Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Thể Thanh: Cội nguồn tâm linh

Tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Thể Thanh: Cội nguồn tâm linh

167
0

Sáng nay sau khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức 3 giờ thì con đã thức dậy và lặng lẽ  đến bên bàn viết. Trước tiên với lòng thành tâm con ngồi yên, lắng đọng tâm tư chắp tay hướng về  đảnh lễ Giác linh Sư bà, và cầu nguyện cho Sư phụ chúng con: Thượng Minh hạ Bảo thân thể an khang, sức khỏe dồi dào, mạng vị bình an để dìu dắt chúng con trên bước đường tu tập.

Kính lạy giác linh Sư bà! Hôm nay là ngày húy nhật lần thứ 25 của Sư bà (7/4 Kỷ Tỵ-7/4/Quý Tỵ)), con biết giờ này đại chúng cùng huynh đệ trong chùa cũng thức dậy để chuẩn bị cho ngày tưởng niệm húy nhật trọng đại này. Khoảng 6,7 tiếng đồng hồ nữa thì sẽ long trọng cử lên ba hồi chuông trống Bát Nhã để cung thỉnh quý Ôn, quý Sư bà cùng chư Tôn Thiền đức trong Giáo Hội tôn nghiêm đến chứng minh và gia trì buổi lễ. Nghĩ đến đây lòng con lại rạo rực và chỉ biết dâng lên tấm lòng thành đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức trong Giáo Hội. Con tự nghĩ ước gì mình có mặt để tham gia cùng huynh đệ và làm thị giả , rồi chạy lăng xăng xem có thiếu gì không? Ôi! Thật là ấm tình đạo vị!    

Kính bạch Giác linh Sư bà! Trong ngày tưởng niệm húy nhật lần này, con là hàng cháu chắt khi đang ở xa không tiện về cùng với huynh đệ phụ giúp thầy tổ được. Nhưng nơi phương xa con một mình đang ngồi để nhớ về công hạnh, gia tộc và thân thế của Sư bà.

Sư bà thượng Thể hạ Thanh, thế  danh: Công Tằng Tôn Nữ Kim Cúc,  (1923-1988) thân sinh là cụ Hiệp tá đại học sĩ Nguyễn Phước Ưng Bàng, thân mẫu là cụ bà Trương thị Cúc. Tính ra thân sinh của sư bà là cháu nội của vua Minh Mạng, là con của đức Tùng Thiện Vương. Sanh ra trong dòng giỏi vọng tộc, Sư bà thuở nhỏ có nhiều thiện duyên được song thân hay đưa đi chùa, nên huệ căn sớm được nảy mầm. Sư bà đồng chơn xuất gia, nghiên tầm giới luật. Vào khoảng thập niên 60 và 70 Sư bà trở thành vị giáo thọ ưu tú dạy Luật cho ni chúng tại Huế, Nha Trang và Cam Ranh. Với sự nghiêm trì giới luật và pháp môn Tịnh Độ miên mật, duyên Ta Bà đã mãn, giờ phút lâm chung Sư bà quy Tây trong khi miệng vẫn mỉm cười. Mỗi lần chiêm ngưỡng dung mạo tôn nghiêm và nụ cười giải thoát của Sư bà làm cho chúng con phát tâm, bao nhiêu muộn phiền đều lắng xuống. Sư phụ chúng con thường kể:

Lúc sinh tiền, Sư bà thân tướng oai nghiêm  đỉnh đạt, nói năng hiền hòa khiêm tốn, tâm chí bao dung rộng rãi, xứng danh là một bậc Giáo thọ ni gương mẫu, có công hạnh lớn trong sự nghiệp tu trì hành hoá. Đối với học trò và đệ tử, Sư bà là một vị thầy khó quên trong lòng những người đã thọ ơn giáo dưỡng.

Sư bà lúc nào trên môi cũng mở nụ cười hoan hỷ và sẵn sàng giúp đỡ ni chúng trong mọi khó khăn. Có ai lầm lỗi thì Sư bà nhẹ nhàng kêu vào phòng và tìm hiểu nguyên nhân để dạy bảo, và khuyến khích cho họ tấn tu đạo nghiệp.

Tu tập trong thời mạt pháp với pháp môn Tịnh Độ là  phương pháp thích hợp với căn cơ trình độ của chúng sanh. Một câu niệm: Nam Mô A Di Đà Phật sẽ làm cho tội diệt phước sanh. Vì ba đời chư Phật cũng đều tu tập pháp môn niệm Phật và khuyên chúng sanh niệm Phật. Đức Phật Thích Ca cũng là bậc thân chứng cảnh giới Tịnh Độ, rồi đem cảnh giới này khuyến cáo chúng sanh nên phát tâm sanh về Tịnh Độ. Cõi Ta Bà này với Ngũ trược ác thế ( kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược) là nơi phiền não khổ đau. Nếu như không biết nương pháp môn Tịnh Độ để vượt qua biển khổ thì khổ đau phiền não vẫn triền miên không dứt. Như muốn qua sông phải có thuyền bè, muốn vượt biển khổ sanh tử trầm luân thì phải nương chiếc thuyền nan diệu dụng nhất đó là chấp trì pháp môn niệm Phật. Như trong “Tịnh độ thánh hiền lục” đã ghi Pháp môn Tịnh Độ này bao quát cho cả ba căn: Trên từ bậc Đẳng giác Bồ tát và bậc Đại đức cao tăng, cho đến những kẻ hung hăng bạo tàn, dưới đến những loài súc sanh cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được giác ngộ, cũng như loài cầm thú súc sanh thoát ly thân hiện tại sanh về cảnh giới Tịnh độ. Cảnh giới Tịnh Độ có chín Phẩm: Thượng phẩm, Thượng trung phẩm, Thượng hạ phẩm, Trung thượng phẩm, Trung trung phẩm, Trung hạ phẩm, Hạ thượng phẩm, Hạ trung phẩm, Hạ hạ phẩm, cho nên tùy theo cấp bậc để vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc. Nương theo pháp môn Tịnh Độ là tha lực, như đã nói trong đời mạt pháp chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, ví như viên đá nếu thả xuống sông thì sẽ bị chìm ngay, nhưng nếu nương theo tha lực bằng câu chấp trì danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật thì cũng như chiếc thuyền chở đá qua sông vậy đó. Hành trì pháp môn này phải cọng thêm ba yếu tố nữa đó là: Tín, Hạnh và Nguyện, phải tin sâu, lập hạnh và phát nguyện tha thiết mới đầy đủ lực để vãng sanh về Tây phương Tịnh Độ.

Ngoài ra, Sư bà là vị nghiêm trì Giới Luật, nên thường dạy Ni Chúng giữ gìn Giới Luật. Trong suốt đời xuất gia tu tập và hành đạo Sư bà đã dùng bộ Luật TỨ PHẦN TỲ-KHEO-NI GIỚI BỔN LƯỢC KÝ để nghiêm trì, và đã dịch từ Hán sang Việt, giảng giải tượng tận.

Lúc chúng con mới vào chùa đi học trường cơ bản Phật học, có lần Sư phụ của chúng con là Ni trưởng thượng Minh hạ Bảo đang dạy môn Giới Luật giảng về phần pháp số “làm cho thân nhẹ”, thì Sư phụ kể cho học trò nghe về câu chuyện sư bà Bác Phong ở Đà lạt tu pháp môn niệm Phật, đến lúc lâm chung thân nhẹ như bông. Trong khi lập chí tu tập để được vãng sanh, sư Bác Phong làm cốc trên rẫy, nơi mà những người nông dân thường đến canh tác và trồng trọt. Cứ mỗi buỗi sáng những người nông dân lên nương thường đem theo phần ăn trưa cho mình là những nắm gạo. Đến nơi họ dồn tất cả gạo vào một nồi to rồi để dưới chân cốc của sư Bác Phong rồi đi làm. Hằng ngày sau giờ hành trì pháp môn niệm Phật đã định sẵn giờ của Sư bà, hồi hướng xong rời khỏi bàn Phật, sư bà đi nấu cơm trưa cho những người nông dân. Nấu ăn xong Sư bà đơm một bát cơm để cúng Phật, cơm cúng Phật xong Sư bà lấy đó để làm bữa cơm trưa cho mình. Còn lại thì đó là những phần cơm cho bà con nông dân về ăn trưa. Ngày ngày đều như vậy, chỉ ngày một bữa với phần cơm mà Sư bà đã nấu giúp cho những người nông dân, truớc cúng Phật, sau sư dùng cho bữa ngọ của mình rồi chuyên tâm niệm Phật. Do công phu tu tập thâm sâu, đến lúc lâm chung thân sư bà nhẹ như bông. Nơi tu tập của Sư là cái thất làm bằng tre nhỏ xíu, cửa vào chỉ bằng người nghiên hông mới vào được, vậy mà khi sư vãng chỉ cần một ni cô bồng nghiên nguời để đưa ra ngoài làm đám tang. Đây là do công phu miên mật mà chứng được pháp môn niệm Phật Tam muội mà cảm được thân nhẹ như bông.

Sau câu chuyện này khiến con thường suy nghĩ: Tu tập như  thế này thì không làm tiêu hao của đàn na tín thí, lại giúp cho những người nông dân có cơm  ăn sau khi đi làm về vừa đói và vừa mệt. Thời nay mọi phương tiện tu học thật là đầy đủ nếu không thật sự tu học để tự lợi và lợi tha thì thật là lạm dụng của tín thí, bản thân cũng không thể tự lợi, chỉ luống qua ngày tháng, làm phước mỏng tội dày mà thôi.

Lúc Sư bà chúng con còn sanh tiền, Sư phụ là người đệ tử hiếu thảo, tuổi ngoài tứ tuần và vẫn còn làm thị giả như là một chú tiểu đồng. Chúng con thiếu duyên lành nên khi vào chùa thì Sư bà đã viên tịch. Có những lúc chúng con ngỗ nghịch làm buồn lòng Thầy, lúc đó Thầy lại đến bên giác linh Sư bà và bạch: Thầy ơi! Thầy cho con đi theo với! Sư phụ chúng con lúc đó không chỉ làm thị giả mà còn làm trợ giáo, có những lúc Sư Bà trong người không được khỏe, Sư phụ của chúng con lại thay Sư bà đứng lớp giảng bài. Sau khi Sư bà viên tịch và nhục thân nhập vào bảo tháp, thế là lúc đó Sư phụ chúng con tâm trạng như Ngài A Nan như Phật lúc nhập Niết Bàn vậy. Vì lòng thương kính không nguôi, nên Sư phụ ngày ngày ra tháp vừa lạy vừa khóc, (tháp của Sư bà thượng Thể hạ Thanh hiện giờ vẫn ở khuôn viên chùa Diệu Đức, nơi đây cũng là trường Cơ Bản Phật Học Ni Viện Diệu Đức Tỉnh Thùa Thiên Huế) khóc đến nổi quý vị Ni Trưởng trong chùa không biết nguyên nhân vì sao mà tháp xây hoài mà vẫn cứ bị nứt. Nứt rồi lại trám, trám rồi lại nứt, mãi thì hơi nghi ngờ là do nguyên nhân Sư phụ chúng con thường thường ra tháp Sư bà thương khóc quá độ. Thường xuyên quán sát, nhưng đây là nguyên nhân chưa đáng tin, nên quý vị Ni trưởng trong chùa cũng thử xem nguyên nhân này có đúng sự thật không? Trong những lần thấy Sư phụ chúng con thương khóc nơi tháp như vậy bèn nhẹ nhàng đến khuyên bảo:

– Sư Minh Bảo đừng quá bi thảm thương khóc nhiều nữa, cố gắng vượt qua để cho thợ họ xây xong ngôi bảo tháp, không thôi xây lên mà cứ nứt hoài thì biết bao giờ cho xong!

Mặt dù vẫn không hết buồn thương vì lòng tôn kính, nhưng khi nghe quý vị Ni Trưởng khuyên, và để cho hoàn thành ngôi bảo tháp nên Sư phụ nén lại trong lòng, quả thật sau khi trám lại lần nữa thì ngôi bảo tháp của Sư bà lại sớm hoàn thành.Viết đến đây con đã rơi nước mắt vì nghĩ đến Thầy mình thì luôn hiếu thuận, còn chúng con thì căn tánh chưa thuần thục nên thường làm Thầy buồn. 

Trước khi viên tịch Sư bà di chúc lại với Sư  phụ chúng con rằng: Đời mạt pháp căn tánh chúng sanh khó thuần thục, vì vậy khi độ đệ tử  với pháp hiệu phải bắt đầu từ chữ “Thuần”  để họ là người phát tâm tu học giáo pháp biết  được căn cơ của mình mà lấy đó để điều chỉnh thân tâm.

Kính lạy Giác linh Sư bà! Tuy chúng không không có  thiện duyên diện kiến Người nhưng với ân đức sâu dày và sự di huấn của Người để lại chúng con cảm nhận  và thấm nhuần ân đức rộng lớn vô biên. Chúng con sẽ vô vàn trân trọng với Pháp hiệu mà Người đã di chúc lại bắt đầu từ chữ “Thuần” mà Sư Phụ chúng con đã dùng để đặt pháp hiệu cho chúng con. 

Hôm nay để cung kính tưởng ngày húy Nhật của Sư bà là như ngày nhớ đến cội nguồn tâm linh của chúng con, nơi phương xa lòng chúng con luôn luôn hướng về đảnh lễ, nơi cội nguồn tâm linh đầy yêu thương này của chúng con.

Nam Mô Lâm tế Pháp phái Tứ thập Tam thế  Tỳ-kheo-ni Bồ-Tát giới huý thượng Tâm hạ Ngọc hiệu Thể Thanh Giác linh Tôn Sư.          

            Thích Nữ Thuần Hải

            Thành kính đảnh lễ Giác linh Tôn Sư

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here