Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Con Thầy hiệu trưởng

Con Thầy hiệu trưởng

206
0

Năm tôi học lớp 6, thi đậu vào trường công, thay vì học ở trường đó cho “le lói”, tôi lại theo học tại một trường tư vì không tốn một xu học phí và lệ phí nào. Trường tư thục Văn Hóa đối với tôi là trường nhà. Trường nhà vì ông hiệu trưởng chính là… cha tôi. Tôi được diễm phúc làm con trai một vị thầy tài đức song toàn, làm một quý tử hiệu trưởng nghiêm khắc, đường bệ. Nhưng thay vì tôi phải luôn luôn chứng tỏ, luôn luôn giữ gìn cho người nhìn thấy tôi là một học sinh con nhà gia giáo, thì tôi lại dương dương tự đắc, kênh kiệu, ỷ dựa vào thế thần của cha mà muốn bắt mọi người phải nhìn tôi bằng đôi mắt sự kiêng dè nể nang.


Mà thiệt, suốt mấy năm học lớp 6 đến 1ớp 7, 1ớp 8… cả bạn bè, thầy cô trong trường đều dành cho tôi một kiểu đối xử đặc biệt, đối xử dành cho “con ông cháu cha”. Chưa từng có một thầy hay cô giáo dùng lời to tiếng nặng nề để khiển trách đứa học trò vốn là con trai ông hiệu trưởng. Thầy cô mà còn vậy, nói gì chúng bạn cùng lớp, và ngay cả học sinh lớp khác, lạng quạng với tôi là ra khỏi trường, từ giả học đường ngay. Có lẽ, ai cũng nghĩ vậy, sợ vậy nên đã dung túng, đã vô tình khuyến khích cho tôi ngang bướng nghịch ngợm láu cá… mà cha tôi chẳng bao giờ được nghe một lời than phiền, trách móc, mắng vốn về cậu quý tử của ông. Cha tôi chỉ lưu đến học lực của con trai mà không nắm rõ về hạnh kiểm của nó. May mà tôi chưa đến nỗi nương tựa bóng râm của cha mà học hành nhếch nhác. Tôi học cũng khá lắm, chưa hề có một điểm nào dưới 6.


Về môn Văn thì số một. Cho nên cha tôi rất lấy làm an tâm về cậu con. Khi ở nhà, ông thường hỏi tôi về bài vở trước khi đến trường và thường giao cho các anh chị của tôi dò bài, kiểm tra sách vở của tôi rất đều đặn, gắt gao. Học thì chẳng thua bạn nào, còn có nghịch ngợm láu cá thì bạn nào cũng chịu thua xa. Tôi quen đến thành thói, đến nỗi các bạn đặt cho tôi biệt danh Ý lỳ. Được gọi bằng biệt danh ấy, tôi khoái chí lắm, khoái lắm.


Năm tôi học lớp 9, trường có thêm nhiều giáo sư về dạy. Hồi đó thầy cô bậc trung học được gọi bằng giáo sư. Còn giáo viên chủ nhiệm thì hồi đó gọi là giáo sư hướng dẫn lớp 9B, lớp tôi học, là cô giáo mới toanh đối với trường Văn Hóa, nhưng đối với ngành giáo dục trong thành phố thì tên tuổi của cô quá quen thuộc Cô nổi tiếng dạy hay, dạy giỏi, dạy nghiêm. Nói về môn Toán thì phải nghĩ ngay đến cô Hương Diệu, tên của cô. Chính vì vậy mà cha tôi đích thân đến tận nhà cô, như Lưu Bị cầu Khổng Minh vậy, để thỉnh mời cô dành chút ít thời giờ vàng ngọc về gánh bớt trách nhiệm giảng dạy môn Toán dùm cho trường Văn Hóa. Chừng như có thêm tên cô trong danh sách nhận giáo sư giảng dạy ở trường, đã làm cho uy tín của trường tư thục mà cha tôi là “chủ nhân” được tăng lê một mức đáng kể.


Ngay từ giây phút đầu nhìn thấy cô Hương Diệu, khi cô bước vào lớp 9B trong giờ học Toán đầu năm với nét mặt trầm tư, nghiêm nghị, tôi đa có một cảm giác lạ lùng. Tôi linh cảm mình sẽ gặp chuyện rắc rối với cô giáo mới toanh này. Tôi cho đó là “điều kỵ”, một thứ điện của giác quan thứ sáu đã báo cho biết sự xung khắc giữa tôi và cô giáo. Nhưng chỉ linh tính vậy thôi. Gì thì gì tôi vẫn là con trai của ông hiệu trưởng kia mà! Cô chân ướt chân ráo tới trường này, nên chưa biết rõ điều đó. Chưa biết, rồi sẽ biết.


Cô đang giảng bài say sưa. Cả lớp lắng nghe. Tôi cũng vậy, cũng lắng nghe. Chợt, thằng Hưng ngồi sau lưng tôi đã “đánh rắm công khai” một phát rõ to. Hơn nửa lớp làm bộ không nghe biết, cứ để mắt lên bảng. Số còn lại, trong đó có tôi đưa tay bịt mũi, bụm miệng cười khúc khích. Cái tật nghịch ngợm cố hữu trong tôi động đậy, đó là cái tật muốn “chơi nổi”, muốn thiên hạ phải chú ý tới mình, muốn bạn bè phải cười vì cái kiểu cù léc làm bộ ngây thơ của mình. Cô giáo vẫn thản nhiên tiếp tục bài giảng, chẳng để ý làm gì chuyện “bất lịch sự” vừa xảy ra. Sự cố kém tế nhị, thiếu văn minh đó đáng lý sẽ được cho qua luôn một cách dễ dàng. Nhưng, tôi xoay lưng, chồm người ra sau, đưa tay thụt nhẹ thẳng Hưng một cái “dằn mặt”. Chưa hết tôi đứng thẳng, vòng tay lại thưa:


– Thưa cô, trò Hưng vừa chơi xấu trong lớp, thúi quá… chịu không nổi, cô cho em ra ngoài thở một chút ạ!


Cả lớp đương nhiên không kềm được trận cười rần rần như. . . bãi rạp hát. Cô Hương Diệu quay phắt lạ ánh mắt cô rực lên giận dữ. Vẻ mặt cô nghiêm trang đến lạ lùng. Cô đang chăm chăm nhìn tôi, nhìn xoáy vào tôi, tôi hơi sợ, nhưng làm bộ thản nhiên, vẫn cứ đứng vòng tay chờ đợi cô cho phép ra ngoài. Cả lớp bỗng im phăng phắc. Cô đã rời khỏi bục giảng, thúng thẳng bước xuống, tiến đến chỗ tôi, cất giọng trầm trầm:


– Em vừa thưa gì? Lặp lại cho cô nghe, cho cả lớp nghe!


Tôi tỏ ra “anh hùng”, cố giữ giọng bình thản lặp lại to “kiến nghị” khi nãy không sai, không thiếu một từ. Cô Hương Diệu nhìn thẳng vào mắt tôi rồi buông giọng sắc ngọt:


– Em bước ngay ra khỏi lớp. Quỳ ngoài hiên cho đến hết giờ, rồi tôi sẽ tính sau!


Tôi đỏ mặt tía tai. Tức lắm. Làm mặt lì, tôi đứng yên một chô , mắt đưa nhìn lên trần nhà. Cô giáo gằn giọng:


– Có nghe hay không? Bước ra ngay!


Tôi không kềm được lòng buột miệng:


– Cô đụng tới em… sẽ “có chuyện” đó!


Cô giáo sửng sốt, hỏi:


– Sao? Em vừa nói gì? Hăm dọa tôi à?


Tôi biết mình đã lỡ lời, bèn im miệng. Ai dè, thằng Hưng phía sau tôi ngứa miệng:


– Bạn ý là con của thầy hiệu trưởng đó cô ơi!


Cô giáo nhìn xoáy vào mắt tôi:


– Con thầy hiệu trưởng à? Hứ, con của ông tổng thống, tôi vẫn đuổi ra khỏi lớp vì tội vô lễ Em bước ra ngay, hay chờ tôi mời thầy giám thị vào tận nơi đây?


Nghe giọng cương quyết của cô lần đầu tiên tôi biết sợ hãi lệnh của một vị giáo sư, bèn xìu mặt, hết lộ vẻ bướng lì. Mặt tôi chảy xệ xuống ngực, và… tôi dợm bước. Cô giáo đi sau lưng tôí, tôi đến cửa lớp cô bảo:


– Quỳ xuống đó đi, cho đến hết giờ!


Tôi bắt đầu run hai tay, hai chân. Run, không biết vì sợ hãi nhiều hơn, hay vì tức giận nhiều hơn. Tôi mà quỳ ở đó, nếu cha tôi mà tình cờ thấy được chắc là… mệt. Chỉ còn cách cúi lạy mà xin cô giáo tha lỗi, cho vào ngồi lại trong lớp, hay quỳ trong lớp cho kín đáo một chút cũng được. Nhưng, tôi mà xin lỗi người khác à? Chuyện khó có. Tôi đang lưỡng lự, cô giáo lại giục:


– Sao chưa chịu quỳ đi, hả? Đừng làm phí thời giờ của tôi, của các bạn mình.


Tôi nóng mặt, buột miệng nói:


– Còn khuya!


Dứt lời, tôi bước te te thẳng đến văn phòng Ban giám hiệu. Cha tôi đang ngồi xem sổ sách với cô thư ký. Tôi bước thẳng đến đứng trước ông, làm mặt buồn rười rượi, thưa:


– Ba, xin cho con vào lớp lại đi. Cố giáo đuổi con, còn bắt con quỳ ngoài cửa lớp nữa.


Cha tôi ngạc nhiên trong giây lát trầm giọng:


– Con chỉ có kể khúc đuôi mà không kể khúc đầu. Tại sao cô lại phạt kia chứ? Không làm bài hay không nghe giảng bài.


Tôi lúng búng kể lại đầu đuôi tự sự với cái giọng yếu xìu. Dĩ nhiên là tôi không dám thuật lại những chi tiết, trong đó có những lời lẽ ngôn từ của tôi đã dùng đối đáp với cô. Nghe xong, cha tôi trợn mắt tức tối ông đứng bật dậy. Bốp, một cái tát nảy lửa vào mặt tôi. Tôi chuệnh choạng, ông lại nắm lấy tai tôi mà vặt tréo, kéo tôi đi. Đi từ văn phòng giám thị băng qua sân, qua nhiều lớp học, đến lớp tôi. Cô Hương Diệu nhìn từ xa, thấy cảnh cha con tôi vội ngưng giảng bước ra đến cửa. Cha tôi khẽ chào cô giáo, nghiêm trang nói:


– Nó mất dạy, cô tha lỗi cho. Tôi cảm ơn cô đã dạy cho nó biết lễ nghĩa, trước khi biết chữ nghĩa!


Ông quay mặt nhìn tôi, giọng đanh thép:


– Quỳ xuống ngay. Và xin lỗi cô giáo mau, đồ vô giáo dục!


Tôi tái mét, run rẩy quỳ xuống như con cừu non ngoan ngoãn, rồi cất giọng nghèn nghẹn xin lỗi cô giáo. Cô Hương Diệu vẫn nghiêm nghị, nói:


– Thôi được rồi, cho em đứng dậy và vào lớp học!


Nhưng cha tôi lên tiếng:


– Chưa được, cô cứ để cho nó quỳ đến hết giờ học, làm gương cho cả lớp và cả trường. Xin phép làm phiền cô năm phút nữa, cho tôi được nói vài lời với các em trong lớp!


Tôi quỳ đó. Cô giáo đứng ngay cửa ra vào, ông hiệu trưởng vào trong lớp. ông mở đầu một bài giảng dạy về giáo dục công dân, bằng câu “Không thầy đố mày làm nên”, rồi lại “thuyết pháp” như một vị cao tăng giáo thọ nói về “Tứ trọng ân” theo kinh điển nhà Phật bằng một giọng hết sức nghiêm nghị và đầy cảm xúc… Cả lớp im thin thít lắng nghe. Tôi cũng lắng nghe và tỉnh ngộ ngay trong giờ phút hai đầu gối của mình đang đụng đất, đầu thì đang hứng cái nắng gay gắt chói chang. Tôi đã từng rất nhiều lần nghe cha tôi thuyết giảng về giáo lý nhà Phật mà ông, cũng như mẹ tôi, đã thấm nhuần từ bao năm đến chùa tu học, tham gia sinh hoạt Phật sự. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới biết lắng nghe, càng lắng nghe càng thấy quá hay, quá cảm động, và quá thuyết phục. Tôi thoát nhiên tỉnh ngộ, đầu óc sáng bừng lên trong niềm xúc động dạt dào. Sau này lớn khôn già giặn lên, khi nghiên cứu tìm hiểu kỹ và sâu vào giáo lý nhà Phật, tôi mới hồi tưởng và ngẫm thầy hồi đó, khoảnh khắc lạ lùng đó, mình y như một vị thiền sư vừa được ngộ đạo, vừa phá giải được một công án thiền vi diệu.


Tôi thấy tôi đáng đời, đáng phải quỳ suốt đến ba ngày vẫn chưa hết tội mình. Xong bài giảng, cha tôi chào cô giáo, đi về văn phòng. Khi ngang qua chỗ tôi đang quỳ, ông không liếc một chút chứ đừng nói là nhìn. Ông vừa khuất sau dãy hành lang, cô Hương Diệu đã bước lại đỡ tôi đứng dậy, hỏi:


– Em đã chừa chưa?


– Thưa cô em biết lỗi. Em hứa sẽ không bao giờ tái phạm…


– Em có oán hận cô chứ?


Tôi ấp úng nói thật lòng:


– Thưa em không oán hận… em có biết ơn cô!


Cô mỉm cười tươi tắn, cho phép tôi vào lớp. Từ đó, tôi… “tu”, tu đến già.


…Cha tôi qua đời cách đây đã hai mươi năm vì một căn bệnh người già. Còn cô Hương Diệu đã đi xa bởi chứng bệnh lao phổi tai ác cách đây mười tám năm. Đó là hai vị ân sư của tôi, luôn luôn còn sống trong tâm tưởng, trong tim tôi với tấm gương chói ngời một bài học quý giá vô ngần về tôn sư trọng đạo.




  • Lê Thu Ý


  • Nguồn: Báo Giác Ngộ số 449 – Cư sĩ Tịnh Tú vi tính và chuyển bài

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here