn bằng hữu của cụ như các danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Tiến sĩ Ngô Đức Kế, cụ Thể Ngô (thân sinh của các Thầy Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm…) hẳn không đồng tình đồng cảm như cụ tự phê, tự phán. Quốc dân đồng bào cung kính nhận xét mới trung thực: Cụ Phan Bội Châu nhà yêu nước hoặc nhà ái quốc. 

Ở gần chùa cuối đời là một diễm phúc cho đời cụ. Đêm đêm cụ nghe chuông, đọc kinh và viết sách Chu Dịch – Phải là một bậc thiện tri thức giàu trí tuệ mới phân tích điểm tương đồng và dị biệt giữa kinh lăng nghiêm với tinh túy của Kinh Dịch (tập 2). Các nhà Nho chính thống và uyên bác thời bấy giờ thấy cụ sống theo lối “LÃO GIẢ AN CHI”, “CƯ NHO MỘ THÍCH”, đầy phong cách Á Thánh xứ Nghệ, thấm đẫm tình Huế và tính cách Huế quyện thành một với tinh thần canh tân. Các nhà tân học như Bác sĩ Lê Đình Thám, Học giả Phạm Quỳnh, Ông bà Đào Duy Anh, Bác sĩ Trần Đình Nam…đều tôn kính và ngưỡng vọng, kể sao hết được.

Bài thơ có chủ đề Hoa Phong Lan còn treo tại chùa Tường Vân Huế

Cụ Phan đã để lại hai câu đối sáng giá được khắc ghi ở Tiền đường ngôi chùa Từ Đàm lịch sử bằng chữ Hán, được Hòa thượng Thích Thiện Siêu chuyển sang Việt ngữ như sau:

Nghiệp duyên như bèo hợp, mỗi năm tóc bạc thêm, trước mặt chỉ là không, sao nở để tuổi xuân theo dòng nước.

Việc đời rối như bàn cờ, nơi nơi đều mộng ảo, quay đầu là bến, nguyện dịch kinh Phật để tỏa ngát hương Ưu Đàm.

Về phía nhà đương cuộc lúc bấy giờ nhận thấy uy tín lớn lao của cụ Phan trong lòng quần chúng Huế, khắp 3 miền Trung – Nam – Bắc, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ lúc bấy giờ đã hỏi ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại với nội dung: Bây giờ nhà nước Pháp – Việt có “cách đối đãi” như thế nào với cụ Phan Bội Châu? Quan Thượng thư đầu triều trả lời nhẹ nhàng và thâm hậu: Cụ Phan đỗ Thủ khoa trường thi  Hương xứ Nghệ năm 1900, văn hóa là cái còn lại sau khi đã “mất hết” ! Xin theo điển lệ của triều đình mà ứng xử với cụ Phan Bội Châu như cách “đối đãi” của Triều đình và quốc dân với cụ Phan như là “MỘT VỊ THỦ KHOA”.

Trí tuệ, đạo đức và lòng yêu thương quốc dân đồng bào của cụ Phan Bội Châu xứng đáng với các danh hiệu: Thủ khoa (trường Nghệ), nhà yêu nước, ông già Bến Ngự và vị Thiên sứ. Cái chất Thiện tri thức trứ danh còn mãi trong lòng người dân xứ Huế, xứ Nghệ và đồng bào Bắc – Trung – Nam đối với Ông Già Bến Ngự… Tùy duyên…

L.Q.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here