Khác với những xô bồ, ngột ngạt của đời sống, những vụ đâm chém giết người ngập tràn trên các trang báo mạng khiến chúng ta lo ngại về một thế hệ thanh niên sống không mục đích, không định hướng. Nhưng, có một khoảng lặng khác của cuộc sống, khi tôi tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ, họ sống chậm hơn và tích cực hơn. Chậm ở đây được hiểu là sống thiên về chất lượng, có cái gì đó gần như Thiền và Phật trong hai chữ sống chậm.
Cho và Nhận
Đối với nhiều người trẻ, sống chậm đã trở thành một lựa chọn của họ trong xã hội hiện đại. Không lên chùa, không mặc áo tu, không tụng kinh niệm Phật, nhưng họ giác ngộ Phật, không phải theo một thứ tôn giáo, mà thành một lối sống Phật giáo tích cực. Sống sâu hơn và biết tận hưởng từng khoảng khắc của đời sống.
Lâm, pháp danh là Viên Giác, một luật sư trong ngành ngân hàng, du học ở Pháp về. Cuộc sống của Lâm khá trọn vẹn và bình yên. Nhưng một biến cố trong gia đình, con trai anh bị tai nạn và nằm liệt khiến vợ chồng Lâm khủng hoảng. Trong lúc vô vọng, Lâm đã gặp đạo Phật. Giống như ánh sáng phía cuối đường hầm.
“Cú sốc trong đời sống khiến vợ chồng tôi điêu đứng. Tôi đã loay hoay tìm mọi phương cách chữa trị cho con. Và đạo Phật lúc đầu cũng chỉ là một phương cách để cứu con trai”. Lâm kể, cả gia đình anh đã mang con trai sang tận Nepal, gặp Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng là Phật sống trong truyền thống Phật Giáo Kim cương thừa. Truyền thống này cho phép Phật tử tại gia lập thành Tăng đoàn như tăng ni ở chùa.
“Từ hành trình đi tìm sự kỳ diệu ở bên ngoài, gia đình tôi đã tìm thấy sự kỳ diệu bên trong chính mỗi con người. Vợ chồng tôi không còn bi quan, tuyệt vọng mà biết đối diện với số phận và lý giải được những đau khổ của mình”.
Một người Tây học như Lâm, 8 năm sống và làm việc ở Phương Tây, sao Phật giáo có thể vào trong anh sâu như vậy. Viên giác cười: “Phật Giáo không hề xa lạ với Phương Tây, trong hành trình đi tìm bản thể của chính mình. Nhiều người hiểu, đạo Phật có nghĩa là đóng cửa và khoác áo tu, nói không với hôn nhân. Nhưng đó không phải là đóng cửa mà là sự thôi thúc từ thế giới bên trong, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là sự tỉnh thức, để làm những việc tốt đẹp cho mình và cho xã hội”.
Thực tế, vợ chồng Viên Giác không hề sống chậm. Ngoài công việc cơ quan với sự cống hiến hết mình, hàng đêm, cả hai vợ chồng dành quỹ thời gian ngắn ngủi cho việc dịch những cuốn sách liên quan đến Phật Pháp, với mong muốn, càng nhiều bạn trẻ đọc và hiểu, họ sẽ sống lành mạnh hơn. “Con người ta sống ân hưởng thực tại, cảm thấy hạnh phúc với từng giây phút của thực tại, tạo ra những giá trị sống tốt hơn”.
Nhưng tôi e ngại, liệu tư tưởng buông bỏ tham, sân, si của nhà Phật có triệt tiêu những khát vọng, tham vọng của tuổi trẻ. Bảo, trợ lý Giám đốc ngân hàng VIP ở Hà Nội chia sẻ: “Nhiều người hiểu nhầm, sống Thiền và theo đạo Phật là sao nhãng, bỏ bê những công việc hàng ngày. Nhưng thực tế, mình chỉ cắt bỏ những thời gian trước đây mình từng dùng để tiêu khiển như chơi game, đi bar, đi trà chanh… Tôi nhận ra, tôi không phải bỏ gì mà chỉ dùng thời gian một cách hiệu quả hơn thôi”.
Bảo sinh năm 1987, chưa lập gia đình. Mẹ Bảo theo Phật. Trước đây, Bảo rất ngại vào chùa. Và không nghĩ mình sẽ theo Phật, vì… mình còn trẻ. Năm 2010, Bảo đi Nepal cùng mẹ… Chỉ nghĩ là đi chơi. Nhưng cơ duyên đã khiến Bảo gặp được Đức Pháp Vương.
“Tôi thấy mình may mắn, vì tôi hiểu được những đạo lý của nhà Phật và áp dụng nó trong cuộc sống của mình, đi từ những cái nhỏ trong cuộc sống của mình, từ những cách ứng xử với mọi người. Niềm vui khi mình chia sẻ với người khác sẽ lớn hơn tự kỷ rất nhiều”.
Thay vì game online, những buổi la ca với bạn bè đốt thời gian, Bảo thường rủ bạn bè lên Tây Thiên, tham gia lao động xách gạch, xách vữa xây Bảo tháp, sống cùng nhà chùa. “Những lúc đó, tôi và các bạn thấy vui vì được xả stress và nạp thêm những nguồn năng lượng mới, được gần gụi với thiên nhiên. Và đời sống tâm hồn mình cũng phong phú hơn”.
Bảo giờ là thành viên tích cực của một đạo tràng ở Hà Nội, tham gia dịch sách và các hoạt động từ thiện. Thay vì phượt để rong chơi, Bảo kéo nhóm bạn đi làm từ thiện. “Bọn em không hề sống chậm. Thậm chí làm việc như điên. Ngoài việc cơ quan, lúc nào em cũng thức đến 2 – 3h sáng để dịch sách. Nhưng mình cảm thấy thú vị hơn với công việc mình làm, không bị cuộc sống và những cám dỗ vật chất cuốn đi”.
Với những thanh niên như Bảo, thì việc sống chậm chính là sự tập trung tối đa vào công việc đang làm. Biết rõ mình đang làm gì, giống như đang chạy xe trên đường, biết được đích đến và có hướng đi.
Ân hưởng từng khoảng khắc của đời sống
Điều tôi cảm nhận khi tiếp xúc với các bạn trẻ sống theo Phật, là sự an nhiên, tĩnh tại của họ. Không ồn ào, bon chen. Cuộc sống của họ gần như thay đổi hoàn toàn về chất, bởi họ biết sống sâu hơn trong thế giới nội tâm của mình và biết ân hưởng từng khoảng khắc của đời sống. Đó là niềm vui sướng. Là hạnh phúc. Câu chuyện của Trịnh Đức Vinh, chủ Khuê Trà nằm trong con phố Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội khá đặc biệt. Vinh không đến cửa Phật, không ăn chay, và cũng không mặc áo tu.
Vinh nói: “Đạo Phật với Vinh là một lối sống, nếu mình hiểu sâu sắc những giá trị căn bản của nó”. Sinh viên năm thứ 2 Đại học Ngoại thương, Vinh bị ốm nặng. Trong những ngày mờ mịt đó, Vinh thấy bi quan, tuyệt vọng. Vô tình, Vinh bắt gặp những cuốn sách triết học trong nhà của một người chú. Vinh đọc. Việc đọc và hiểu đạo Phật đã làm thay đổi toàn bộ nhân sinh quan của chàng trai trẻ này. Vinh từ bỏ khát vọng làm giàu cho bản thân, mà lặng lẽ làm những công việc anh yêu thích.
Năm 2010, Vinh với sự hỗ trợ của bạn bè đã xây dựng được một thư viện tại Chùa Linh Thông – Phố Quan Nhân – Hà Nội. Thư viện có hàng trăm đầu sách với hơn 250 người đọc thường xuyên. Vinh nói: “Tôi muốn mọi người thoát ra khỏi sự lệ thuộc của một tôn giáo, mà sống tốt hơn, từ trong chính bản thân mình. Biết bỏ đi những tham vọng xấu, để năng lượng làm những công việc có ích cho cuộc sống”.
Vinh cùng nhóm bạn mở Khuê Trà, với một không gian mang đậm chất Thiền và mọi người có thể tìm được sự tĩnh tâm khi ngồi đây. Để được bình an – Sáng suốt, thương yêu và từ bi.
Nhiều người đã ứng dụng những tư tưởng của Phật giáo và Thiền vào trong công việc của mình. Họ sống thiện lành hơn. Thủy, sinh năm 1987, là giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội. Trước khi gặp tôi, Thủy vừa xong kỳ nhập thất. Nhìn Thủy thật nhẹ nhõm, thư thái. Mỗi năm, Thủy nhập thất một lần, chừng 3 đến 7 ngày. Những lúc đó, Thủy tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Tĩnh tâm và Thiền.
“Tôi đến với đạo Phật trước hết bằng con mắt rất thực dụng, lúc đó, tôi mất niềm tin và cảm thấy đau khổ. Cuộc sống cứ như một hình sin, đôi khi tôi thấy hoang mang, không biết mình đang ở đâu, đang làm gì, thế nên, tôi luôn bị trầm cảm, bế tắc. Sau một năm tu tập, tôi đã hiểu được phần nào những căn nguyên của đời sống, biết sống vì mọi người hơn. Ngày xưa, tôi thường bám chặt vào một điều gì đó để sống nhưng bây giờ, tôi buông bỏ hết”.
Với Thủy, Thiền đươc ứng dụng trong cuộc sống. Thiền trong đi, trong chính từng câu chuyện Thủy truyền dạy cho học sinh về kỹ năng sống, mang những triết lý sống vào việc dạy học trò như lòng nhân ái, tình yêu thương.
Sống chậm cùng Phật và Thiền, giúp chúng ta sống sâu hơn, giàu có hơn về cuộc sống tinh thần. Và chắc hẳn, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Tại sao không???
Nhà điêu khắc Lương Xuân Thanh Ngày nay, ai cũng hô hào sống biết đủ, nhưng thực tế, họ lại không định lượng được rằng, thế nào là đủ. Với Phật và Thiền, đã chỉ rõ những sai lầm của con người, những tham sân si do chính mình gây ra những đau khổ cho mình. Trước đây, tôi cũng sống lang bạt, kiếm được tiền chỉ ăn chơi, đàn đúm bạn bè. Thích một món đồ chẳng hạn, thì mua bằng được rồi vứt đi cả đống tiền, rất lãng phí. Do lòng tham. Còn bây giờ, tôi biết dừng lại, và biết mình được hạnh phúc. Hàng ngày tôi vẫn lao động quần quật, thiền khiến cho tôi tập trung vào công việc một cách tối đa, không bị phân tán bởi những râu ria xung quanh. Mình dồn hết tâm sức cho nó, thiền ngay trong việc nặn tượng và không đặt kinh tế lên hàng đầu nữa. Nhà báo Đỗ Huyền Tôi bỗng dưng quy y vào cuối năm 2011. Nói “bỗng dưng” vì tôi đến Pháp hội chỉ vì tò mò muốn được diện kiến một bậc thầy trẻ tuổi từ Buhttan tới. Chưa có ý định quy y nhưng duyên đến thì mình nhận. Hơn một năm tu học Phật Pháp là quãng thời gian quá ngắn ngủi để nói nhiều tới sự thay đổi hay giác ngộ. Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời mà! Tôi thấy mình vẫn còn đủ thứ tham, sân, si của người đời.
Điều thay đổi lớn nhất, đó là cảm nhận rõ ràng và thường trực về một tiếng nói khác từ bên trong mình, luôn vang lên nhắc nhở mỗi khi mình có một việc làm xấu, một ý nghĩ tiêu cực. Tiếng nói ấy có thể chưa đủ sức mạnh để mình từ bỏ hoàn toàn cái xấu, cái tiêu cực, nhưng chí ít, khiến mình ngần ngại trước sự tham, sân, si của chính mình. Trước đây, tôi luôn nghĩ việc được làm một con người bình thường là chuyện tất nhiên, thậm chí còn thấy buồn vì mình không được thông minh xuất sắc hay xinh đẹp gì cho lắm. Những bài học đầu tiên dành cho một Phật tử đã dạy tôi rằng chỉ riêng việc có được một cơ thể khỏe mạnh, một trí tuệ bình thường để làm mọi việc cho bản thân và cho những người mình yêu quý đã là một may mắn lớn. Thấy mình may mắn rồi thì cũng ít đòi hỏi hơn. Tâm lý bi quan, than thân trách phận, oán trách, đố kị cũng dần dần ít đi. Cuộc sống nhờ thế mà nhẹ nhõm! Nhiều người tu tập thường đặt cho mình mục tiêu và khát vọng giải thoát trong đời này hay đời sau. Tôi thì không mong nguyện xa xôi đến vậy, tôi trân quý từng phút giây bình an của cuộc sống hiện tại. Nếu như ta cứ giữ cho tâm mình được nhẹ nhõm, làm được nhiều việc thiện thì sớm hay muộn, bất cứ nơi nào ta sống cũng chính là Niết bàn. |
(CAND)