Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Công án Trần Nhân Tông (phần 2): Tri thức luận Phật hoàng...

Công án Trần Nhân Tông (phần 2): Tri thức luận Phật hoàng Trần Nhân Tông

136
0

Tam Bảo Phật Pháp Tăng là đối tượng tu học của người Phật tử tìm hiểu giáo lý rốt ráo để thực hành giáo lý. Do đấy bài giảng của TNT có đối tượng là tri thức Phật học.  Đối tượng này được khảo sát từ hai góc độ : Học Phật Pháp Tăng và Hiểu Phật Pháp Tăng. Học như thế nào và hiểu như thế nào, đó là mục tiêu của bài giảng.  

a. Điều kiện căn bản trong tri thức luận TNT:  

Bài giảng chùa Sùng Nghiêm được bắt đầu bằng câu : 

Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng 
Đừng để tầm thường xuân luống qua

Mới nghe qua tưởng như hai câu thơ vu vơ không ăn nhập gì với buổi giảng, nhưng thật sự nó làm nền tảng tinh thần cho cả buổi giảng. Hai câu thơ này thuộc vào phạm trù ĐỊNH trong bát chánh đạo và là cấp bực thứ sáu : chánh tinh tấn. Ba vạn sáu nghìn ngày là ba vạn sáu nghìn cái vô thường tầm thường, có thể làm cho con người vất vơ trong nỗi bi quan, yếm thế, học Phật là để biến từng phút từng giây“ tầm thường xuân luống qua” ấy thành những giây phút thường hằng trong sáng qúi giá có ý nghiã cho cuộc đời. Thái độ, tư thế tĩnh thức, miệt mài trì chí là điều kiện cho chánh định và chánh tuệ đồng thời là điều kiện đồng nhất tính của tâm thức xuyên suốt quá trình tri thức như ánh sáng chiếu rọi vô minh, hé mở chân trời của chân lý. Đức Phật dạy : “Người có định tâm nhận thức sự việc như nó là”

Trong ba phạm trù lớn của bát chánh đạo Giới – Định – Tuệ, Định là ý thức hội nhập của tất cả 8 cấp, là đòn gánh chở giới và tuệ thành một thể nhất quán, chính thể nhất quán này là điều kiện vượt nhị nguyên của tri thức Phật học, trong lúc Giới và Tuệ có thể còn nằm trên giới hạn của ngôn ngữ.

Câu thơ rơi vào tâm của thiền sinh như một giọt nước rơi vào bể chứa nước mưa, âm vang và dư ba của nó có tác dụng như một tiếng chuông ngân thẩm thấu vào ý thức , tự nhiên như nhiên, không gượng ép bắt buộc. Đó là tư thế của Thiền học, dẫn Tâm trở về với Định như khơi một mạch nước đang tắt nghẽn vì rong rêu, để chuẩn bị cho buổi học cam go hóc hiểm về thể tính của tri thức.

– Phát tâm như thế là điều kiện tiên quyết đề nhận thức đúng đắn sự việc. Những tôn chỉ kế thừa đức Phật đều tìm cách diễn giải ý niệm “vô ngã” trong quá trình phát tâm nhận thức vì tâm là chủ thể (vô ngã) tri thức.  Đạt Lai Lạt Ma của thế kỷ 20 và 21 thường diễn tả ý niệm này bằng “dòng chảy ý thức” để nhấn mạnh tính cách sống động của tâm vô ngã.

Trần Nhân Tông của thế kỷ 13  đã lấy ý niệm “muà xuân” để chỉ tâm thức nhận thức trong buổi giảng cho Thiền sinh. Ta có thể duyệt lại cách diễn tả “tâm thức vô ngã” của những tôn chỉ Thiền học trước đó để thấy sự khác biệt trong quan điểm nhìn, hiểu và xử dụng khái niệm “thức” của  tri thức luận Phật học TNT.

Trong lúc Thiền học Bắc tông với Thần Tú quan niệm rằng Tâm như “minh cảnh đài”, như một tấm gương sáng, thường bị bụi (của dục vọng hờn ghét và ảo tưởng) phủ lấp. Kẻ học đạo do thế cần phải luôn luôn tinh tấn cố gắng phủi lớp bụi làm mờ tấm gương để thấy được sự vật cũng như tri kiến chân thật xuất hiện rõ rệt toàn diện trong tâm thức.  Quan điểm này nhìn tâm trong một trạng thái tĩnh tương tự như lý thuyết “in lại” (Abbildtheorie) ngây thơ của trường phái hiện thực Âu châu, trong lúc ý thức là một giòng chảy không ngừng, linh động và sống động, nếu đóng khung nó như một tấm gương, hành giả sẽ không thấy được diệu dụng của tâm thức trên đường đi tìm chân lý và đạt được chân lý và thường khởi lên khuynh hướng “chấp” như một trở ngại cho tri thức toàn diện.

Với khái niệm “vô niệm” và sự phủ định quan điểm của Thần Tú qua hai câu khởi thủy sáng lập Thiền phái Nam tông “Bồ đề bổn vô thọ, minh cảnh diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai.” (Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, đâu chỗ nhuốm trần ai) Lục tổ Huệ Năng (638-713) đã khơi lại mạch chảy của tâm trong quan điểm của Đại thừa Lăng Nghiêm và theo đúng yếu tính lời dạy của Đức Phật : chủ thể khách thể đều vô ngã vô thường và như  Fa Yen đã diễn giải Huệ Năng : “vạn pháp thảy đều là tâm”.

Trong buổi giảng  tại chùa Sùng Nghiêm, Trần Nhân Tông đã xử dụng ý niệm

“Thức” theo quan điểm của Huệ Năng, để dẫn Tâm của hành giả chuẩn bị “chánh kiến” : thay vì dùng khái niệm “hữu” (minh cảnh đài) trong trạng thái đóng khung và “vô” (bổn vô thọ, diệc phi đài) trong tạng thái vô niệm có thể khó hiểu hay không hợp với căn cơ của Thiền sinh, TNT dùng ý niệm “xuân” để chỉ Thức, hay Tâm để nhấn mạnh tính chất sống động vô ngã của tâm. Muà xuân là một giòng chảy ý thức tràn đầy, khởi đầu cho sự sống và sáng tạo, không phân biệt sắc không, không đối đãi, như một mạch chảy không ngừng của vạn vật và nhân sinh. Dùng ý niệm mùa xuân để chỉ thể tính toàn diện của Tâm trong nỗi thức tĩnh bừng sáng, có thể nói TNT đã nắm được yếu tính sáng tạo của Thức không thua, nếu không nói là thần tình hơn những Thiền sư đi trước.

Tinh tấn đừng để hoá ra tầm thường, mùa xuân vũ trụ và nhân loại ấy !

Còn nữa

T.K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here