Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Công nghiệp rạng rỡ của Minh Vương Nguyễn Phước Chu-Trong công cuộc...

Công nghiệp rạng rỡ của Minh Vương Nguyễn Phước Chu-Trong công cuộc mở đất phương Nam

258
0


Nhân dịp kỷ niệm vùng đất Sài Gòn – Gia Định khai sinh 320 năm, chúng tôi xin đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến ngài, đồng thời thiết tha mong mỏi Giáo hội cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có một hình thức xứng đáng để kỷ niệm công lao to lớn của bậc tiền hiền mở cõi. 
 
caukhanhhoi.jpg
Cầu quay Khánh Hội được người Pháp xây dựng tại Sài Gòn – Gia Định
 
Ở cố đô Huế, chúng ta thường nghe những câu ca dao: 
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.
 
Hoặc: 
Bao giờ cạn nước Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ, mới phai lời nguyền.
 
Đất lành Đồng Nai – Gia Định thuộc vào bản đồ Đại Việt đã ba thế kỷ. Trong các công trình nghiên cứu, kỷ niệm, danh tiếng Nguyễn Hữu Cảnh được tôn vinh bằng tượng đồng, bia đá, tên đường, sách vở… Nhưng mấy ai nhớ đến nhân vật Nguyễn Phước Chu! 
 
Nguyễn Phước Chu còn có tên là Tùng2, ông là con trưởng của Nghĩa vương Nguyễn Phước Thái và Nguyên phi Tống Thị Lĩnh, sinh ngày 18 tháng 5 năm Ất Mão (11.6.1675). Năm Tân Mùi (1691), ông được quần thần tôn lên nối nghiệp làm chúa Đàng Trong, xưng là Quốc chúa.
 
Quốc chúa Nguyễn Phước Chu rất sùng mộ đạo Phật, năm Ất Hợi (1695), ông cho người sang Quảng Đông (Trung Quốc) thỉnh mời Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán qua Phú Xuân, tổ chức giới đàn, chỉnh đốn lại Tăng-già ở Đàng Trong. Ông tự bạch: “Đệ tử từ bé nghe hai chữ Phật pháp đã sinh lòng kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo lam tức thì hoan hỷ. Chẳng biết kiếp trước là ai, làm phúc nghiệp gì, mà nay sinh làm vua ở đây? Xin Tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng”
 
Hòa thượng Thạch Liêm nhận xét ông như sau: “Trộm ngắm ông vua ngoại quốc, xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh, độ lượng, khoan hòa, dung mạo đoan chính. Cho hay hưởng phước làm ông vua một nước đâu phải ngẫu nhiên. Vả lại nghiên cứu kinh điển đau đáu lưu tâm, nếu chẳng phải người kiếp trước tu hành, nhơn túc nguyện trở lại trần gian thì chẳng làm được như thế vậy”
 
Quốc chúa lập chùa thờ Phật trong vương phủ gọi là Giác Vương nội viện. Ngày 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1695) chúa thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm vào nội viện mở đàn truyền giới Bồ-tát cho Quốc chúa và cung quyến. Hòa thượng đặt pháp danh cho Nguyễn Phước Chu là Hưng Long, biệt hiệu Thiên Túng Đạo Nhơn với ý nghĩa: “Thần long sở dĩ làm thần long vì có tài hay duỗi hay co hay phi đằng biến hóa, chẳng khá lường được. Sau này nhà vua phi đằng biến hóa phản bản quy nguyên há chịu nhường thần long hay sao?”. Có bề tôi thấy Quốc chúa quá ngưỡng mộ Phật giáo bèn khuyên chúa nên xa lánh chính sự, nhất tâm niệm Phật tu hành để cầu sinh về Tây phương Tịnh độ. Nguyễn Phước Chu đem việc này trình hỏi Hòa thượng Thạch Liêm, được dạy rằng: “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một nhưng địa vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia hủy bỏ tất cả pháp lệnh, kỷ cương để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy”
 
Bàn về vấn đề trai giới, Hòa thượng khuyên chúa: “Việc trai giới của nhà vua cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề. Không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dùng kẻ yêm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thuyền. Nói tóm lại, nên đem tất cả công việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành…”
 
Đang lúc thanh xuân ở địa vị phú quý tột bậc nhưng Nguyễn Phước Chu đã sớm tỉnh thức, chánh tín Tam bảo, quy y thọ giới tại gia Bồ-tát. Vậy vị Quốc chúa Phật tử này đã lĩnh hội được gì để ứng dụng trong vai trò trị quốc an dân? Sử sách ghi chép: 
 
– Năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm là Bà Tranh làm phản, cướp phá phủ Diên Ninh, Quốc chúa Nguyễn Phước Chu sai Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đánh dẹp bắt được Bà Tranh về giam ở Phú Xuân. Đổi tên Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, sau này lập ra phủ Bình Thuận. 
 
– Năm Giáp Tuất (1694) dẹp tan bọn Hoa thương A Ban câu kết với thổ dân nổi loạn, Quốc chúa thăng Nguyễn Hữu Cảnh làm Chưởng cơ lãnh trấn thủ dinh Bình Khang. – Năm Ất Hợi (1695) dẹp tan bọn tên Linh ở Quảng Ngãi câu kết với Hoa thương ở phủ Quy Ninh là Quảng Ninh. 
 
– Năm Mậu Dần (1698), lập phủ Gia Định, sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, kinh lược đất Chân Lạp chia đất Đông Phố, lấy tỉnh Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định). Chiêu mộ dân nghèo tại Ngũ Quảng vào khai phá đất đai, lập thành thôn xã. Riêng người Hoa ở Trấn Biên lập thành xã Thanh Hà, người Hoa ở Phiên Trấn lập thành xã Minh Hương. Chúa ra lệnh: Phàm lưu dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường, tha các thứ binh đao tô thuế trong 3 năm, do đó dân đều yên nghiệp làm ăn; mở rộng đất đai hàng ngàn dặm, có trên 4 vạn hộ dân. 
 
– Năm Kỷ Mão (1699) vua Chân Lạp Nặc Thu làm phản cướp phá miền Nam, Quốc chúa phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân đánh dẹp. – Năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh hoàn toàn chiến thắng, Nặc Thu xin đầu hàng thần phục. Nguyễn Hữu Cảnh lui quân kinh lược biên giới, sau đó bị bệnh nặng phải rút quân về Rạch Gầm (Định Tường). Nguyễn Hữu Cảnh than rằng: “Ta muốn hết sức báo đền ơn nước, nhưng số trời có hạn, sức người có làm được gì đâu”. Nguyễn Hữu Cảnh chết lúc mới 51 tuổi. Chúa vô cùng thương tiếc truy tặng: Hiệp tán Công thần Đặc tiến Chưởng dinh, thụy: Trung Cần. 
 
– Năm Nhâm Ngọ (1702), người Anh chiếm cứ đảo Côn Lôn, chúa sai Chưởng dinh Trấn Biên Trương Phước Phan đem quân lập kế đốt tan sào huyệt của giặc, thu được rất nhiều chiến lợi phẩm. 
 
– Năm Mậu Tý (1708), Mạc Cửu xin đem đất Hà Tiên khai khẩn được sáp nhập vào nước ta, chúa chấp thuận phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn giữ Hà Tiên. 
 
Các mặt văn hóa mỹ thuật, kinh tế, xã hội… dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phước Chu cũng thành tựu rực rỡ. Ngay sau khi nối nghiệp, năm Nhâm Thân (1692) chúa mở rộng Văn miếu, đẩy mạnh giáo dục, khuyến khích Nho học, liên tục tổ chức thi tuyển nhân tài vào các năm: Giáp Tuất (1694); Ất Hợi (1695) lần đầu tiên tổ chức thi văn chức và tam ty tại sân vương phủ theo thể thức thi Đình ở Bắc Hà; Tân Tỵ (1702); Đinh Hợi (1707); Quý Tỵ (1713); Quý Mão (1723). Bản thân Quốc chúa Nguyễn Phước Chu là một tác gia văn học lớn vào thế kỷ XVIII. Tác phẩm thi văn, liễn đối… của ông hiện còn bảo tồn tại một số chùa chiền từ miền Trung vào Nam. Đặc biệt năm Canh Thìn (1700), Quốc chúa cử hành Đại lễ Phật đản, đúc quả đại hồng chung nặng 3.285 cân (2.021kg) phụng cúng vào quốc tự Thiên Mụ. Năm Giáp Ngọ (1714), chúa cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ vô cùng nguy nga, tráng lệ. Chúa trai giới một tháng tại vườn Tỳ Da (sau chùa) để làm lễ khánh thành, thỉnh Đại tạng kinh và mở đại hội bố thí dân nghèo. Chúa thân viết bài văn khắc vào bia đá để kỷ niệm. Hiện nay hai văn vật này vẫn còn bảo tồn tại chùa Thiên Mụ, chứng minh trình độ mỹ thuật, kỹ thuật vào thời đó đạt đến đỉnh cao mà đời sau khó sánh kịp. 
 
Để xác định chủ quyền và khích lệ lưu dân khai phá vùng đất mới, chúa cũng quan tâm ban bức hoành đề “Sắc tứ Vạn An tự” cho ngôi chùa ở thôn Phước An, huyện Phước Long dinh Trấn Biên 2
 
Sau 34 năm ứng thân Quốc vương với tâm Bồ-tát, Hưng Long Nguyễn Phước Chu tận tâm hộ trì Tam bảo, hoằng dương Chánh pháp. Đối với quốc gia, dân tộc, Quốc chúa đã làm tròn vai trò lãnh đạo tối cao hoàn thành nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó. Ngày 21 tháng 4 năm Ất Tỵ (1-6-1725) Quốc chúa Nguyễn Phước Chu băng hà, thọ 51 tuổi, an táng tại lăng Trường Thanh. Triều thần dâng tôn thụy: Đô Nguyên Soái Tổng Quốc Chánh Khoan Từ Nhơn Thứ Tộ Minh Vương. Vua Gia Long truy tôn: Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng đế, miếu hiệu: Hiển Tông. 

Trần Đình Sơn 
_________________
1. Người Nam Hà kiêng húy âm Chu đọc là Châu và Tùng đọc là Tòng. 
2. Chùa Vạn An nay thuộc huyện Long Đất Bà Rịa Vũng Tàu. Giữa bức hoành ghi “Sắc tứ Vạn An tự”, bên phải ghi: “Vĩnh Thạnh lục niên thất nguyệt cát nhựt”, bên trái đề: “Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhơn ngự đề”. Tài liệu tham khảo: – Đại Nam thực lục Tiền biên, Bản dịch của Nhà xuất bản Sử học Hà Nội, 1962; Tôn Thất Hân, Tiên Nguyên toát yếu phổ, Ưng Bình, Ưng Tôn dịch, Huế, NXB.Tiếng Dân, 1935; Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Trần Kinh Hòa, dịch, Viện Đại học Huế xuất bản, 1963. “Chúng tôi thiết nghĩ, việc tổ chức xây dựng một tượng đài của Thiên Túng Đạo Nhơn – Hưng Long cư sĩ tại gia Bồ-tát Minh vương Nguyễn PhướChu trên vùng đất mang đậm dấu ấn khai phá của ngài là điều hoàn toàn xứng đáng”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here